Chính trị

Xem với cỡ chữ Tương phản

Mộ Đức: nhiều cách làm hiệu quả trong việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống

Thu, 13/06/2019 | 09:14 AM

Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành đoàn thể từ huyện đến cơ sở ở Mộ Đức có nhiều cách làm hiệu quả trong việc tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc, giáo dục tư tưởng chính trị, lòng yêu nước, yêu quê hương, khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm việc với Thường trực Huyện ủy Mộ Đức về công tác biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống trên địa bàn

Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng của các địa phương, các ngành, đoàn thể trong huyện được triển khai sâu rộng. Đến nay, huyện Mộ Đức đã hoàn thành việc biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện; 13/13 xã, thị trấn đã xuất bản lịch sử đảng bộ các địa phương; hoàn thành biên soạn lịch sử lực lượng vũ trang huyện và đang tiến hành sưu tầm, biên soạn lịch sử Công an nhân dân huyện Mộ Đức.

Đối với lịch sử Đảng bộ huyện, lịch sử Đảng bộ các xã, thị trấn sau khi phát hành, đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục gắn với việc tuyên truyền các ngày lễ lớn của đất nước, của dân tộc; tuyên truyền lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt nhân dân, trên hệ thống đài truyền thanh ở cơ sở. Nhiều địa phương còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ bằng hình thức viết hoặc sân khấu hóa, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia, cổ vũ.

Hằng năm, Huyện Đoàn Mộ Đức đã phối hợp với ngành giáo dục huyện tổ chức tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cho thế hệ trẻ như thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ huyện với trên 3.000 bài tham gia; tổ chức cuộc thi Rung chuông vàng với chủ đề "Khi tôi 18" cho học sinh khối 12 gắn với nội dung tìm hiểu lịch sử Đảng bộ huyện, có hơn 300 đoàn viên tham gia; hội thi “Theo dòng lịch sử”; tổ chức các cuộc hành trình về địa chỉ đỏ như: Khu chứng tích Sơn Mỹ, Khu lưu niệm Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Nhà thờ Trần Cẩm… Ngoài ra, Huyện Đoàn phối hợp với Hội Cựu chiến binh huyện tổ chức mỗi năm từ 10 - 12 buổi nói chuyện, tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên về truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc, phong trào đấu tranh giải phóng huyện nhà với hơn 1.500 lượt đoàn viên, thanh niên tham dự.

Bên cạnh đó, các trường học đều có kế hoạch lồng ghép tổ chức giảng dạy lịch sử Đảng bộ địa phương trong giờ học chính khóa hoặc thông qua các hoạt động ngoại khóa. Hầu hết, các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông trên địa bàn huyện nhận bảo vệ, chăm sóc các di tích lịch sử, văn hóa. Qua đó, góp phần giáo dục học sinh nhận thức, nâng cao tinh thần yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, truyền thống cách mạng của quê hương, phát huy mạnh mẽ các phong trào hành động cách mạng trong thanh thiếu niên.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 33 di tích được xếp hạng, trong đó có 02 di tích cấp quốc gia và 31 di tích cấp tỉnh (gồm 20 di tích được xếp hạng và cấp Bằng công nhận, 11 di tích được UBND tỉnh ra quyết định công nhận bảo vệ di tích). Trong đó, cấp tỉnh quản lý khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các di tích còn lại do cấp huyện và cấp xã quản lý. Để quảng bá, tuyên truyền, giáo dục về các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện, Phòng Văn hóa và thông tin huyện Mộ Đức đã biên tập và in 200 tập Kỷ yếu về các di tích này gửi cho các cơ quan, đơn vị, địa phương và các trường học trên địa bàn để tuyên truyền, giáo dục.

Thời gian qua, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng được các cấp, các ngành trên địa bàn huyện đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, bằng hình thức sân khấu hóa huyện đã tổ chức liên tiếp 50 đêm tuyên truyền  mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền ngày thương binh, liệt sĩ 27-7 nhân kỷ niệm 70 năm; thi mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... các cuộc thi trên, đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia, theo dõi, cổ vũ.

Được biết, các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện hiện nay đang tích cực triển khai Cuộc thi tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi và phát động cuộc thi tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ huyện, lịch sử Đảng bộ các địa phương bằng hình thức sân khấu hóa với việc tổ chức hội thi tái hiện những trận đánh tiêu biểu thời chiến tranh. Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh (01/7/1989-01/7/2019) đang được các cấp, các ngành triển khai thực hiện.

Để công tác giáo dục truyền thống, giáo dục lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tiếp tục được phát huy hiệu quả, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục, bằng nhiều hình thức sinh động, phù hợp với đối tượng để phát huy tác dụng của các công trình nghiên cứu lịch sử Đảng, các giá trị di tích lịch sử, văn hóa hiện có, xem đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị, tư tưởng ở mỗi tổ chức Đảng và đảng viên, là nhiệm vụ của các ngành, cấp, cơ quan, đơn vị, trường học.

Văn Quyết