Tài liệu tuyên truyền

Xem với cỡ chữ Tương phản

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Ngày Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (28/8/1959 – 28/8/2019)

Th 5, 01/08/2019 | 16:07 CH

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Ngày Khởi nghĩa Trà Bồng  và miền Tây Quảng Ngãi (28/8/1959 – 28/8/2019). Cổng TTĐT trân trọng giới thiệu toàn văn Đề cương.

ĐỀ CƯƠNG

Tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Ngày Khởi nghĩa Trà Bồng

và miền Tây Quảng Ngãi (28/8/1959 – 28/8/2019)

---

Tháng 8 năm 1959, tại huyện Trà Bồng, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và cấp ủy huyện Trà Bồng, nhân dân các địa phương trong huyện đã đồng loạt nổi dậy chống lại ách thống trị của chính quyền Sài Gòn. Từ Trà Bồng, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan ra các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long..., bộ máy chính quyền Sài Gòn ở địa phương bị phá bỏ, chính quyền cách mạng được thành lập. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi có ý nghĩa lịch sử to lớn, mở đầu thời kỳ đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, góp phần đẩy mạnh cao trào khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền ở địa phương của nhân dân miền Nam những năm 1959 – 1960.

Sáu mươi năm đã đi qua, cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi đi vào lịch sử, mãi mãi là một trong những mốc son chói lọi trong sự nghiệp chống ngoại xâm, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, góp phần làm rạng rỡ truyền thống quê hương núi Ấn, sông Trà.

I. Bối cảnh lịch sử và diễn biến của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Theo Hiệp định, nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền: miền Bắc từ Vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị) trở ra hoàn toàn được giải phóng; miền miền Nam từ Vĩ tuyến 17 trở vào tạm thời giao cho đối phương quản lý, đến giữa năm 1956, hai miền thực hiện hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà.

Trước Hiệp định Giơnevơ, Quảng Ngãi là tỉnh trong vùng tự do, hậu phương trong kháng chiến chống thực dân Pháp của Liên khu V, có đội ngũ cán bộ, đảng viên đông đảo và phong trào quần chúng lớn mạnh. Nhân dân trong tỉnh có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất. Sau Hiệp định,  thế và lực của phong trào cách mạng thay đổi to lớn và đột ngột, từ có chính quyền, có cơ sở đều khắp, có đảng bộ vững mạnh, ta buộc phải bàn giao cho đối phương quản lý, chuyển quân tập kết ra miền Bắc; từ đấu tranh vũ trang, hoạt động công khai chuyển sang đấu tranh chính trị và hoạt động bí mật. Đó là bước ngoặt lớn, làm đảo lộn đời sống chính trị, xã hội của nhân dân miền Tây Quảng Ngãi cũng như của nhân dân Quảng Ngãi và nhân dân miền Nam lúc bấy giờ.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Mỹ hất cẳng Pháp, trực tiếp xâm lược Việt Nam. Để thực hiện âm mưu của mình, một nội các bù nhìn thân Mỹ được thành lập do Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng, kiêm Tổng trưởng Quốc phòng. Ngày 08-9-1954, Mỹ thành lập Hiệp ước Đông Nam Á, đặt miền Nam Việt Nam, Lào, Campuchia trong ô bảo hộ của Mỹ. Tháng 4-1955, Mỹ đưa các đoàn cố vấn quân sự vào miền Nam. Âm mưu của Mỹ là tiêu diệt phong trào yêu nước của nhân dân ta, thôn tính miền Nam, chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, lấy miền Nam làm căn cứ tiến công miền Bắc, lập phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa xã hội tràn xuống Đông Nam Á.

Trong bối cảnh đó, từ cuối năm 1954 đến năm 1958, tình hình cách mạng tỉnh Quảng Ngãi gặp rất nhiều khó khăn. Mỹ - Diệm tập trung khủng bố tàn khốc phong trào cách mạng, gây nhiều tổn thất cho đồng bào ta. Thời kỳ cách mạng mới với những nhiệm vụ vô cùng nặng nề, khó khăn, phức tạp đặt Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi trước những thử thách cực kỳ to lớn.

Trên địa bàn tỉnh, Mỹ - Diệm áp dụng các biện pháp đánh phá riêng cho từng vùng: miền núi là vùng đánh phá trọng điểm, chúng dùng lực lượng quân sự, chủ yếu là Sư đoàn 25 kết hợp với lính bảo an, địa phương quân mở những cuộc hành quân, càn quét lớn; chúng tiến hành thanh lọc chính quyền ở thôn xóm, gạt những người không theo chúng ra khỏi bộ máy, bắt và thủ tiêu cán bộ cách mạng, gây hận thù giữa người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, chúng mua chuộc một số cà rá (tù trưởng, già làng); áp dụng chính sách dùng người dân tộc trị người dân tộc để đánh phá phong trào cách mạng. Ở vùng tranh chấp (giáp ranh), chúng dùng lực lượng bảo an, dân vệ hoạt động ráo riết ngày đêm, phục bắt cán bộ, đánh phá cơ sở. Ở vùng kiểm soát, địch tăng cường các hình thức kìm kẹp, khống chế nhân dân, thực hiện chính sách "tố cộng”, “diệt cộng".

