Chính trị

Xem với cỡ chữ Tương phản

Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Xuân Hòa

Sun, 03/12/2023 | 09:36 AM

Sáng 02/12, tại Nhà lưu niệm đồng chí Phạm xuân Hòa ở xã Phổ Cường, Thị xã Đức Phổ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm xuân Hòa nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (02/12/1913 - 02/12/2023).

Quang cảnh lễ kỷ niệm

Dự lễ có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Cao Phúc; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Ngọc Dũng; Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lữ Ngọc Bình; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên; Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đình Khối; lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và đại diện gia đình đồng chí Phạm Xuân Hòa

Đại biểu dự lễ kỷ niệm

Đồng chí Phạm Xuân Hòa, bí danh Thủy, sinh năm 1913 tại làng Thủy Thạch, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Xuất thân trong một gia đình nông dân, đồng chí đã sớm nhận thức được nỗi nhục của người dân bị mất nước, nên sớm nung nấu ý chí đấu tranh chống áp bức, bất công, giành độc lập dân tộc.

Tháng 4/1930, chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Đức Phổ được thành lập tại làng Tân Hội, xã Phổ Phong. Đồng chí Phạm Xuân Hòa đã chủ động tìm gặp các đồng chí trong chi bộ, bày tỏ ý chí, nguyện vọng được tham gia hoạt động cách mạng. Với những hoạt động tích cực của đồng chí trong phong trào cách mạng của huyện Đức Phổ những năm 1930 - 1931, đồng chí được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy phát biểu tại lễ kỷ niệm

Đầu năm 1932, khi một số đồng chí bị bắt trong phong trào cách mạng 1930 - 1931 mãn hạn tù trở về địa phương, đồng chí đã chủ động tìm cách bắt liên lạc với những đồng chí này để gây dựng lại cơ sở cách mạng. Tháng 10/1933, khi Huyện ủy Đức Phổ củng cố lại, đồng chí được cử làm Bí thư Huyện ủy. Năm 1934, khi Tỉnh ủy Quảng Ngãi được khôi phục và củng cố, đồng chí được bổ sung vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy và được cử giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy. Trong thời gian này, tại Hội nghị đại biểu 5 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa được tổ chức tại thôn Hà Trung (nay thuộc xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh), đồng chí Phạm Xuân Hòa được bầu làm Bí thư Ban Địa phương Chấp ủy Trung Trung Kỳ.

Lãnh đạo tỉnh dâng hương tưởng niệm đồng chí Phạm Xuân Hòa

Năm 1935, tại Hội nghị Đại biểu các Đảng bộ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa quyết định thành lập Ban cán sự Trung Nam của Xứ ủy Trung Kỳ. Đồng chí được cử làm Bí thư Ban cán sự.

Nhân ngày Quốc tế Lao động 01/5/1935, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo lập kế hoạch và huy động quần chúng tiến hành biểu dương lực lượng ở khắp các địa phương trong tỉnh thì địch tiến hành truy lùng, bắt bớ đảng viên. Đồng chí Phạm Xuân Hòa bị thực dân Pháp và chính quyền tay sai bắt giam tại nhà lao Quảng Ngãi. Ngày 12/7/1935, địch mở phiên tòa tại tỉnh lỵ Quảng Ngãi, do có sự chuẩn bị và phân công từ trước, đồng chí cùng các đảng viên cộng sản đã biến phiên tòa thành nơi tố cáo sự tàn ác, man rợ của chế độ thực dân, phong kiến. Địch đã tra tấn, đánh đập đồng chí dã man suốt một tuần lễ và kết mức án cao nhất với 20 năm tù khổ sai, 20 năm quản thúc, tài sản bị tịch thu, rồi bị đày đi nhà lao Lao Bảo (Quảng Trị). Sau đó, bị đưa đến nhà đày Buôn Ma Thuột. Tại đây, đồng chí cùng các anh em tù chính trị tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc. Đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí mới được trả tự do, trở về quê hương sau hơn 10 năm bị tù đày.

Gia đình đồng chí Phạm Xuân Hòa dâng hương

Đoàn viên, thanh niên Thị xã Đức Phổ và xã Phổ Cường dâng hương

Với những kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí liên tục được tín nhiệm bầu tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy, rồi Bí thư Tỉnh ủy từ năm 1950 đến năm 1954...

Năm 1954, theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ, cán bộ, chiến sĩ ở miền Nam phải tập kết ra miền Bắc. Đồng chí đã tình nguyện xin ở lại để lãnh đạo phong trào cách mạng và được Đảng phân công giữ chức vụ Quyền Bí thư Tỉnh ủy. Từ tháng 02/1955, đồng chí Phạm Xuân Hòa là Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy trao quà cho gia đình đồng chí Phạm Xuân Hòa

Một buổi chiều tháng 4/1957, khi đang trên đường đi công tác ở thôn Lâm An, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ thì đồng chí bị địch phát hiện và truy bắt. Trong vòng vây của địch, đồng chí Phạm Xuân Hòa đã chiến đấu anh dũng, bị địch bắn trọng thương và hy sinh khi vừa qua tuổi 40.

Hơn 30 năm hoạt động cách mạng, là Bí thư Ban cán sự Trung Nam của Xứ ủy Trung Kỳ, hai lần được Đảng bộ tỉnh tin tưởng, giao trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, dù ở cương vị nào, đồng chí Phạm Xuân Hòa cũng toàn tâm, toàn ý phục vụ cách mạng, mưu trí, dũng cảm lãnh đạo phong trào cách mạng tỉnh nhà vượt qua những thời kỳ khó khăn, thử thách nhất.

Nét nổi bật ở đồng chí là từ một người thầy giáo giàu lòng yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản, hăng hái tham gia cách mạng với tinh thần nhiệt huyết, sáng tạo, quyết đoán, trở thành người lãnh đạo có kinh nghiệm trong cuộc đấu tranh chống quân xâm lược và bè lũ tay sai. Bất chấp mọi gian khổ, hiểm nguy luôn đe dọa, rình rập, trong chiến đấu cũng như trong ngục tù, đồng chí luôn kiên định lập trường giai cấp công nhân, tuyệt đối tin tưởng vào đường lối của Đảng.

Ghi nhận xứng đáng những công lao và cống hiến to lớn của đồng chí trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đảng và Nhà nước đã truy tặng đồng chí danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy cho rằng, lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Xuân Hòa là dịp để ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và công lao to lớn của đồng chí. Chúng ta càng thêm tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh  đã luyện rèn nên người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo có uy tín lớn; tự hào về lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam anh hùng có người chỉ huy tài ba và đức độ; tự hào về quê hương Quảng Ngãi nơi sinh ra người con ưu tú, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi luôn ý thức sâu sắc rằng có được những thành quả như ngày hôm nay là có sự hy sinh xương máu và công sức to lớn của các bậc lão thành cách mạng, các thế hệ cha anh đi trước, trong đó có Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Xuân Hòa. Thế hệ chúng ta hôm nay tiếp nối, tiếp tục giữ gìn, phát triển, phát huy để xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XX đề ra. Với mục tiêu cao cả ấy và với ý chí quyết tâm, đồng lòng, trách nhiệm, Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh nhận thức mọi chủ trương, chính sách của tỉnh được ban hành phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân; Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Học tập và noi gương đồng chí Phạm Xuân Hòa và các bậc tiền bối tiêu biểu, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi nguyện mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn, tiếp tục phát huy tối đa nguồn lực, sức sáng tạo, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân, xây dựng quê hương Quảng Ngãi ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc. 

Đ Nhất