XÂY DỰNG ĐẢNG

Xem với cỡ chữ Tương phản

Những chuyển biến về phát triển dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh

Sat, 29/12/2018 | 19:38 PM

Về dịch vụ vận tải, kho bãi, cảng biển, logistics: Đến tháng 6/2018, toàn tỉnh có 2.273 đơn vị hoạt động vận tải và 5.196 phương tiện vận tải, trong đó có 2.243 đơn vị hoạt động vận tải đường bộ, với 5.156 phương tiện vận tải, 30 đơn vị hoạt động vận tải đường thủy nội địa với 40 phương tiện vận tải hành khách. Kêu gọi các tổ chức trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng 7 trạm dừng nghỉ; cấp 24 giấy phép liên vận Việt - Lào; mở rộng hoạt động vận tải hành khách quốc tế Việt - Lào; đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, đã hoàn thành 10 dự án, đang đầu tư 9 dự án. Phát huy lợi thế cảng biển nước sâu Dung Quất để hình thành cảng vận tải container, phát triển các loại hình dịch vụ logistics theo hướng trục cảng nước sâu Dung Quất - Cảng hàng không Chu Lai.

Dịch vụ thông tin, truyền thông: Đã thu hút các doanh nghiệp viễn thông (Mobifone, Viettel) đầu tư hạ tầng viễn thông với hơn 200 trạm BTS; phủ sóng dịch vụ internet băng rộng di động 3G, 4G đạt khoảng 85%; hạ tầng băng thông rộng có ở 184 xã. Toàn tỉnh có 210 điểm bưu chính; 40 điểm bưu chính thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; đầu tư nâng cấp 107 điểm bưu chính công cộng. Có 176/184 xã có điểm cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông công cộng. 100% cơ quan hành chính Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện có cổng thông tin thành phần và trang thông tin điện tử hoạt động có hiệu quả, đến cuối năm 2017 có hơn 70% xã, phường, thị trấn kết nối liên thông văn bản điện tử qua mạng Internet; đã cung cấp 100% dịch vụ hành chính công mức độ 2 được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và các trang thông tin của các cơ quan, đơn vị chuyên ngành; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã thực hiện được gần 200 thủ tục hành chính.

Dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội: Đầu tư và đưa vào sử dụng Bệnh viện Sản Nhi, với quy mô 300 giường bệnh; thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (trên cơ sở sáp nhập các Trung tâm y tế dự phòng, phòng, chống sốt rét, phòng, chống HIV/AIDS tỉnh) và Trung tâm Y tế các huyện đồng bằng, thành phố (trên cơ sở sáp nhập Bệnh viện đa khoa với Trung tâm YTDP huyện, thành phố). Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển 4 bệnh viện ngoài công lập với quy mô gần 700 giường bệnh (Bệnh viện đa khoa Phúc Hưng, Khu dịch vụ chất lượng cao Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, Bệnh viện kỹ thuật cao Thiện Nhân Quảng Ngãi, Bệnh viện Đa khoa Thiên Phúc)…

Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm: Toàn tỉnh có 23 chi nhánh ngân hàng thương mại, 14 chi nhánh ngân hàng nông nghiệp cấp huyện, 54 phòng giao dịch. Năm 2017, dư nợ cho vay đạt 38.761 tỷ đồng, bình quân 2 năm tăng 19,57%; 12/14 huyện, thành phố có máy ATM (riêng huyện Sơn Tây, Tây Trà hiện chưa có máy ATM).

Phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch: Tạo sản phẩm dịch vụ du lịch mới như du lịch địa chất, du lịch khám phá kết hợp nghiên cứu khoa học địa chất; lập dự án đầu tư phục dựng bộ xương cá Ông gắn với bảo tàng động vật, thực vật biển Đông; bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại đảo Bé và văn hóa Sa Huỳnh; ban hành kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2018 - 2020, bước đầu thí điểm tại 4 huyện Bình Sơn, Lý Sơn, Nghĩa Hành, Ba Tơ; xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm văn hóa đồng bào H’re và tìm hiểu bảo tàng khởi nghĩa tại huyện Ba Tơ. Các dịch vụ phục vụ du lịch như lặn biển, khám phá san hô và trầm tích núi lửa biển tại đảo Bé và các trò chơi trên biển.

Đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật du lịch: Đã thu hút 26 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với tổng vốn đăng ký hơn 3.100 tỷ đồng. Một số dự án lớn dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2018 như Khu nghỉ dưỡng Bãi Dừa, Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tắm bùn Suối nước nóng Nghĩa Thuận…

Phối cảnh tổng thể Công viên nước Khu du lịch sinh thái,

nghỉ dưỡng tắm bùn Suối nước nóng Nghĩa Thuận

 

Trong thời gian đến, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát chương trình hành động, kế hoạch thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết 04 gắn với thực hiện các chủ trương của Trung ương về phát triển dịch vụ, du lịch; trong đó chú trọng đẩy mạnh thu hút đầu tư các ngành dịch vụ, ưu tiên dịch vụ có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao, bảo đảm các dịch vụ cơ bản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư sớm hoàn thành các dự án lớn, có tính lan tỏa, thúc đẩy phát triển sản xuất và dịch vụ…; tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của tổ chức đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ phát triển dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh.

(Nguồn: Bản tin Thông báo Nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, số 12/2018)