Để đưa phong trào cách mạng tiến lên, năm 1958, Khu ủy Khu V chủ trương xây dựng căn cứ địa, tích cực khôi phục và phát triển cơ sở, tiến tới diệt ác có trọng điểm ở đồng bằng. Thực hiện chủ trương của Khu ủy Khu V, tháng 02-1958, tại trung tâm khu căn cứ Di Ngâu, xã Trà Trung, huyện Trà Bồng, Tỉnh ủy họp bàn chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang.

Ngày 20-5-1958, tại xã Trà Phú, huyện Trà Bồng, Tỉnh ủy họp để nghe ý kiến của Khu ủy và bàn kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang, bổ sung kế hoạch củng cố căn cứ địa. Ban Quân sự Tỉnh ủy được thành lập do đồng chí Phạm Thanh Biền – Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban.

Ngày 22-6-1958, Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị cán bộ toàn miền Tây tại Làng Búp, xã Trà Phong, huyện Trà Bồng để phổ biến nghị quyết của Hội nghị Tỉnh ủy về vấn đề chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang.

Ngày 07-7-1958, tại Gò Rô, huyện Trà Bồng (nay thuộc xã Trà Phong, huyện Tây Trà), Tỉnh ủy tổ chức Đại hội đại biểu nhân dân các dân tộc miền Tây Quảng Ngãi, bàn về việc đoàn kết các dân tộc, chuẩn bị đánh Mỹ - Diệm. Đại hội Gò Rô là "Hội nghị Diên Hồng" trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Quảng Ngãi. Tại Đại hội này, đồng chí Phạm Thanh Biền, Phó Bí thư Tỉnh ủy trao cho Đại hội lá cờ thêu dòng chữ "Suốt đời đi theo Bác Hồ làm cách mạng". Sau Đại hội, đồng bào các dân tộc miền Tây Quảng Ngãi khẩn trương củng cố, xây dựng các căn cứ, tích trữ lương thực, tìm đào vũ khí được chôn trước khi đi tập kết, sẵn sàng chờ ý kiến cấp trên. Ở các huyện đồng bằng như Bình Sơn, Sơn Tịnh,… các đội công tác tích cực hoạt động tuyên truyền, kêu gọi quần chúng đấu tranh, trừ khử những tên ác ôn khét tiếng, vận động thanh niên thoát ly lên núi tham gia lực lượng cách mạng.

Tháng 01-1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II ra Nghị quyết khẳng định: "Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân... Con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân". Nghị quyết 15 giúp lãnh đạo tỉnh nhận thức sâu sắc về mối quan hệ, tác động giữa phong trào ở địa phương với toàn quốc, giữa Việt Nam với quốc tế, làm sáng tỏ nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của cách mạng Việt Nam ở miền Nam, cũng như phương pháp cách mạng và sách lược cách mạng của Đảng ta.

Được sự đồng ý của Khu ủy Khu V, ngày 03-3-1959, tại một địa điểm giữa hai thôn Nước Xoay và Cà Nung, xã Trà Thọ, huyện Trà Bồng (nay thuộc huyện Tây Trà), đơn vị vũ trang đầu tiên của Quảng Ngãi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, phiên hiệu 339 được thành lập. Ngày 19-8-1959, tại thôn Tà Ngôm, xã Sơn Lập, Sơn Hà, Tỉnh ủy thành lập đơn vị vũ trang thứ hai mang phiên hiệu 89. Khi cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây nổ ra, Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập đơn vị vũ trang thứ ba mang phiên hiệu 299, tại thôn Gọi Lát (còn gọi là ngã ba Nước Giáp) thuộc huyện Minh Long, giáp ranh ba huyện Minh Long, Sơn Hà và Ba Tơ. Đây là ba đơn vị vũ trang đầu tiên của Khu V trong kháng chiến chống Mỹ. Đến cuối năm 1959, tỉnh thành lập đơn vị vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ, mang phiên hiệu V.9[1]. Ngày 12-12-1959, đơn vị đặc công đầu tiên của tỉnh ra đời, mang phiên hiệu V.12[2]

Về phía địch, Mỹ - Diệm ra sức tuyên truyền, chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội bù nhìn. Mưu đồ của chúng là tổ chức cuộc bầu cử thắng lợi sẽ đánh bật ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản. Tại miền Tây Quảng Ngãi, địch dùng Sư đoàn 22 càn quét, đánh phá ác liệt, bắt nhân dân phải đi bỏ phiếu.

