XÂY DỰNG ĐẢNG

Xem với cỡ chữ Tương phản

Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo theo Nghị quyết số 01 của Tỉnh uỷ

Th 7, 29/12/2018 | 19:32 CH

- GRDP các huyện, thành phố ven biển và đảo tăng bình quân 2,84%/năm; năm 2017, đóng góp vào GRDP toàn tỉnh 83,4%; kim ngạch xuất khẩu (KNXK) các ngành kinh tế biển chiếm 58,8% tổng KNXK của tỉnh. Sản lượng hải sản khai thác đạt khoảng 185 nghìn tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 6,406 nghìn tấn; chế biến thủy sản 18 nghìn tấn. Khu kinh tế Dung Quất đã thu hút được 65 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 3,39 tỷ USD.

- Du lịch biển, đảo có bước khởi sắc; năm 2017, lượng khách đến tỉnh đạt 810.000 lượt, tăng bình quân 11,6%/năm; doanh thu du lịch đạt 710 tỷ đồng, tăng bình quân 12,6%. Đang trình hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt Văn hoá Sa Huỳnh; lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh; lập hồ sơ đề nghị công nhận núi Thới Lới, giếng Tiền là di tích cấp quốc gia; lễ hội Đua thuyền Tứ linh huyện Lý Sơn là di sản văn hóa phi vật thể. 

- Phát triển kinh tế - xã hội biển đảo gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo được chú trọng. Chất lượng giáo dục, y tế ngày càng nâng lên. Đến hết năm 2017, có 27 xã thuộc các huyện, thành phố ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới (toàn tỉnh có 42 xã đạt chuẩn); trong đó có 6 xã ven biển.

- Đối với huyện Lý Sơn, giá trị sản xuất bình quân 2 năm 2016-2017 tăng 19,36%/năm. Năm 2017, giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản chiếm 52,6%; công nghiệp - xây dựng chiếm 9,7%; dịch vụ chiếm 37,7%. 

Sản xuất hành, tỏi ở đảo Lý Sơn

 

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển, đảo của tỉnh còn một số hạn chế, đó là: Quy mô kinh tế biển của tỉnh còn nhỏ; nhiều dự án đã đăng ký đầu tư nhưng tiến độ triển khai chậm hoặc không triển khai; hệ thống kết cấu hạ tầng trong khu kinh tế, vùng ven biển còn hạn chế, chưa đồng bộ; phát triển thủy sản chủ yếu dựa vào đánh bắt; nuôi trồng thủy sản còn nhỏ lẻ, manh mún, thường xuyên xảy ra dịch bệnh; chế biến thủy sản quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng thấp; hoạt động du lịch tuy khởi sắc nhưng chưa tương xứng với tiềm năng du lịch biển, đảo; ô nhiễm môi trường khu vực ven biển và đảo Lý Sơn diễn biến phức tạp; tình trạng dùng thuốc nổ, súng điện khai thác hải sản còn xảy ra; ngư dân đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của nước ngoài chưa được ngăn chặn triệt để...

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy, thời gian tới các cấp, ngành tập trung khắc phục các hạn chế, yếu kém đã chỉ ra và đôn đốc, tổ chức thực hiện một số công việc trọng tâm sau:

- Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục pháp luật về biển, đảo để các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển đảo; tăng cường ý thức chấp hành pháp luật về biển, về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường. 

- Tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư; thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư của Trung ương về phát triển kinh tế biển, đảo. Kiểm tra, rà soát các dự án chậm tiến độ để hỗ trợ nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án trong và ngoài Khu kinh tế Dung Quất, đặc biệt là các dự án lớn, có tính chất lan tỏa như: Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất…

- Tăng cường năng lực và hiện đại hóa đội tàu cá, tiếp tục xây dựng các tổ hợp tác đánh bắt cá và dịch vụ hậu cần trên biển gắn với dịch vụ hậu cần trên bờ; kêu gọi, hỗ trợ đầu tư nhà máy chế biến thủy sản hiện đại, đủ năng lực cạnh tranh nhằm tạo chuỗi giá trị phát triển kinh tế thủy sản.

- Tích cực hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, các công ty lữ hành du lịch lớn trong và ngoài nước, liên kết phát triển mở rộng các tour du lịch; kêu gọi đầu tư các dự án du lịch lớn mang tầm quốc gia, trọng tâm là Bình Châu - Lý Sơn, xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh.

- Ưu tiên phân bổ nguồn vốn ngân sách, huy động nguồn lực khác để đầu tư hoàn thành các công trình hạ tầng quan trọng, kết nối tạo động lực phát triển kinh tế, biển đảo như giao thông, cảng biển, dịch vụ biển, hình thành tuyến vận tải biển container cảng Dung Quất, xây dựng vũng neo đậu tàu thuyền kết hợp cảng cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng khu vực Sa Kỳ - Cổ Lũy trở thành trung tâm nghề cá của tỉnh.

- Nâng cao năng lực quốc phòng vùng biển, đảo. Quản lý chặt chẽ tàu thuyền khai thác hải sản trên biển, ngăn ngừa tàu thuyền của ngư dân xâm phạm vùng biển chủ quyền của các nước. Củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về biển, đảo từ tỉnh đến xã; chủ động phòng chống thiên tai; đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững an ninh trật tự vùng biển đảo.

(Nguồn: Bản tin Thông báo Nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, số 12/2018)