Kinh tế

Xem với cỡ chữ Tương phản

Kinh tế- xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt kết quả tích cực

Th 3, 11/07/2023 | 08:41 SA

I. Lĩnh vực kinh tế 

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 ước tính đạt 29.240,3 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó: nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,05%; công nghiệp - xây dựng giảm 0,78%; dịch vụ tăng 5,78%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,09%. 

1. Về sản xuất công nghiệp 

Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 65.559 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 59,3% kế hoạch năm. Trong đó, công nghiệp khai khoáng ước đạt 326,0 tỷ đồng, tăng 17,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 64.609,7 tỷ đồng, tăng 0,02%; sản xuất và phân phối điện đạt 415,4 tỷ đồng, tăng 13,6%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải ước đạt 207,8 tỷ đồng, tăng 63,5%. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng năm 2023 ước giảm 1,4% so với cùng kỳ. 

Một số sản phẩm có sản lượng tăng so với cùng kỳ năm 2022: Sản phẩm lọc dầu tăng 4,4%; thủy sản chế biến tăng 0,6%; bia các loại tăng 0,4%; phân hóa học tăng 2,1%; sản phẩm may mặc tăng 25,5%; điện sản xuất tăng 4,0%; nước khoáng tăng 2,4%... Một số sản phẩm giảm: Sắt thép xây dựng giảm 30,8%; sữa các loại trên địa bàn tỉnh giảm 18,9%; giày da giảm 26,5%; dăm gỗ nguyên liệu giấy giảm 43,1%; sợi giảm 11,7%; tinh bột mỳ giảm 31,6%. 

2. Về thương mại, dịch vụ và giá cả thị trường 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 3,18% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước đạt 35.277 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ và đạt 50,3% kế hoạch năm. 

Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.206 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ, đạt 57,4% kế hoạch năm.

Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.835 triệu USD, bằng 100% so với cùng kỳ, đạt 55,3% kế hoạch năm. 

Hoạt động vận tải (không kể vận tải đường sắt): Ước đạt 2.544 tỷ đồng, tăng 24,8% so với cùng kỳ và đạt 56,1% kế hoạch năm. 

3. Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 

Giá trị sản xuất nông, lâm và thủy sản ước đạt 9.776 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 52,3 kế hoạch năm. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 4.793,3 tỷ đồng, tăng 5,34%; lâm nghiệp đạt 906,3 tỷ đồng, tăng 2,33%; thuỷ sản đạt 4.076,8 tỷ đồng, tăng 3,20%. 

- Về trồng trọt: Diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt vụ Đông Xuân đạt 42.593 ha, giảm 0,7% so với cùng vụ năm 2022; sản lượng ước đạt 260.072 tấn, tăng 0,5%. Trong đó, diện tích lúa ước đạt 38.120 ha, giảm 0,8%; năng suất lúa ước đạt 61,3 tạ/ha; sản lượng lúa ước đạt 233.321 tấn, tăng 0,3%. Một số địa phương đã bắt đầu gieo sạ vụ Hè Thu, diện tích lúa ước đạt 5.265 ha, đạt 15,2% kế hoạch năm. 

Diện tích gieo trồng các loại cây có hạt chứa dầu ước đạt 4.846 ha, tăng 8,3% so với vụ đông xuân năm 2022. Trong đó, diện tích cây lạc ước tăng 8,3%, năng suất ước đạt 23,7 tạ/ha, sản lượng tăng 8,0%; diện tích đậu ước giảm 0,8%, năng suất ước đạt 20,8 tạ/ha, sản lượng ước giảm 1,7%. Diện tích gieo trồng rau, đậu và các loại hoa ước đạt 8.542,2 ha, tăng 4,1% so với vụ đông xuân năm 2022. 

Trong vụ Đông Xuân có 03 cánh đồng sản xuất rau an toàn với diện tích 16,5ha, doanh thu bình quân đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm; triển khai thực hiện 42 mô hình trình diễn, sản xuất thử trên cây lúa với tổng diện tích 191,8ha. Đã triển khai thực hiện 65 cánh đồng lớn, với tổng diện tích 1.157,3 ha, tăng 50 cánh đồng với diện tích 613,3 ha so với kế hoạch đề ra, năng suất bình quân ước đạt từ 69,6 tạ/ha. 