Tháng 6-1959, Tỉnh ủy Quảng Ngãi triệu tập hội nghị mở rộng để học tập, bàn kế hoạch, biện pháp thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương, chủ trương phá tan cuộc bầu cử của địch với các mức độ: miền núi kiên quyết tẩy chay cuộc bầu cử; đồng bằng kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang để phá bầu cử, nếu bị ép buộc phải đi bỏ phiếu thì bỏ phiếu trắng, đồng thời sử dụng các tổ, đội vũ trang đánh vào trụ sở bầu cử, gây rối loạn, tạo cớ để nhân dân tẩy chay bầu cử; riêng vùng cao các huyện Sơn Hà, Trà Bồng kiên quyết không để địch tổ chức bầu cử, nếu bị đàn áp thì phát động quần chúng vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 23-8-1959, địch điều quân lên Trà Bồng, vây ráp các xã và cưỡng bức đồng bào đi học tập bầu cử. Gần đến ngày bầu cử, đồng bào các xã Trà Thủy, Trà Giang tổ chức biểu tình chống Diệm. Địch đe dọa bắn chết, đốt nhà những ai không đi bỏ phiếu. Nhân dân kiên quyết tẩy chay, bỏ nhà vào rừng thực hiện bất hợp tác với địch. Chông, thò được cắm ở các ngả đường.

Ngày 26-8-1959, địch đến xóm Rừng, xã Trà Lãnh, đồng bào các thôn, nóc bí mật cắm chông nơi đóng quân của địch, rồi phóng lửa đốt. Địch phát hiện, hốt hoảng chạy qua Trà Phong, bị ta đánh, chúng lại chạy về Eo Chim.

Ngày 27-8-1959, địch lên Trà Phong, gặp lúc thanh niên trong xã đang đào hầm, địch đánh úp, bắn chết một người và làm bị thương hai người. Tin địch giết người lan rộng khắp huyện Trà Bồng, thổi bùng ngọn lửa căm thù bấy lâu nay đang dồn nén trong lòng nhân dân.

Ngày 28-8-1959, từ mờ sáng, tiếng chiêng cồng, tiếng trống mõ, tiếng thanh viện, tiếng la hét hòa trong tiếng súng từ các làng nổi lên vang dậy khắp núi rừng Trà Bồng, thúc giục đồng bào xuống đường, vây diệt ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền. Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi bùng nổ. Nhân dân và lực lượng thanh niên vũ trang các xã Trà Phong, Trà Lãnh, Trà Quân, Trà Sơn, Trà Nham, Trà Khê đồng loạt nổi dậy, vây diệt bọn cảnh sát ác ôn, uy hiếp tinh thần binh lính địch. Vùng cao Trà Bồng bừng bừng khí thế quật khởi, lính địch hốt hoảng trốn vào các thôn, nóc, liền bị ta bao vây, gọi hàng, bắt sống. Những tên ngoan cố phá vây, chạy về Eo Chim và quận lỵ bị các đơn vị vũ trang, các đội du kích với các loại vũ khí tự trang bị như súng, tên, ná, mã tấu, dây trói tù binh bí mật tiến đánh, quân địch tiếp tục tháo chạy. Các đơn vị vũ trang, các đội du kích cùng với nhân dân cắm chông, cài bẫy, rào đường... Địch ở hai đồn Đá Líp, Tà Lạt khiếp sợ, bỏ cả đồn và hòm phiếu, chạy về quận lỵ. Bộ máy kìm kẹp của địch ở cơ sở bị đập tan. Các thùng phiếu bị phá bỏ.

Chiều ngày 28-8-1959, nhân dân và lực lượng vũ trang truy lùng bọn ác ôn còn lẩn trốn, đập phá các trụ sở ngụy quyền. Trước khí thế xung thiên của quần chúng cách mạng, địch bỏ đồn Tầm Rung và Nước Vọt. Toàn huyện Trà Bồng, địch chỉ còn đóng ở ba nơi: Eo Chim, Eo Reo, quận lỵ. Ngày 29-8, nhân dân và du kích vây Eo Chim và Eo Reo, phá nguồn nước uống, bắn tên tẩm thuốc độc vào đồn. Ngày 30-8, một đại đội địch đến giải vây cho Eo Chim, đơn vị 339 và các nhóm vũ trang đánh địch, diệt 9 tên, thu giữ 6 khẩu súng. Đêm 30 rạng sáng ngày 31-8, lực lượng khởi nghĩa bao vây đốt lửa quanh đồn, đánh chiêng, trống, thổi tù và uy hiếp địch. Đến trưa ngày 31-8, ta chiếm được Eo Chim, Eo Reo. Đồng bào nổi dậy xóa bỏ các hình thức kìm kẹp của địch ở xung quanh quận lỵ. Trước khí thế của cách mạng, tên quận trưởng và quận phó Trà Bồng trốn chạy về tỉnh lỵ Quảng Ngãi. Bộ máy ngụy quyền của địch ở Trà Bồng hoàn toàn bị tê liệt. Toàn huyện Trà Bồng được giải phóng. Chính quyền cách mạng ở các xã được thành lập.

Cuộc khởi nghĩa ở Trà Bồng lan nhanh đến các huyện Sơn Hà, gồm cả khu Bảy (Sơn Tây ngày nay), Ba Tơ, Minh Long.

