Văn hóa - Xã hội

Xem với cỡ chữ Tương phản

Nhiệm vụ trọng tâm phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh 

Th 4, 24/03/2021 | 10:12 SA

Thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; các sở, ban ngành; Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các tổ chức hội cấp tỉnh; các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy căn cứ Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện sát với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương. Hàng năm tổ chức đăng ký xây dựng mới và nhân rộng những mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện; khen thưởng hoặc đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt danh hiệu điển hình “Dân vận khéo”.

Đại diện các tập thể được tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2015-2020 (ảnh minh họa)

Về nhiệm vụ công tác trọng tâm phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra 10 nhiệm vụ đó là:

- Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 03/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với việc thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XII về “Đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các chủ trương của Đảng, Nhà nước, địa phương về công tác dân vận. 

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận; luôn đảm bảo tính kịp thời, chặt chẽ, có chiều sâu và có tính đột phá cả về nội dung và giải pháp; đồng thời, nâng cao nhận thức và vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai, tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. 

- Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

- Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của chính quyền các cấp trong công tác cải cách hành chính, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của tổ chức và công dân; ứng dụng công nghệ thông tin; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; công khai, minh bạch thông tin, cải thiện khả năng tiếp cận, cạnh tranh công bằng của tất cả người dân, doanh nghiệp. Nâng cao đạo đức công vụ, ý thức, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.

- Tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng theo hướng có trọng tâm, thiết thực, hiệu quả, bám sát cơ sở. 

- Lực lượng vũ trang tỉnh triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng - an ninh, chủ quyền biển đảo, gắn với thực hiện các chương trình an sinh xã hội, giảm nghèo, phát triển kinh tế, gắn kết quân - dân; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, xây dựng tuyến phòng thủ biên giới hải đảo, tổ an ninh nhân dân; nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. 

- Việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phải được tiến hành thường xuyên, liên tục trong hệ thống chính trị. Các địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng các mô hình, điển hình đã thực hiện; chủ động, sáng tạo trong xây dựng mới và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. 

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác dân vận. Tập trung xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về công tác dân vận trên báo, đài, các phương tiện thông tin đại chúng. Chủ động, kịp thời phát hiện nhân tố mới trong xây dựng, nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” để tuyên truyền nhằm tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

- Tổ chức phát động Cuộc thi Báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Tổ chức Hội thi “Dân vận khéo”. 

- Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ, tổng kết để đánh giá đúng, thực chất kết quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Kịp thời khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã - hội, hội quần chúng, các địa phương, đơn vị tiếp tục phát huy những mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã được xây dựng, đồng thời xây dựng những mô hình mới phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị. Từ nay đến năm 2025, mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức từ tỉnh đến cơ sở xây dựng, nhân rộng ít nhất từ 01 đến 02 mô hình/năm.

B.B.T