Kinh tế

Xem với cỡ chữ Tương phản

Một số kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trên địa bàn tỉnh

Th 6, 25/11/2022 | 14:21 CH

Năm 2022, nhờ sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân trên địa bàn tỉnh, kinh tế - xã hội năm 2022 đạt kết quả tích cực, 25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đều đạt (có 14 chỉ tiêu vượt) so với kế hoạch đề ra.

1. Lĩnh vực kinh tế 

1.1. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 57.723 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 8,29% so với cùng kỳ. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,66%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,39%; khu vực dịch vụ tăng 8,43%; khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 11,61%. 

1.2. Về phát triển công nghiệp 

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 ước đạt 106% so với năm 2021, tăng 3% so với kế hoạch năm. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 128.679,9 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2021, tăng 0,3% kế hoạch năm; trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài dầu tăng 5,93%, tăng 0,8% kế hoạch năm. 

1.3. Về thương mại, dịch vụ và giá cả thị trường 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2022 ước đạt 64.697 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021, vượt 17,6% kế hoạch năm. 

Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt 2.158 triệu USD, tăng 20% so với năm 2021, vượt 16% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3.490 triệu USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ. 

Hoạt động vận tải (không kể vận tải đường sắt): Doanh thu vận tải và dịch vụ vận tải ước đạt 4.339 tỷ đồng, tăng 40,6% so với năm 2021, vượt 35,8% kế hoạch năm. 

Tín dụng ngân hàng: Đến cuối năm 2022, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 75.267 tỷ đồng, tăng 12,24% so với cuối năm 2021; tổng dư nợ cho vay ước đạt 64.594 tỷ đồng, tăng 12,65%; nợ xấu 1.100 tỷ đồng, chiếm 1,7% tổng dư nợ. 

1.4. Về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản 

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước đạt 18.265 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ, bằng 100,2% kế hoạch năm. 

Về trồng trọt: Diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt ước đạt 84.894 ha, tăng 2,5% so với cùng kỳ; sản lượng lương thực ước đạt 494.095 tấn[1], giảm 1,3%. Xây dựng 109 cánh đồng mẫu lớn, với tổng diện tích 1.765,5 ha. Đất trồng lúa chuyển sang trồng cây trồng cạn thực hiện 582 ha[2]; chuyển đổi từ đất trồng sắn sang trồng cây trồng cạn hàng năm ước đạt 365,1 ha với các loại cây, như: Ngô lấy hạt, ngô sinh khối, lạc, rau các loại, cỏ chăn nuôi. 

Về chăn nuôi: Nhìn chung đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Tỉnh xác định sản phẩm chăn nuôi hàng hóa chủ lực của địa phương là bò thịt và trâu thịt; định hướng phát triển chăn nuôi theo vùng đạt kết quả khả quan, việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại đang tiến triển tích cực, thịt hơi xuất chuồng ước đạt 87.310 tấn, tăng 4,2% so với năm 2021, đạt 101,52% kế hoạch năm. 

Trong năm, bệnh dịch tả lợn Châu Phi[3] và bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò[4] xảy ra tại một số địa phương, gây thiệt hại cho người dân. Các bệnh thông thường như: Tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn, tiêu chảy ở vật nuôi xảy ra rải rác, nhỏ lẻ đã được bao vây dập tắt không để lây lan diện rộng. 

Về lâm nghiệp: Diện tích trồng mới rừng tập trung ước đạt 28.509 ha, tăng 3,8% so với năm 2021, vượt 17,1% kế hoạch năm; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng ước đạt 2.250.943m3, tăng 5,5%; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 51,75%, tương đương so với cùng kỳ năm 2021. Tổ chức 506 đợt truy quét, 737 đợt kiểm tra, 2.797 đợt tuần tra quản lý bảo vệ rừng; phát hiện 194 vụ vi phạm, xử lý và thu nộp ngân sách 1.805 triệu đồng; xảy ra 17 vụ phá rừng, thiệt hại 2,761 ha; xảy ra 01 vụ cháy rừng, thiệt hại 2,78 ha. 