- Về chăn nuôi: Chăn nuôi duy trì ổn định. Việc tái đàn heo sau dịch tả lợn châu Phi đang tiến triển rất tốt, sản phẩm chăn nuôi hàng hóa chủ lực của địa phương là bò thịt và trâu thịt, việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại đang tiến triển tích cực, sản lượng thịt hơi ngày càng tăng. Ước tính đến hết tháng 6, đàn trâu toàn tỉnh giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2022; đàn bò giảm 1,8%; đàn lợn giảm 2,5%; đàn gia cầm có tăng 5,9%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 8,0% so với cùng kỳ năm trước. Dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò giảm do triển khai tiêm phòng vắc xin đồng loạt trên địa bàn tỉnh; dịch tả lợn Châu Phi còn xảy ra tại một số địa phương nhưng đã được khống chế. 

- Về lâm nghiệp: Diện tích trồng rừng tập trung đạt 8.506 ha, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác ước đạt 934.998 m3, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tổ chức 209 đợt truy quét, 282 đợt kiểm tra, 1.225 đợt tuần tra quản lý bảo vệ rừng, phát hiện 43 vụ vi phạm, thu giữ 48,5 m3 gỗ. Thu nộp ngân sách 410,8 triệu đồng. Đã xảy ra 02 vụ vi phạm phá rừng, làm thiệt hại 0,6 ha, không xảy ra cháy rừng. 

- Về thủy sản: Sản lượng thủy sản ước đạt 151.036 tấn, tăng 1,0% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 54,7% kế hoạch năm. Trong đó, thủy sản khai thác ước đạt 147.416 tấn, tăng 1,2%; sản lượng nuôi trồng ước đạt 3.620 tấn, giảm 4,4%. 

thủy sản

4. Thu chi ngân sách 

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 12.733 tỷ đồng (không tính hoàn thuế GTGT từ hoạt động xuất nhập khẩu), bằng 76% so với cùng kỳ năm trước, đạt 54,4% dự toán do trung ương giao và đạt 53,3% dự toán HĐND tỉnh giao Trong đó: thu nội địa ước đạt 8.567 tỷ đồng, bằng 83,7% so với cùng kỳ, đạt 56,8% dự toán trung ương giao và đạt 55,1% dự toán tỉnh giao; thu hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 4.047 tỷ đồng, bằng 62,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 50% dự toán. 

Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 7.265 tỷ đồng, bằng 140,7% so với cùng kỳ và bằng 42,5% dự toán trung ương giao, 41,4% dự toán do HĐND tỉnh giao. 

5. Đầu tư phát triển 

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm ước đạt 15.279 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 46,3% kế hoạch năm. 

Tổng kế hoạch vốn được Trung ương giao năm 2023 là 6.789.417 triệu đồng, HĐND tỉnh giao 7.281.621 triệu đồng, chênh lệch tăng so với kế hoạch vốn Trung ương giao 492.204 triệu đồng, do địa phương giao tăng từ nguồn nguồn thu sắp xếp lại xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước 130.000 triệu đồng, nguồn thu xổ số kiến thiết 30.000 triệu đồng, vốn bổ sung trong năm 2023 là 332.204 triệu đồng. 

Ước giải ngân đến ngày 30/6/2023 đạt 38,7% so với kế hoạch Trung ương giao và đạt 36,2% so với kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao (trong đó, giải ngân Kế hoạch vốn giao đầu năm 2023 đạt 36,8% so với kế hoạch Trung ương giao và đạt 35,9% so với kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao). 

6. Thu hút đầu tư và quản lý doanh nghiệp

Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI): Có 02 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư (Dự án Nhà máy sản xuất vải Sedo -Dung Quất; Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer - Quảng Ngãi), với số vốn đăng ký 165,085 triệu USD. Điều chỉnh 03 dự án, trong đó, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 02 dự án (11,9 triệu USD); vốn thực hiện 6 tháng của các dự án còn hiệu lực ước đạt 22 triệu USD. Hiện nay, có 46/65 dự án đã đi vào hoạt động, 16 dự án đang triển khai, 03 dự án đang tạm dừng. 

