Chính trị

Xem với cỡ chữ Tương phản

Kết quả kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2016-2021

Wed, 29/05/2019 | 15:02 PM

Kết quả kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2016-2021

Sáng 29-5, HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2016-2021 tổ chức kỳ họp thứ 14-kỳ họp bất thường để xem xét thông qua một số nội dung UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết. Dự kỳ họp có Phó Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Ngọc Căng; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính, Đặng Ngọc Dũng, Võ Phiên; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Cao Phúc; đại diện lãnh đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh khóa XII. Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng- Phó Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đinh Thị Hồng Minh chủ trì, điều hành kỳ họp.

Quang cảnh kỳ họp lần thứ 14, HĐND tỉnh khóa XII (ảnh dbnd.quangngai.gov.vn)

HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết tán thành Đề án thành lập thị xã Đức Phổ

​Tại kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận và biểu quyết thống nhất thông qua Nghị quyết tán thành Đề án thành lập thị xã Đức Phổ và các phường thuộc thị xã Đức Phổ.

 

​Huyện Đức Phổ là huyện đồng bằng, ven biển nằm ở phía Nam của tỉnh Quảng Ngãi, cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 40 km, có 15 đơn vị hành chính cấp xã gồm 14 xã và 1 thị trấn; với diện tích tự nhiên 372,76 km2, dân số hiện nay 150.927 người.

 

Huyện Đức Phổ có vị trí đặc biệt quan trọng, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, như: cách cảng Dung Quất khoảng 80km, cách sân bay Chu Lai 90km về phía Bắc và sân bay Phù Cát khoảng 100km về phía Nam; có tuyến đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 24B nối liền với huyện Ba Tơ và các tỉnh Tây Nguyên; dự kiến cao tốc Đà Nẵng - Quy Nhơn và tuyến đường ven biển (Dung Quất - Sa Huỳnh) đi qua, có cửa biển Mỹ Á, Sa Huỳnh…

 

Với điều kiện thuận lợi, vị thế, trong những năm qua huyện Đức Phổ là trung tâm kinh tế văn hóa phía Nam của tỉnh Quảng Ngãi, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực phía Nam của tỉnh và vùng ven biển Duyên hải miền Trung, tạo mối liên kết hợp lý trong vùng, làm động lực cho việc hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội, gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền Quốc gia đối với biển, đảo của Tổ quốc.

 

Trong những năm qua, kinh tế - xã hội huyện Đức Phổ phát triển tích cực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; kết cấu hạ tầng phát triển nhanh làm thay đổi bộ mặt đô thị của huyện.

 

Qua phân tích đánh giá và đối chiếu với các quy định thì thị trấn Đức Phổ và 07 xã: Phổ Hòa, Phổ Ninh, Phổ Minh, Phổ Văn, Phổ Vinh, Phổ Quang và Phổ Thạnh về cơ bản đã đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn thành lập thành thị xã thuộc tỉnh và phường theo quy định của Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị và Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

 

Nghị quyết thống nhất thành lập thị xã Đức Phổ thuộc tỉnh Quảng Ngãi trên cơ sở toàn bộ 372,76 km2 diện tích tự nhiên, 150.927 người của huyện Đức Phổ. Địa giới hành chính thị xã Đức Phổ: phía Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp huyện Ba Tơ; phía Nam giáp huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; phía Tây Nam giáp huyện An Lão, tỉnh Bình Định; phía Bắc giáp huyện Mộ Đức và Tây Bắc giáp huyện Nghĩa Hành.

 

Sau khi thành lập thị xã Đức Phổ và các phường trực thuộc, thị xã Đức Phổ có 15 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 08 phường: Nguyễn Nghiêm, Phổ Văn, Phổ Ninh, Phổ Hòa, Phổ Vinh, Phổ Minh, Phổ Quang, Phổ Thạnh và 07 xã: Phổ Châu, Phổ Cường, Phổ Khánh, Phổ Thuận, Phổ Nhơn, Phổ Phong, Phổ An.

 

HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về việc giao biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Quảng Ngãi năm 2019.

​Tờ trình của UBND tỉnh do ông Đoàn Dụng- Giám đốc Sở Nội vụ trình bày tại kỳ họp nêu rõ, việc quản lý, sử dụng, phân bổ biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua luôn đảm bảo quy định và hiệu quả, thực hiện có lộ trình về tinh giản và cắt giảm biên chế theo quy định của Bộ Nội vụ thẩm định giao hằng năm cho tỉnh.

Để từng bước cắt giảm biên chế sự nghiệp trong cơ quan hành chính đã tồn tại nhiều năm trước đây, trong năm 2019 UBND tỉnh trình cấp thẩm quyền cắt giảm số biên chế sự nghiệp trong cơ quan hành chính là 22 người; đồng thời sắp xếp lại biên chế đã hỗ trợ cho các Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đơn vị khác không thuộc biên chế hành chính, sự nghiệp, nên cắt giảm 02 biên chế hỗ trợ cho Hội sinh viên việt Nam tỉnh (không thuộc Hội đặc thù) từ năm 2015, 02 biên chế hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ xây dựng Công viên địa chất toàn cầu từ năm 2018 thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch.

