Tài liệu tuyên truyền

Xem với cỡ chữ Tương phản

Tài liệu tuyên truyền tháng 01/2019

Wed, 09/01/2019 | 14:02 PM

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN THÁNG 01/2019

--------

 

1. NHỮNG THUẬN LỢI, THÁCH THỨC CƠ BẢN KHI VIỆT NAM THAM GIA HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (CPTPP)

Năm 2017, với tư cách là nước chủ nhà APEC, Việt Nam đã cùng Nhật Bản thúc đẩy để làm sống lại Hiệp định TPP với cái tên mới là CPTPP. Ngày 12/11/2018, Quốc hội nước ta đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP và là một trong 7 nước hoàn thành quá trình phê chuẩn Hiệp định CPTPP (Mê-hi-cô, Nhật Bản, Xinh-ga-po, Niu Di-lân, Ca-na-đa, Úc và Việt Nam). Thời điểm Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam là ngày 14/01/2019.

(1) Các mặt thuận lợi và cơ hội về kinh tế:

- Về mặt kinh tế, mặc dù lợi ích tiếp cận thị trường Hoa Kỳ không còn nữa nhưng các thị trường của các nước tham gia CPTPP vẫn có quy mô khá lớn, có tầm quan trọng với Việt Nam, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Dự báo, CPTPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,32%.

- Đối với xuất khẩu, việc các nước giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của nước ta sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Về cơ bản, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của nước ta như nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Dự báo xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,04%.

- Việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp ta có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn. Đây là yếu tố then chốt giúp nước ta nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, dự báo đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ đô-la Mỹ lên 80 tỷ đô-la Mỹ, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu.

- Tham gia CPTPP sẽ giúp nước ta có được các cơ hội từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nước ta bước sang giai đoạn phát triển các ngành điện tử, công nghệ cao. Đây là cơ hội rất lớn để nâng tầm nền kinh tế Việt Nam trong 5 - 10 năm tới.

- Cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ của nước ta cũng dễ tiếp cận thị trường các nước tham gia CPTPP hơn.

- Về tác động ngành, các ngành dự kiến có mức tăng trưởng lớn sẽ là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, một số phân ngành sản xuất và dịch vụ. Dự báo, với các ngành công nghiệp nhẹ và thâm dụng lao động khác, CPTPP có thể tạo ra mức tăng trưởng bình quân từ 4% - 5% và mức tăng xuất khẩu có thể đạt từ 8,7% - 9,6%.

- Cũng như tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tham gia CPTPP, một FTA thế hệ mới, sẽ là cơ hội để ta tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường; hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của nước ta, đồng thời giúp Việt Nam có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài.

- Về mặt xã hội, tham gia CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng thêm từ 350.000 đến 450.000 lao động (bình quân mỗi năm tăng 20.000 - 26.000 lao động). Đối với lợi ích về xóa đói giảm nghèo, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 đô-la Mỹ/ngày.

Đặc biệt, do Hiệp định CPTPP bao gồm cả các cam kết về bảo vệ môi trường nên tiến trình mở cửa, tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư sẽ được thực hiện theo cách thân thiện với môi trường hơn, giúp ta tăng trưởng bền vững hơn.

- Chế độ bảo hộ sở hữu trí tuệ trong Hiệp định CPTPP giúp các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng sự bảo hộ cao hơn đối với thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo. Bên cạnh đó, tham gia Hiệp định CPTPP thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước ta trong việc hướng tới các chuẩn mực tiên tiến của quốc tế về bảo hộ sở hữu nhằm thực hiện mục tiêu tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh.

- Hiệp định CPTPP với các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ giúp ta tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

(2) Về các thách thức và giải pháp:

Thứ nhất, sức ép cạnh tranh là vấn đề đầu tiên đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, cạnh tranh luôn có tính hai mặt rõ ràng. Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các doanh nghiệp yếu kém, nhất là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu. Mặt khác, cạnh tranh mang lại động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Quan trọng hơn cả, Việt Nam nhìn nhận đây là con đường mà sớm hay muộn cũng phải đi qua để đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, các cam kết nhiều lĩnh vực toàn diện của Hiệp định CPTPP cũng đặt ra yêu cầu cải cách thể chế, các quy định trong nước liên quan của Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam có thể sẽ cần điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật về kinh doanh, thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, v.v. cho phù hợp với các cam kết quốc tế. Tuy nhiên, cơ bản những sửa đổi, điều chỉnh này phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đổi mới mô hình tăng trưởng của ta. Để thực thi CPTPP, ta phải sửa 8 luật và nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành. Đây là công việc không hề đơn giản, đòi hỏi các nỗ lực to lớn của các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian tới để không chỉ đơn thuần điều chỉnh hệ thống pháp luật mà còn đưa các văn bản này vào cuộc sống, đem lại hiệu quả cao nhất.