Thủy sản: Sản lượng thủy sản ước đạt 277.272 tấn, tăng 1,7% so với năm 2021, vượt 1,2% kế hoạch năm. Trong đó: Sản lượng đánh bắt 268.767 tấn, tăng 1,7%; sản lượng nuôi trồng 8.505 tấn, tăng 1,6%. 

1.5. Về thực hiện nhiệm vụ phát triển đô thị 

Triển khai Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phát triển nhà ở kỳ 5 năm và năm đầu kỳ; Đề án Phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Ban hành Quy chế phối hợp trong việc xây dựng, duy trì hệ thống thông tin, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị thành phố Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục xử lý các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án khu dân cư, khu đô thị. Tăng cường quản lý công tác lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. 

Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 29,2%, vượt kế hoạch năm (KH 29%); tỷ lệ hộ dân cư đô thị dùng nước sạch ước đạt 89,3%, đạt kế hoạch năm; tỷ lệ cây xanh đô thị 8,8m2/người, đạt kế hoạch năm. 

1.6. Phát triển Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp 

Đến ngày 20/10/2022, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 05 dự án[5], với tổng số vốn đăng ký 1.784,48 tỷ đồng; trong đó, có 03 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký khoảng 74 triệu USD; điều chỉnh 26 dự án, trong đó có 06 dự án điều chỉnh tăng vốn, với số vốn đăng ký tăng thêm là 728,3 tỷ đồng; chấm dứt hoạt động 09 dự án[6], với tổng vốn thu hồi là 17.882 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tại Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi đã thu hút được 345 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 365.067 tỷ đồng, trong đó có 56 dự án đầu tư nước ngoài và 289 dự án đầu tư trong nước, có 248 dự án đã đi vào hoạt động. 

Bộ Xây dựng đã thẩm định đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 để trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cho 13 dự án; thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi cho 11 dự án; cấp Giấy phép xây dựng cho 23 dự án; cấp Giấy phép điều chỉnh, bổ sung cho 03 dự án. 

1.7. Thu, chi ngân sách 

Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 34.405 tỷ đồng, tăng 45,4% so với năm 2021, vượt 79,6% dự toán Trung ương giao và vượt 41,6% dự toán HĐND tỉnh giao, trong đó: Thu nội địa ước đạt 23.042 tỷ đồng[7], tăng 50,5% và vượt 37,9% dự toán; thu hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 11.249 tỷ đồng[8], tăng 36,2% và vượt 50% dự toán; thu vay vốn để bù đắp bội chi 83,1 tỷ từ nguồn vay lại của Chính phủ, bằng 100% dự toán. 

Chi ngân sách địa phương ước khoảng 16.176 tỷ đồng, giảm 23,1% so với năm 2021 và bằng 97,6% dự toán, trong đó: Chị đầu tư phát triển ước đạt 4.027 tỷ đồng, tăng 66,8% và bằng 100% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 9.509 tỷ đồng, tăng 7,4% và vượt 8,8% dự toán; chi các chương trình mục tiêu từ nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu ước đạt 2.315 tỷ đồng, tăng 5,6% và vượt 50% dự toán. Việc quản lý, kiểm soát và sử dụng chi ngân sách được thực hiện theo đúng chế độ quy định, trong phạm vi dự toán được giao đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. 

1.8. Về đầu tư và xây dựng 

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 33.215 tỷ đồng, tăng 100,1% so với cùng kỳ, vượt khoảng 14,5% kế hoạch năm. 

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 là 6.235 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách địa phương 4.197 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương 2.038 tỷ đồng. Đến ngày 31/10/2022, giải ngân 4.098 tỷ đồng, đạt 91% so với kế hoạch trung ương giao; đạt 65,7% so với kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao. Dự kiến đến ngày 31/12/2022, giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao. 

