Tài liệu tuyên truyền

Xem với cỡ chữ Tương phản

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi

Th 3, 07/01/2020 | 15:02 CH

Ngày 06/01/2020, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh xin đăng toàn văn Đề cương.

Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh dâng hoa chúc mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (ảnh minh họa)

 

ĐẢNG BỘ TỈNH QUẢNG NGÃI RA ĐỜI, CÙNG NHÂN DÂN CẢ NƯỚC KHÁNG CHIẾN

CHỐNG THỰC DÂN PHÁP, ĐẾ QUỐC MỸ,  XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC

-----

I. SỰ RA ĐỜI CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH QUẢNG NGÃI

1. Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi

Từ những năm 20 của thế kỷ XX, bằng sự mẫn cảm chính trị, nhiều thanh niên, trí thức yêu nước và các tổ chức Công ái xã, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Ngãi đã tiếp thu đường lối cứu nước do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá vào Việt Nam để tuyên truyền trong các phong trào yêu nước của tỉnh. Đến tháng 7/1929, tổ chức Dự bị Cộng sản, tiền thân của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi được thành lập. Sự ra đời của tổ chức Dự bị Cộng sản ở Quảng Ngãi thể hiện sự sáng tạo trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của tỉnh nhà.

Cũng thời điểm này, ở nước ta có đến ba tổ chức cộng sản cùng hoạt động (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn), tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng. Vì vậy, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đại diện Quốc tế Cộng sản triệu tập Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản, để thành một tổ chức đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 02/1930), tại Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc. Hội nghị đã thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 3/1930, sau khi bắt liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Nghiêm triệu tập Hội nghị gồm đại biểu các huyện và một số đồng chí đang hoạt động ở Nam Bộ về làng Tân Hội (xã Phổ Phong, Đức Phổ) để truyền đạt chủ trương thống nhất Đảng trong toàn quốc và tuyên bố chính thức thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Cộng sản Quảng Ngãi; chỉ đạo chuyển những chi bộ Dự bị Cộng sản thành những chi bộ Cộng sản. Hội nghị bầu ra Tỉnh ủy lâm thời, gồm các đồng chí Nguyễn Nghiêm, Phạm Viết My, Trần Hàm,Trần Thị Hiệp, Nguyễn Tín, do đồng chí Nguyễn Nghiêm làm Bí thư.

2. Ý nghĩa sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi

- Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi là sự kiện chính trị đánh dấu bước chuyển biến rất cơ bản của phong trào cách mạng ở các địa phương trong tỉnh, là kết quả tất yếu quá trình đấu tranh cách mạng bền bỉ, tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân và các chiến sĩ cộng sản tỉnh Quảng Ngãi.

- Mở ra thời kỳ mới của phong trào cách mạng toàn tỉnh, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo cách mạng. Từ đây, cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân Quảng Ngãi đều có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của một tổ chức cách mạng tiên phong đó là Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi. Ngay từ khi mới được thành lập, Đảng bộ đã trực tiếp lãnh đạo, phát động quần chúng đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp và tay sai và giành được những thắng lợi quan trọng.

II. ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN TOÀN TỈNH ĐẤU TRANH GIÀNH CHÍNH QUYỀN GIAI ĐOẠN 1930 - 1945

Trong giai đoạn 1930 - 1945, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực; xóa bỏ bất công áp bức, bóc lột; giành chính quyền về tay nhân dân.

 Trong cao trào 1930 - 1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi đã diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt đều khắp trong tỉnh, được Thường vụ Trung ương Đảng đánh giá là mạnh nhất trong phía Nam Trung Kỳ, mà đỉnh cao là cuộc biểu tình chiếm huyện đường của 5.000 nông dân huyện Đức Phổ ngày 8/10/1930.

Những năm 1932 - 1935, mặc dù phong trào cách mạng trong cả nước  nói chung, Quảng Ngãi nói riêng tạm thời lắng xuống do thực dân Pháp đàn áp đẫm máu. Trong hoàn cảnh bị địch đàn áp, khủng bố quyết liệt, các đảng viên của Đảng bộ đã mưu trí, khôn khéo, sáng tạo, tìm cách kết nối, khôi phục phong trào cách mạng, bầu Ban cán sự Trung Nam của Xứ ủy Trung Kỳ để thống nhất lãnh đạo phong trào cách mạng các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa. Nhờ vậy, lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục được khơi dậy mạnh mẽ; các tổ chức đảng trong tỉnh được củng cố và có bước phát triển.

 Trong phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ những năm 1936 - 1939, Đảng bộ đã tổ chức nhiều hình thức tập hợp, vận động quần chúng đấu tranh công khai, bán công khai với kẻ thù. Cuộc vận động Đông Dương Đại hội, đón tiếp Gôđa và Toàn quyền Brêviê... là những sự kiện lớn của cách mạng Quảng Ngãi, góp phần quan trọng thúc đẩy cao trào đấu tranh đòi  quyền dân sinh, dân chủ, hòa bình do Đảng lãnh đạo giành thắng lợi.