Thứ ba, các thách thức ở các lĩnh vực phi kinh tế cũng không hề nhỏ. Đơn cử như việc điều chỉnh các chính sách về lao động, công đoàn để tuân thủ các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự kiến sẽ đòi hỏi phương thức quản lý hoàn toàn mới. Tương tự, các cam kết về “thương mại điện tử” có hiệu lực sau 5 năm nữa sẽ đặt ra các yêu cầu cho công tác đảm bảo an ninh mạng trong tình hình mới với cách tiếp cận hiện đại, phù hợp với giai đoạn phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Industry 4.0).

 

2. KẾT QUẢ CHUYẾN THĂM CHÍNH THỨC HÀN QUỐC CỦA

 CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 04 - 07/12/2018. Tại các cuộc hội đàm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, hai bên nhấn mạnh cần tiếp tục duy trì thường xuyên giao lưu và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy giao lưu hợp tác giữa các cấp, các ngành, các địa phương nhằm tạo môi trường thuận lợi để mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực như trong “Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc hướng tới tương lai”.

Về quan hệ giữa hai Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng trong nhiệm kỳ vừa qua, hai bên đã duy trì tốt việc trao đổi đoàn các cấp theo nội dung Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội ký tháng 7/2013. Quốc hội Việt Nam luôn mong muốn và sẵn sàng hợp tác với Quốc hội Hàn Quốc để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước thông qua kênh ngoại giao nghị viện. Hai bên tiếp tục phát huy vai trò cầu nối của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị để thúc đẩy trao đổi đoàn, trao đổi thông tin, mở rộng các hình thức giao lưu hợp tác mới có hiệu quả thiết thực.

Về các vấn đề quốc tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Việt Nam hoan nghênh “Chính sách hướng Nam mới” của Hàn Quốc. Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN. Việt Nam đánh giá cao và ủng hộ các nỗ lực của Hàn Quốc nhằm giảm căng thẳng, thúc đẩy đối thoại, hợp tác trong vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và quan hệ liên Triều. Việt Nam đánh giá cao lập trường của Hàn Quốc về vấn đề Biển Đông, đề nghị Hàn Quốc tiếp tục ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định, giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhận bằng Tiến sỹ danh dự ngành Chính trị học do Trường Đại học Quốc gia Pukyong trao tặng; nói chuyện với sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường; tiếp đại diện dòng họ Lý tại Hàn Quốc, trao Huân chương Hữu nghị tặng Giáo sư An Ki-âng Hoan, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Việt Nam học tại Hàn Quốc; chứng kiến Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc về chương trình hành động hướng đến mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020 theo hướng cân bằng. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Mun Hi Sang đã tham dự Diễn đàn Đầu tư và thương mại Việt Nam -  Hàn Quốc; chứng kiến Lễ khai trương thương mại đường bay kết nối đảo ngọc Phú Quốc (Việt Nam) với Xê-un (Hàn Quốc) của Hãng hàng không Vietjet.

 

3. KẾT QUẢ CHUYẾN THĂM CHÍNH THỨC VIỆT NAM

CỦA THỦ TƯỚNG CAM-PU-CHIA XĂM-ĐÉC TÊ-CHÔ HUN-XEN

 

Thủ tướng Vương quốc Cam-pu-chia Xăm-đéc Tê-chô Hun Xen thăm chính thức Việt Nam từ ngày 06 - 08/12/2018 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. 

Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên nhấn mạnh, Việt Nam và Campuchia có quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác truyền thống tốt đẹp, kề vai sát cánh cùng đấu tranh cho độc lập dân tộc. Mối quan hệ này cần không ngừng giữ gìn và phát triển, không chỉ vì lợi ích trước mắt mà còn cho các thế hệ mai sau.

Hai bên nhất trí tổ chức trọng thể các hoạt động ở cả hai nước để kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2019; nhất trí về những phương hướng lớn nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”; tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh nhằm bảo vệ vững chắc môi trường hòa bình, an ninh và ổn định của mỗi nước; kiên định nguyên tắc không cho thế lực thù địch sử dụng lãnh thổ nước này để gây phương hại đến an ninh của nước kia; phối hợp chặt chẽ phòng chống các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trên toàn tuyến biên giới; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo nâng cao năng lực, hợp tác nông - lâm nghiệp và thủy sản, văn hóa - nghệ thuật và giao lưu nhân dân.

Hai bên nhất trí tiếp tục xử lý tốt những vấn đề còn tồn tại trên tinh thần hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau; phấn đấu ký hai văn kiện để chính thức pháp lý hóa thành quả 84% công tác phân giới cắm mốc vào năm 2019, xây dựng đường biên giới giữa hai nước hòa bình, hữu nghị, vì hợp tác và phát triển; tăng cường trao đổi, phối hợp chặt chẽ trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện để cộng đồng người gốc Việt tại Cam-pu-chia sinh sống ổn định, thuận lợi, bảo đảm địa vị pháp lý, tham gia đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của Cam-pu-chia cũng như trở thành cầu nối hữu hiệu cho quan hệ hai nước.

Hai bên khẳng định phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn khu vực, quốc tế. Trước mắt, hai nước sẽ phối hợp chặt chẽ cho năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và Cam-pu-chia đăng cai Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM).

Hai bên đã ký 5 văn kiện hợp tác.

