Chính trị

Xem với cỡ chữ Tương phản

Trần Quý Hai -Người chiến sỹ cộng sản trung kiên, một vị tướng tài năng và đức độ

Th 6, 19/05/2023 | 16:07 CH

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Trung tướng Trần Quý Hai

(20/5/1913-20/5/2023)

---

Trần Quý Hai -Người chiến sỹ cộng sản trung kiên, một vị tướng tài năng và đức độ

Trần Quý Hai tên thật là Bùi Chấn, sinh ngày 20/5/1913, quê quán xã Châu Sa, huyện Sơn Tịnh, nay là xã Tịnh Châu, Thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Trong hơn 50 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí đã cống hiến những năm tháng tươi đẹp nhất của tuổi thanh xuân cho đất nước và quê hương. Là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, trên tinh thần “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”, nhà quân sự Trần Quý Hai, một vị tướng tài năng, đức độ của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống yêu nước, chịu cảnh mồ côi mẹ từ sớm, Bùi Chấn (tức là Trần Quý Hai) phải làm nhiều công việc để nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình, đồng thời luôn đau đáu một khát vọng được tiếp nối cha ông, tham gia đánh đuổi bọn thực dân xâm lược, giành độc lập tự do cho dân tộc mình.

Được sự động viên của người cha, Bùi Chấn hăng hái tham gia các phong trào của những người yêu nước, thanh niên trí thức và cán bộ hoạt động bí mật tại quê nhà. Sau đó, đồng chí được giao nhiệm vụ liên lạc cho cán bộ cách mạng, đến tháng 10/1930 được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Giữa năm 1931, trong khi tham gia hoạt động ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ -Tĩnh, đồng chí bị địch bắt giam. Năm 1932, sau khi được trả tự do, đồng chí được cử làm Bí thư Chi bộ Châu Sa, năm 1937 tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và làm Bí thư Chi bộ Tổng Tịnh Châu. Sau đó, được cử giữ chức Bí thư huyện uỷ Bình Sơn và được bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Năm 1939, khi đang chỉ huy cuộc biểu tình chống thuế của nhân dân Bình Sơn và Sơn Tịnh, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam tại các nhà lao Trà Bồng và Buôn Ma Thuột. Đầu năm 1944 bị địch quản thúc tại Căng an trí Ba Tơ. Tháng 12/1944, đồng chí cùng các đồng chí Trương Quang Giao, Phạm Kiệt, Trần Lương, Nguyễn Đôn…bí mật thành lập Tỉnh uỷ lâm thời tỉnh Quảng Ngãi.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ngay trong đêm 10/3/1945, Tỉnh uỷ cấp tốc  lên kế hoạch tiến hành cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Bùi Chấn là một trong 5 thành viên của Uỷ ban khởi nghĩa do đồng chí Trương Quang Giao làm Trưởng ban. Đêm ngày 11/3/1945, khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra đúng kế hoach và giành thắng lợi vang dội. Sau đó, đồng chí Bùi Chấn là một trong hai đại biểu đại diện cho các Đảng bộ ở các tỉnh miền Trung đi dự Hội nghị Tân Trào do Trung ương triệu tập và báo cáo tại Hội nghị về kết quả cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Trở về sau Hội nghị Tân Trào, đồng chí cùng Tỉnh uỷ lâm thời lãnh đạo nhân dân tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Ngãi. Đến ngày 30/8/1945 hàng vạn quần chúng nhân dân và lực lượng vũ trang tham gia biểu dương lực lượng tại thị xã Quảng Ngãi, mừng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi.

