TIN NỔI BẬT

Xem với cỡ chữ Tương phản

Hiệp định Paris -  Thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam

Wed, 25/01/2023 | 09:22 AM

KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY KÝ KẾT HIỆP ĐỊNH PARIS (27/01/1973 - 27/01/2023)

---

Hiệp định Paris-Thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam

Cách đây 50 năm, ngày 27/01/1973, tại Paris, thủ đô của nước Pháp, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, (sau đây viết là Hiệp định Paris) được ký kết. Đây là thắng lợi to lớn của Đảng, nhân dân ta và nền ngoại giao cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng thời còn là kết quả to lớn trong hơn 18 năm Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đồng bào, chiến sĩ cả nước kiên trì chiến đấu, vượt qua nhiều hy sinh gian khổ trên các mặt trận đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao. Hiệp định Paris mở đường cho thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam vào mùa Xuân năm 1975.

Hội nghị Pari về Việt Nam (ảnh tư liệu)

Sau khi quân và dân ta tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Xuân Mậu Thân-1968, ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ, Giôn-Xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom ở miền Bắc nước ta và đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam. Cuộc đàm phán Việt Nam-Mỹ ở Paris bắt đầu vào ngày 13/5/1968, kéo dài đến 4 năm, 8 tháng, 14 ngày, với 202 phiên họp công khai và 24 đợt gặp gỡ, trao đổi riêng.

Trong thời gian đàm phán, phái đoàn Việt Nam đưa ra nhiều đề nghị như: Giải pháp toàn bộ 10 điểm (ngày 8/5/1969); 8 điểm nói rõ thêm (ngày 17/9/1970); giải pháp 7 điểm (ngày 01/7/1971)... Tuy nhiên phía Mỹ không chịu chấp nhận. Đến ngày 4/5/1972, đế quốc Mỹ đơn phương tuyên bố hoãn không thời hạn Hội nghị Paris. Quá trình áp đặt, gây sức ép cả về quân sự lẫn ngoại giao đều bị thất bại, nên ngày 13/7/1972, Mỹ buộc phải chấp nhận hội đàm trở lại với Việt Nam.

Ngày 08/10/1972, ta chủ động đưa ra bản dự thảo "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam". Ngày 20/10/1972, phía Mỹ thỏa thuận ký Hiệp định vào ngày 31/10/1972, nhưng ngày 22 và 23/10 phía Mỹ trở mặt không chấp nhận ký, mà đòi ta phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Đồng thời, Mỹ cũng không công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Ngày 26/10/1972, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố những thỏa thuận đã đạt được, đồng thời vạch trần và phản đối thái độ lật lọng của Tổng thống Ních-Xơn. Đến đầu tháng 12/1972, sau khi nối lại cuộc hội đàm, Mỹ tiếp tục đòi sửa đổi nhiều điểm rất quan trọng trong nội dung Hiệp định và lên tiếng đe dọa nước ta. Phái đoàn ta đã phê phán nghiêm khắc Mỹ và kiên định lập trường của mình trước âm mưu Mỹ dùng sức mạnh quân sự để đánh đòn quyết định, hòng buộc Chính phủ ta phải chấp nhận những điều kiện do Mỹ đưa ra.

Từ ngày 18 đến 29/12/1972, Mỹ dùng máy bay chiến lược B52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi khác ở miền Bắc, quân và dân ta kiên quyết đánh trả. Sau 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, các lực lượng của ta đã đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược có một không hai và làm nên chiến thắng lẫy lừng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không", giáng cho không quân chiến lược Mỹ đòn thất bại nặng nề nhất trong lịch sử xâm lược của đế quốc Mỹ. Ta giành thắng lợi to lớn và quyết định; tình thế cuộc chiến tranh đảo ngược. Đế quốc Mỹ thua đau và bị cả thế giới cùng các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình kịch liệt lên án. Ngày 20/12/1972, đang trong lúc còn ném bom tàn phá điên cuồng miền Bắc, phía Mỹ lại đề nghị với ta cùng hội đàm cấp cao vào ngày 3/01/1973.

Cuộc họp cấp cao Việt-Mỹ ở Paris diễn ra từ ngày 8 đến 13/01/1973, mở đầu bài phát biểu, đồng chí Lê Đức Thọ kịch liệt lên án đế quốc Mỹ ném bom tàn phá ác liệt Hà Nội và miền Bắc Việt Nam trong 12 ngày đêm vào cuối tháng 12/1972. Tuy nhiên, hai bên vẫn đạt thỏa thuận về mọi điều khoản của dự thảo Hiệp định chấm dứt chiến tranh, để ngày 23/01 ký tắt và ngày 27/01/1973 ký kết chính thức. Sau đó, Hiệp định được Hội nghị quốc tế họp ở Paris vào đầu tháng 3/1973 xác nhận bằng một Định ước.

Hiệp định Paris buộc đế quốc Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta. Đế quốc Mỹ phải rút quân và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, phá hủy các căn cứ quân sự, cam kết không tiếp tục dính líu về quân sự và can thiệp vào nội bộ miền Nam Việt Nam...

Hiệp định Paris mở đường cho thắng lợi vĩ đại của cách mạng nước ta vào mùa Xuân năm 1975 lịch sử, kết thúc hơn một thế kỷ xâm lược của chủ nghĩa thực dân cũ và mới, đem lại nền độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc và đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đảng ta, nhân dân ta đã thực hiện trọn vẹn Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà...” (trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Thắng lợi của việc ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam đánh dấu sự thất bại nặng nề của đế quốc Mỹ; là thắng lợi của đường lối đấu tranh đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện sinh động tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Đó cũng là thắng lợi vang dội của nền ngoại giao cách mạng, là một mốc son chói lọi, mang ý nghĩa thời đại sâu sắc, tạo ra cục diện hoàn toàn mới có lợi cho cách mạng Việt Nam và nhiều nước ở Châu Á, Phi, Mỹ La tinh trong cuộc đấu tranh giải phóng, giành độc lập dân tộc và vì tiến bộ xã hội.

Những giá trị và ý nghĩa to lớn của Hiệp định Paris vẫn còn nguyên vẹn, cần được vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ phát triển và hội nhập. Hội nghị Paris và Hiệp định Paris mãi mãi đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và thế giới.

Đón xuân Quý Mão 2023, chúng ta tự hào kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris và mãi mãi tri ân, ghi nhớ công ơn của các anh hùng, liệt sỹ, của bao lớp người đã cống hiến, hy sinh để làm nên những thắng lợi vẻ vang.

Tuấn Anh