 

4. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA VIỆT NAM SAU 20 NĂM GIA NHẬP APEC

 

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được thành lập năm 1989, với sự tham gia của 21 nền kinh tế thành viên Vành đai Thái Bình Dương nhằm mục tiêu tăng cường quan hệ về kinh tế và chính trị ở khu vực. Việt Nam chính thức trở thành thành viên của APEC vào ngày 14/11/1998. Hơn 20 năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, chủ động tại APEC, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương, thể hiện chủ yếu ở các khía cạnh sau:

Thứ nhất, Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017.

Trong vai trò chủ nhà, tại Tuần lễ Cấp cao tháng 11/2006 tại Hà Nội, lần đầu tiên các nhà Lãnh đạo APEC đã xác định triển vọng hướng tới hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Đây là quyết sách quan trọng, đặt nền móng cho tầm nhìn chiến lược về liên kết kinh tế toàn khu vực. Trọng trách đăng cai APEC lần thứ hai năm 2017, với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, ta đã chủ trì, phối hợp với các thành viên thúc đẩy nhiều nội dung hợp tác lớn, khơi dậy những động lực mới cho tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, đẩy mạnh tự do hóa thương mại, đầu tư và kết nối khu vực, củng cố vai trò lãnh đạo của APEC trong quản trị kinh tế thương mại toàn cầu và ứng phó với các thách thức chung. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hội nghị Cấp cao APEC 25 và Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế cùng các văn kiện kèm theo. Ta đã chủ động đề xuất và tổ chức thành công Đối thoại lần đầu tiên giữa Lãnh đạo các nền kinh tế APEC với lãnh đạo các quốc gia ASEAN và đóng góp tích cực thúc đẩy hình thành Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

  Hai là, Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực. Nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất được đánh giá là thiết thực, đáp ứng sự quan tâm chung, nhất là về phát triển bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, phát triển nông thôn và đô thị…

  Ba là, Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC (năm 2005 - 2006), Chủ tịch, Phó Chủ tịch nhiều Ủy ban và nhiều Nhóm công tác chủ chốt như Ủy ban thương mại và đầu tư, Ủy ban quản lý ngân sách, các Nhóm công tác về doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp...  Riêng trong giai đoạn 2016 - 2018, ta đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch 18 Ủy ban, Nhóm công tác của APEC và ABAC (Hội đồng tư vấn kinh doanh của APEC), được các thành viên đánh giá cao.

  Bốn là, vai trò của doanh nghiệp Việt Nam đối với hợp tác APEC ngày càng được đề cao. Doanh nghiệp của Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực, đề xuất nhiều khuyến nghị lên các nhà Lãnh đạo và các Bộ trưởng APEC. Năm APEC 2017, doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp trí tuệ, công sức và trực tiếp tham gia nhiều hoạt động, khẳng định sự trưởng thành, năng lực hội nhập, vai trò và trách nhiệm đối với hợp tác APEC cũng như liên kết kinh tế khu vực.

 

5. VIỆT NAM LẦN ĐẦU TIÊN TRỞ THÀNH THÀNH VIÊN CỦA ỦY BAN LUẬT THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

Ngày 18/12/2018, trong cuộc bầu cử thuộc Khóa họp 73 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Niu Gioóc (Mỹ), với 157/193 phiếu thuận, Việt  Nam đã trúng cử thành viên Ủy ban Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019 - 2025. UNCITRAL là cơ quan chuyên môn pháp lý của Liên hợp quốc, gồm 62 thành viên, được Đại hội đồng Liên hợp quốc lập ra từ năm 1966 với mục đích thúc đẩy quá trình hài hòa hóa và nhất thể hóa pháp luật thương mại quốc tế, thông qua đó giảm thiểu những rào cản đối với sự phát triển của thương mại quốc tế. Hiện nay, hoạt động của UNCITRAL đang tập trung vào các mảng công tác về trọng tài và hòa giải, cải tổ cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư, thương mại điện tử, luật phá sản, giao dịch bảo đảm, doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Việt Nam quyết định ứng cử làm thành viên UNCITRAL xuất phát từ đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, vận dụng và tham gia phát triển pháp luật quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, đóng góp vào thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng của Việt Nam, khu vực và toàn thế giới. Việt Nam cùng các nước tham gia tích cực vào công tác của UNCITRAL, phát huy áp dụng các văn kiện và sáng kiến của UNCITRAL sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoàn thiện, hài hòa hóa pháp luật quốc gia về thương mại, qua đó giảm các rào cản, giải quyết thỏa đáng tranh chấp phát sinh, tăng cường thương mại quốc tế phục vụ phát triển bền vững, vì hòa bình, thịnh vượng của nhân dân Việt Nam và các nước trên thế giới.

Việc Việt Nam ứng cử thành công, lần đầu tiên trở thành thành viên UNCITRAL thể hiện vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao, mối quan hệ hữu nghị rộng mở của Việt Nam, sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với thành tựu của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, thương mại, cũng như sự đóng góp, nỗ lực tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có lĩnh vực luật thương mại quốc tế.

(Nguồn: Bản tin Thông báo Nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, số 01/2019)