Tình hình đầu tư trong nước: Đã cấp chủ trương đầu tư cho 04 dự án (Nhà máy sản xuất thép dây cuộn chất lượng cao Hòa Phát Dung Quất; Nhà máy bê tông An Hội, Cửa hàng xăng dầu Sơn Ba, Nhà máy gia công ván công nghiệp), giảm 8 dự án so với cùng kỳ năm 2022, với tổng vốn đăng ký 3.235 tỷ đồng; vốn thực hiện 6 tháng của các dự án còn hiệu lực ước đạt 5.000 tỷ đồng. Tỉnh đã chấp thuận đầu tư cho 03 dự án bất động sản để thực hiện đấu thầu, đấu giá theo quy định, tổng vốn đầu tư khoảng 780 tỷ đồng. 

Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: Số doanh nghiệp thành lập mới là 339 doanh nghiệp, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2022. Số hồ sơ đăng ký trực tuyến qua cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia là 1.323 hồ sơ, chiếm 62,6% tổng số hồ sơ tiếp nhận và xử lý. 

II. Lĩnh vực văn hóa - xã hội 

1. Giáo dục và Đào tạo 

Triển khai nhiệm vụ năm học đảm bảo theo Khung kế hoạch thời gian năm học và tổng kết năm học 2022-2023. Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025; định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch thực hiện Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030”; Danh mục sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từ năm học 2023-2024. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; tổ chức thành công Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2022-2023 và kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh ở các khối lớp; Cuộc thi “học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ V; Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp năm học 2022-2023. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023- 2030” trên địa bàn tỉnh. 

2. Y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân 

Tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh tại các tuyến; chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh tại các cơ sở y tế. Thực hiện công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế, hóa chất, hóa chất xét nghiệm. Tiếp tục triển khai Đề án Thiết lập Hồ sơ sức khỏe điện tử đến từng người dân; triển khai sâu rộng: Tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”; phối hợp triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế

Các hoạt động phòng, chống lao tiếp tục được duy trì; tình hình bệnh sốt rét ổn định, không có ca sốt rét ác tính, không có tử vong do sốt rét; số người mắc sốt xuất huyết tăng cao. Duy trì công tác phát hiện và quản lý người bệnh tâm thần tại các tuyến, chương trình tâm thần tại 173 xã. Tiếp tục duy trì các hoạt động tư vấn, tuyên truyền về phòng chống bệnh đái tháo đường và quản lý, điều trị bệnh nhân theo đúng quy định. Công tác tiêm chủng mở rộng được duy trì thực hiện tại 100% xã, phường, thị trấn, đảm bảo chất lượng, không có tai biến sau tiêm chủng. Triển khai tổ chức vận động hiến máu tình nguyện, được 4.182 đơn vị máu. Tập trung truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, cảnh báo mối nguy an toàn vệ sinh thực phẩm, tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được kiểm tra đạt yêu cầu là 93%; không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm. 

3. Lao động, Thương binh và Xã hội 

Công tác lao động, việc làm, thực hiện chính sách xã hội; Công tác Trẻ em, Bình đẳng giới và Phòng chống tệ nạn xã hội; bảo trợ xã hội và Giảm nghèo được thực hiện đầy đủ, kịp thời. 

Thực hiện nhiệm vụ chăm lo tết cho đối tượng Người có công với cách mạng trong dịp Tết nguyên đán, đón tiếp thân nhân đối tượng và nhân dân đến viếng hương tại nghĩa trang liệt sĩ trong các ngày Tết. Tổ chức thăm hỏi, động viên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân tháng hành động vì trẻ em năm 2023. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chi trả không dùng tiền mặt đối tượng người có công với cách mạng. Ban hành Kế hoạch phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn; Kế hoạch thực hiện Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022-2030” trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. 

Tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm, chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm ngày càng nâng cao, kịp thời đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động. Kịp thời thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ cho hơn 90.150 đối tượng bảo trợ xã hội, với tổng kinh phí thực hiện là 287 tỷ đồng. 

Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền địa phương đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện hiệu quả. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 465 người (Nhật Bản: 399 người, Hàn Quốc: 44 người, Đài Loan: 22 người), đạt 46,5% kế hoạch giao; qua đó đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động ở nông thôn, địa bàn đặc biệt khó khăn. 

