Tin tức sự kiện

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Xích lại gần nhau

CN, 06/09/2020 | 11:04 SA

Tuần qua ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi các bên liên quan đã có những động thái nhất định để giảm căng thẳng, trong đó nổi bật là mối quan hệ giữa Israel và UAE, vấn đề hòa giải dân tộc ở Palestine hay IAEA được phép tiếp cận cơ sở hạt nhân của Iran.

1. Chuyến bay trực tiếp đầu tiên giữa Israel và UAE

Ngày 31-8, chuyến bay thương mại đầu tiên từ Israel tới Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã diễn ra, đánh dấu bước tiến lớn trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sau một thỏa thuận hòa bình lịch sử.

Chiếc máy bay thương mại của Hãng hàng không quốc gia Israel El Al Airlines chở phái đoàn Mỹ và phái đoàn Israel đã cất cánh từ sân bay Tel Aviv. Phái đoàn Mỹ do ông Jared Kushner, Cố vấn cấp cao của Tổng thống Donald Trump và Cố vấn anh ninh quốc gia Robert O'Brien dẫn đầu, có mặt trên chuyến bay này. Trong hành trình tới Abu Dahbi, chiếc máy bay bay qua không phận của Saudi Arabia. 

Thế giới tuần qua: Xích lại gần nhau

Máy bay của hãng El Al Airlines được đánh dấu bằng từ “hòa bình” bằng tiếng Arab, tiếng Anh và tiếng Do Thái. Ảnh: EPA.

Sau khi tới UAE, các quan chức đã trao đổi khả năng hợp tác song phương trong các lĩnh vực như thương mại và du lịch. Các đặc phái viên quốc phòng của Israel sẽ thăm UAE trong các chuyến làm việc riêng rẽ. Các quan chức Israel hy vọng hai bên sớm ấn định ngày chính thức ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ, có thể trong tháng 9 này, giữa Thủ tướng Israel Netanyahu và Thái tử UAE Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan tại thủ đô Washington.

Chuyến bay này được thực hiện được thực hiện theo thỏa thuận giữa UAE và Israel nhằm từng bước hiện thực hóa thỏa thuận hướng tới bình thường hóa quan hệ song phương đạt được hôm 13-8 do Mỹ làm trung gian.

Với thỏa thuận này, UEA sẽ là nước thứ 3 trong thế giới Arab thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Israel (sau Ai Cập ký thỏa thuận năm 1979 và Jordan ký năm 1994). Thỏa thuận này nhận được sự ủng hộ của một số nước như Pháp, Đức, Oman nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của giới chức Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

2. Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí đàm phán về tranh chấp ở Địa Trung Hải

Ngày 3-9, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố, hai nước đồng minh là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí đàm phán nhằm tránh các vụ đụng độ bất ngờ tại khu vực Đông Địa Trung Hải.

Tuyên bố của Tổng thư ký Jens Stoltenberg nêu rõ: "Sau cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, hai bên đã nhất trí tham gia cuộc đàm phán kỹ thuật tại NATO nhằm thiết lập các cơ chế để giảm xung đột quân sự để giảm thiểu rủi ro xảy ra va chạm và sự cố tại Đông Địa Trung Hải".

Thế giới tuần qua: Xích lại gần nhau

Tàu thăm dò Oruc Reis ở ngoài khơi thành phố Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ), trên Địa Trung Hải. Ảnh: Anadolu.

Cùng ngày, Văn phòng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết nhà lãnh đạo này đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Trong đó, ông Erdogan đã phản đối việc một số nước ủng hộ lập trường của Hy Lạp liên quan đến vấn đề ở Đông Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hy Lạp nêu rõ thông tin được công bố khẳng định Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí tiến hành cái gọi là “đàm phán kỹ thuật” về giảm căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải không đúng với thực tế.

Ankara và Athens đã rơi vào tình trạng tranh cãi gay gắt liên quan tới những tuyên bố về nguồn hydrocarbon tiềm năng tại khu vực, dựa trên lập trường đối lập nhau về phạm vi của thềm lục địa mỗi nước.

3. Các phe phái tại Palestine cam kết thúc đẩy hòa giải dân tộc

Ngày 3-9, các phe phái tại Palestine đã tổ chức cuộc họp hiếm hoi trong nỗ lực chấm dứt tình trạng chia rẽ nội bộ cũng như bày tỏ lập trường phản đối thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Cuộc họp đầu tiên giữa các phe phái kể từ năm 2013 này được tiến hành theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, lãnh đạo đảng Phong trào giải phóng dân tộc Palestine (Fatah) và Chính quyền Palestine ở Bờ Tây, và người đứng đầu phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniyeh cùng Tổng thư ký tổ chức Hồi giáo vũ trang Jihad Ziyad al-Nakhalah.

Thế giới tuần qua: Xích lại gần nhau

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: AFP.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thống Abbas cam kết sẽ thực thi các thỏa thuận cần thiết để sớm triệu tập Hội đồng Trung ương Palestine, đồng thời nêu rõ rằng cho tới thời điểm đó, các bên sẽ nhất trí về những cơ chế cần thiết nhằm chấm dứt sự chia rẽ và đạt được hòa giải cũng như mối quan hệ đối tác quốc gia trong khung thời gian và với sự tham gia của tất cả các bên.

Nhà lãnh đạo này hối thúc thành lập một ban lãnh đạo quốc gia, sẽ dẫn đầu các cuộc biểu tình ôn hòa chống lại việc chiếm đóng, cùng một ủy ban bao gồm đại diện của tất cả các phe phái nhằm kiến tạo cơ chế chấm dứt sự chia rẽ.

