Xây dựng đảng

Xem với cỡ chữ Tương phản

Phát huy công tác dân vận trong tham gia tuyên truyền, vận động hỗ trợ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Thu, 06/06/2019 | 08:27 AM

Trong những năm qua, sự tích cực, chủ động của lãnh đạo tỉnh trong công tác cải cách hành chính, thu hút đầu tư đã góp phần quan trọng đưa các dự án đầu tư vào hoạt động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh có phần chậm lại. Một trong những lý do ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh là việc chậm đưa các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư lớn vào vận hành mà một trong những lý do được nhiều sở, ngành và doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá là do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) giảm so với các năm trước.

Thực hiện Hướng dẫn số 169-HD/BDVTW ngày 11/6/2013 của Ban Dân vận Trung ương về công tác dân vận tham gia trong quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thu hồi đất, tái định cư và triển khai thực hiện "Năm Dân vận chính quyền" 2018, 2019 do Trung ương phát động; sau khi tìm hiểu, Ban Dân vận Tỉnh ủy nhận thấy trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng lâu nay, các cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chủ yếu vào các biện pháp hành chính và tác nghiệp chuyên môn (kiểm kê, áp giá), chưa coi trọng đúng mức công tác vận động, tuyên truyền của các cấp chính quyền, mặt trận và các đoàn thể, do đó chưa tạo được sự đồng thuận của đông đảo người dân, nhất là những hộ dân liên quan trực tiếp đến dự án.

Để góp phần cùng chính quyền các cấp hỗ trợ Nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng, nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự, triển khai thực hiện tốt các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tiến độ của dự án, nhất là đảm bảo đời sống, lợi ích  hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền lợi của nhà đầu tư trên cơ sở bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, của tỉnh về đất đai, về đầu tư phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư tại các dự án trọng điểm, giai đoạn trọng điểm, góp phần tích cực trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh; trên cơ sở đề xuất của Ban Dân vận Tỉnh ủy, ngày 23/8/2017 và ngày 02/02/2018 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các Quyết định số 766-QĐ/TU về việc thành lập Tổ Công tác giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo và thực hiện thí điểm việc tuyên truyền, vận động hỗ trợ giải phóng mặt bằng Dự án Khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ VSIP và Quyết định số 944-QĐ/TU về việc chỉ đạo và thực hiện việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ giải phóng mặt bằng Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các Quyết định thành lập, các Tổ Công tác đã khẩn trương làm việc, gặp gỡ, trao đổi với các tổ chức, cơ quan, địa phương có liên quan[1] chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung, nhất là việc nắm bắt tình hình người dân khu vực chịu ảnh hưởng để xây dựng kế hoạch, lịch làm việc, kịch bản chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và bàn biện pháp, phương pháp, thời gian, nhân lực, vật lực để tiến hành tổ chức tuyên truyền, vận động hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại các Dự án.

Từ cuối năm 2017 đến nay, các Tổ công tác đã chủ trì hoặc phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan tổ chức hàng chục cuộc họp để trao đổi, bàn bạc, đánh giá, thống nhất cách làm trong công tác tuyên truyền, vận động. Qua đó, đã triển khai tổ chức gần 40 buổi[2] gặp gỡ trao đổi, thuyết phục người dân bằng nhiều hình thức như: gặp gỡ, đối thoại, thuyết phục, vận động tại Hội trường UBND xã, tại Nhà sinh hoạt xóm, thôn, tới vận động từng nhà và vận động trực tiếp để người dân tự nguyện tháo dỡ tại hiện trường Dự án. Qua quá trình vận động với tinh thần cầu thị, lắng nghe người dân nói, tìm hiểu từng hoàn cảnh cụ thể, Tổ Công tác đã cùng chính quyền địa phương giải quyết kịp thời một số thiếu sót, bất cập trong quá trình triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân. Đồng thời đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhiều nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của người dân. Đối với Dự án VSIP, tính đến hết tháng 4/2019, đã bàn giao 100% đất sạch cho 02 Nhà đầu tư theo Kế hoạch với 46 ha và 85 ha đất sạch có hạ tầng chưa bàn giao cho Nhà đầu tư. Trong đó, có 191 hộ/194 hộ dân và 01 cộng đồng dân cư tự giác bàn giao mặt bằng. Chính quyền chỉ thực hiện biện pháp bảo vệ thi công, cưỡng chế thu hồi đất công ích đối với 03 hộ dân sau khi đã kiên trì thuyết phục tuyên truyền, vận động nhiều lần. Đối với Dự án Nâng cấp, Mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tính đến ngày 20/5/2019 đã vận động dỡ dọn được nhà cửa, vật kiến trúc của 216 hộ/219 hộ, 03 hộ còn lại cam kết dỡ dọn trong cuối tháng 5/2019 trên tổng số hơn 108 ha của Dự án.