Trong cao trào cách mạng 1939 - 1945, Đảng bộ đã kịp thời đề ra chủ trương và hành động cách mạng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn. Từ trong các nhà lao, căng an trí của địch, đội ngũ đảng viên của Đảng bộ đang bị địch giam cầm đã nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, phát động nhân dân làm nên cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (11/03/1945); xây dựng Đội du kích Ba Tơ đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh là một trong những lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong giai đoạn lịch sử này, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi trở thành trung tâm của phong trào cách mạng các tỉnh Nam Trung Bộ.

III. ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN TRONG TỈNH CÙNG CẢ NƯỚC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945 -1954)

Trong Cách mạng Tháng 8/1945, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí quyết tâm cao, Đảng bộ đã kịp thời chớp thời cơ phát động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Cuộc khởi nghĩa diễn ra từ chiều ngày 14 đến đêm 16/8/1945, giành thắng lợi hoàn toàn. Với thắng lợi đó, Quảng Ngãi trở thành một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8/1945.

Vừa mới giành được chính quyền, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi lại cùng nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954). Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, quân và dân Quảng Ngãi đã hoàn thành xuất sắc, nhiệm vụ do Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó. Đó là: xây dựng các tổ chức chính trị; củng cố chính quyền nhân dân; bảo vệ vững chắc vùng tự do, chi viện sức người, sức của cho các tỉnh thuộc Liên khu V, Tây Nguyên, Nam bộ; làm nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào và Campuchia; Xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, góp phần cùng cả nước hoàn thành công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1954.

IV. ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN TRONG TỈNH KHÁNG CHIẾN CHỐNG ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC GIẢI PHÓNG QUÊ HƯƠNG (1954 - 1975)

Trong những năm 1954 - 1959, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, bền bỉ đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ; chống chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, bảo tồn lực lượng cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang… Đặc biệt, đã lãnh đạo thắng lợi cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (tháng 8/1959), lật đổ chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập chính quyền cách mạng ở cơ sở và cấp huyện trên một vùng giải phóng rộng lớn  của miền Tây Quảng Ngãi.

Từ những năm 1960 trở đi, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ phong trào cách mạng trong tỉnh được mở rộng, chuyển mạnh xuống đồng bằng và đô thị; phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh trên khắp ba vùng: Miền núi - Đồng bằng - Đô thị. Thực hiện phương châm "hai chân, ba mũi" giáp công, Đảng bộ, quân và dân Quảng Ngãi cùng với nhân dân toàn miền Nam đã làm thất bại quốc sách ấp chiến lược của Chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ. Đặc biệt, quân và dân Quảng Ngãi đã phối hợp với lực lượng vũ trang Quân khu V làm nên chiến thắng Ba Gia oanh liệt (ngày 31/5/1965), một mốc son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Chiến thắng Ba Gia đánh dấu sự thất bại hoàn toàn chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ - ngụy trên chiến trường miền Nam.

Năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược "Chiến tranh cục bộ", ồ ạt đưa quân Mỹ và quân chư hầu vào miền Nam Việt Nam. Đứng ở vị trí yết hầu phía Nam Chu Lai - căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ - ngụy, quân và dân Quảng Ngãi đã lập "Vành đai diệt Mỹ" để tiêu hao, tiêu diệt sinh lực, phá hủy phương tiện chiến tranh của Mỹ - ngụy trong căn cứ; đồng thời thiết kế trận địa ngăn chặn và đánh địch nống lấn ra ngoài, bảo vệ vùng giải phóng. Đây là một hình thức phát triển cao của cuộc chiến tranh nhân dân. Ngày 18/8/1965 quân và dân Quảng Ngãi cùng lực lượng vũ trang Quân khu V đã bẻ gãy cuộc hành quân Ánh sáng sao (Starlite) của Mỹ vào Vạn Tường. Chiến thắng Vạn Tường được ví như "trận Xtalingrát trong Chiến tranh thế giới thứ hai" đánh bại lực lượng thủy quân lục chiến tinh nhuệ, biểu tượng của cái gọi là "sức mạnh Hoa Kỳ". Từ chiến thắng Vạn Tường, cao trào đấu tranh vũ trang, chính trị và binh địch vận ở Quảng Ngãi phát triển liên tục và mạnh mẽ. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, quân và dân Quảng Ngãi đã đồng loạt tiến công vào thị xã, thị trấn, chi khu, quận lỵ trong tỉnh, gây cho Mỹ - ngụy nhiều tổn thất nặng nề, góp phần làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và đàm phán với ta tại Pari.