 Di tích đồn Eo Chim (xã Trà Lãnh)

Di tích đồn Eo Chim (ảnh BQNĐT)

Tại khu Bảy, lính địch ở hai đồn Huy Măng và Bãi Màu bắt ép cử tri phải xuống tận quận lỵ Sơn Hà, cách hai ngày đường đi bộ, để bỏ phiếu bầu cử. Được sự lãnh đạo của Ban cán sự, các xã trưởng (do ta bố trí) cùng nhân dân đấu tranh chống lại, chỉ một số rất ít người ở gần đồn phải đi cho có lệ, còn đại đa số nhân dân ra rẫy, vào rừng không đi bầu cử. Thanh niên các trại bí mật, các tổ du kích cắm chông, gài bẫy khắp nơi và chuẩn bị lực lượng đánh trả địch nếu chúng lùng ráp, khủng bố.

Ngày 30-8-1959, không thấy cử tri các xã vùng cao về quận bỏ phiếu, lại được tin nhân dân Trà Bồng khởi nghĩa, ngụy quyền Sơn Hà điều một đại đội từ quận lỵ lên khu Bảy cùng quân đồn trú tại hai đồn Huy Măng và Bãi Màu khủng bố, đàn áp nhân dân. Ngày 31-8, địch vừa đến xóm Anh Thiết, Sơn Long thì một số tên bị sa bẫy chông, thò. Số còn lại hốt hoảng chạy tán loạn, càng chạy, chúng càng bị xóc chông, thò nhiều hơn. Địch phải khiêng số lính chết và bị thương kéo chạy về quận lỵ Sơn Hà.

Ban cán sự Đảng khu Bảy nhanh chóng lãnh đạo nhân dân đồng loạt nổi dậy, tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, giành quyền làm chủ, triển khai đội hình chuẩn bị chiến đấu chống địch phản kích. Số lính địch ở hai đồn Huy Măng và Bãi Màu bị quần chúng bao vây, cô lập.

Ngày 05-9-1959, địch từ quận lỵ Sơn Hà kéo lên càn quét, đánh phá khu Bảy, nhân dân thực hiện chiến thuật vườn không nhà trống, lực lượng vũ trang bố trí lực lượng phục kích trên tất cả các ngả đường, vừa tấn công, vừa kêu gọi địch đầu hàng, cắt đường tiếp tế lương thực. Nhân dân nổi tù và, trống, mõ làm thanh viện uy hiếp địch. Bọn địch ở hai đồn rối loạn, hoảng hốt, bỏ đồn tháo chạy về quận lỵ Sơn Hà. Khu Bảy hoàn toàn giải phóng, nối liền với căn cứ các huyện miền Tây Quảng Ngãi và phía đông tỉnh Kon Tum.

Ở Minh Long, các xã vùng cao Long Quang, Long An (Thanh An), Long Môn, nhân dân nhanh chóng xóa bỏ ngụy quyền và các hình thức kìm kẹp của địch, tổ chức bố phòng, chuẩn bị chống càn. Các ban tự quản thôn, xã được thiết lập. Một vùng đất đai rộng lớn của huyện Minh Long được giải phóng. Ở khu Ba, huyện Sơn Hà, đại bộ phận đồng bào các xã, thôn đều nổi dậy lật đổ chính quyền địch, lập chính quyền tự quản, làm công tác bố phòng, phát triển chiến tranh du kích chống địch.

Ở Ba Tơ, các xã Ba Lế, Ba Lục, Ba Bích, Ba Nam và một số xã khu Sáu không có chính quyền địch, nhân dân đứng lên lập chính quyền cách mạng. Các xã Ba Liên, Ba Khâm, Ba Lương, Ba Trang, nhân dân nổi dậy diệt ác ôn, đốt cơ quan ngụy quyền xã, thành lập đội du kích, bố phòng, chuẩn bị đánh địch từ huyện Đức Phổ lên. Ở các xã phía bắc là Ba Điền, Ba Gia, Ba Lãnh, Ba Sơn, Ba Lang, nhân dân nổi dậy diệt ác, xóa bỏ ngụy quyền.

Phối hợp với các cuộc nổi dậy mạnh mẽ của đồng bào các dân tộc vùng cao, ở vùng thấp miền Tây, các nhóm "trả đầu", "bảo vệ dân tộc", các đội vũ trang tuyên truyền mở rộng hoạt động diệt ác, trừ gian, phá vỡ một mảng hệ thống kìm kẹp của địch. Trong quá trình khởi nghĩa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban cán sự miền Tây thay nhau xuống các vùng trực tiếp chỉ đạo phong trào, giải quyết các tình huống phức tạp, đưa cuộc khởi nghĩa đến thắng lợi nhanh chóng và vang dội.

Để giữ vững thành quả cuộc khởi nghĩa, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã chủ trương kiên quyết phát động chiến tranh du kích, giữ vững các xã vùng cao, lãnh đạo nhân dân vùng thấp kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận, phá thế kìm kẹp của địch.