4. Văn hóa, Thể thao và Du lịch 

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ: Chuẩn bị các điều kiện cần thiết tại các bảo tàng, di tích, phục vụ khách tham quan nhân dịp Tết Nguyên đán; Tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể lần thứ Ba; các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử - chính trị - xã hội, mừng Đảng - mừng Xuân; Lễ tưởng niệm 55 năm ngày 504 đồng bào Sơn Mỹ bị thảm sát; Lễ công bố và đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh; Triển lãm - Hội thi - Hội chợ sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi mở rộng; Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc; Hội thi Tuyên truyền giới thiệu sách và các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; trưng bày tư liệu, hiện vật, hình ảnh với Chủ đề “Lý Sơn - Di sản văn hóa biển, đảo”; triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Đất và Người miền Ấn Trà”; Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Triển khai thực hiện các dự án trùng tu, tôn tạo di tích; lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích các cấp. 

Bảo tàng tổng hợp tỉnh, Khu Chứng tích Sơn Mỹ và các Nhà trưng bày chuyên đề đã đón tiếp và phục vụ 78.000 lượt khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu. Thực hiện 22 buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị của ngành và của tỉnh phục vụ các nhiệm vụ chính trị của ngành và của tỉnh; thực hiện Chuyên mục Văn hóa phát trên sóng phát thanh và truyền hình của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi. 

Các hoạt động thể dục, thể thao: Triển khai tổ chức các giải thể thao mừng Đảng - mừng Xuân; triển khai tổ chức các hoạt động thể thao cấp tỉnh và toàn quốc năm 2023. Tham gia 10 giải thể thao toàn quốc, đạt 35 huy chương. 

Lĩnh vực du lịch: Tổng lượt khách trong 6 tháng ước đạt 616 nghìn lượt người, tăng 92% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế 6.113 lượt, tăng 62% so với cùng kỳ; doanh thu ước đạt 485 tỷ đồng, tăng 103% so với cùng kỳ, trong đó thu bằng ngoại tệ 1.347 nghìn USD, tăng 51% so với cùng kỳ. 

5. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội 

Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 04/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Kế hoạch số 16/KH-UBND công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; tập trung kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa. Tăng cường phòng, chống tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh; thực hiện công tác làm sạch dữ liệu và triển khai nhiều biện pháp, giải pháp phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. 

Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoàn thành công tác giao nhận quân, các đơn vị từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn đều đạt 100% chỉ tiêu trên giao. Toàn tỉnh đã xảy ra 107 vụ tai nạn giao thông, làm chết 38 người, bị thương 107 người, thiệt hại tài sản khoảng 295 triệu đồng. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm còn gặp một số khó khăn: Nền kinh tế của tỉnh có bước tăng trưởng, nhưng tăng trưởng ở mức thấp, riêng khu vực công nghiệp - xây dựng có mức tăng trưởng âm. Giá trị sản xuất công nghiệp phụ thuộc nhiều vào giá trị của sản phẩm lọc hóa dầu và thép. Sản xuất nông nghiệp vẫn thiếu bền vững do thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh và giá cả thị trường. Phần lớn nông sản bán ra trên thị trường chủ yếu ở dạng thô, chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng thấp. Chất lượng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh còn có mặt hạn chế, một số kiến nghị của doanh nghiệp chưa được giải quyết dứt điểm. Vướng mắc về cơ chế thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với các dự án chưa được tháo gỡ dứt điểm, dẫn đến hạn chế việc huy động nguồn lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh . Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản chưa chặt chẽ, còn xảy ra tình trạng khan hiếm cát xây dựng, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Giá cả nguyên vật liệu tăng cao, lãi suất ngân hàng tăng cao cùng với chính sách siết chặt tín dụng nên hạn chế hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Theo đó, việc tiếp cận nguồn vốn và các nguồn cung-cầu nguyên vật liệu, hàng hoá, dịch vụ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến số lượng doanh nghiệp thành lập, đầu tư trong nước và nước ngoài... 

Nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao của ngành y tế vẫn còn thiếu so với nhu cầu, nhất là tại tuyến huyện; điều kiện chăm sóc y tế cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Phát triển du lịch Quảng Ngãi chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có. Chưa thu hút được các dự án lớn để thúc đẩy du lịch phát triển đột phá và làm nổi bật được giá trị thương hiệu đặc trưng riêng của Quảng Ngãi. Hạ tầng phục vụ công tác chuyển đổi số ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn nhân lực tham mưu công tác chuyển đổi số, an toàn thông tin còn thiếu. Người dân chưa tham gia vào quá trình chuyển đổi số nhiều. Một số người dân, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn hay vùng sâu, vùng xa có kỹ năng sử dụng các công nghệ số còn thấp…

D.T