TIN TỨC TỔNG HỢP

Xem với cỡ chữ Tương phản

Tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống đuối nước cho trẻ em

Wed, 07/06/2023 | 09:01 AM

Đuối nước là hiện tượng suy hô hấp xảy ra ở người lớn hoặc trẻ nhỏ khi bị chất lỏng (thường là nước) xâm nhập vào khí quản gây khó thở. Việc gây ngạt lâu dẫn đến hậu quả là tử vong (chết đuối) hoặc gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho hệ thần kinh.

Ở Việt Nam, mỗi năm cướp đi khoảng 2.000 sinh mạng trẻ em do tai nạn đuối nước. Thông thường các vụ đuối nước trẻ em xảy ra tập trung vào những tháng học sinh được nghỉ hè hoặc các kỳ nghỉ lễ theo gia đình vui chơi ở biển, sông, suối, thác, ghềnh… Ở Quảng Ngãi từ đầu năm 2023 đến nay, đã xảy ra một số vụ đuối nước để lại những hậu quả đáng thương tâm cho gia đình. Điển hình: Ngày 5/2/2023, có 2 em học sinh 14 tuổi rủ nhau đi tắm biển tại bãi biển xã Đức Minh và bị đuối nước chết cả 2 em.  Ngày 8/4/2023, có 3 cháu nhỏ 10 tuổi và 2 cháu 7 tuổi rủ nhau đi bắt ốc, khi lội qua suối Nước Lác (xã Sơn Kỳ), không may 2 cháu 7 tuổi bị dòng nước chảy xiết cuốn trôi tử vong. Trưa ngày 9/4/2003, một bé gái 13 tuổi đi tắm cùng nhóm bạn tại khu vực thủy điện sông Giang (xã Trà Tân) bị nước chảy xiết cuốn trôi đuối nước. Chiều 29//4/2023, tại xã Bình Khương, huyện Bình Sơn 3 em nhỏ cùng nhau đi thả diều đã không may trượt chân ngã xuống bờ đập thủy lợi Phước Hòa bị chết đuối cả 3.

Những vụ đuối nước thương tâm xảy ra chủ yếu là do các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ, để trả tự do đi chơi ở những nơi nguy hiểm, hoặc do  lơ là, chủ quan, chưa giám sát chặt chẽ trẻ khi cùng gia đình, người thân vui chơi ở những nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước.

Nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước đối với trẻ em là giếng nước, ao, hồ, sông, suối, kênh mương thủy lợi, cống thoát nước, lu nước, bồn tắm, chậu tắm, hồ bơi, bãi biển… Trẻ em bị đuối nước thường rơi vào các trường hợp: Không biết  kỹ năng an toàn khi bơi trong môi trường nước hoặc khi tham gia vui chơi dưới nước; không biết bơi; bơi  ở những nơi nước sâu, nguy hiểm; bơi khi thời tiết đang mưa to, dông, bão; bơi ra ngoài khu vực an toàn; ăn quá no trước khi bơi; không khởi động cơ thể trước khi bơi; đi bơi không có người lớn đi cùng; cứu bạn bị đuối nước khi mình không biết bơi hoặc bơi không giỏi; bị bạn bè kích động đứng trên cao nhảy cắm đầu  xuống nước hoặc bơi ở nơi nước sâu, nước chảy xiết…

Để học sinh, thanh thiếu niên, nhi đồng, con trẻ có kỳ nghỉ hè, nghỉ lễ an toàn, lành mạnh:

1. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, các cơ quan truyền thông, báo chí, nhất là các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống đuối nước cho trẻ em, khuyến cáo các em tránh xa những nơi sông nước nguy hiểm; không nên rủ nhau đi tắm ao, hồ, sông, suối… khi không biết bơi; không nên đi lại hoặc chơi gần những nơi ao hồ, sông suối, bể nước, cống rãnh, kênh mương, miệng giếng không có nắp đậy.

2. Các gia đình có trẻ em cần quản lý, giám sát con em chặt chẽ để tránh những tai nạn đuối nước đáng tiếc xảy ra; phối hợp với nhà trường tổ chức tập huấn cho các em các kỹ năng an toàn trong môi trường nước như: Học bơi theo trường lớp có người quản lý hoặc do người lớn hướng dẫn; học các kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm khi đang bơi (khi bị chuột rút, khi bị người đuối nước bám víu vào mình; khi bơi trong vùng xoáy; khi bơi trong vùng nước chảy mạnh, nguy hiểm…).

3. Hướng dẫn các em thực hiện đúng các quy định an toàn khi bơi tại bể bơi hay trong môi trường nước.

- Chỉ bơi khi có người lớn giám sát và cho phép; chỉ bơi ở những nơi an toàn được quy định; chỉ tắm, bơi tại  các bể bơi có khu vực dành cho trẻ em; không bơi một mình; không bơi ngay sau khi ăn; không ăn uống khi đang bơi để tránh bị sặc nước; không bơi khi cơ thể quá nóng hoặc mệt; khởi động kỹ trước khi xuống nước; không bơi ngay sau khi người có nhiều mồ hôi hoặc vừa đi ngoài nắng về; tuyệt đối tuân thủ các bản chỉ dẫn và cảnh báo; lên bờ ngay khi trời tối hoặc sắp có sấm chớp và mưa…

- Chỉ dẫn, căn dặn các em thuộc, nhớ và bình tĩnh thực hiện các kỹ năng khi bản thân gặp nguy hiểm: Kêu cứu thật to; bình tĩnh thả lỏng để làm nổi người lên, khi đầu đã nổi hít một hơi dài, sau đó bơi theo dòng nước để thoát chỗ xoáy, chỗ sâu và bơi vào bờ.

- Khi thấy bạn mình bị đuối nước thì gọi thật to báo cho bất kỳ người lớn nào ở gần; vứt dây, phao hoặc đưa sào để bạn tóm lấy và kéo bạn lên bờ; không nhảy xuống nước cứu bạn nếu mình không bơi giỏi và không biết cách cứu đuối.

4. Khi tổ chức cho các em vui chơi trong môi trường nước, người tổ chức việc vui chơi cần: Chỉ dẫn cho các em cách nhận biết các dấu hiệu biển báo nguy hiểm, an toàn ở môi trường nước; cách sử dụng áo phao, các dụng cụ nổi trong môi trường nước; kiểm tra thời tiết, bảo đảm áo phao, vật dụng nổi trước khi tổ chức các hoạt động vui chơi dưới nước; kiểm tra thông tin liên quan đến các nguy hiểm, rủi ro tại địa điểm dự định tổ chức các hoạt động dưới nước cho các em.

                                                                                      VD