Ngày 07-9-1959, Sư đoàn 22 ngụy từ các hướng bắc, đông, nam tiến vào Trà Bồng và khu Bảy nhằm tiêu diệt lực lượng khởi nghĩa. Ý đồ của địch là sẽ hội quân tại xã Trà Phong, phục hồi lại các tổ chức ngụy quyền, ngụy quân, quét sạch cộng sản khỏi miền Tây. Nhưng ngay từ ngày đầu, địch bị nhân dân và các lực lượng vũ trang chặn lại, mãi đến cuối tháng 9 chúng vẫn không tiến lên được, buộc phải rút về chiếm đóng các đồn cũ Eo Chim, Eo Reo, Làng Ngãi, Tà Lạt, Đá Líp. Lực lượng vũ trang, bán vũ trang của ta bám sát địch, tập kích, bắn tỉa. Nhân dân tổ chức cắm chông, gài mang cung, bẫy đá, tên độc làm cho địch càng thêm hốt hoảng, tinh thần chán nản. Kết hợp với đấu tranh vũ trang, các cuộc đấu tranh chính trị của đồng bào liên tiếp nổ ra. Nhân dân kéo vào nơi đóng quân của địch, vào tận quận lỵ đòi cứu đói, cứu đau, đòi địch phải rút quân ra khỏi miền Tây để đồng bào đi làm rẫy, làm nương kiếm sống.

Trước sự tiến công liên tục của các lực lượng vũ trang và đấu tranh kiên quyết của nhân dân, địch phải rút khỏi Tà Lạt, Đá Líp. Đến giữa tháng 10-1959, địch rút khỏi Làng Ngãi; cuối tháng 10-1959 thì rút khỏi đồn Eo Chim và Eo Reo. Ta thu hồi toàn bộ vùng đất bị địch lấn chiếm, 40 xã các huyện miền Tây được hoàn toàn giải phóng, tạo thế đứng vững chắc cho cách mạng trên địa bàn rừng núi hiểm trở rộng lớn để phát triển tiến công xuống đồng bằng duyên hải.

Do có sự chuẩn bị từ đầu, có dự tính nhiều tình huống, nên cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi nổ ra và thắng lợi. Trà Bồng và các huyện miền Tây Quảng Ngãi trở thành căn cứ địa vững chắc trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Quảng Ngãi.

Phát huy thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngày 09-9-1959, Ủy ban nhân dân tự quản khu Bảy được thành lập. Đây là chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

II. Ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa

Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi là cuộc khởi nghĩa vũ trang sớm nhất ở miền Nam (tháng 8-1959). Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa đã mở ra một vùng căn cứ giải phóng rộng lớn ở miền Tây Quảng Ngãi kéo dài từ Nam Trà My, Quảng Nam đến Bắc An Lão, Bình Định, góp phần chứng minh sự sáng suốt và đúng đắn của đường lối cách mạng miền Nam do Đảng ta đề xướng.

- Đây là cuộc khởi nghĩa lớn nhất, tiêu biểu cho tinh thần quật khởi của nhân dân ta ở miền núi Khu V vào cuối năm 1959. Thắng lợi của khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng miền Nam, là sự mở đầu của thời kỳ đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang nhằm lật đổ ách thống trị tàn bạo của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, vì mục tiêu độc lập cho dân tộc và thống nhất cho Tổ quốc. Cuộc khởi nghĩa góp phần thúc đẩy cao trào khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền bộ phận của nhân dân miền Nam trong những năm 1959 - 1960.

- Đánh dấu một mốc lịch sử lớn của phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi, Khu V và cả miền Nam, báo hiệu cho thất bại của đế quốc Mỹ trong chính sách dùng bộ máy tay sai độc tài Ngô Đình Diệm để tiêu diệt phong trào cách mạng bằng chính sách "tố cộng", "diệt cộng". Đồng thời, cuộc khởi nghĩa một lần nữa thể hiện tính tiên phong, đi đầu của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi trong đấu tranh cách mạng.

- Sự ra đời của ba đơn vị vũ trang 339, 89 và 299 đầu tiên của tỉnh là nòng cốt bảo vệ thành quả của cuộc khởi nghĩa, là chỗ dựa cho phong trào quần chúng trong tỉnh nói chung và các huyện miền núi nói riêng, chi viện cho chiến trường Liên khu V giai đoạn 1959 - 1960 và trở thành lực lượng chủ lực của quân giải phóng tỉnh Quảng Ngãi.

- Mở ra một thời kỳ mới cho phong trào cách mạng trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng của Khu V và toàn miền Nam.

Đánh giá về ý nghĩa và tác động của Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, tháng 02-1960, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, đồng chí Võ chí Công – Bí thư Khu ủy V kết luận: “Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi là thắng lợi to lớn, sự chỉ đạo trong, trước và sau khởi nghĩa về căn bản là đúng. Cũng như phong trào chung trong toàn tỉnh, Quảng Ngãi đã đi đúng đường lối, nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng, dũng cảm phát động quần chúng khởi nghĩa và tiếp theo đó đã tiến hành chiến tranh nhân dân và chiến tranh du kích để chống lại kẻ thù hung bạo, đã biết vừa tiến hành đấu tranh vũ trang, vừa giữ thế hợp pháp để tạo cho quần chúng đấu tranh chính trị. Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng mở đầu trang sử đấu tranh chính trị và vũ trang song song, đó là đỉnh cao nhất của phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Ngãi trong thời kỳ bấy giờ, nó là thắng lợi đầu lòng và đột xuất, cổ vũ phong trào chung trong tỉnh, trong Khu phát triển mạnh mẽ”.

