TIN TỨC TỔNG HỢP

Xem với cỡ chữ Tương phản

Quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

Mon, 17/07/2023 | 14:52 PM

Ngày 31/5/2023, Chính Phủ ban hành Nghị định số 27/2023/NĐ-CP thay thế  Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 quy định về phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khai thác khoáng sản. Nhằm giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn nắm bắt kịp thời, thực hiện đúng quy định, Cục Thuế giới thiệu và lưu ý một số nội dung về phí BVMT đối với khai thác khoáng sản theo Nghị định số 27/2023/NĐ-CP của Chính phủ như sau: 

1. Đối tượng chịu phí BVMT: Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là hoạt động khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, khí than; khoáng sản kim loại và khoáng sản không kim loại. 

2. Người nộp phí: Người nộp phí BVMT đối với khai thác khoáng sản gồm: 

- Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật khoáng sản. 

- Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài được phép khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, khí than trên cơ sở hợp đồng dầu khí hoặc thực hiện dịch vụ dầu khí theo quy định của pháp luật dầu khí. 

- Tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua và tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua cam kết chấp thuận bằng văn bản về việc kê khai, nộp phí thay cho tổ chức, cá nhân khai thác thì tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp phí. 

3. Kê khai phí BVMT: 

Khai phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là khai theo tháng và quyết toán năm (hoặc quyết toán khi chấm dứt hợp đồng khai thác khoáng sản, chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh)

Đối với phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản không thường xuyên đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoặc không thuộc trường hợp phải cấp phép theo quy định của pháp luật thì thực hiện kê khai theo từng lần phát sinh. 

4. Các trường hợp được miễn phí BVMT:

- Hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó. 

- Hoạt động khai thác đất, đá để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, phòng chống thiên tai, khắc phục thiên tai. 

Trường hợp đất, đá khai thác vừa sử dụng cho san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, phòng chống thiên tai, khắc phục thiên tai vừa sử dụng cho mục đích khác thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm xác định khối lượng đất, đá thuộc đối tượng miễn phí; số lượng đất, đá sử dụng cho mục đích khác phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. 

- Sử dụng đất đá bóc, đất đá thải từ quá trình khai thác để cải tạo, phục hồi môi trường tại khu vực khai thác theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. 

5. Hiệu lực thi hành: 

Nghị định số 27/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2023. Trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành mức thu phí mới thì tiếp tục thực hiện mức thu phí theo quy định hiện hành của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành tỷ lệ của từng loại khoáng sản nguyên khai có trong tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai chứa nhiều khoáng vật, khoáng chất có ích thì tiếp tục áp dụng tỷ lệ theo quy định hiện hành của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Chậm nhất đến ngày Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành Nghị quyết về mức thu, đơn vị tính phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải ban hành tỷ lệ của từng loại khoáng sản nguyên khai có trong tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai chứa nhiều khoáng vật, khoáng chất có ích để áp dụng tại địa phương. 

Chi tiết Nghị định số 27/2023/NĐ-CP của Chính phủ: Xem tại đây.

T.H