Văn hóa - Xã hội

Xem với cỡ chữ Tương phản

Rất cần tiêm chủng Viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh

Tue, 04/04/2023 | 09:00 AM

Bệnh viêm gan B (VGB) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút VGB gây ra.Việt Nam là nước thuộc vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh VGB cao. Tỷ lệ lưu hành HBsAg (Hepatitis B surface antigen, là kháng nguyên bề mặt của virus VGB) của Việt Nam là 10-20%. Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ HBsAg ở phụ nữ có thai >10%.

Trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm khi sinh từ 10% đến 90% nếu mẹ bị nhiễm VGB. Đây là đường lây nhiễm nguy hiểm nhất. Nếu trẻ sơ sinh bị lây nhiễm vi rút VGB từ mẹ sẽ có nguy cơ trở thành bệnh mãn tính là 90% và khoảng 25% trong số đó sẽ có nguy cơ bị ung thư gan và xơ gan.

Cho đến nay, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị VGB. Do đó tiêm vắc xin VGB trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh là cách tốt nhất để phòng lây truyền VGB từ mẹ sang con. Tiêm vắc xin VGB trong 24 giờ đầu sau sinh sẽ phòng lây truyền từ mẹ sang con từ 80–95%. Nếu tiêm muộn, việc phòng lây truyền VGB từ mẹ sang con sẽ ít hiệu quả. Do đó, sau khi sinh trẻ cần được tiêm vắc xin VGB trong 24 giờ đầu sau sinh.

Viêm gan B là một bệnh phổ biến và nguy hiểm.

Ước tính khoảng 30% số dân thế giới có dấu ấn của nhiễm vi-rút VGB. Ít nhất một triệu người chết vì VGB hằng năm. Khoảng 90% số người nhiễm vi-rút VGB mãn tính do nhiễm vi-rút VGB từ khi còn nhỏ, chỉ có 10% trong số trẻ bị nhiễm có biểu hiện lâm sàng. Trong số bị VGB mãn tính thì có tới 25% sẽ chết vì những bệnh gan mãn tính như viêm gan mạn, xơ gan, suy gan và ung thư gan.

Tỷ lệ nhiễm vi-rút VGB ở Việt Nam khá cao, chiếm khoảng 10-20% dân số. Việt Nam là một trong chín nước tại Tây Thái Bình Dương bị Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách những nước có tỷ lệ nhiễm vi-rút viêm gan cao đáng báo động.

Trẻ em bị nhiễm sẽ tiếp tục duy trì ổ chứa gây nhiễm lan truyền cho trẻ khác và sẽ có nguy cơ đối với bệnh gan mạn và tử vong liên quan đến bệnh gan ở người lớn sau này.

Qua một số nghiên cứu thực tế và ước tính của WHO, ở những vùng có tỷ lệ nhiễm vi-rút VGB khoảng 8% trong quần thể thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con tại lúc sinh ước tính là 5%. Như vậy, mỗi năm trung bình cả nước ta có 1,6 triệu trẻ mới được sinh ra, với tỷ lệ lây mẹ sang con là 5% thì sau này, ước tính hằng năm sẽ có 80 nghìn trẻ bị lây nhiễm vi-rút VGB từ mẹ sang con và hằng năm sẽ có khoảng 20 nghìn người sẽ chết vì các bệnh liên quan tới VGB.

Trẻ sơ sinh tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh

Tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 giờ sau sinh, càng sớm càng tốt.

Cho đến nay, ngoài việc tiêm vắc-xin VGB sơ sinh (càng sớm càng tốt, tốt nhất trong vòng 24 giờ), không có biện pháp nào hữu hiệu khác được WHO khuyến cáo trong việc phòng lây truyền từ mẹ sang con. Nhóm trẻ được tiêm vắc xin VGB liều sơ sinh sớm có tỷ lệ nhiễm vi-rút VGB thấp hơn nhóm tiêm muộn. Việc tiêm vắc-xin thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao, với mũi tiêm trong 24 giờ có khả năng phòng được từ 80 đến 90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày.

Khác với vắc-xin phòng lao, bại liệt và vắc-xin VGB mũi 2, 3, 4 là để phòng phơi nhiễm trong tương lai; tiêm vắc-xin VGB mũi 1, càng sớm càng tốt nhằm mục đích bảo vệ trẻ sơ sinh đã phơi nhiễm với vi-rút ngay khi sinh, đây là một cuộc đua giữa sự nhân lên của vi-rút và vắc-xin tạo ra kháng thể kịp thời bắt lấy vi-rút đang có trong cơ thể, do đó nhiều nước đã tiêm ngay trong vòng 12 giờ sau sinh. Cơ chế này giống như tiêm vắc-xin phòng bệnh dại, là tiêm ngay khi nghi bị chó, mèo dại cắn. Nhưng có lẽ bệnh dại có thể thấy nguy cơ tử vong ngay, còn VGB ở sơ sinh có đến 90% không có biểu hiện lâm sàng, sau hàng chục năm mới có biểu hiện xơ gan, ung thư gan và tử vong. Việc tiêm vắc-xin VGB trong 24 giờ sau sinh là rất cần thiết.

Việt Nam là nước có tỷ lệ lưu hành ở mức cao, do đó việc tiêm vắc-xin VGB ngay trong vòng 24 giờ không chỉ phòng lây truyền từ mẹ sang con, mà còn lây ngang từ môi trường xung quanh, người thân, người chăm sóc trẻ.

Vắc xin VGB là vắc xin an toàn.

Các phản ứng sau tiêm có thể xảy ra như sưng, đau tại chỗ tiêm 1 - 3%; sốt 0,4 - 8% hoặc mệt mỏi, kích thích 8 - 18%. Ngày đầu tiên sau khi sinh là thời điểm nguy cơ cao đối với tử vong sơ sinh và điều đó dễ dẫn đến dễ đổ lỗi do tiêm chủng. Bất kỳ thuốc, vắc-xin hoặc sinh phẩm nào cũng đều có thể có một tỷ lệ rất hiếm các phản ứng bất lợi. Tuy nhiên, những trường hợp phản ứng nặng như sốc phản vệ là rất hiếm gặp, với tỷ lệ một trường hợp xảy ra cho 1,1 triệu liều tiêm.

Tại Mỹ (khuyến cáo tiêm vắc xin VGB trong vòng 12 giờ sau sinh) trong số 18 trẻ tử vong sau khi tiêm văc-xin VGB, kết quả mổ tử thi cho thấy có 12 trường hợp mắc hội chứng đột tử, các trường hợp còn lại là nhiễm trùng huyết, suy hô hấp, tim bẩm sinh. Từ đó, có thể khẳng định: Vắc xin VGB là vắc-xin an toàn.

Ðể tiến tới loại trừ bệnh VGB tại Việt Nam, với đường lây truyền chủ yếu từ mẹ sang con, cần phải tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin VGB trong vòng 24 giờ. Để giảm bớt những “biến chứng và tai nạn” ngoài cán bộ ngành y tế thì các bậc phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để tiêm phòng, theo dõi và xử lý kịp thời theo hướng dẫn./.