Trong thông báo đưa ra sau cuộc gặp, các phe phái Palestine tuyên bố đã nhất trí trong vòng 5 tuần sẽ thành lập một ủy ban chung phụ trách tổ chức “cuộc kháng chiến” chống lại những nỗ lực gây phương hại cho người dân Palestine cũng như “chấm dứt sự chia rẽ nội bộ”.

4. Trung-Ấn họp bàn giải quyết căng thẳng biên giới

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hoàng đã có cuộc làm việc song phương ngày 4-9, bên lề hội nghị bộ trưởng Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) đang diễn ra ở Moscow, Nga.

Thế giới tuần qua: Xích lại gần nhau

Quang cảnh buổi làm việc giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ và Trung Quốc. Ảnh: The Hindu.

Đây là cuộc tiếp xúc chính trị cấp cao đầu tiên giữa Ấn Độ và Trung Quốc kể từ sau vụ đụng độ dữ dội giữa binh lính hai nước tại khu vực tranh chấp Ladakh hồi tháng 5 năm nay, nhằm bàn cách hóa giải căng thẳng biên giới giữa hai nước. Kết quả của buổi làm việc này chưa được công bố.

Sau cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar dự kiến sẽ hội kiến người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Moscow vào ngày 10-9.

Dù gần đây không có thông tin về các cuộc va chạm mới nhưng tình hình tại đây vẫn rất căng thẳng. Cho đến nay, các cuộc đàm phán giữa các chỉ huy quân sự và giới chức ngoại giao hai nước nhằm tháo gỡ thế bế tắc hầu như không đạt tiến triển.

Một nguồn tin chính phủ Mỹ cho hay, Washington đánh giá, cả Ấn Độ và Trung Quốc hiện đều không muốn đẩy căng thẳng tới mức có thể xảy ra chiến tranh giữa hai bên.

5. Iran cho phép IAEA tiếp cận cơ sở hạt nhân

Ngày 4-9, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết Iran đã cho phép các thanh sát viên của tổ chức này tiếp cận một trong hai cơ sở hạt nhân của Tehran.

Trong một báo cáo, IAEA nêu rõ Iran đã cho phép các thanh sát viên của cơ quan này thu thập các mẫu phẩm môi trường. Các mẫu phẩm này sau đó sẽ được các phòng thí nghiệm thuộc mạng lưới của IAEA tiến hành phân tích. Dự kiến, các thanh sát viên của IAEA sẽ tiếp cận cơ sở còn lại trong tháng này.

Thế giới tuần qua: Xích lại gần nhau

Một cơ sở hạt nhân ở Bushehr, miền Nam Iran. Ảnh: AFP.

Theo IAEA, kho dự trữ urani làm giàu của Iran hiện ở mức cao gấp hơn 10 lần so với giới hạn đặt ra theo thỏa thuận hạt nhân ký kết với Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015. Theo đó, Iran đang dự trữ hơn 2.105kg urani đã làm giàu, so với ngưỡng 202,8kg đề ra trong thỏa thuận hạt nhân.

Tháng 6 vừa qua, Hội đồng thống đốc gồm 35 thành viên của IAEA đã thông qua nghị quyết đầu tiên liên quan chương trình hạt nhân của Iran kể từ năm 2012, kêu gọi nước Cộng hòa Hồi giáo này cho phép các thanh sát viên của IAEA tiếp cận hai cơ sở hạt nhân ở gần thành phố Shahreza và thủ đô Tehran.

Cho đến nay, Tehran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của mình hoàn toàn vì mục đích hòa bình theo đúng các quy định của IAEA.

6. Pháp bắt đầu xét xử vụ khủng bố tòa soạn Charlie Hebdo

Ngày 2-9, Pháp đã đưa ra tòa xét xử 14 đối tượng bị cáo buộc hỗ trợ các tay súng thánh chiến tấn công tòa soạn báo châm biếm Charlie Hebdo hơn 5 năm trước đây.

Phiên xử diễn ra tại một tòa án đặc biệt ở thủ đô Paris. Trong vòng 2 tháng rưỡi tới, khoảng 150 chuyên gia và nhân chứng sẽ ra làm chứng tại tòa, qua đó mở lại một trong những chương đau buồn nhất trong lịch sử hiện đại của Pháp.

Thế giới tuần qua: Xích lại gần nhau

Tranh tưởng niệm những người thiệt mạng trong vụ tấn công tại tòa soạn cũ của Charlie Hebdo. Ảnh: AFP.

Vụ tấn công xảy ra ngày 7-1-2015, khi 2 anh em tay súng Hồi giáo cực đoan Said và Cherif Kouachi xả súng vào các phòng làm việc của tòa soạn báo ở thủ đô Paris làm 12 người thiệt mạng, trong đó có một số họa sĩ vẽ tranh biếm họa nổi tiếng của Pháp. Vụ việc đã kéo theo một loạt vụ tấn công thánh chiến trên lãnh thổ Pháp làm hơn 250 người thiệt mạng, trong đó có những vụ do các phần tử “sói đơn độc” tiến hành-những đối tượng được cho là chịu ảnh hưởng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. 

Ba thủ phạm trực tiếp của các vụ khủng bố đều đã bị tiêu diệt, chỉ còn lại những đồng phạm được xét xử tại tòa án đặc biệt này. Phiên tòa ban đầu dự kiến diễn ra vào tháng 5 vừa qua nhưng sau đó bị hoãn lại do cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19. Đây là một trong số rất ít phiên tòa và lần đầu tiên của các vụ xét xử khủng bố được ghi hình toàn bộ và sau đó chuyển đến cơ quan lưu trữ về tư pháp.

Theo Ngân Anh/QĐND