Chính trị

Xem với cỡ chữ Tương phản

Hội nghị trực tuyến “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải”

Tue, 14/07/2020 | 08:11 AM

Sáng ngày 13 tháng 7 năm 2020, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao và Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải” bằng hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu điểm cầu trong cả nước.

Đồng chí Nguyễn Cao Phúc, UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và đồng chí Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi. Đến dự Hội nghị còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, Ban Nội chính và Văn phòng Tỉnh ủy, thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh, Hội Luật gia, Đoàn luật sư tỉnh, các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh; Thường trực, Ban Dân vận các huyện, thị, thành ủy, phòng  tư pháp các huyện, thị, thành phố, các phòng chuyên môn của một số cơ quan, đơn vị có liên quan và hơn 50 hòa giải viên ở cơ sở.

Báo cáo tham luận và kinh nghiệm của một số tỉnh, thành phố cho thấy, trong công tác hòa giải ở cơ sở, công tác dân vận, nhất là dân vận khéo có vai trò rất quan trọng trong giải quyết các vụ, việc phát sinh trong cộng đồng dân cư. Tổ viên tổ hòa giải là những người sống tại địa bàn dân cư, họ hiểu và nắm bắt được thực tiễn địa bàn nên phát hiện kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp và đưa ra giải pháp giải quyết phù hợp, củng cố tình đoàn kết trong toàn khu dân cư.

Theo Báo cáo của Sở Tư pháp Quảng Ngãi, tính đến năm 2018, toàn tỉnh có 1.280 Tổ hòa giải với 8.621 hòa giải viên ở cơ sở, bao gồm đầy đủ các thành phần quân dân chính ở thôn, tổ, dân phố tham gia (bí thư, Trưởng thôn, Ban Công tác Mặt trận, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, người cao tuổi, người có uy tín, người am hiểu pháp luật,...). Mỗi tổ hòa giải có từ 4 đến 8 hòa giải viên tùy theo đặc điểm, địa bàn, khu dân cư và đều có thành viên là nữ tham gia; qua đó đã góp phần giải quyết nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp, xây dựng và phát huy tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Tỷ lệ số vụ việc hòa giải thành đạt trung bình từ 75-80%, một số huyện có tỷ lệ hòa giải thành đạt 100%.

Kim Loan