Tin tức sự kiện

Xem với cỡ chữ Tương phản

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng đầu năm đạt kết quả tích cực

Th 5, 29/09/2022 | 08:25 SA

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng đầu năm đạt kết quả tích cực

1. Lĩnh vực kinh tế

- Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 giảm 9,06% so với tháng trước và tăng 27,1% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng đầu năm tăng 8,2% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ: Sản phẩm lọc hóa dầu tăng 6%; sắt, thép ước tăng 0,9%; nước khoáng tăng 13,2%; sản phẩm may mặc tăng 15,8%; giày da các loại tăng 18,1%; bia các loại tăng 41,7%; bánh kẹo các loại tăng 10%; tinh bột mì tăng 10%; thủy sản chế biến tăng 6,8%; sợi tăng 2,2%; điện sản xuất tăng 49%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ: Dăm gỗ nguyên liệu giấy giảm 33,7%; điện thương phẩm giảm 2,7%; cuộn cảm giảm 5,6%; sữa các loại giảm 10,4%. 

- Đầu tư và xây dựng: 

+ Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Quảng Ngãi là 4.501,512 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao là 6.234,731 tỷ đồng (cao hơn so với Trung ương giao là 1.733,219 tỷ đồng từ nguồn NSĐP), trong đó: Vốn ngân sách Trung ương 2.038,082 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 4.196,649 tỷ đồng. 

+ Tổng số vốn đã giải ngân đến 31/8/2022 là 2.592,750 tỷ đồng, bằng 57,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 41,6% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao. 

+ Ước đến ngày 30/9/2022, giải ngân là 3.864,326 tỷ đồng, bằng 85,8% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 61,9% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao.

- Nông nghiệp: 

+ Về trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt ước đạt 83.646ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ; sản lượng lương thực có hạt ước đạt 488.664 tấn, giảm 2,2%. Trong đó: Tổng diện tích lúa ước đạt 73.622ha, tăng 2,3%, sản lượng lúa 432.157 tấn, tăng 1,9%; tổng diện tích ngô ước đạt 10.024ha, giảm 1,9% với cùng kỳ, sản lượng ngô 56.507 tấn, giảm 4%. 

Tổng diện tích gieo trồng rau, đậu và cây công nghiệp khác ước đạt 36.022ha, giảm 12,6% so với cùng kỳ; chuyển đổi sản xuất từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác khoảng 341 ha; việc chuyển đổi đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng khác đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Xây dựng 26 cánh đồng sản xuất rau an toàn với diện tích 184,5 ha, doanh thu bình quân đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Xây dựng được 103 cánh đồng lớn trong sản xuất lúa, lạc và dưa hấu, với tổng diện tích ước khoảng 1.743ha. 

+ Về chăn nuôi: Trong 9 tháng, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định, trong đó đàn lợn tăng 2,8%, đàn bò giảm 0,1%, đàn gia cầm tăng 0,5%, riêng đàn trâu giảm 1,4%. Sản lượng thịt hơi xuất chuông ước đạt 66.392 tấn, tăng 19,4%. 

Tình hình dịch bệnh ở gia súc, gia cầm diễn ra phức tạp (Bệnh dịch tả lợn Châu Phi: Xảy ra tại 84 hộ với tổng số bị bệnh chết tiêu hủy 1.201 con; tổng khối lượng lợn tiêu hủy 46,5 tấn. Bệnh Viêm da nổi cục trâu bò: Xảy ra tại 947 hộ với tổng số 1.105 con bò mắc bệnh, làm chết 255 con. Bệnh cúm gia cầm: xảy ra ở 04 hộ, tổng số gia súc tiêu hủy 7.109 con), gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Hiện nay, các địa phương đang triển khai tiêm phòng đợt 1/2022. 

+ Lâm nghiệp: Trồng mới rừng tập trung ước đạt 12.427ha, tăng 5,4%. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng ước đạt 1.543.758m3, tăng 5,3%; đã tổ chức 463 đợt truy quét, 648 đợt kiểm tra, 2.421 đợt tuần tra quản lý bảo vệ rừng, phát hiện 182 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách 1.678 triệu đồng; xảy ra 12 vụ phá rừng làm thiệt hại 1,6 ha, xảy ra 01 vụ cháy rừng làm thiệt hại 35 ha, giảm 22 vụ so với cùng kỳ. 