Tháng 9/1945, đồng chí được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi; đầu năm 1946, đồng chí là Uỷ viên Xứ uỷ Trung Kỳ, sau đó được điều động tham gia chiến đấu chống thực dân Pháp ở mặt trận Thừa Thiên-Huế. Sau khi được bầu bổ sung vào Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thừa Thiên-Huế, đồng chí đổi tên là Trần Quý Hai. Đến tháng 2/1947, đồng chí là Chính trị viên, Bí thư Trung đoàn Trần Cao Vân, Uỷ viên Phân khu uỷ Bình Trị Thiên. Với tài năng quân sự lại được tôi luyện qua thực tiễn cuộc đấu tranh cách mạng, đồng chí tích cực chỉ huy, lãnh đạo Trung đoàn chiến đấu giành nhiều thắng lợi quan trọng ở các đồn Hộ Thành, Đất Đỏ; tham gia khôi phục phong trào kháng chiến tại các huyện phía nam tỉnh Thừa Thiên-Huế. Trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 18 giành thắng lợi ở cầu Truồi, Chóp Chài, Võ Xà, đèo Đá Bạc…gây cho địch nhiều hoang mang, đồng thời tạo niềm tin của nhân dân vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.

Sau trận Hoà Mỹ, Trung đoàn  của Trần Quý Hai tham gia chiến dịch diệt tề ở tỉnh Thừa Thiên và nâng cao dần trình độ tác chiến, trưởng thành của bộ đội và thu được nhiều thắng lợi lớn ở trận Dưỡng Mong và Hói Mít. Tháng 10/1949, Bộ Tổng tư lệnh thành lập Mặt trận Bình Trị Thiên do đồng chí Hà Văn Lâu làm Tư lệnh và Trần Quý Hai làm Chính uỷ. Tháng 3/1951, đồng chí Trần Quý Hai được cử làm Chính uỷ kiêm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 325. Quá trình chiến đấu Đại đoàn 325 lập được thành tích xuất sắc, góp phần quan trọng vào việc đánh bại âm mưu “chiến tranh tổng lực”, chiến lược “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của thực dân Pháp. Từ năm 1953, đồng chí làm Chính uỷ, Bí thư Đảng uỷ mặt trận Trung Lào, sau đó trực tiếp chỉ huy chiến dịch Hạ Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia.

Đầu năm 1952, đồng chí đảm nhiệm cương vị Trưởng Ban nghiên cứu Sân bay, tháng 5/1955 làm Phó Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bí thư Đảng uỷ Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng. Năm 1957, dự học lớp bổ túc quân sự ngắn ngày tại Liên Xô. Năm 1958, được phong quân hàm Thiếu tướng. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng năm 1960, Thiếu tướng Trần Quý Hai được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương; đầu năm 1961 là Uỷ viên thường trực Quân uỷ Trung ương, một thời gian sau, giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước. Năm 1962 đồng chí tham dự lớp bổ túc quân sự ngắn hạn tại Trung Quốc. Đầu năm 1965 tham gia chỉ đạo lực lượng Phòng không-không quân đánh bại nhiều đợt đánh phá của đế quốc Mỹ ở miền Bắc.

Tháng 12/1967, Thiếu tướng Trần Quý Hai làm Tư lệnh chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, Quảng Trị. Đồng chí cùng với Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Mặt trận tập trung chỉ huy tiến công địch giành thắng lợi, góp phần cùng quân dân toàn miền Nam tiến hành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Tháng 7/1972, trên cương vị Tư lệnh Mặt trận B5 Trị -Thiên, đồng chí trực tiếp chỉ huy quân và dân ta chiến đấu, liên tiếp thu nhiều thắng lợi lớn; bộ đội ta giữ được Thành Cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm, góp phần đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ và buộc chúng phải ký kết Hiệp định Pa-ri năm 1973, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Năm 1974, Thiếu tướng Trần Quý Hai được phong quân hàm Trung tướng, trực tiếp cùng Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, có nhiều đóng góp quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Mỗi khi nhắc đến Tướng Trần Quý Hai, đồng chí và nhân dân luôn dành cho ông những tình cảm yêu thương, trân trọng, nể phục về đức độ, tài năng của một nhà chỉ huy của Quân đội nhân dân Việt Nam, một người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi. Tên tuổi của nhà quân sự tài năng Trần Quý Hai gắn liền với các chiến trường ác liệt Bình Trị Thiên, Trung-Hạ Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia./.

Tuấn Anh