III. Bài học kinh nghiệm từ cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi

Thực tiễn đấu tranh cách mạng của tỉnh trong những năm 1954 – 1959 và cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi cho thấy:

- Khi cách mạng đã chuyển sang giai đoạn mới thì việc nhận thức và đánh giá đúng tình hình là điều có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Phải nhận rõ bản chất hiểm độc, tàn bạo của chủ nghĩa thực dân mới và kịp thời phát hiện những âm mưu, thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt của chúng, từ đó đề ra phương pháp đấu tranh thích hợp nhằm tập hợp quần chúng đấu tranh, làm thất bại âm mưu đánh phá của địch.

Trong hai năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, do nhận thức chưa đầy đủ về việc bảo tồn lực lượng, sự cần thiết phải đấu tranh lâu dài, về chống các hành động phiêu lưu, mạo hiểm, Tỉnh ủy chủ trương không sử dụng vũ trang để đấu tranh chống địch, nên phong trào cách mạng của tỉnh bị động, lúng túng, chịu nhiều tổn thất nặng nề về người và của.

- Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi đã nổ ra kịp thời, có chuẩn bị, có lãnh đạo và chỉ huy chặt chẽ, đi đúng đường lối cách mạng, tiếp thu, vận dụng linh hoạt các nội dung cơ bản Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, đóng góp những kinh nghiệm quý báu cho việc thực hiện Nghị quyết 15 ở Nam Trung Bộ.

- Phải luôn giữ vững sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với phong trào, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với quần chúng; thấu suốt và kiên trì quan điểm bạo lực cách mạng, nỗ lực tìm tòi, thử nghiệm những phương châm, phương thức hoạt động, đấu tranh của tổ chức đảng và quần chúng phù hợp với tình hình mới.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi là thắng lợi của quan điểm dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng; thắng lợi trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, xây dựng khối đoàn kết đồng bào các dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn cho cách mạng.

- Luôn luôn kiên định, phát huy quan điểm cách mạng tiến công, tiến công kẻ thù và tiến công khó khăn, tiến công tư tưởng hữu khuynh trong Đảng và trong quần chúng.

- Nhận thức đúng vai trò chiến lược của các huyện miền núi, sớm có kế hoạch vận động tổ chức đồng bào các dân tộc miền núi xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, phát triển sản xuất, làm cho miền núi trở thành căn cứ địa vững chắc của phong trào cách mạng trong tỉnh, làm nên khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, chuyển phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi lên bước phát triển mới.

IV. Đảng bộ, nhân dân huyện Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi phát huy truyền thống anh hùng, ra sức thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp

Phát huy truyền thống yêu nước, trong 60 năm qua, quân và dân huyện Trà Bồng và các huyện miền Tây Quảng Ngãi đoàn kết một lòng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, viết tiếp những trang sử hào hùng của các thế hệ đi trước, tạo nên gạch nối sống động giữa quá khứ và hiện tại về một Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi anh hùng - một Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi năng động, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới.

Với tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, với ý chí, nỗ lực vươn lên không mệt mỏi, các thế hệ lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Trà Bồng và các huyện miền Tây Quảng Ngãi đã thực hiện và đạt được nhiều thành tựu, kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Toàn cảnh tại buổi lễ

Quang cảnh lễ kỷ niệm 50 năm khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (ảnh tư liệu)

1. Đối với huyện Trà Bồng

Sau cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, vùng căn cứ địa tại chỗ của Trà Bồng rộng đến 16 xã và có hàng vạn dân được giải phóng. Từ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và bè lũ tay sai, Đảng bộ Trà Bồng lãnh đạo nhân dân chuyển sang thực hiện những nhiệm vụ mới: Khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại quê hương, ổn định và phát triển cuộc sống.

Ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lịch sử Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. Cán bộ, đảng viên và đồng bào Trà Bồng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ huyện, vô cùng vui mừng, phấn khởi trước tình hình đất nước sạch bóng quân thù, thể hiện lòng quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Nhờ chủ trương, biện pháp đúng đắn, kịp thời của Tỉnh ủy và sự nỗ lực cao của toàn Đảng bộ, quân và dân huyện Trà Bồng, với quyết tâm “Trà Bồng đã thắng giặc Mỹ, nhất định cũng thắng giặc đói, thắng giặc bệnh”, từ một địa phương phải gánh chịu hậu quả chiến tranh vô cùng nặng nề, trình độ dân trí thấp, bệnh tật xảy ra ở nhiều nơi, nạn đói thường xuyên đe dọa…, tình hình kinh tế - xã hội, anh ninh - quốc phòng của huyện Trà Bồng từng bước khôi phục và phát triển. Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2008 đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành nên tình hình kinh tế - xã hội của huyện luôn phát triển và giữ vững trên các lĩnh vực.