+ Thủy sản: Sản lượng thủy sản 9 tháng ước đạt 228.567 tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ, trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 221.971 tấn, tăng 1,1%; sản lượng nuôi trồng ước đạt 6.595 tấn, tăng 9,9%. 

- Thương mại và dịch vụ 

+ Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 53% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng ước đạt 48.233 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ, đạt 87,7% so với kế hoạch năm. 

+ Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 3,28% so với cùng kỳ, bình quân 9 tháng tăng 3,12% so với cùng kỳ. 

+ Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 1.738 triệu USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ, đạt 93,4% kế hoạch năm. 

+ Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng ước đạt 2.850 triệu USD, tăng 41,5%, đạt 104,4% kế hoạch năm. 

+ Hoạt động vận tải (không kể vận tải đường sắt): Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 9 tháng ước đạt 3.242 tỷ đồng, tăng 29,8% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu vận tải hành khách tăng 23,7%, doanh thu vận tải hàng hóa tăng 34,7%, doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 23,4%. 

+ Tín dụng ngân hàng: Tổng nguồn vốn huy động ước đạt 70.290 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2021; tổng dư nợ cho vay ước đạt 61.450 tỷ đồng, tăng 7,2%. 

- Thu chi ngân sách

+ Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 23.047 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ và bằng 94,9% dự toán năm, bằng 119,8% dự toán trung ương giao; trong đó: Thu nội địa ước đạt 13.940 tỷ đồng (Thu từ nhà máy lọc dầu Dung Quất ước đạt 8.568 tỷ đồng, tăng 88,4%; thu tiền sử dụng đất ước đạt 893 tỷ đồng, tăng 35,2%), tăng 51,4% và bằng 83,4% dự toán năm; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 9.087 tỷ đồng, tăng 27,6% và bằng 121,2% dự toán năm. 

+ Tổng chi ngân sách địa phương 9 tháng ước đạt 9.826 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ và bằng 59,2% so với dự toán năm. 

- Thu hút đầu tư và quản lý doanh nghiệp 

+ Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI): Trong 9 tháng, có 03 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 73,9 triệu USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 63 dự án đầu tư FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 1,9 tỷ USD.

- Tình hình đầu tư trong nước: Trong 9 tháng, cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 27 dự án, tổng vốn đăng ký 8.573 tỷ đồng; trong đó, có 13 dự án đầu tư bất động sản theo hình thức đấu thầu, đấu giá, với tổng vốn đầu tư 8.327 tỷ đồng. 

- Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: Số doanh nghiệp thành lập mới là 581 doanh nghiệp, tăng 32% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký là 3.585 tỷ đồng, tăng 39,5%; số doanh nghiệp giải thể là 113 doanh nghiệp, giảm 30,6%; số doanh nghiệp ngừng hoạt động là 416 doanh nghiệp, tăng 32%; tiếp nhận và xử lý 1.266 hồ sơ đăng ký trực tuyến qua cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, chiếm 34,3%/tổng số hồ sơ tiếp nhận. 

- Chương trình xây dựng nông thôn mới 

Hoàn chỉnh hồ sơ xét công nhận 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021 là Bình Chánh, Bình Hải, Phổ Nhơn, Phổ Khánh; triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu; huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; quy định thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; phân bổ và tổ chức triển khai thực hiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; kiện toàn hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp. 

Ước đến ngày 30/9/2022, có 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có 93 xã được công nhận xã nông thôn mới; số tiêu chí bình quân/xã 16,36, giảm 0,14 tiêu chí so với cuối năm 2021 (nguyên nhân do các xã đánh giá lại theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025)

2. Lĩnh vực văn hóa - xã hội 

Đã phê duyệt và triển khai phương án mua sắm thiết bị máy tính bảng cấp cho học sinh trên địa bàn tỉnh thuộc Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ giai đoạn 2021-2025; công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2021 cho các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức kỳ thi học sinh giỏi các cấp năm học 2021-2022; tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023 các trường công lập với 13.078 học sinh và số học sinh xét tuyển các trường ngoài công lập 558 học sinh; kết quả thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT năm 2022 là 12.679 thí sinh, đạt tỷ lệ 97,5%; tổ chức tổng kết năm học 2021-2022 và khai giảng triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. 

Tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh tại các tuyến; chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân; công tác truyền thông giáo dục sức khỏe được duy trì thường xuyên; triển khai thực hiện đề án Hồ sơ sức khỏe điện tử; triển khai hệ thống Hội chẩn từ xa, kết nối giữa các bệnh viện tuyến tỉnh với các bệnh viện tuyến trung ương; thành lập và đưa vào hoạt động Bệnh viện Nội tiết với quy mô ban đầu 35 giường nội trú. 

Thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, đảm bảo đúng thời gian yêu cầu; tăng cường công tác truyền thông cho người dân về lợi ích tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại vắc xin phòng Covid-19, đảm bảo tất cả người dân đều được tiêm chủng đầy đủ. 

Công tác lao động, việc làm và thực hiện chính sách xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; triển khai kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định; rà soát chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; tổ chức Chương trình “Tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên”; ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động năm 2022; tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm năm 2022; tổ chức các phiên giao dịch việc làm; hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng và hướng nghiệp cho người lao động. 

Thực hiện trưng bày chuyên đề “Tinh hoa di sản từ những con tàu cổ - Bảo vật quốc gia” phục vụ Hội nghị Sơ kết diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, giai đoạn 2021-2025; tổ chức các Hội thi, hội diễn, liên hoan cấp tỉnh, như: Liên hoan Nghệ thuật Bài chòi, Liên hoan Tuyên truyền lưu động; tổ chức 03 Chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và Chương trình khai mạc Hội nghị sơ kết diễn đàn phát triển Du lịch giữa thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung năm 2022. 

Trong 9 tháng đầu năm, Bảo tàng tỉnh và các Bảo tàng chuyên đề đón tiếp và phục vụ khoảng 28.750 lượt khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu; Khu chứng tích Sơn Mỹ đón 21.330 lượt khách tham quan. 

Triển khai tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp tỉnh Quảng Ngãi năm 2021-2022; đăng cai tổ chức thành công 04 giải thể thao quốc gia: Giải vô địch Vovinam các đội mạnh toàn quốc; Giải vô địch các câu lạc bộ Dù lượn quốc gia lần thứ II - năm 2022; Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XII, khu vực II năm 2021; Giải Bóng chuyền hạng A quốc gia năm 2022 (vòng bảng); phối hợp tổ chức cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh cúp Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022, chặng 15 Tam Kỳ - Quảng Ngãi và Quảng Ngãi - Quy Nhơn; tổ chức thành công 16 giải thể thao cấp tỉnh; các đội tuyển và đội trẻ đã tham gia 18/27 giải thể thao toàn quốc, đạt 55 huy chương (22 huy chương vàng, 13 huy chương bạc và 20 huy chương đồng); các đội năng khiếu thể thao đã tham gia 15/15 giải trẻ toàn quốc, đạt 48 huy chương. 

Hoạt động du lịch được phục hồi, triển khai thực hiện Kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh; xây dựng Chương trình định vị và phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025. Ước 9 tháng năm 2022, khách du lịch đến Quảng Ngãi đạt 552.000 lượt người, tăng 264% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế 9.040 lượt, tăng 285%, doanh thu ước đạt 560 tỷ, tăng 287%. 

Tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo giữ vững, ổn định quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; quán triệt và thường xuyên chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; nâng cao nhận thức, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo địa bàn, lĩnh vực được giao; kịp thời chỉ đạo, giải quyết, xử lý các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, tranh chấp, khiếu kiện đông người; triển khai nhiều biện pháp, giải pháp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm; công tác tuyển quân được triển khai thực hiện tốt, đạt 100% chỉ tiêu được giao. 

3. Một số hạn chế 

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng đầu năm 2022 còn gặp một số khó khăn, hạn chế: Sản xuất công nghiệp có bước phát triển nhưng vẫn còn chậm, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn để phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19. Sản xuất nông nghiệp thiếu ổn định do tác động của thời tiết, dịch bệnh và giá cả thị trường. Giá xăng, dầu tăng cao làm chi phí đầu vào tăng lên, nhất là ngành khai thác thủy sản. Cải thiện môi trường đầu tư còn có mặt hạn chế; vướng mắc về cơ chế thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với các dự án chưa được tháo gỡ. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm trễ, vướng mắc kéo dài. Lượng khách du lịch đến Quảng Ngãi có tăng nhưng chưa có sự tăng trưởng vượt bậc so với các địa phương trong vùng. Tình trạng sử dụng mạng xã hội để đăng tải, bình luận nội dung sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự tổ chức, cá nhân và tội phạm lợi dụng mạng internet, mạng viễn thông lừa đảo, chiếm đoạt tài sản còn xảy ra…

T.H