TIN TỨC TỔNG HỢP

Xem với cỡ chữ Tương phản

Cách xử trí cơn hen phế quản cho trẻ em

Th 3, 07/02/2023 | 13:46 CH

Hen phế quản là bệnh hô hấp mãn tính thường gặp nhất ở trẻ em. Điều đáng lo ngại là bệnh đang có xu hướng ngày càng gia tăng, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh hen cũng cao gấp đôi người lớn. Trẻ bị hen phế quản nếu không được điều trị kịp thời sẽ lên cơn hen cấp thường xuyên, ảnh hưởng xấu đến chức năng của phổi, gây biến dạng lồng ngực, thậm chí cơn hen phế quản cấp nặng có thể khiến trẻ bị suy hô hấp dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, khi trẻ bị lên cơn hen tại nhà cha mẹ và người thân cần biết cách xử trí cơn hen phế quản tại nhà đúng cách.

Nguyên nhân của căn bệnh này do nhiều yếu tố gây nên: Di truyền, có bố hoặc mẹ bị hen thì tỷ lệ hen ở con là 25%, cả bố mẹ bị hen tỷ lệ hen của con là 50%, bố và mẹ không bị hen thì tỷ lệ hen của con từ 10 - 15%; những trẻ có cơ địa dị ứng dễ bị hen hơn. Yếu tố chủ thể: cơ địa dị ứng, trẻ béo phì… Yếu tố môi trường như dị nguyên (mạt bụi nhà, lông chó mèo, nấm mốc…), nhiễm trùng, khói thuốc lá, khói xe; thay đổi thời tiết, hoạt động thể lực quá nhiều…

Thạc sĩ - Bác sĩ Võ Thị Kim Dung, khoa Nhi hô hấp Bệnh viện Sản nhi Quảng Ngãi cho biết: “triệu chứng điển hình của hen là trình trạng ho, khò khè, khó thở tái đi tái lại ở trẻ nhỏ. Ho tăng lên đặc biệt là khi trẻ ngủ; trẻ mệt mỏi, giảm các hoạt động thể thao; trẻ giảm các hoạt động thường ngày, kể cả ăn và bú. Cơn hen thường xuất hiện lúc nửa đêm về sáng sớm hoặc khi chạy nhảy, gắng sức. Đây là bệnh mạn tính (suốt đời) có thể phá hủy cấu trúc của đường hô hấp”.

Thạc sĩ - Bác sĩ Võ Thị Kim Dung đang khám bệnh cho trẻ bị bệnh hen

Khi thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu một cơn hen đang đến, bố mẹ cần phải biết cách nhận biết và xử trí khi trẻ lên cơn, tránh nguyên nhân làm khởi phát cơn hen. Thạc sĩ - Bác sĩ Võ Thị Kim Dung nhấn mạnh: “phun khí dung giãn phế quản tác dụng nhanh Salbutamol: 2,5mg/lần với trẻ dưới 5 tuổi và 5mg/lần với trẻ hơn 5 tuổi, phun lặp lại tối đa 3 lần cách nhau mỗi lần 20 phút nếu cần. Nếu sử dụng bình xịt định liều (MDI) Salbutamol thì xịt 2 nhát (cơn hen nhẹ) lặp lại tối đa 3 lần mỗi 20 phút nếu cần. Hay MDI salbutamol với buồng đệm kèm mặt nạ (ở trẻ < 6 tuổi hoặc cơn hen  trung bình) 4 - 8 nhát, lặp lại tối đa 3 lần mỗi 20 phút nếu cần. Đồng thời, phải theo dõi tri giác, dấu hiệu gắng sức và mức khò khè của trẻ. Sau 1 giờ nếu bé hết khò khè, không thở gắng sức, da môi hồng thì có thể tiếp tục điều trị tại nhà. Nếu không đỡ, phải đưa ngay đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất”.

Bệnh hen phế quản tuy không thể chữa khỏi hẳn, nhưng hoàn toàn có thể phòng và kiểm soát được. Điều này góp phần nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực cho trẻ. Để phòng bệnh cần lưu ý: Tránh tiếp xúc các dị nguyên không khí; không để trẻ tiếp xúc khói thuốc lá, khói xe, ô nhiễm môi trường; dọn dẹp nhà cửa, nơi trẻ sinh hoạt, vui chơi sạch sẽ, ngăn nắp, không trải thảm; thường xuyên giặt giũ khăn trải giường, chăn màn của trẻ sử dụng bằng nước nóng và phơi khô ngoài nắng; loại bỏ chất nặng mùi kích thích; cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp tăng sức đề kháng phòng tránh nhiễm trùng hô hấp cấp ở trẻ./.

Minh Hiền