Những năm gần đây, kinh tế của huyện có bước tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. Giá trị sản xuất bình quân hàng năm: giai đoạn 2008 - 2010 tăng 10,8%/năm, giai đoạn 2011 - 2015 tăng 13,23%/năm, giai đoạn 2016 - 2018 tăng 14,85%/năm.

Tổng thu ngân sách năm 2018 trên địa bàn huyện đạt 420,539 tỷ đồng, trong đó thu cân đối ngân sách trên địa bàn đạt 25,874 tỷ đồng, tăng gấp hơn 08 lần so với năm 2008.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông, lâm và thủy sản, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ. Đến năm 2018, cơ cấu ngành nông, lâm và ngư nghiệp chiếm 26,70%, giảm 15,76% so với năm 2008; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 45,52%, tăng 1,93% so với năm 2008; ngành thương mại, dịch vụ chiếm 27,78%, tăng 13,82% so với năm 2008; tổng mức bán lẻ doanh thu hàng hóa và dịch vụ đạt 457,062 tỷ đồng, tăng gấp 12,8 lần so với năm 2008.

Các dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Cà Đam, Khu du lịch kết hợp nghỉ dưỡng Thạch Bích - Trà Bình hiện đang được triển khai thực hiện; Di tích Điện trường Bà Trà Bồng sau khi được công nhận di tích cấp Quốc gia cả về di tích và phần lễ hội, đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, du lịch.

Công tác đầu tư phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng được đẩy mạnh, thực hiện hỗ trợ cải thiện hạ tầng cho các xã nghèo trong huyện bằng mức đầu tư khá lớn thông qua nhiều chương trình, dự án. Hệ thống hạ tầng đô thị từng bước được xây dựng, tốc độ đô thị hóa nhanh. Nhiều công trình quan trọng được đưa vào sử dụng, góp phần to lớn vào việc thay đổi diện mạo đô thị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hóa, như công trình Nhà văn hóa - Thể dục thể thao huyện; Quảng trường 28/8; 100%  trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước trên địa bàn được đầu tư xây dựng khang trang v.v... Đường đô thị được nhựa hóa, cứng hóa khoảng 80%; 60% tuyến đường nội thị được lắp điện chiếu sáng. Công tác quản lý, khai thác tài nguyên và công tác bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, đã xây dựng 01 bãi xử lý rác thải tại thị trấn Trà Xuân. Hiện tại, 100% số xã có lưới điện quốc gia và 98% dân số đã được dùng điện; cấp nước sinh hoạt cho nông thôn đạt 70%; mạng lưới trường học, trạm y tế đã cơ bản phủ kín các địa bàn dân cư.

Môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện được cải thiện. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 70 doanh nghiệp hoạt động, tạo việc làm cho hàng trăm lao động mỗi năm. Tình hình thu hút vốn đầu tư đạt kết quả tốt, riêng trong năm 2018, huyện đã được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư thực hiện 03 dự án với vốn đầu tư 414,645 tỷ đồng.

Công tác giáo dục và đào tạo luôn được quan tâm, đổi mới. Quy mô mạng lưới trường, lớp đã được mở rộng và phát triển, năm học 2018-2019 có tổng số 30 trường: 11 trường mẫu giáo (mầm non), 07 trường tiểu học, 04 trường TH&THCS và 06 trường THCS, 02 trường THPT và 01 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – GDTX cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Năm học 2018-2019, toàn huyện đã có 09 trường đạt chuẩn quốc gia (MN: 03 trường, TH: 02 trường, THCS: 03 trường, THPT: 01 trường). Đến năm 2018, có 10/10 xã, thị trấn đã được công nhận và giữ chuẩn phổ cập THCS, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Mạng lưới y tế cơ sở từng bước được củng cố về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn huyện có 10 trạm y tế tại 10 xã, thị trấn, 01 Trung tâm Y tế huyện. Có 10/10 xã, thị trấn có bác sĩ định biên (tăng 07 xã so với năm 2008)... đã cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Hiện có 07/10 xã, thị trấn được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi từ 40% vào năm 2008 đã giảm xuống còn 24,2% vào năm 2018.

Các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa được quan tâm thực hiện thường xuyên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể qua các năm: cuối năm 2010 là 62,37%, cuối năm 2015 là 48,10% (theo chuẩn giai đoạn 2011-2015) và đến cuối năm 2018 là 32,72% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều 2016-2020). Công tác giải quyết việc làm được chú trọng: Giai đoạn 2008 - 2018 có 4.500 lao động được giải quyết việc làm hoặc việc làm tăng thêm, chất lượng lao động được cải thiện rõ rệt. Phong trào đền ơn đáp nghĩa tiếp tục phát triển sâu rộng, việc chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, các hộ nghèo và những người có hoàn cảnh neo đơn, bất hạnh… ngày càng được cộng đồng xã hội quan tâm.

Các hoạt động văn hóa, thể thao luôn diễn ra sôi nổi, rộng khắp, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Huyện Trà Bồng là một trong những ngọn cờ đầu trong các phong trào văn hóa, thể thao của tỉnh. Việc triển khai thực hiện Đề án di sản văn hóa dân tộc Cor đạt nhiều kết quả, tổ chức thành công các lớp truyền dạy nghệ thuật diễn tấu Đấu chiêng Dân tộc Cor - một loại hình nghệ thuật độc đáo riêng của Trà Bồng...

