Tài liệu tuyên truyền

Xem với cỡ chữ Tương phản

Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Xuân Hòa, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (1913 - 2023)

Thu, 23/11/2023 | 09:51 AM

Ngày 13/11/2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Xuân Hòa, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (1913 - 2023), Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh trân trọng giới thiệu Tài liệu.

 

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Xuân Hòa, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi  (1913 - 2023)

----

1. Cuộc đời, thân thế và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phạm Xuân Hòa

Đồng chí Phạm Xuân Hòa, bí danh Thủy, sinh năm 1913 tại làng Thủy Thạch, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Xuất thân trong một gia đình nông dân, đồng chí đã sớm nhận thức được nỗi nhục của người dân bị mất nước, nên sớm nung nấu ý chí đấu tranh chống áp bức, bất công, giành độc lập dân tộc.

Những năm 1929 - 1930, phong trào cách mạng ở huyện Đức Phổ có bước phát triển mới dưới sự lãnh đạo của các tổ chức yêu nước và Chi bộ Cộng sản mới ra đời. Tháng 4/1930, chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Đức Phổ được thành lập tại làng Tân Hội, xã Phổ Phong. Đồng chí Phạm Xuân Hòa đã chủ động tìm gặp các đồng chí trong chi bộ, bày tỏ ý chí, nguyện vọng được tham gia hoạt động cách mạng. Khi được tổ chức phân công nhiệm vụ tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân đấu tranh, đồng chí đã trực tiếp tham gia cùng đông đảo quần chúng làm đường xe lửa, vận động họ tổ chức đấu tranh đòi tăng giá khoán, đòi cấp phát thuốc men, chạy chữa cho những người bị đau ốm, bệnh tật, tai nạn trong khi làm việc, bỏ cúp phạt, đánh đập. Với những hoạt động tích cực của đồng chí trong phong trào cách mạng của huyện Đức Phổ những năm 1930 - 1931, đồng chí được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Đầu năm 1932, khi một số đồng chí bị bắt trong phong trào cách mạng 1930 - 1931 mãn hạn tù trở về địa phương, đồng chí và một số đảng viên đã chủ động tìm cách bắt liên lạc với những đồng chí này để gây dựng lại cơ sở cách mạng. Tháng 10/1933, khi Huyện ủy Đức Phổ củng cố lại, đồng chí được cử làm Bí thư Huyện ủy. Trên cương vị công tác mới, đồng chí tiếp tục phát huy tài năng, sự sắc bén, quyết đoán, linh hoạt trong công tác chỉ đạo khôi phục các cơ sở Đảng, vận động quần chúng và phát triển lực lượng cách mạng của huyện Đức Phổ.

Năm 1934, khi Tỉnh ủy Quảng Ngãi được khôi phục và củng cố, đồng chí được bổ sung vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy và được cử giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí đã cùng Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nhân dân thực hiện những nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ là kiên trì tập hợp giáo dục quần chúng, chống tư tưởng cầu an, sợ địch, vạch trần âm mưu tội ác của kẻ thù, đồng thời tập trung xây dựng và củng cố hệ thống Đảng và các tổ chức quần chúng. Nhờ những chủ trương đúng đắn đó, phong trào cách mạng trong toàn tỉnh dần khôi phục, ảnh hưởng của Đảng ngày càng lan rộng. Trong thời gian này, tại Hội nghị đại biểu 5 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa được tổ chức tại thôn Hà Trung (nay thuộc xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh), đồng chí Phạm Xuân Hòa được bầu làm Bí thư Ban Địa phương Chấp ủy Trung Trung Kỳ.

Năm 1935, tại Hội nghị Đại biểu các Đảng bộ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa quyết định thành lập Ban cán sự Trung Nam của Xứ ủy Trung Kỳ. Đồng chí Phạm Xuân Hòa được cử làm Bí thư Ban cán sự.

Nhân ngày Quốc tế Lao động 01/5/1935, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo lập kế hoạch và huy động quần chúng tiến hành biểu dương lực lượng ở khắp các địa phương trong tỉnh thì địch tiến hành truy lùng, bắt bớ đảng viên. Đồng chí Phạm Xuân Hòa và hầu hết các đồng chí trong Tỉnh ủy, một số huyện ủy, chi ủy bị thực dân Pháp và chính quyền tay sai bắt giam tại nhà lao Quảng Ngãi. Ngày 12/7/1935, địch mở phiên tòa tại tỉnh lỵ Quảng Ngãi, xét xử 44 đồng chí trong vụ án mà chúng gọi là “Vụ án Tái tổ Đảng Cộng sản Đông Dương”. Do có sự chuẩn bị và phân công từ trước, đồng chí cùng các đảng viên cộng sản đã biến phiên tòa thành nơi tố cáo sự tàn ác, man rợ của chế độ thực dân, phong kiến. Địch đã tra tấn, đánh đập đồng chí dã man suốt một tuần lễ và kết mức án cao nhất với 20 năm tù khổ sai, 20 năm quản thúc, tài sản bị tịch thu, rồi bị đày đi nhà lao Lao Bảo (Quảng Trị). Sau đó, đồng chí bị đưa đến nhà đày Buôn Ma Thuột. Tại đây, đồng chí cùng các anh em tù chính trị tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc. Đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí mới được trả tự do, rời khỏi nhà lao đế quốc trở về quê hương sau hơn 10 năm bị tù đày.

