TIN TỨC TỔNG HỢP

Xem với cỡ chữ Tương phản

Phòng biến chứng bệnh tay chân miệng

Thu, 27/07/2023 | 08:40 AM

Thời gian gần đây, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp nhận điều trị nhiều ca bị bệnh tay chân miệng. Đáng lưu ý có 2 trường hợp bệnh đã chuyển mức độ nặng (2B).

Tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Điều nguy hiểm là bệnh dễ lây, có nhiều biến chứng gây tử vong nếu không biết chăm sóc đúng cách.

Một số dấu hiệu bệnh chân tay miệng (nguồn Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)

Vi rút gây bệnh tay chân miệng có thể lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, nước bọt, mụn nước vỡ ra, phân của người bệnh hoặc qua tiếp xúc với quần áo, đồ chơi, bàn ghế, sàn nhà, chén ăn, cốc uống nước… mà đã bị nhiễm vi rút.

Bác sĩ Nguyễn Mậu Thạch - Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng là sốt, đau họng, đau miệng; loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn đến tử vong rất nhanh nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Mậu Thạch đang khám và theo dõi điều trị cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Bác sĩ Nguyễn Mậu Thạch khuyến cáo: Trong các trường hợp chăm sóc tại nhà khi thấy trẻ xuất hiện các nốt phỏng trong miệng, khiến trẻ không ăn uống được thì các bà mẹ cũng không nên vội vã tìm cách làm xẹp vết phỏng vừa gây đau đớn và rất dễ bị bội nhiễm. Khi trẻ bị sốt trên 38,5 độ C thì có thể cho trẻ hạ sốt theo đúng hướng dẫn. Các bà mẹ không dùng băng gạc, nước muối để rửa miệng cho trẻ mà chỉ khuyến khích trẻ súc miệng với nước muối loãng hoặc uống nhiều nước là miệng có thể tự sạch. Nên cho trẻ ăn thức ăn nấu loãng như cháo, súp, sữa và đút cho trẻ từng chút một. Không nên ép trẻ phải ăn nhiều. Sau 3 - 4 ngày, bệnh đỡ, trẻ sẽ lại ăn uống bình thường. Khi trẻ có các hiện tượng sốt cao kéo dài, li bì, da nhăn nheo, tiểu ít do mất nước, vết phỏng chảy nước, sưng, có hiện tượng nhiễm trùng, mệt mỏi, giật mình, co giật chân tay… thì cần phải đưa trẻ đi viện ngay để được xử lý và điều trị kịp thời./.

Minh Hiền