Về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia[9] đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ước đến ngày 31/12/2022, có thêm 05 xã (Bình Châu, Bình Thuận, Bình An, Long Hiệp, Sơn Linh) đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% kế hoạch năm, lũy kế có 98 xã; 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao[10]; 03 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới[11]; số tiêu chí bình quân/xã đạt 17 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 05 tiêu chí. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn theo chuẩn mới quốc gia còn 8,11%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi là 31,38%. 

1.9. Thu hút đầu tư, quản lý, đăng ký doanh nghiệp

Tình hình đầu tư nước ngoài: Từ đầu năm đến ngày 20/10/2022, đã cấp phép mới cho 03 dự án FDI với tổng vốn đầu tư khoảng 74 triệu USD. Lũy kế có 62 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 1.877, 94 triệu USD; điều chỉnh 12 dự án, trong đó, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 04 dự án (26,87 triệu USD); thu hồi 01 dự án, tổng vốn đầu tư 250 triệu USD; vốn thực hiện ước đạt 75 triệu USD, bằng 83,3% so với năm 2021. Hiện có 47/63 dự án đã đi vào hoạt động, 13 dự án đang triển khai, 03 dự án đang tạm dừng. 

Tình hình đầu tư trong nước: Từ đầu năm đến ngày 20/10/2022, đã cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án với tổng vốn đăng ký 286 tỷ đồng (Lũy kế đến nay có 658 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 367.003 tỷ đồng); vốn thực hiện ước đạt 15.000 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2021. Đã thực hiện điều chỉnh 56 dự án, trong đó, điều chỉnh tăng vốn 1.329 tỷ đồng. Thu hồi 19 dự án với tổng vốn đầu tư 13.743 tỷ đồng. Hiện có 380 dự án đi vào hoạt động, 268 dự án đang triển khai, 10 dự án đang tạm dừng. Bên cạnh đó, tỉnh đã chấp thuận đầu tư cho 16 dự án bất động sản để thực hiện đấu thầu, đấu giá theo quy định, tổng vốn đầu tư dự kiến 9.436 tỷ đồng. 

Công tác quản lý, đăng ký doanh nghiệp: Từ đầu năm đến ngày 20/10/2022, có 640 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới[12], tăng 36,5% so với cùng kỳ; vốn đăng ký 4.189 tỷ đồng; vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp: 6,55 tỷ đồng/1 doanh nghiệp; có 432 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 31%; 124 doanh nghiệp giải thể tự nguyện, giảm 49%. Tiếp nhận và xử lý 1.394 hồ sơ đăng ký trực tuyến qua cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, chiếm 34,3%/tổng số hồ sơ tiếp nhận. 

2. Lĩnh vực văn hóa, xã hội 

2.1. Giáo dục và đào tạo 

Thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-202337 Tổ chức tốt các kỳ thi tuyển vào lớp 10, tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, kỳ thi học sinh giỏi và giáo viên dạy giỏi các cấp; thi tuyển dụng giáo viên. Phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai nhiều dự án giáo dục và đào tạo hiệu quả. Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả giai đoạn 2 của Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số. Phê duyệt và triển khai phương án mua sắm thiết bị máy tính bảng cấp cho học sinh trên địa bàn tỉnh thuộc Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Ngành giáo dục đã triển khai đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6 và chuẩn bị các điều kiện để chức dạy học đối với lớp 7, lớp 10 trong năm học 2022-2023. 13/13 huyện, thị xã, thành phố duy trì bền vững kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, đạt phổ cập giáo dục THCS, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Có 05/13 huyện đạt chuẩn về xóa mù chữ mức độ 1; 08/13 huyện đạt chuẩn về xóa mù chữ mức độ 2; tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. Có 114/208 trường Mầm non (tỷ lệ 54,80%); 128/153 trường Tiểu học (tỷ lệ 83,66%); 115/130 trường Trung học cơ sở (tỷ lệ 88,46%); 18/52 trường 02 cấp học TH-THCS (tỷ lệ 34,6%); 26/39 trường THPT (tỷ lệ 66,67%) đạt chuẩn quốc gia. 

