Chính trị

Xem với cỡ chữ Tương phản

Không ngừng học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ

Fri, 19/05/2023 | 07:35 AM

Kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023)

---

 

Không ngừng học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ

 

Sinh thời, khi nói về Bác Hồ, Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết: “Hồ Chí Minh là một chiến sĩ cộng sản mẫu mực. Đạo đức và phẩm chất cao quý của Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam cùng với đạo đức cộng sản chủ nghĩa của giai cấp công nhân, giai cấp triệt để cách mạng của thời đại có sứ mệnh cải tạo thế giới, thiết lập xã hội cộng sản chủ nghĩa trên hành tinh chúng ta”.

Người đã để lại tài sản vô giá là tư tưởng, đạo đức trong sáng, mẫu mực, cao đẹp. Tư tưởng và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức mạnh lớn lao, vượt qua cả thời gian và không gian đã đi vào đời sống của mọi kiếp người.

 Sinh thời, Hồ Chí Minh coi đạo đức là cái gốc của người cách mạng và của con người trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Điều lớn lao nhất trong đạo đức của Bác Hồ là “hy sinh tất cả vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân”. Chính vì vậy, cả cuộc đời của Hồ Chí Minh “Chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho đất nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Phẩm chất cao quý ở Hồ Chí Minh là trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân, kiên định lập trường cách mạng, đầy sáng suốt trong đường lối chiến lược, sách lược, dũng cảm trong hành động, khôn khéo trong xử lý tình huống, thắng không kiêu, khó khăn không nản chí, sờn lòng, mẫu mực trong cuộc sống và công việc hàng ngày; luôn khiêm tốn, giản dị , cần, kiệm, liêm, chính; chí công, vô tư, thương yêu đồng bào, đồng chí hết mực. Hồ Chí Minh là hình mẫu của một nhà cách mạng: “Giàu sang không thể quyến rủ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy quyền không thể khuất phục”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một tấm gương sáng ngời về phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo. Những chân lý lớn của thời đại được Người diễn đạt bằng những lời lẽ giản dị mà hàm súc và ở tầm cao trí tuệ. Những vấn đề lý luận phức tạp được Bác Hồ diễn đạt bằng ngôn từ dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Sinh thời, Người thường nhắc nhở chúng ta rằng: Học tập chủ nghĩa Mác-Lênin là học tập tinh thần cách mạng và khoa học, là nắm vững lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin để giải quyết mọi công việc. Vì thế, khi đọc, suy ngẫm các tác phẩm của Hồ Chí Minh, mọi người đều thấy toát lên được tinh thần cách mạng, khoa học và tính biện chứng, chứ không phải đơn thuần những câu chữ của Mác và Lênin- các nhà lãnh tụ cộng sản, nhưng rất là thiết thực, cụ thể như chính cuộc sống và công việc hàng ngày của mỗi người.

Một trong những phong cách quý báu của Hồ Chí Minh là “học đi đôi với hành”. Cả cuộc đời Người là tấm gương mẫu mực về học tập suốt đời, về sự vận dụng đầy sáng tạo những điều đã học tập, nghiên cứu vào thực tiễn cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ.

Phương pháp tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là luôn gắn lý luận với thực tiễn công việc, dùng lý luận để soi sáng các hoạt động thực tiễn, tổng kết thực tiễn để đúc rút ra những kết luận, kinh nghiệm mới bổ sung cho lý luận, thay thế cho những kết luận đã lỗi thời, không còn phù hợp với công việc và cuộc sống. Nhiều luận điểm, kết luận của Hồ Chí Minhchưa từng được đề cập trong sách của các nhà kinh điển Các-Mác, Lênin, nhưng rất phù hợp với tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin và cũng rất phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ.

 Nét đặc biệt và nổi bật trong phong cách Hồ Chí Minh là lời nói đi đôi với việc làm. Người luôn yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên là: “lý luận cùng thực hành phải luôn đi đôi với nhau”; thấy khuyết điểm có gan sửa chữa”; “Đảng phải luôn luôn xét lại những Nghị quyết và những chỉ thị của mình thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị sẽ hoá ra lời nói suông, mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”. Bác Hồ cũng rất chú trọng, đề cao việc nêu gương đạo đức cách mạng, đề cao lối sống, phẩm chất cách mạng, mà trong đó bản thân Người luôn luôn là tấm gương ngời sáng cho mọi người noi theo về lối sống khiêm tốn, giản dị; nếp sống thanh cao, cần, kiệm, liêm ,chính; chí công, vô tư. Lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn quan tâm, theo dõi, nâng niu, khích lệ phong trào “Người tốt, việc tốt”. Đồng thời, Bác luôn đề cao việc học tập và phát động, nhân rộng những điển hình tiên tiến, xuất sắc, nhân tố mới trong các hoạt động của đời sống xã hội với mong muốn đất nước thành một rừng hoa đẹp và có sức lan toả.

Bác Hồ của chúng ta là người kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí công quỹ Nhà nước và của nhân dân. Người coi đó là kẻ thù nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu trong Đảng phải “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”, coi đó “là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau”. Và Người còn yêu cầu “phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xưng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Thiết thực kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Bác Hồ, thấm nhuần đạo đức, phong cách của Người, mỗi chúng ta cần tích cực học tập, lao động, tu dưỡng, rèn luyện để mỗi ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, vươn tới những giá trị văn hoá chân-thiện-mỹ trong cuộc sống.

Tuấn Anh