TIN TỨC TỔNG HỢP

Xem với cỡ chữ Tương phản

Không chủ quan với bệnh thủy đậu

Th 2, 27/02/2023 | 09:42 SA

Bệnh thủy đậu hay còn gọi là bệnh trái rạ có xu hướng gia tăng vào những tháng mùa xuân, bắt đầu tăng vào tháng 01, tăng mạnh, đỉnh điểm vào tháng 3 hàng năm. Mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh nếu chưa có miễn dịch nhưng mắc nhiều hơn là trẻ từ 2 đến 7 tuổi. Người lớn ít gặp nhưng nếu bị thì thường bị nặng. Trẻ đã được tiêm chủng thì bị bệnh ít hơn rất nhiều.

Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm, nguyên nhân gây bệnh là do một loại vi rút có tên là Varicella zoster. Người là ổ chứa mầm bệnh thủy đậu duy nhất. Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp hoặc không khí. Người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi. Ngoài ra, khi tiếp xúc với người bệnh, bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. Lây do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết (có vi rút) trên các dụng cụ.

Bệnh nhân thủy đậu đang được bác sĩ khám tại Trung tâm CDC tỉnh Quảng Ngãi

Theo bác sĩ Phạm Thị Tiết - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Bệnh khởi phát có sốt nhẹ hoặc sốt cao 39 – 40 độ C, kèm theo viêm long đường hô hấp trên ho, chảy nước mũi, trẻ hay quấy khóc, ăn kém. Sau đó, ban xuất hiện khá nhanh, mới đầu là các nốt sẩn đỏ, xuất hiện ở vùng da đầu, gáy, bụng, lưng, ngực sau vài giờ các ban phát triển thành nốt phỏng rải rác khắp thân mình và tứ chi rất ít khi xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân. Nốt phỏng có nước trong, rất nông, tròn hay bầu dục, có vòng đỏ bao quanh, mọc không theo tuần tự, làm nhiều đợt. Do bóng nước xuất hiện làm nhiều đợt trên cùng một vùng da nên quan sát thấy các bóng nước ở những lứa tuổi khác nhau như: dạng phát ban, dạng bóng nước trong, bóng nước đục ...dạng đóng vảy. Niêm mạc vòm miệng, niêm mạc âm đạo nữ giới cũng có thể có các nốt phỏng thủy đậu. Khi các ban và nốt phỏng xuất hiện thường kèm theo ngứa. Chỉ sau khoảng từ 24 - 48 giờ, các nốt phỏng sẽ ngả sang màu vàng và vỡ ra, sau khi khỏi không để lại sẹo.

Nếu không được phát hiện, điều trị sớm, chăm sóc chu đáo bệnh sẽ nặng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm, để lại sẹo xấu. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai…

Bác sĩ Phạm Thị Tiết - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo: Phòng bệnh thủy đậu trẻ (kể cả người lớn) bị bệnh cần phải nghỉ học khoảng 1 tuần từ khi thấy xuất hiện các dấu hiệu của bệnh. Trẻ phải được cách ly, theo dõi trong suốt thời gian từ khi bệnh bắt đầu cho đến khi bong hết vẩy. Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng. Giữ bàn tay cho trẻ thật sạch. Sử dụng riêng các vật dụng sinh hoạt cá nhân như: Khăn mặt, ly, chén, muỗng, đũa; chiếu, chăn, gối, màn…và đồ chơi. Lau sàn phòng, bàn, ghế, tủ, giường, đồ chơi… hàng ngày bằng nước Javel, hoặc dung dịch Cloramin B sau đó rửa lại bằng nước sạch, phơi nắng. Áo, quần, khăn mặt... cần ngâm, giặt bằng xà phòng và phơi nắng. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, nhất là trẻ dưới 1 tuổi chưa đến tuổi tiêm phòng rất dễ bị bệnh. Khi cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh. Tiêm vaccin để phòng bệnh là giải pháp hiệu quả nhất. Vaccin tạo được miễn nhiễm lâu dài gần như suốt đời, tính an toàn cao, ít tác dụng phụ. Người lớn chưa bị thủy đậu, có thể tiêm vào bất cứ lúc nào. Nên tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Người lớn và trẻ nhỏ đều nên tiêm 2 mũi; tiêm mũi 2 cách mũi 1 từ 6 đến 10 tuần. Phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, sau khi tiêm vaccin cần áp dụng ngay một biện pháp tránh thai trong vòng 3 tháng./.

                                                                                      MINH HIỀN