2.2. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân 

Chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống truyền thông giáo dục sức khoẻ từ tỉnh đến cơ sở, đầu tư trang bị các phương tiện cần thiết để hoạt động đạt hiệu quả. Triển khai thực hiện đề án Hồ sơ sức khỏe điện tử; hệ thống Hội chẩn từ xa, kết nối giữa các bệnh viện tuyến tỉnh với các bệnh viện truyền trung ương. Thành lập và đưa vào hoạt động Bệnh viện Nội tiết với quy mô ban đầu 35 giường nội trú. 

Chỉ đạo tăng cường thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, đảm bảo đúng thời gian yêu cầu; đẩy mạnh công tác truyền thông cho người dân về lợi ích tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại vắc xin phòng Covid-19, đảm bảo tất cả người dân đều được tiêm chủng đầy đủ[13]

Ước đến hết năm 2022, có 154/173 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt tỷ lệ 89,02%; số giường bệnh/vạn dân đạt 30,2 giường; số bác sĩ/vạn dân đạt 7,75; tỷ lệ người dân tham gia đóng bảo hiểm y tế đạt 95,12%. 

2.3. Văn hóa, Thể thao và Du lịch 

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi, có nhiều điểm mới cả quy mô, hình thức, chất lượng; tổ chức 100 buổi văn nghệ kết hợp tuyên truyền lưu động, 40 buổi biểu diễn nghệ thuật; các Hội thi, hội diễn, liên hoan cấp tỉnh thu hút nhiều người dân tham gia. Tham gia Liên hoan diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên lần thứ III năm 2022 đạt một giải A và ba giải B. 

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng; triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đến năm 2030; xây dựng hồ sơ di tích cấp quốc gia đối với di tích Đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định và hồ sơ bảo vật quốc gia đối với hiện vật Trống đồng Đông Sơn; thực hiện chỉnh lý trưng bày Nhà trưng bày Vụ thảm sát Sơn Mỹ; hoàn chỉnh hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và được các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên. 

Các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng được tổ chức sôi nổi từ tỉnh đến cơ sở. Triển khai tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp tỉnh năm 2021-2022; tổ chức thành công 16 giải thể thao cấp tỉnh. Các đội tuyển và đội trẻ đã tham gia 19/27 giải thể thao toàn quốc, đạt 95 huy chương; các đội năng khiếu thể thao đã tham gia 15/15 giải trẻ toàn quốc, đạt 48 huy chương. Đăng cai tổ chức thành công 4 giải thể thao quốc gia, phối hợp tổ chức tốt cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh cúp Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022. 

Hoạt động du lịch được phục hồi, triển khai hiệu quả các hoạt động liên kết, xúc tiến du lịch và tổ chức Hội nghị sơ kết diễn đàn phát triển Du lịch giữa Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh trọng điểm miền Trung năm 2022. Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 02/11/2021 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5 khóa XX về đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phê duyệt Đề án Xây dựng Chương trình định vị và phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025. 

Đến cuối năm 2022, khách du lịch đến Quảng Ngãi ước đạt 650.000 lượt người, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ và đạt 90,3% so với kế hoạch. Doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ và đạt 71,1% so với kế hoạch. 

2.4. Quốc phòng, an ninh 

Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác tuyển quân được triển khai thực hiện tốt, đạt 100% chỉ tiêu - giao. Tổ chức thành công thực hành diễn tập khu vực phòng thủ và phòng thủ dân sự tỉnh năm 2022, diễn tập khu vực phòng thủ tại 04 địa phương trong tỉnh. 

Quán triệt và thường xuyên chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Kịp thời chỉ đạo, giải quyết, xử lý các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự. Triển khai nhiều biện pháp, giải pháp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.

