Chính trị

Xem với cỡ chữ Tương phản

Cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ - Cuộc diễn tập đầu tiên của Đảng bộ và Nhân dân Quảng Ngãi

Th 4, 07/10/2020 | 07:57 SA

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày diễn ra cuộc biểu tình

chiếm Huyện đường Đức Phổ (8/10/1930 - 8/10/2020)

---

Cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ -

Cuộc diễn tập đầu tiên của Đảng bộ và Nhân dân Quảng Ngãi

 

Cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ là cuộc diễn tập có quy mô lớn nhất do Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát động và chỉ đạo kể từ khi Đảng bộ được thành lập. Đây là thắng lợi đầu tiên rất quan trọng, là minh chứng sinh động về sự lãnh đạo sáng suốt của Tỉnh ủy Quảng Ngãi và đồng chí Nguyễn Nghiêm - Bí thư Tỉnh ủy trong thời kỳ đầu của Đảng bộ. Đây là trận mở đầu và đột phá của nhân dân Quảng Ngãi vào chế độ cai trị của thực dân Pháp và bè lũ tay sai tại một địa phương của Nam Trung Bộ.

Cuộc biểu tình là sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn, là một mốc son chói lọi trong truyền thống yêu nước và cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi và Đức Phổ; là động lực tinh thần to lớn đối với quá trình xây dựng, phát triển của phong trào cách mạng tỉnh nhà trong suốt 90 năm qua.

Để chuẩn bị kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5-1930, Trung ương Đảng ta phát động phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp đều khắp trong cả nước, mà đỉnh cao là ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhằm thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, từ cuối tháng 9/1930, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi phát động đợt đấu tranh sâu rộng trong toàn tỉnh để hưởng ứng và ủng hộ Xô Viết Nghệ- Tĩnh.

Đảng bộ tập trung tuyên truyền, vận động, phổ biến chủ trương của Đảng và Tỉnh ủy nhằm nâng cao tinh thần đấu tranh của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương. Khẩu hiệu đấu tranh lúc bấy giờ là “đả đảo đế quốc Pháp và Nam Triều phong kiến!; Việt Nam hoàn toàn độc lập, Chính quyền về tay công nông binh!; Giao xưởng máy cho thợ thuyền, ruộng đất cho dân cày; Giảm thuế điền, miễn thuế đinh, thuế đò, thuế chợ...; chống khủng bố Nghệ - Tĩnh; Ủng hộ Liên bang Xô Viết...”.

Hình thức đấu tranh chủ yếu là rãi truyền đơn, treo băng rôn, cờ, khẩu hiệu, mittinh, biểu tình. Tỉnh ủy chọn huyện Đức Phổ làm thí điểm, vì phong trào cách mạng ở Đức Phổ lúc này khá mạnh, là nơi có tổ chức cơ sở đảng của tỉnh ra đời sớm nhất và là nơi có cơ quan Tỉnh ủy.

Tỉnh ủy thành lập Ban lãnh đạo cuộc biểu tình gồm một số đồng chí trong Tỉnh ủy, huyện ủy Đức Phổ. Toàn thể đảng viên ở Đức Phổ được quán triệt nội dung, kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn quần chúng cách mạng tham gia. Tỉnh ủy còn giao nhiệm vụ cho các huyện Mộ Đức và Ba Tơ huy động nhân dân hỗ trợ, chia lửa cùng đồng bào Đức Phổ. Đồng thời thành lập các Đội tự vệ giữ trật tự, động viên tinh thần đấu tranh, xử lý các trường hợp nhụt chí; lập đội phản gián để theo dõi, phát hiện bọn phản động, mật thám, không cho chúng gây rối, làm ảnh hưởng đến sức mạnh của các lực lượng cách mạng...

Theo kế hoạch, vào tối ngày 7-10-1930, quần chúng tham gia biểu tình từ 20 Làng của Đức Phổ kéo về điểm tập kết tại gò Cây Thị, gần trường Lộ Bàn (Phổ Ninh) dự mittinh. Sau khi nghe diễn thuyết, rạng sáng ngày 8-10-1930, Đoàn biểu tình gần 5.000 người chia thành hàng ngũ chỉnh tề, có đoàn trưởng, đội trưởng chỉ huy, tay cầm gậy, dây thừng, biểu ngữ, cờ đỏ búa liềm, xen lẫn với tiếng mõ, tù và... bừng bừng khí thế tiến về Huyện đường, Tri huyện Nguyễn Phan Lang và toàn bộ lại mục, lính tráng… bỏ chạy.

