Chính trị

Xem với cỡ chữ Tương phản

Khảo sát tình hình ô nhiễm và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở huyện Lý Sơn

Th 3, 03/10/2023 | 08:39 SA

Sáng 2/10, Đoàn khảo sát của Đoàn ĐBQH tỉnh do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy làm trưởng đoàn đã đi khảo sát tình hình ô nhiễm và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Lý Sơn.

Cùng đi có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương; ĐBQH Lương Văn Hùng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Đoàn khảo sát tiến hành đi thực tế tại các điểm thu gom rác thải trên địa bàn huyện và Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Lý Sơn. 

Đoàn khảo sát đi thực tế tạiNhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Lý Sơn.
Đoàn khảo sát đi thực tế tại Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Lý Sơn.

Theo báo cáo UBND huyện Lý Sơn, trên địa bàn huyện, chất thải rắn chủ yếu là chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Một phần rác thải nông nghiệp (thân cây hành, tỏi) được các hộ dân tận dụng ủ làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp; phần rác thải nông nghiệp còn lại và toàn bộ rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển về Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Lý Sơn để xử lý.

Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển về nhà máy trung bình từ 22 - 25 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt khoảng 90%; thời điểm cao nhất có thể đạt 26 - 30 tấn/ngày. 

Huyện Lý Sơn hiện chỉ có 1 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Huyện Lý Sơn hiện chỉ có 1 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Công tác bảo vệ môi trường (BVMT) được chú trọng, cũng như nhận thức của người dân trên địa bàn huyện ngày càng nâng cao nên tình trạng ô nhiễm chất thải rắn sinh hoạt ít xảy ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác BVMT trên địa bàn huyện gặp một số khó khăn. Một số ít người dân chưa tuân thủ đổ, bỏ rác thải đúng nơi quy định tại các điểm tập kết, gây khó khăn cho công tác thu gom; tình trạng lén lút đổ rác thải xuống biển làm ảnh hưởng môi trường vẫn còn xảy ra. Việc phân loại rác thải tại nguồn còn hạn chế; công nghệ xử lý rác thải chưa hiện đại (chủ yếu đốt, chôn lấp) gây khí thải, nước thải ra môi trường…

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương trao đổi với Đoàn khảo sát.
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương trao đổi với Đoàn khảo sát.

Để tạo điều kiện cho huyện tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật đồng bộ trong thời gian tới, sớm phát triển Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển đảo quốc gia theo Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, UBND huyện Lý Sơn đề nghị UBND tỉnh quan tâm phân bổ kinh phí đảm bảo cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện cũng như công tác BVMT trong thời gian tới.

Tại buổi khảo sát, các thành viên trong Đoàn và lãnh đạo huyện Lý Sơn đã làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến những khó khăn, bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải xây dựng trên địa bàn huyện; đồng thời, đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế trong thời gian tới.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy phát biểu tại buổi khảo sát.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy phát biểu tại buổi khảo sát.

Phát biểu tại buổi khảo sát, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác quản lý nhà nước về BVMT của huyện Lý Sơn. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo huyện quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền cả chiều rộng lẫn chiều sâu để nâng cao nhận thức của người dân về công tác BVMT; tăng cường kiểm tra giám sát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về BVMT; nghiên cứu xây dựng các mô hình BVMT, có thể học tập cách làm của một số địa phương khác đã mang hiệu quả để ứng dụng vào địa phương mình...

Đối với những kiến nghị của huyện, Đoàn khảo sát ghi nhận và sẽ làm việc với UBND tỉnh, các ngành chức năng để tìm hướng tháo gỡ trong thời gian tới.

Tin, ảnh: N.ĐỨC/BQNĐT