* MỘT SỐ TỒN TẠI, HẠN CHẾ

1. Về lĩnh vực kinh tế 

(1) Nền kinh tế của tỉnh có bước tăng trưởng, từng bước phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhưng chưa bền vững, tăng trưởng vẫn còn thấp ở một số khu vực như khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. 

(2) Sản xuất công nghiệp có bước phát triển nhưng vẫn còn chậm, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn để phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19. Giá trị sản xuất công nghiệp phụ thuộc nhiều vào giá trị của sản phẩm lọc hóa dầu. Giá nguyên vật liệu tăng cao, nhiều ngành gặp khó khăn phải thu hẹp quy mô sản xuất. Công nghiệp chế biến, chế tạo phần lớn hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị. Sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp mới không nhiều. 

(3) Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều yếu tố thiếu bền vững do thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh và giá cả thị trường. Phần lớn nông sản bán ra trên thị trường chủ yếu ở dạng thô, chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng thấp; tình trạng được mùa, mất giá ở một số sản phẩm, như: dưa hấu, ớt... làm cho đời sống người nông dân gặp rất nhiều khó khăn. 

(4) Giá xăng dầu tăng cao làm chi phí đầu vào tăng lên, nhất là ngành khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, nguồn hải sản ngày càng khan hiếm nên hoạt động ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống ngư dân. 

(5) Các ngành dịch vụ tuy có phát triển nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, chưa phục hồi hoàn toàn, nhất là hoạt động du lịch lữ hành và dịch vụ vui chơi giải trí. 

(6) Chất lượng cải thiện môi trường đầu tư còn có mặt hạn chế, một số kiến nghị của doanh nghiệp chưa được giải quyết dứt điểm. Vướng mắc về cơ chế thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với các dự án chưa được tháo gỡ, dẫn đến hạn chế việc huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế. 

(7) Vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác trái phép một số loại khoáng sản như đất, cát, sỏi... Vấn đề vệ sinh môi trường liên quan đến vận chuyển, xử lý rác thải ở một số địa phương chưa được giải quyết dứt điểm. 

(8) Thủ tục thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, di dời và tái định cư của các dự án kéo dài, vướng mắc chậm tháo gỡ làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của một số dự án, công tác thu ngân sách nhà nước và tăng trưởng. Thu tiền sử dụng đất đạt thấp so với kế hoạch đề ra. 

2. Về văn hóa, xã hội 

(1) Dịch Covid-19 diễn ra thời điểm đầu năm đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân, người lao động; các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp nhiều khó khăn hơn. 

(2) Các trường tiểu học ở các huyện miền núi có nhiều điểm trường lẻ không tập trung ở trường chính nên rất khó khăn trong việc quản lý và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông và nâng cao chất lượng giáo dục. 

(3) Nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao của ngành y tế vẫn còn thiếu so với nhu cầu, nhất là tại tuyến huyện; điều kiện chăm sóc y tế cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Việc triển khai tiêm vắc xin Covid-19 gặp nhiều khó khăn, lượng người đến tiêm vắc xin rải rác ảnh hưởng đến công tác bảo quản và lượng hao hụt của vắc xin. 

(4) Phát triển du lịch Quảng Ngãi chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có. Chưa thu hút được các dự án lớn để thúc đẩy du lịch phát triển đột phá và làm nổi bật được giá trị thương hiệu đặc trưng riêng của Quảng Ngãi; du lịch Quảng Ngãi chưa đủ sức cạnh tranh với các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên và trên bản đồ du lịch cả nước. 

(5) Một số chính sách, quy định mới về triển khai thực hiện các nhiệm vụ đối với lĩnh vực người có công khi tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương còn nhiều vướng mắc. 

(6) Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia còn thấp, tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế./.

T.H

 

[1] Trong đó: Cây lúa: Diện tích gieo trồng ước đạt 74.870 ha, năng suất bình quân ước đạt 58,4 tạ/ha, sản lượng ước đạt 436.887 tấn; Cây ngô: Diện tích gieo trồng ước đạt 10.024 ha, năng suất bình quân ước đạt 57,1 tạ/ha, sản lượng ước đạt 57.207 tấn.