Tổ công tác 944 tham gia vận động trực tiếp hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại hiện trường Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn

 

Qua kết quả công tác tuyên truyền, vận động hỗ trợ GPMB các Dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, công tác tuyên truyền, vận động phải được coi trọng và phải đi trước một bước trước khi triển khai Dự án. Muốn thành công trong công tác này nhất định phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cấp ủy, chính quyền với các ban, ngành, tổ chức liên quan; quyết tâm, nỗ lực của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, mà quan trọng nhất vẫn là vai trò của chính quyền các cấp vì là cấp có thẩm quyền trực tiếp giải quyết cơ chế, chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Thứ hai, lực lượng tham gia tuyên truyền, vận động phải đảm bảo thành phần, số lượng (tỉnh, huyện, xã, cơ quan chức năng) thì tính thuyết phục người dân sẽ cao hơn rất nhiều. Kỹ năng thuyết phục, vận động của các thành viên Tổ Công tác phải vừa mềm dẻo, linh hoạt vừa đảm bảo đúng nguyên tắc của pháp luật là yếu tố hết sức quan trọng. Đồng thời các thành viên Tổ Công tác phải am tường lĩnh vực cần vận động, qua đó dễ thuyết phục; lắng nghe kiến nghị chính đáng của người dân để phối hợp chính quyền địa phương đề xuất hướng giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân.

Thứ ba, cơ chế, chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư phải thỏa đáng và đáp ứng được nhu cầu thiết thân của người dân trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Trường hợp có nhiều hộ dân phản đối hoặc chưa đồng thuận thì cần rà soát, xem lại cơ chế, chính sách áp dụng đã đúng hay chưa để có hướng trao đổi, thuyết phục, giải quyết hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền giải quyết phù hợp cho từng trường hợp cụ thể, riêng biệt.

Thứ tư, cần tránh việc chi trả bồi thường cách quá xa ngày nhận đất tái định cư, gây khó cho người dân trong việc ổn định nơi ở mới. Phương án chọn địa điểm, quy mô khu Tái định cư phải rất thực tế với quỹ đất phù hợp nhưng phải đảm bảo nhu cầu, lợi ích hợp pháp của người dân và phải đảm bảo nguyên tắc chất lượng hạ tầng, tiện ích ít nhất là bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Thứ năm, việc tổ chức công tác tuyên truyền, vận động phải làm từng bước chặt chẽ, kiên trì, chắc chắn từng bước một, từ khảo sát thu thập thông tin về tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, phản ánh của người dân đến xác định nội dung cần trả lời, giải thích; phân công nhiệm vụ chặt chẽ cho từng thành viên Tổ công tác; xác định thời gian địa điểm tuyên truyền, vận động phù hợp, nên chọn địa điểm gần dân nhất như nhà sinh hoạt xóm, thôn hoặc tại hiện trường Dự án; trao đổi bàn bạc chặt chẽ với quân, dân, chính, người có uy tín, lực lượng nòng cốt ở địa phương; phân loại đối tượng theo nhóm để có biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp, trên nguyên tắc dễ làm trước, khó làm sau.

Thứ sáu, xác định công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các Dự án phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Cần xác định rõ những dự án trọng điểm, ưu tiên để xây dựng kế hoạch, lộ trình, bước đi phù hợp. Xác định đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính thường xuyên, liên tục, trong quá trình thực hiện, tuyệt đối không được nóng vội, hành động duy ý chí dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, điểm nóng, khiếu kiện đông người tại các địa phương mà dự án đi qua.

Khuyến nghị một số giải pháp triển khai hiệu quả mô hình Tổ Công tác giúp Ban Thường vụ cấp ủy chỉ đạo và thực hiện việc tuyên truyền, vận động hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án phát triển KT-XH trọng điểm trên địa bàn tỉnh thời gian đến:

Một là, thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch, thực hiện tốt các quy định về dân chủ cơ sở và cơ chế "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trong tất cả các dự án ngay từ đầu là hết sức quan trọng. Tăng cường và phải thực sự coi trọng công tác dân vận chính quyền nhằm tạo sự đồng thuận của đa số người dân, tránh tình trạng để một bộ phận người dân đối đầu, mâu thuẫn với chính quyền trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên cần tránh xu hướng theo đuôi người dân, lấy việc thay đổi cơ chế bồi thường, tái định cư thay cho việc kiên trì thuyết phục người dân chấp hành.