Với những kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí liên tục được tín nhiệm bầu tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy, rồi Bí thư Tỉnh ủy từ năm 1950 đến năm 1954. Trong thời gian này, đồng chí cùng Tỉnh ủy lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh đập tan âm mưu phá hoại và các cuộc lấn chiếm vùng tự do Quảng Ngãi của địch, đồng thời cũng là hậu phương chính, trực tiếp chi viện sức người, sức của cho chiến dịch giải phóng tỉnh Kon Tum, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Năm 1954, theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ, cán bộ, chiến sĩ ở miền Nam phải tập kết ra miền Bắc. Đồng chí đã tình nguyện xin ở lại để lãnh đạo phong trào cách mạng và được Đảng phân công giữ chức vụ Quyền Bí thư Tỉnh ủy, phụ trách chung, lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh đòi địch phải thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, củng cố Đảng, chuyển hướng hoạt động để gìn giữ lực lượng cách mạng, đưa phong trào cách mạng tiếp tục tiến lên. Cùng với Đảng bộ tỉnh, đồng chí đã chỉ đạo gấp rút xây dựng căn cứ cách mạng ở đồng bằng; bố trí cán bộ tập kết ra miền Bắc, đưa một số cán bộ người Kinh lên hoạt động ở miền Tây Quảng Ngãi; phổ biến cho cán bộ và nhân dân về phương pháp đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ... Song song với việc ổn định tình hình chính trị, duy trì lực lượng cách mạng, đồng chí cùng Đảng bộ tỉnh vẫn rất quan tâm, chăm lo khôi phục kinh tế, ổn định đời sống của người dân. Những việc làm thiết thực trên đã góp phần trấn an, củng cố lòng tin của nhân dân đối với tập thể Tỉnh ủy, với Đảng và Bác Hồ.

Từ tháng 02/1955, đồng chí Phạm Xuân Hòa là Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Một buổi chiều tháng 4/1957, khi đang trên đường đi công tác ở thôn Lâm An, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ thì đồng chí bị địch phát hiện và truy bắt. Trong vòng vây của địch, đồng chí Phạm Xuân Hòa đã chiến đấu anh dũng, bị địch bắn trọng thương và hy sinh khi vừa qua tuổi 40.

Hơn 30 năm hoạt động cách mạng, là Bí thư Ban cán sự Trung Nam của Xứ ủy Trung Kỳ, hai lần được Đảng bộ tỉnh tin tưởng, giao trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, dù ở cương vị nào, đồng chí Phạm Xuân Hòa cũng toàn tâm, toàn ý phục vụ cách mạng, mưu trí, dũng cảm lãnh đạo phong trào cách mạng tỉnh nhà vượt qua những thời kỳ khó khăn, thử thách nhất.

Nét nổi bật ở đồng chí là từ một người thầy giáo giàu lòng yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản, hăng hái tham gia cách mạng với tinh thần nhiệt huyết, sáng tạo, quyết đoán, trở thành người lãnh đạo có kinh nghiệm trong cuộc đấu tranh chống quân xâm lược và bè lũ tay sai. Bất chấp mọi gian khổ, hiểm nguy luôn đe dọa, rình rập, trong chiến đấu cũng như trong ngục tù, đồng chí luôn kiên định lập trường giai cấp công nhân, tuyệt đối tin tưởng vào đường lối của Đảng. Ghi nhận xứng đáng những công lao và cống hiến to lớn của đồng chí trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đảng và Nhà nước đã truy tặng đồng chí danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh.

2. Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ và Nhân dân Quảng Ngãi quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển

Đảng bộ, Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi mãi tưởng nhớ và tự hào về đồng chí Phạm Xuân Hòa, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi. Học tập, noi gương đồng chí và các bậc tiền bối tiêu biểu, Đảng bộ Quảng Ngãi và cả hệ thống chính trị của tỉnh sẽ tiếp nối và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng của đồng chí Phạm Xuân Hòa, khơi dậy niềm tự hào, ý chí, khát vọng, niềm tin trong mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân; khơi dậy mọi tiềm năng, huy động mọi nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng miền Trung vào năm 2025, tạo tiền đề đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước...

Với huyện Đức Phổ, nơi ông sinh ra và lớn lên, phát huy truyền thống yêu nước, cùng với ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, hơn 48 năm qua, kể từ khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và Nhân dân huyện Đức Phổ (nay là thị xã Đức Phổ) đã nỗ lực vượt lên khó khăn, thử thách, mạnh dạn đề xuất nhiều chủ trương, quyết sách mang tính đột phá, mở đường cho kinh tế - xã hội phát triển. Đức Phổ đã ghi dấu ấn của mình đó là trở thành thị xã Đức Phổ và tất cả 15 xã, phường đều đã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo của địa phương cũng như nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Kỷ niệm 110 năm sinh đồng chí Phạm Xuân Hòa là dịp để ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và công lao to lớn lao của đồng chí, Đảng bộ và Nhân dân Quảng Ngãi càng thêm tự hào là nơi đã sinh ra người con ưu tú của Đảng. Đồng chí là tấm gương sáng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà noi theo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm giành nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng quê hương Đức Phổ nói riêng và Quảng Ngãi nói chung ngày càng văn minh, giàu đẹp.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY