Tài liệu tuyên truyền

Xem với cỡ chữ Tương phản

Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 130 năm Ngày sinh đồng chí Phan Thái Ất, nguyên Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (01/01/1894-01/01/2024)

Thu, 07/12/2023 | 09:58 AM

Ngày 13/11/2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 130 năm Ngày sinh đồng chí Phan Thái Ất, nguyên Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (01/01/1894-01/01/2024), Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh trân trọng giới thiệu Tài liệu.

 

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh đồng chí Phan Thái Ất,

nguyên Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi

(01/01/1894 – 01/01/2024)

1. Cuộc đời, thân thế và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phan Thái Ất

Đồng chí Phan Thái Ất sinh năm 1894, trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Năm 1923, đồng chí đã cùng những thanh niên tiến bộ ở quê hương lập Hội Tâm giao, quyên góp tiền, cổ động và ủng hộ thanh niên xuất dương qua Xiêm (Thái Lan) du học; lập “Trại Cày” ở bãi Lơi Lơi, mở hiệu buôn Yên Xuân làm nơi tập hợp những người có xu hướng tiến bộ trong vùng đến đọc sách báo và bàn việc chống Pháp.

Năm 1926, đồng chí Phan Thái Ất tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Nghệ An.

Ngày 25/9/1929, đồng chí được kết nạp vào tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng và được bầu làm Bí thư chi bộ Dương Xuân. Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Anh Sơn.

Tháng 11/1929, Tổng Nông hội đỏ Nghệ An được thành lập, do đồng chí Phan Thái Ất làm Bí thư. Với trách nhiệm được giao, đồng chí Phan Thái Ất đã tích cực gây dựng, phát triển phong trào cách mạng nhiều nơi trong tỉnh Nghệ An.

Bị địch truy nã gắt gao, để tránh tổn thất cho phong trào cách mạng, từ tháng 02/1930, đồng chí Phan Thái Ất được Ban Chấp hành Kỳ bộ Trung kỳ điều động vào công tác tại các tỉnh Nam Trung Bộ, chịu trách nhiệm xây dựng cơ sở Đảng và phong trào cách mạng ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Tháng 4/1930, với tư cách là phái viên Phân cục Xứ ủy Trung kỳ, đồng chí Phan Thái Ất được phân công về hoạt động ở tỉnh Quảng Ngãi, đồng chí Phan Thái Ất đã cùng với đồng chí Nguyễn Nghiêm trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo chương trình, đề ra những chủ trương để phát triển phong trào cách mạng phù hợp với thực tế của tỉnh và tổ chức Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 6/1930. Tại Đại hội này, đồng chí Nguyễn Nghiêm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phan Thái Ất được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Thực hiện trọng trách được giao, đồng chí Phan Thái Ất đã cải trang làm thầy lang chuyên trị bệnh, cứu người, đi đến nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ngãi. Từ Đức Phổ lên Ba Tơ, qua Minh Long, xuống Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, thị xã Quảng Ngãi rồi ra Sơn Tịnh, Bình Sơn, Sơn Hà, Trà Bồng. Được sự che chở, nuôi giấu, đùm bọc của nhân dân Quảng Ngãi, đồng chí đã gây dựng được nhiều cơ sở cách mạng, cơ sở đảng. Từ đó, các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cho nhân dân như: Tăng công cày, công cấy, công gặt được tổ chức khắp nơi và giành nhiều thắng lợi. Khi nhắc đến đồng chí Phan Thái Ất, một số cụ già cao tuổi ở những nơi đồng chí hoạt động và nhiều đồng chí lão thành cách mạng ở Quảng Ngãi thường nhắc đến cái tên “Ông Cọc Cạch”, có răng đen, hay mặc áo dài, nói giọng Bắc (giọng nói của người Xứ Nghệ).

Để đẩy mạnh phong trào cách mạng lên bước phát triển mới, đồng chí Phan Thái Ất cùng đồng chí Nguyễn Nghiêm trực tiếp lãnh đạo, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình lớn, làm cho thực dân Pháp và tay sai hết sức hoang mang, lo sợ. Mở đầu là cuộc biểu tình, biểu dương lực lượng, chiếm huyện đường Đức Phổ vào đêm ngày 07, rạng sáng ngày 08/10/1930. Sau khi nghe đồng chí Phan Thái Ất diễn thuyết, gần 5.000 quần chúng nhân dân rầm rập tiến về huyện lỵ, xông vào huyện đường, đốt cháy công văn, hồ sơ, tịch thu ấn tín, thả tù nhân, dán áp phích, rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm trong huyện đường, hô vang các khẩu hiệu, tuần hành, làm chủ huyện lỵ, đến 7 giờ sáng thì giải tán. Cuộc biểu dương lực lượng đầu tiên của nhân dân Đức Phổ giành được thắng lợi lớn, báo hiệu cao trào cách mạng mới sẽ dâng lên mạnh mẽ ở Quảng Ngãi.

Hòng ngăn chặn sự phát triển của phong trào cách mạng trong tỉnh, thực dân Pháp thi hành chính sách “Khủng bố trắng” tăng cường truy lùng, vây bắt cán bộ. Để kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi, tháng 10/1930, Tỉnh ủy chia làm hai bộ phận Bắc Trà Khúc và Nam Trà Khúc (tức là phía Bắc và Nam tỉnh Quảng Ngãi). Đồng chí Phan Thái Ất được phân công phụ trách bộ phận phía Bắc sông Trà Khúc gồm các huyện: Sơn Tịnh, Bình Sơn, Trà Bồng, Sơn Hà.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Phan Thái Ất, phong trào cách mạng các huyện phía Bắc sông Trà Khúc phát triển ngày càng mạnh mẽ. Từ cuối tháng 10/1930 đến tháng 02/1931, hàng chục cuộc biểu tình lớn liên tục nổ ra ở khắp nơi tạo thành những cao trào cách mạng ở các huyện trong tỉnh. Nhiều nơi, chính quyền địch hầu như tê liệt. Các tổ chức đoàn thể như: Nông hội đỏ, Công hội đỏ, Tự vệ đỏ, Cứu tế đỏ… phát triển mạnh mẽ. Cũng thời gian này, đồng chí Phan Thái Ất và đồng chí Nguyễn Nghiêm được Xứ ủy Trung kỳ phân công phụ trách hướng dẫn, giúp đỡ phong trào cách mạng các tỉnh Bình Định, Phú Yên.

Ngày 06/3/1931, đồng chí Nguyễn Nghiêm bị địch bắt và bị chúng xử chém tại bãi sông Trà Khúc. Tỉnh ủy Quảng Ngãi cử đồng chí Phan Thái Ất làm Bí thư. Đến tháng 6/1931, sau khi chắp nối được liên lạc với Xứ ủy Trung kỳ, đồng chí Phan Thái Ất được bổ sung vào Xứ ủy Trung kỳ và được phân công làm ủy viên Thường trực Xứ ủy.

Đánh giá về phong trào đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân Quảng Ngãi trong 2 năm 1930-1931 dưới sự lãnh đạo của đồng chí Phan Thái Ất, Trung ương Đảng đã khẳng định: Rồi tới Quảng Ngãi, tuy phong trào chưa bằng Nghệ Tĩnh, nhưng nó vẫn là mạnh nhất trong phía Nam Trung Kỳ. Hồ sơ của mật thám Quảng Ngãi gửi Khâm sứ Trung Kỳ đã thừa nhận: “Trong tỉnh này, phong trào cộng sản đã đạt được rất nhiều thắng lợi, nhờ có hoạt động của những người phụ trách Phan Thái Ất tức Cọc Cạch, quê Nghệ An và Nguyễn Nghiêm tỉnh Quảng Ngãi…”.

Trong khi phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ thì đồng chí Phan Thái Ất cùng đồng chí Tôn Diêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy bị thực dân Pháp bắt tại chùa Khánh Vân, huyện Sơn Tịnh vào ngày 27/7/1931. Ngày 26/8/1931, tại nhà lao Quảng Ngãi, đồng chí Phan Thái Ất bị thực dân Pháp kết án tử hình, nhưng bị dư luận phản đối, buộc chúng phải hạ xuống án chung thân khổ sai và đày lên nhà tù Buôn Ma Thuột. Trong tù, đồng chí vẫn tham gia lãnh đạo các cuộc đấu tranh của anh em tù chính trị nên bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, đồng chí được đón về đất liền, sau đó được Đảng, Nhà nước cử đi làm nhiệm vụ quốc tế, giúp nước bạn Campuchia và đảm đương các chức vụ: Tổng Thư ký Tổng bộ liên đoàn Việt kiều cứu quốc Cao Miên; Bí thư Ban cán sự đảng Đông Nam Cao Miên, làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở cho cách mạng Campuchia trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Năm 1953, đồng chí được trở về quê hương tiếp tục công tác và điều trị bệnh. Năm 1961, đồng chí nghỉ hưu. Sau một thời gian lâm bệnh nặng, do hậu quả của những năm tháng bị tù đày, tra tấn dã man của kẻ thù, đồng chí đã qua đời vào ngày 29/6/1967 và được mai táng tại huyện Thanh Chương. Năm 2014, gia đình di dời mộ đồng chí về cải táng tại nghĩa trang tộc họ ở xã Lĩnh Sơn quê nhà.

Ghi nhận công lao cống hiến trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng chí vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng và truy tặng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất và nhiều Huân chương cao quí khác.

2. Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp

 Những đóng góp của đồng chí Phan Thái Ất đối với phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi là vô cùng to lớn, được các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Ngãi trong các thời kỳ cách mạng luôn luôn nhớ ơn và khắc ghi vào lịch sử truyền thống của Đảng bộ tỉnh.

Tiếp nối tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng mà đồng chí Phan Thái Ất, các bậc cách mạng tiền bối của tỉnh qua nhiều thời kỳ đã trao truyền lại, những thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã và đang phát huy, tiếp tục lãnh đạo Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh nêu cao tinh thần cách mạng, năng động, sáng tạo, quyết tâm phấn đấu nỗ lực, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về phát triển kinh tế - xã hội- văn hóa. Từ một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm thấp, tỉnh Quảng Ngãi đã vươn lên gặt hái nhiều thành tựu đáng khích lệ, nổi bật là xây dựng thành công Khu kinh tế Dung Quất - hạt nhân tăng trưởng và là động lực phát triển của tỉnh, đưa Quảng Ngãi tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh đồng chí Phan Thái Ất là dịp để cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh và trong cả nước tôn vinh những cống hiến của đồng chí đối với dân tộc trong suốt thời gian qua. Và đây cũng là dịp để tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Bác Hồ và các thế hệ tiền bối; qua đó khơi dậy ý chí quyết tâm của toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân tỉnh nhà hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY