TIN TỨC TỔNG HỢP

Xem với cỡ chữ Tương phản

Phòng bệnh ung thư đại tràng

Th 3, 01/11/2022 | 15:47 CH

Ung thư đại tràng là loại ung thư gặp khá phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam, trong đó nam và nữ đều có thể mắc phải. Ung thư đại tràng chiếm 20% trong các loại ung thư, đứng thứ 5 sau ung thư phổi, dạ dày, gan, ung thư vú.

Hiện nay, chúng ta chưa xác định nguyên nhân chính xác gây ra ung thư đại tràng. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy những người có các yếu tố sau đây dễ bị mắc bệnh ung thư đại tràng hơn: Bệnh nhân bị viêm loét đại tràng nhưng không được điều trị triệt để mà chỉ chữa bệnh theo triệu chứng (không hết hẳn) khiến các vết viêm loét không cải thiện mà ngày càng lan rộng, sau đó biến đổi bất thường nguy cơ dẫn đến ung thư. Bệnh nhân có tiền sử bị polype đại tràng, nhất là polype có kích thước lớn hoặc có nhiều polype qua một thời gian dài nếu không được cắt bỏ các Polyp này có thể tiến triển bất thường thành ung thư. Yếu tố gia đình có người thân ruột thịt bị mắc bệnh ung thư đại tràng và bệnh Crohn. Tiền sử gia đình: Nhất là thân nhân có quan hệ huyết thống gần thì nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng tăng cao. Người trên 50 tuổi nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng tăng theo tuổi. Theo nhiều thống kê, có tới 90% người mắc bệnh ung thư đại tràng trên 50 tuổi. Khẩu phần ăn: Thức ăn chứa nhiều mỡ, nhất là mỡ động vật, ăn nhiều thức ăn chua cay; uống rượu nhiều làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng. Thiếu vận động: Người ngồi một chỗ, béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng. Hút thuốc lá: Người hút thuốc lá mắc ung thư đại tràng nhiều hơn người không hút 30 - 40%. 

Ung thư đại tràng chiếm 20% trong các loại ung thư

Bác sỹ chuyên khoa 2 Võ Văn Thịnh - Trưởng Khoa Ngoại Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Ung thư đại tràng hay còn gọi là ung thư ruột già. Ruột già là đoạn cuối của ống tiêu hóa, có dạng hình chữ u ngược, dài khoảng 1,5 mét. Đoạn đầu của đại tràng (nơi tiếp giáp với đoạn cuối cùng của ruột non) có chức năng hấp thu nước cùng chất dinh dưỡng và là nơi chứa chất bã. Chất bã thành phân đi xuống trực tràng (dài khoảng 15 cm) - đoạn cuối cùng của ống tiêu hóa. Từ đây, phân đi qua hậu môn ra ngoài cơ thể. Ung thư đại tràng bắt nguồn từ sự phát triển bất thường của niêm mạc đại tràng tạo thành những khối u (polype). Ban đầu, những polype này phát triển mang tính chất lành tính, lâu dài trong số này chúng biến đổi bất thường thành ác tính, có thể trở thành ung thư. Hầu hết các ung thư đại tràng là khối u ác tính được bắt nguồn từ mô tuyến, trong đó các tế bào có chức năng tạo, giải phóng chất nhầy và các chất dịch khác trong lòng của đại tràng. Hơn một nửa số người được chẩn đoán ung thư đại tràng đều không có triệu chứng. Đến khi các triệu chứng xuất hiện thì lại biểu hiện rất khác nhau, phụ thuộc vào kích thước và vị trí khối u. Một số triệu chứng phổ biến của ung thư đại tràng là: Tiêu chảy hoặc táo bón, chảy máu hậu môn, có máu ở trong phân, khó chịu dai dẳng ở bụng, cảm giác đầy bụng, mệt mỏi, kiệt sức, sụt cân không rõ nguyên nhân.

Tại Việt Nam, phần lớn các ca ung thư đại tràng được phát hiện ở giai đoạn muộn. Lý do là do các triệu chứng sớm báo hiệu ung thư đại tràng nghèo nàn và ít gây sự chú ý với người bệnh. Do đó, khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn và rất khó khăn để chữa trị triệt để.

Bác sỹ chuyên khoa 2 Võ Văn Thịnh - Trưởng Khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo: Phần lớn ung thư đại tràng đều bắt nguồn từ các polype. Thông thường sau 5 - 10 năm một polype đại trực tràng có thể bị ác tính hóa và tiến triển thành ung thư. Do đó kiểm tra đại tràng qua nội soi 6 tháng/lần là một trong những cách tốt nhất để phòng tránh ung thư đại tràng. Ngoài 40 tuổi kể cả nam và nữ, đặc biệt là những người trong gia đình có người bị ung thư đại tràng thì càng chú ý hơn. Khi nội soi nếu phát hiện polype đại tràng thì cần cắt bỏ để phòng ngừa ung thư. Hằng năm, nên xét nghiệm tìm hồng cầu trong phân. Khi phát hiện trong phân có máu thì cần nội soi đại tràng ngay. Bởi rất có thể đó là triệu chứng sớm của ung thư đại tràng. Bất cứ ở độ tuổi nào, nếu hay bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng, phân lỏng, phân nát kéo dài, phân màu bất thường (phân đen, có nhầy, có máu tươi), hay táo bón bất thường thì cần đi khám ngay. Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, hợp vệ sinh như: Ăn nhiều rau, uống nhiều nước, hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, nước có ga, các đồ cay, nóng; không ăn nhiều dưa, cà muối, thịt nướng … vì những chất này dễ làm tổn thương niêm mạc đại tràng. Thường xuyên tập thể dục, không hút thuốc, kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần./.

MINH HIỀN