Chính trị

Xem với cỡ chữ Tương phản

Giám sát Kết luận số 171 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác lịch sử Đảng đối với Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sơn Tịnh

Fri, 05/07/2019 | 15:55 PM

Chiều ngày 4/7, tại Huyện ủy Sơn Tịnh, Đoàn Giám sát của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy do đồng chí Nguyễn Tấn Đức, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban thường trực làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát kết quả 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 171-KL/TU ngày 12/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn và đẩy mạnh công tác tuyên truyền lịch sử đảng bộ các cấp, lịch sử truyền thống các địa phương, ban, ngành trong tỉnh” đối với Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sơn Tịnh.

Đồng chí Nguyễn Tấn Đức, TUV, Phó Trưởng Ban trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu kết luận giám sát

Theo báo cáo, sau hơn 15 năm thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, 10 năm thực hiện Chỉ thị 09 và 3 năm thực hiện Kết luận 171 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến nay huyện Sơn Tịnh đã xuất bản được 2 tập sách lịch sử Đảng bộ huyện; 01 tập sách lịch sử truyền thống của lực lượng vũ trang huyện, 01 tập sách lịch sử Hội Liên hiệp phụ nữ huyện và 11/11 xã đã hoàn thành việc biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương mình. Trong 11 xã trên địa bàn có 4 xã viết đến năm 1975, 1 xã đến năm 1999, 5 xã đến năm 2000 và xã Tịnh Phong viết đến năm 2005.

Đạt kết quả trên, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, hướng dẫn cụ thể, nghiêm túc thực hiện của Ban Tuyên giáo Huyện ủy và sự cố gắng nỗ lực của các địa phương, đơn vị. Mỗi xã thực hiện công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng được huyện hỗ trợ từ 15 đến 20 triệu đồng. Được biết, tổng kinh phí huyện Sơn Tịnh đã chi, hỗ trợ cho công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện, lịch sử truyền thống các ngành và lịch sử Đảng bộ các xã trên hơn 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi xã còn cân đối nguồn ngân sách của địa phương từ 40 đến 60 triệu đồng.

Bên cạnh công tác sưu tầm, biên soạn, công tác tuyên truyền, giáo dục cũng luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn huyện quan tâm, thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như Ban Thường vụ Huyện ủy phát động cuộc thi viết tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ huyện Sơn Tịnh, giai đoạn 1929-1975, kết quả thu hút được gần 2000 bài dự thi; Đài truyền thanh huyện mở chuyên mục “những mốc son lịch sử của Đảng bộ huyện” để tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; Huyện Đoàn Sơn Tịnh hằng năm tổ chức lễ thắp nến tri ân nhân ngày thương binh, liệt sĩ, thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn, thăm các di tích lịch sử, văn hóa và vận động đoàn viên, thanh niên, học sinh đóng góp được hơn 20 triệu đồng để trùng tu, xây dựng bia tưởng niệm liệt sĩ Trương Quang Trọng; một số trường học tổ chức cuộc thi "rung chuông vàng" để tuyên truyền, giáo dục cho các em học sinh về những sự kiện, nhân vật lịch sử và truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương.

Tuy nhiên, huyện Sơn Tịnh chưa tập trung chỉ đạo biên soạn lịch sử truyền thống các ngành trên địa bàn; tiến độ sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng bộ các xã giai đoạn 1975 - 2015 còn chậm; một số cấp ủy chưa quan tâm đến việc chỉnh biên, tái bản các tập sách đã xuất bản; công tác tuyên truyền, giáo dục chưa được quan tâm đúng mức.

Phát biểu tại buổi giám sát, các đại biểu nêu lên một số khó khăn trong công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương như nguồn tư liệu thành văn giai đoạn 1975-1995 rất hạn chế, các nhân chứng lịch sử giai đoạn này đã già yếu, không nhớ rõ sự kiện; nguồn kinh phí biên soạn, phát hành gặp nhiều khó khăn.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Tấn Đức, Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng trên địa bàn huyện Sơn Tịnh, nhiều tập sách lịch sử Đảng được phát hành sớm. Song đồng chí Nguyễn Tấn Đức cũng nhấn mạnh, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sơn Tịnh cần tiếp tục tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư, Kết luận số 171 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị chỉnh biên các tập sách đã xuất bản, sưu tầm, biên soạn giai đoạn tiếp theo đến năm 2020 để có công trình lịch sử Đảng xuyên suốt; quan tâm đến việc biên soạn lịch sử truyền thống các ngành trên địa bàn; tham mưu chủ trương, cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí để các địa phương, đơn vị thực hiện công tác sưu tầm, biên soạn, phát hành lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống. Đồng thời, tiếp tục tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy sưu tầm, biện soạn tập sách Sơn Tịnh xưa và nay; Kỷ yếu Ban chấp hành Đảng bộ huyện qua các thời kỳ như kế hoạch đề ra. Tập trung chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Tin, ảnh: Văn Quyết