Văn hóa - Xã hội

Xem với cỡ chữ Tương phản

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Thu, 28/09/2023 | 09:34 AM

Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa có văn bản chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (Kết luận số 61-KL/TW).

Theo đó, để triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 61- KL/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 61-KL/TW; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương xây dựng chính sách, bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm: Đổi mới, đa dạng hoá, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, làm thay đổi hành vi, thói quen trong tiêu dùng, sản xuất, sinh hoạt, góp phần quan trọng vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Rà soát, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, đồng bộ chủ trương của Đảng về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Đa dạng hóa các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp theo hướng sản xuất xanh, bền vững, tuần hoàn, đa mục đích, đa giá trị trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng. Phát triển các hình thức liên kết, hợp tác, chia sẻ lợi ích trong chuỗi sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp, gắn trồng rừng với khai thác, chế biến và thương mại lâm sản. Phát triển kinh tế lâm nghiệp, nhất là kinh tế dưới tán rừng. Áp dụng công nghệ tiên tiến, chế biến sâu, tiết kiệm nguyên liệu, khuyến khích sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, gỗ có chứng chỉ, phát triển vật liệu mới thay thế gỗ, gỗ kết hợp vật liệu thân thiện với môi trường. Tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung về lâm nghiệp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đồng bộ với Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia và các quy hoạch chuyên ngành liên quan. Tập trung điều tra, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng, xây dựng cơ sở dữ liệu rừng, đánh giá tổng thể tài nguyên rừng; đến năm 2026, hoàn thành việc phân định ranh giới rừng trên thực địa. Thực hiện nghiêm quy định chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Xử lý nghiêm, kịp thời vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thường vụ Tỉnh ủy về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Xử lý triệt để tồn đọng, tranh chấp đất đai có nguồn gốc từ lâm trường, công ty lâm nghiệp; chấm dứt tình trạng công ty lâm nghiệp được giao đất nhưng không sử dụng (nhượng lại, cho thuê, cho mượn, khoán trắng) hoặc sử dụng không hiệu quả; xử lý dứt điểm diện tích đất lâm nghiệp bị chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Tăng cường thu hút nguồn vốn hỗ trợ từ các nước, các tổ chức quốc tế, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)…

Đến năm 2026, hoàn thành việc phân định ranh giới rừng trên thực địa (ảnh m.họa, internet)

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, giám sát, phản biện, vận động thành viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Chi tiết văn bản: Xem tại đây.

B.B.T