Hai là, Hệ thống chính trị của tỉnh cần vào cuộc một cách đồng bộ với quyết tâm chính trị cao trong công tác này. Trong đó UBND tỉnh phải theo dõi, chỉ đạo, kịp thời giải quyết các kiến nghị chính đáng, hợp lý, hợp pháp của người dân theo nguyên tắc không phá vỡ chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng; UBND huyện và cán bộ chủ chốt địa phương phải cùng với Tổ Công tác của tỉnh thường xuyên trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với dân. Trong trường hợp đã dùng mọi biện pháp tuyên truyền, vận động, gặp gỡ, thuyết phục mà vẫn còn một số ít người dân cố tình không đồng thuận, gây cản trở, khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng thì cần kỹ lưỡng rà soát lại hết các vấn đề trước khi tiến hành các biện pháp hành chính kiên quyết hơn.

Ba là, mỗi thành viên Tổ Công tác phải có ý thức tự giác và phát huy tinh thần trách nhiệm, trau dồi kiến thức liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; không ngừng nâng cao kỹ năng đối thoại, thuyết phục người dân; kinh nghiệm cho thấy việc xác định rõ công tác tuyên truyền, vận động cần phải kiên trì và làm ngay từ đầu, không chủ quan, nóng vội thì sẽ đem lại kết quả rất lớn về sau.

Bốn là, tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là đất công; kiểm soát chặt chẽ việc tách hộ, tách thửa; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng xã, xóm, thôn, cho mỗi cán bộ, đảng viên ở Khu dân cư và đưa vào nghị quyết của chi bộ trong việc giám sát trực tiếp tình hình xây mới, cơi nới nhà cửa, vật kiến trúc, trồng thêm cây cối, hoa màu ở các hộ dân thuộc diện cần di dời sau khi có Thông báo thu hồi đất.

Năm là, chấn chỉnh công tác cán bộ ở các địa phương và có kế hoạch luân chuyển trước những cán bộ gây mất đoàn kết nội bộ, yếu kém về năng lực lãnh đạo, điều hành, quản lý, nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền dẫn đến tình trạng xảy ra những vụ việc sai phạm kéo dài, gây bức xúc trong Nhân dân trước khi tiến hành đầu tư các Dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn. Đồng thời phân công, luân chuyển những cán bộ đảm bảo năng lực lãnh đạo, có uy tín, có kinh nghiệm trong quản lý, điều hành tham gia làm cán bộ lãnh đạo ở các địa phương có các Dự án lớn đi qua.

Sáu là, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn xây dựng kế hoạch vận động hội viên, đoàn viên thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương về công tác giải phóng mặt bằng góp phần tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời tăng cường mạnh mẽ việc tham gia giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong triển khai thực hiện các Dự án phát triển KT-XH tại địa phương. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về chính sách, pháp luật nhà nước liên quan đến lĩnh vực giám sát, hòa giải, đất đai, môi trường,...cho đội ngũ cán bộ mặt trận, đoàn thể cơ sở; phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, Tổ hòa giải cơ sở trong công tác này.

Bảy là, trên cơ sở kết quả thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh của các Tổ Công tác, tiến hành đánh giá hiệu quả mô hình, bài học kinh nghiệm và nhân rộng mô hình để các huyện, thành phố triển khai áp dụng; nghiên cứu xây dựng và ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong triển khai các dự án đầu tư (lấy ý kiến cộng đồng, phản biện khoa học và phản biện xã hội) trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Phạm Ngọc Thành

Trưởng phòng Dân vận các cơ quan nhà nước,

Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

 

[1] Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh; Đảng ủy, UBND xã Tịnh Thọ, xã Bình Trị; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; đại diện chủ đầu tư; Trung tâm phát triển Quỹ đất; quân, dân, chính xã Tịnh Thọ, xã Bình Trị,...

      [2] Vào các đợt: 26/9/2017; 24/01/2018; 05/4/2018; 03/10/2018; 14/11/2018; 02/01/2019, 28/3/2018, 06/4/2018, 24/4/2018, 28/6/2018, 12-15/3/2019, 19-20/3/2019, 16-19/4/2019, 22-23/4/2019, 13-15/5/2019.