Đoàn biểu tình tiến vào huyện đường, đốt công văn, hồ sơ, ấn tín, giải phóng tù nhân, treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn...Sau khi làm chủ huyện đường, đoàn biểu tình tuần hành trong khu vực huyện lỵ, các xã lân cận và giải tán lúc 7 giờ sáng ngày 8-10-1930. Trên cơ sở phân tích tình hình, so sánh lực lượng giữa ta và địch, nhất là lúc địch đang tăng cường kiểm soát và đàn áp sau Xô Viết Nghệ - Tĩnh, Tỉnh ủy đánh giá lúc này chưa đặt nhiệm vụ đánh đổ thiết chế quyền lực của địch.

Phù điêu cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ (ảnh BQNĐT)

Cuộc biểu tình đã được mục tiêu là đập tan uy thế chính trị của chính quyền thực dân Pháp và phong kiến; tập trung đấu tranh đòi quyền lợi trước mắt như xóa bỏ sưu và các thứ thuế vô lý, trong đó có thuế đinh…; tuyên truyền đường lối đấu tranh của Đảng tạo khí thế chính trị trong quần chúng, rèn luyện đảng viên, cán bộ, nhân dân tinh thần cách mạng…

Cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Huyện ủy Đức Phổ giành thắng lợi trong thế chủ động. Đây là cuộc biểu tình đầu tiên có quy mô lớn do Tỉnh ủy phát động, chỉ đạo kể từ khi Đảng bộ tỉnh được thành lập. Đó là thắng lợi quan trọng, minh chứng về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, mà trực tiếp là Tỉnh ủy Quảng Ngãi và đồng chí Bí thư Nguyễn Nghiêm. Qua đó thể hiện nghệ thuật chỉ đạo tiến hành và kết thúc cuộc biểu tình một cách sáng tạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Thành công của cuộc biểu tình cho thấy sự mưu lược trong chủ trương, biện pháp và sự khéo léo đến trình độ nghệ thuật về công tác tổ chức và lãnh đạo, trong điều kiện Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi vừa mới ra đời. Sự kiện này minh chứng rằng chỉ có đội tiên phong của giai cấp công nhân là Đảng Cộng sản Việt Nam mới có thể vạch ra đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn để đấu tranh giành độc lập, tự do.

Thắng lợi của cuộc biểu tình là một mốc son rất giá trị trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Đức Phổ cũng như nhân dân Quảng Ngãi.

Phát huy cao độ tinh thần của Cuộc biểu tình, Tỉnh ủy Quảng Ngãi lãnh đạo nhân dân các địa phương trong tỉnh dấy lên phong trào cách mạng sôi nổi, kéo dài từ tháng 10-1930 đến năm 1931. Mặc dù sau đó bị địch khủng bố ác liệt, nhưng Quảng Ngãi là một trong những đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930-1931 trong nước, được Thường vụ Trung ương Đảng đánh giá: “... Ở Quảng Ngãi tuy phong trào chưa bằng Nghệ - Tĩnh, nhưng nó vẫn mạnh nhất trong phía Nam Trung kỳ”...

Phát huy tinh thần của cuộc biểu tình, 90 năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Đức Phổ (nay là Thị xã Đức Phổ) đã cùng nhau đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành quả rất to lớn trên các lĩnh vực về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Riêng trong giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất bình quân đạt 16,8%; tỷ trọng công nghiệp-xây dựng từ 42,7%, tăng lên 45,4%; thương mại-dịch vụ từ 38,8% tăng lên 41,6%; nông nghiệp từ 18,5%, giảm còn 13%. Thu ngân sách tăng bình quân 16,53%/ năm. Hiện có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 200% chỉ tiêu. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân Thị xã được nâng lên đáng kể và có nhiều đổi thay, khởi sắc.

Tự hào kỷ niệm 90 năm ngày diễn ra Cuộc biểu tình chiếm huyện đường Đức Phổ, mỗi chúng ta càng vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tăng cường đoàn kết, đồng tâm hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, lập nhiều thành tích xuất sắc chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

Tuấn Anh