[2] cây ngô: 158,7ha, cây lạc: 116,4ha, cây rau các loại: 89,5ha, cây đậu các loại: 20ha, cây cỏ chăn nuôi: 72ha, cây khác: 123,4ha, cây ăn quả: 2ha.

[3] Xảy ra tại 94 cơ sở chăn nuôi nông hộ tại 56 thôn thuộc 31/173 xã, phường, thị trấn của 08/13 huyện, thị xã, thành phố với tổng số con mắc bệnh và chết 1.303 con/61,9 tấn.

[4] Xảy ra tại 952 cơ sở chăn nuôi nông hộ tại 229 thôn thuộc 77/173 xã, phường, thị trấn của 08/13 huyện thị xã thành nhố với 1108 con bà mắc hành làm chết 258 con/16 tấn.

[5] (1) Nhà máy Thép lá và Ống thép Dung Quất, vốn đăng ký 110 tỷ đồng; (2) Nhà máy sản xuất trang phục Mensa - Sơn Tịnh (FDI), vốn đăng ký 0,5 triệu USD; (3) Đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu Hạ tầng Khu công nghiệp nhẹ Bình Hòa - Bình Phước, tỉnh Quảng Ngãi (FDI), vốn đăng ký 56,4 triệu USD; (4) Nhà máy sản xuất khuôn nhựa và nhà xưởng cho thuê, vốn đăng ký 45 tỷ đồng; (5) Dự án đầu tư kho vận SIS Quảng Ngãi (FDI), vốn đăng ký 17,1 triệu USD.

[6] (1) Dự án Kho ngầm ngoại quan chứa dầu thô và xăng dầu tại KKT Dung Quất, vốn đăng ký 250 triệu USD; (2) Đầu tư kinh doanh dịch vụ Bãi đỗ xe, vốn đăng ký 15 tỷ đồng; (3) Nhà máy sản xuất bê tông thương phẩm, vốn đăng kỷ 15 tỷ đồng; (4) Dự án dịch vụ Xây dựng Tân Việt, vốn đăng ký 52 tỷ đồng; (5) 05 dự án của FLC (Dự án Khu đô thị Vạn Tường 01, 04, 07, 08 và Dự án Khu đô thị Du lịch sinh thái FLC Quảng Ngãi), tổng vốn đăng ký 12.550 tỷ đồng.

[7] Trong đó: Thu từ NMLD Dung Quất ước đạt 14.940 tỷ đồng, tăng 74,4% so với năm 2021, vượt 88,3 dự toán; Thu tiền sử dụng đất ước đạt 2.087 tỷ đồng, tăng 123,5% so với năm 2021, bằng 67,3% dự toán; Các khoản thu còn lại ước đạt 6.015 tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2021, vượt 6% dự toán.

[8] Nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chủ yếu thu từ Cty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất với số thu dự kiến khoảng 7.620 tỷ đồng và thu từ dầu thô nhập khẩu của Cty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn khoảng 3.373 tỷ đồng.

[9] 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025.

[10] Bình Dương, Bình Trị, Tịnh Bắc, Tịnh Giang, Đức Lân, Đức Lợi, Phổ An, Tịnh Kỳ, Tịnh Châu.

[11] Năm 2022, thành phố Quảng Ngãi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

[12] Luỹ kế đến 31/12/2022, trên địa bàn tỉnh có 10.521 doanh nghiệp được thành lập; trong đó: có 8.094 doanh nghiệp đang hoạt động.

[13] Đến nay, tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm mũi nhắc lại lần 1 đạt 82,5%, mũi nhắc lại lần 2 đạt 72,0%. Tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ 12-17 mũi nhắc lại đạt 25,1%. Tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi mũi 1 đạt 71,9%, mũi 2 đạt 36,3%.