 

Ngoài ra, UBND tỉnh tập trung cắt giảm và tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh để đảm bảo trong năm 2019 tổng biên chế giao là 23.596 theo chỉ tiêu Bộ Nội vụ giao cho tỉnh, giảm 341 biên chế viên chức so với năm 2018. Trong đó, tập trung cắt giảm biên chế đối với sự nghiệp văn hóa, sự nghiệp khác chưa sử dụng hoặc các đơn vị sự nghiệp đã tự chủ chi thường xuyên về tài chính và đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên để cắt giảm biên chế theo tỷ lệ phần trăm tự chủ. Riêng đối với sự nghiệp giáo dục và đào tào, sự nghiệp y tế cơ bản không giảm, nhưng có chuyển biên chế sự nghiệp đã cắt giảm từ các cơ quan, đơn vị, địa phương có đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ thường xuyên hoặc một phần về tài chính để bổ sung cho các Trạm Y tế xã đảm bảo đủ 1.031 định mức biên chế y tế xã theo quy định trong năm 2019 mà không phải xin Trung ương bổ sung.

 

Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh, HĐND tỉnh thống nhất thông qua tổng số lượng biên chế viên chức (số lượng người làm việc) trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh năm 2019 là 23.596 biên chế. Trong đó giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập là 23.129 biên chế và dự phòng là 467 biên chế. Cụ thể: Sự nghiệp giáo dục và Đào tạo 18.751 biên chế; sự nghiệp Y tế 3.093 biên chế; sự nghiệp văn hóa 432 biên chế; sự nghiệp khác 853 biên chế.

 

HĐND tỉnh thông qua danh mục bổ sung công trình, dự án phải thu hồi đất năm 2019, danh mục bổ sung công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp.

Theo quy định tại điểm c, Khoản 10 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ quy định “Trường hợp có bổ sung dự án, công trình mà phải thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 62 của Luật đất đai thì trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp danh mục dự án, công trình cần thu hồi đất bổ sung để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua”.

 

Theo Tờ trình của UBND tỉnh, nguyên tắc xác định các danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất (quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai): Được ghi vốn thực hiện trong năm kế hoạch đối với các dự án thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án còn lại theo hướng dẫn tại điểm b khoản 6 Điều 67 Thông tư số 29/2014/TT-BNTMT ngày 02/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng thời xác định danh mục, công trình, dự án theo nguyên tắc chỉ đạo của Hội đồng nhân dân tỉnh tại Công văn số 518/HĐND-KTNS ngày 03/12/2014.

 

Danh mục công trình, dự án có sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ: Đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 héc ta đất trồng lúa; dưới 20 héc ta đất rừng phòng hộ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai.

 

Sau khi xem xét, thảo luận, HĐND tỉnh thống nhất thông qua danh mục bổ sung công trình, dự án phải thu hồi đất năm 2019 là 6 công trình (thành phố Quảng Ngãi 2; huyện Bình Sơn 4). Danh mục bổ sung công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp là 4 công trình, dự án (huyện Bình Sơn).

 

HĐND tỉnh quyết định Điều chỉnh số xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 là 25 xã

HĐND tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 30/3/2017 của HĐND tỉnh về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016-2020. Theo đó, số xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 từ 20 xã lên thành 25 xã, bao gồm: Bình Khương, Bình Thanh Tây, Bình Thạnh, Bình Hiệp, Bình Phước (huyện Bình Sơn); Tịnh Hà, Tịnh Đông, Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh), Đức Thắng, Đức Chánh, Đức Lợi, Đức Minh (huyện Mộ Đức); Phổ Thạnh, Phổ Quang, Phổ Văn, Phổ Ninh, Phổ Cường, Phổ Minh (huyện Đức Phổ); Tịnh Hòa, Nghĩa Hà, Tịnh Ấn Đông (thành phố Quảng Ngãi); Long Sơn (huyện Minh Long); Sơn Thành (huyện Sơn Hà); An Vĩnh và An Bình (huyện Lý Sơn).

 

HĐND tỉnh cũng đã quyết định bãi bỏ Nghị quyết số 26/2013/NQ-HĐND ngày 10/12/2013 của HĐND tỉnh

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh cũng đã quyết định bãi bỏ Nghị quyết số 26/2013/NQ-HĐND ngày 10/12/2013 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 nhằm bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và tiến hành xem xét ban hành các chính sách đặc thù của tỉnh để tiếp tục hỗ trợ phát triển hợp tác xã trong tình hình mới.

(Tổng hợp từ quangngai.gov.vn)