Công tác cải cách hình chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiệt kiệm, chống lãng phí luôn được quan tâm đúng mức; công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể có nhiều tiến bộ; hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đem lại hiệu quả thiết thực; quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng mở rộng, thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận và các hội đoàn thể với nhân dân.

2. Đối với huyện Tây Trà

Ngày 05/01/2004, huyện Tây Trà được thành lập theo Nghị định số 145/2003/NĐ-CP ngày 01-12-2003 của Chỉnh phủ “về việc thành lập huyện Tây Trà” trên cơ sở tách một số xã ở phía Tây huyện Trà Bồng.

Khi mới thành lập, Tây Trà có 09 đơn vị hành chính cấp xã. Dân số toàn huyện năm 2018 là 20.213 người.

Sau khi được thành lập, Đảng bộ, quân và dân huyện Tây Trà tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, đầu tư khai thác các tiềm năng lợi thế, đưa huyện nhà phát triển, đi lên. Cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế và xã hội được tăng cường, đời sống nhân dân được cải thiện, kinh tế từng bước ổn định và phát triển.

Thuỷ điện sông Riềng và nhiều chương trình, dự án khác được triển khai xây dựng tạo động lực, bước đột phá trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sau 15 năm hình thành và phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện năm sau cao hơn năm trước, riêng năm 2018 tăng 10,8% so với năm 2017; cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực. Tổng thu ngân sách năm 2018 trên địa bàn đạt 12.322,43 triệu đồng, vượt 171,6% kế hoạch. Huyện đã quyết liệt chỉ đạo và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 95% năm 2004 giảm xuống còn 64,45% năm 2018 (theo chuẩn mới). Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao và thông tin truyền thông đạt kết quả khá tốt. Chính sách đối với người có công được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và kịp thời. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể có nhiều tiến bộ; hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đem lại hiệu quả thiết thực. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh.

Nhìn chung, từ khi thành lập huyện đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của huyện có nhiều chuyển biến tích cực: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm từ 5 đến 9%. Hầu hết các ngành, các lĩnh vực then chốt đều đạt kết quả vượt trội. Do kinh tế tăng trưởng khá, đồng thời triển khai thực hiện thành công nhiều chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và về các lĩnh vực xã hội khác nên đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp dân cư hầu hết đều được cải thiện; tiềm lực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ngày càng được củng cố và phát triển; công tác quản lý điều hành ngày một tốt hơn, chặt chẽ hơn.

Đối với các huyện miền Tây Quảng Ngãi như Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ, Sơn Tây, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng và được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, đến nay các địa phương  đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Công tác xóa đói, giảm nghèo được quan tâm. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể có nhiều tiến bộ; hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đem lại nhiều kết quả thiết thực. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự xã hội được bảo đảm. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 2018, huyện Sơn Hà (một trong 06 huyện nghèo của tỉnh) đã thoát nghèo.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, huyện Trà Bồng, Tây Trà và các huyện miền Tây Quảng Ngãi vẫn còn những hạn chế, tồn tại như: Quy mô kinh tế còn nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm; giá trị sản xuất công nghiệp, thu ngân sách nhà nước chưa cao; cơ cấu lại nông nghiệp chậm, chưa có nhiều mô hình hiệu quả; nguồn lực xây dựng nông thôn mới hạn hẹp; dịch vụ, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, giảm nghèo chưa bền vững; kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội còn thấp, thiếu đồng bộ; chất lượng giáo dục, y tế cải thiện chậm; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo chậm đổi mới. Một số nơi, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng yếu; chưa có sự chuyển biến thực chất, đồng bộ giữa các ngành, các cấp; công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận và các đoàn thể có mặt còn hạn chế; tình trạng vi phạm pháp luật, tranh chấp, khiếu kiện liên quan vấn đề đất đai, môi trường còn diễn biến phức tạp; công tác phối hợp xử lý tình hình an ninh trật tự có lúc, có nơi còn bị động…

Trong thời gian đến, Đảng bộ, quân và dân các huyện Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân nhằm thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phát triển kinh tế theo hướng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; nâng cao hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp; tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường; giải quyết tốt các vấn đề văn hóa, xã hội. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, giải quyết việc làm, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Kỷ niệm 60 năm Ngày khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi là dịp để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tôn vinh và tri ân các anh hùng, liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, đồng bào, chiến sỹ đã hy sinh tính mạng, sẵn sàng cống hiến sức lực, trí tuệ và của cải, làm nên thắng lợi của cuộc khởi nghĩa. Từ đó tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước cách mạng, truyền thống văn hóa, tình đoàn kết của các dân tộc anh em, thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới./.

       BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY QUẢNG NGÃI

 

[1] V.9 là đơn vị bảo vệ căn cứ, nay là Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi.

[2] V.12 là đơn vị có cán bộ là đại đội trưởng, trung đội trưởng, tiểu đội trưởng đặc công từ miền Bắc vào.