Năm 1969, mặc dù bị thất bại nặng nề, buộc phải rút dần quân Mỹ về nước, nhưng đế quốc Mỹ vẫn chưa từ bỏ âm mưu xâm lược chia cắt lâu dài đất nước ta, lại ra sức tăng cường ngụy quân, củng cố ngụy quyền, thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh". Kết hợp chiến tranh hủy diệt với chiến tranh giành dân và chiến tranh bóp nghẹt, chúng đã tiến hành hàng loạt chiến dịch "bình định nông thôn", gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất. Trước tình hình đó, Đảng bộ tỉnh chủ trương "Đảng bám dân, dân bám đất, bộ đội và du kích bám địch, cấp trên bám cấp dưới", với khẩu hiệu "Một tấc không đi, một ly không rời",  kiên trì bám trụ, chịu đựng huy sinh gian khổ vừa chiến đấu, vừa củng cố và phát triển thực lực cách mạng, từng bước giành lại thế chủ động trên chiến trường. Năm 1972 phối hợp với chiến trường toàn miền Nam, quân và dân Quảng Ngãi mở cuộc tiến công chiến lược trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng quân và dân toàn miền Nam đánh bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", buộc Mỹ - ngụy phải ký Hiệp định Pari, rút hết quân Mỹ, quân chư hầu về nước.

Từ cuối năm 1974, khi thời cơ giải phóng miền Nam xuất hiện, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi đã nắm chắc và triển khai thực hiện phương châm "hai chân, ba mũi" giáp công, chủ động tiến công địch, giải phóng tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 24/3/1975, đồng thời đóng góp sức người, sức của cùng cả nước giành thắng lợi trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày 30/4/1975.

V. ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN TRONG TỈNH THỰC HIỆN HAI NHIỆM VỤ CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TỪ 1975 ĐẾN NAY

Sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, quân và dân trong tỉnh tập trung trí lực, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo và phát triển kinh tế - xã hội; từng bước tháo gỡ khó khăn, tìm tòi mô hình phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tham gia chiến đấu giữ vững biên giới Tây Nam Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế giúp bạn Campuchia thoát khỏi vụ diệt chủng Khmer Đỏ.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước năm 1986 đến nay do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo Đảng bộ đã lãnh đạo thực hiện toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt nhiều thành tựu, tạo cơ sở vật chất cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hội nhập quốc tế của tỉnh.

 Đặc biệt sau 30 năm tái lập (01/7/1989 - 01/7/2019), tỉnh Quảng Ngãi đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, tiềm lực kinh tế - xã hội được tăng cường, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Trải qua các kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh đề ra nhiều chủ trương, giải pháp toàn diện; trong đó, có những chủ trương mang tính đột phá, mở đường cho kinh tế - xã hội phát triển, đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh nghèo, thuần nông với cơ cấu nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng 55,68%, công nghiệp - xây dựng chiếm 16,52% và dịch vụ chiếm 27,8%, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, thu nhập bình quân đầu người thấp,… trở thành tỉnh cơ bản thoát ra khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển. GRDP bình quân đầu người tỉnh Quảng Ngãi năm 2019 ước đạt 2.710 USD; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa: công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng 53,44%; dịch vụ 30,34%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 16,22%; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng, vị thế  của tỉnh ngày càng được nâng cao, tạo thế và lực mới để đẩy mạnh phát triển và hội nhập. Chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo được quan tâm thực hiện có hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đến năm 2019, ước tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,79%, trong đó, miền núi giảm còn 25,96% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 – 2020). Quốc phòng - an ninh được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhìn lại chặn đường 90 năm thành lập, phấn đấu bềnh bỉ, Đảng bộ Quảng Ngãi đã có những bước trưởng thành về mọi mặt. Khi thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên của Quảng Ngãi, số đảng viên rất ít; sau 90 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã có 19 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 906 tổ chức cơ sở đảng (trong đó có 596 chi bộ cơ sở và 310 đảng bộ cơ sở), 11 Đảng bộ bộ phận, 2.719 Chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở, 52.939 đảng viên. Trong 90 năm qua (với 19 kỳ đại hội), Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã lãnh đạo, chỉ đạo Nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, đoàn kết một lòng, cùng nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và trong sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà đã đạt nhiều thành tựu khá toàn diện.

Những thành quả đạt được trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc 1930 – 1975, cùng những thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng từ 1975 đến nay, có thể khẳng định, trong 90 năm qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị trước mọi biến động; kiên định niềm tin sắt đá vào lý tưởng cộng sản; phát huy mạnh mẽ tinh thần cách mạng tiến công và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Chặng đường 90 năm xây dựng và trưởng thành là một quá trình không ngừng nâng tầm về trí tuệ, bản lĩnh chính trị và sự đoàn kết, gắn bó máu thịt của Đảng bộ với nhân dân.

Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng bộ Quảng Ngãi là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang và khẳng định những thành tựu to lớn đã đạt được. Đây là dịp để các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân tỉnh Quảng Ngãi phát huy truyền thống, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp thiết thực trí tuệ và sức lực vào công cuộc xây dựng quê hương Quảng Ngãi ngày càng giàu đẹp, văn minh.

                                                              BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY