Tin tức sự kiện

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Nỗ lực hàn gắn

CN, 24/01/2021 | 08:58 SA

Vượt qua rất nhiều khó khăn để trở thành tổng thống thứ 46 của “xứ cờ hoa”, nhưng chặng đường phía trước của ông Joe Biden còn chông gai gấp bội khi phải dẫn dắt một nước Mỹ đang chìm trong cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về y tế, kinh tế và sắc tộc.

1. Ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ, đảo ngược nhiều chính sách của người tiền nhiệm

Sáng 20-1 (theo giờ Mỹ), lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden bắt đầu diễn ra với nhiều nghi lễ trang trọng, tuy nhiên với quy mô nhỏ hơn nhiều so với những năm trước đây, khoảng 1.000 người tham dự, do lo ngại sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 cũng như vấn đề an ninh sau cuộc biểu tình bạo loạn tại Đồi Capitol ngày 6-1.  

 

Thế giới tuần qua: Nỗ lực hàn gắn

Ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ . (Ảnh: AP)  

Trong bài phát biểu quan trọng sau lễ tuyên thệ nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi toàn bộ người dân Mỹ đoàn kết để giúp nước Mỹ vượt qua giai đoạn khó khăn chưa từng có trong lịch sử hiện nay, đồng thời cam kết sẽ là Tổng thống của tất cả người dân Mỹ, kể cả những người đã không ủng hộ ông trong chiến dịch tranh cử vừa qua.

Ngay sau khi tiếp quản Nhà Trắng, ông Joe Biden đã bắt đầu ký 15 sắc lệnh hành pháp nhằm giải quyết những vấn đề như đại dịch Covid-19, biến đổi khi hậu và bất bình đẳng giữa các sắc tộc, đồng thời đảo ngược một số chính sách đã được người tiền nhiệm Donald Trump triển khai.

Các biện pháp mà ông Biden đang triển khai sẽ chấm dứt lệnh cấm đi lại mà cựu Tổng thống Trump đặt ra đối với một số quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi. Tân Tổng thống Biden cũng kêu gọi chính quyền của ông đẩy mạnh chương trình DACA dành cho những người nhập cư được đưa tới Mỹ là trẻ em.

Bên cạnh đó, ông chủ mới của Nhà Trắng cũng ra lệnh đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội tại mọi tòa nhà liên bang và khu vực liên bang, đồng thời sẽ chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia - vốn là cơ sở để chuyển một số khoản ngân sách liên bang sang dự án xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico.

2. Vận chuyển vaccine phòng Covid-19 ở châu Á gặp thách thức lớn

Hoạt động phân phối vaccine phòng Covid-19 ở châu Á đang đối mặt với một loạt thách thức lớn do việc bảo quản lạnh vaccine trong cái nóng của vùng nhiệt đới, cho đến vận chuyển vaccine tới những hòn đảo xa xôi, đặc biệt là những nước như Philippines, Indonesia và Campuchia..., nơi có nhiệt độ thường trên 30 độ C.

 

Thế giới tuần qua: Nỗ lực hàn gắn

Vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer-BioNtech. Ảnh: AFP/TTXVN 

Hiện vaccine phòng Covid-19 của một số hãng dược như Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) hợp tác sản xuất, cần được bảo quản ở nhiệt độ âm 70 độ C và một khi được đưa ra sử dụng thì vaccine này phải được bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C trong vòng 5 ngày. Còn vaccine của hãng Moderna (Mỹ) cần được bảo quản ở âm 20 độ C trong khi vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C. 

Một số nước ở châu Á như Philippines và Indonesia có đặc điểm địa lý gồm các quần đảo, trong đó có những đảo nghèo xa xôi. Đây là nguyên nhân khiến cho hoạt động phân phối vaccine phòng Covid-19 trở nên khó khăn hơn vì vẫn phải đảm bảo tính hiệu quả của vaccine. 

3. Châu Âu: Mỗi năm hàng chục nghìn cư dân thành phố tử vong sớm do ô nhiễm không khí 

Ô nhiễm không khí khiến hơn 50.000 người sinh sống tại các thành phố ở châu Âu tử vong sớm mỗi năm. Đây là kết luận được các nhà khoa học đưa ra ngày 20-1 trong nghiên cứu xếp hạng hơn 800 thành phố dựa trên nguy cơ tử vong sớm do hai "thủ phạm" hàng đầu gây ô nhiễm không khí là khí Nitơ điôxít (NO2) và các loại bụi mịn. Thành phố Madrid của Tây Ban Nha đứng đầu bảng xếp hạng về tỉ lệ tử vong do khí NO2, với tỉ lệ này là 7%, tiếp đó đến thành phố Antwerp (Bỉ), Turin (Italy), Paris (Pháp) và Milan (Italy). 

 

Thế giới tuần qua: Nỗ lực hàn gắn

Thành phố như Paris (Pháp) Ảnh: Gonzalo Fuentes / Reuters 

Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí The Lancet Planetary Health, đã phân tích nguy cơ phơi nhiễm tại từng thành phố đối với khí NO2 - một loại khí độc có trong khói xe ô tô - và với các loại bụi mịn, bao gồm khói, bụi và tro. Theo kết quả nghiên cứu, các thành phố nếu giảm thiểu ô nhiễm không khí xuống mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có thể ngăn chặn khoảng 51.000 ca tử vong do bụi mịn và 900 ca tử vong do khí NO2 mỗi năm.

Theo khuyến nghị của WHO,  trung bình mỗi năm, mức bụi mịn (PM2.5) không được phép vượt quá 10mg/m3 không khí, còn với khí NO2 là không quá 40mg/m3. Tính trung bình, có tới 84% dân số tại các thành phố được nghiên cứu bị phơi nhiễm mức bụi mịn PM2.5 cao hơn khuyến nghị của WHO, trong khi tỉ lệ này đối với khí NO2 là 9%.

Theo Liên hợp quốc (LHQ), ô nhiễm không khí khiến khoảng 7 triệu người trên thế giới chết sớm mỗi năm. 

4. Nga, Mỹ thông báo gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới

Một ngày sau khi Nga ra thông báo ủng hộ việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) - hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân còn lại duy nhất giữa Washington và Moskva thêm 5 năm nữa, chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tuyên bố ủng hộ đề xuất của Nga. Thông báo của chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden nêu rõ việc gia hạn hiệp ước này nhằm tránh một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, song ông Biden sẽ không tìm cách "cài đặt lại" quan hệ với Nga dưới mọi hình thức.     

 

Thế giới tuần qua: Nỗ lực hàn gắn

Ảnh minh họa: Reuters   

Trước đó, ngày 20-1, Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo cho biết Nga ủng hộ việc gia hạn New START thêm 5 năm và việc làm này sẽ cho phép "Nga và Mỹ nghiêm túc cùng đi tìm câu trả lời cho những vấn đề đang phát sinh trong lĩnh vực ổn định chiến lược và an ninh quốc tế".

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng việc gia hạn New START sẽ giúp duy trì mức độ minh bạch và khả năng dự đoán về vũ khí tấn công chiến lược và điều này đáp ứng lợi ích an ninh của cả hai quốc gia và toàn thế giới. Tuyên bố lưu ý phía Nga mong đợi chính quyền mới của Mỹ có cách tiếp cận mang tính xây dựng đối với New START, đồng thời khẳng định Nga sẵn sàng cho công việc như vậy trên nguyên tắc bình đẳng và tính đến lợi ích của các bên.

New START được lãnh đạo Nga và Mỹ ký vào năm 2010 và chính thức có hiệu lực vào ngày 5-2-2011. Các điều khoản trong hiệp ước này quy định mỗi bên sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình sau 7 năm kể từ khi ký hiệp ước và tiếp sau đó tổng số vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã triển khai và chưa triển khai. Thỏa thuận quy định Nga và Mỹ mỗi năm 2 lần phải trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và các phương tiện mang phóng. Ngày 5-2-2018 là thời hạn chót để Nga và Mỹ đạt được các chỉ tiêu quy định trong New START và sau đó đến 5-2-2021 hai bên cần phải ký gia hạn hiệp ước.

5. Kế hoạch Tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025

Ngày 22-1, Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN lần thứ nhất (ADGMIN1) đã bế mạc sau hai ngày họp và thông qua Kế hoạch Tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025 (ADM2025). Văn bản này nhằm hướng dẫn sự hợp tác kỹ thuật số cho các nước thành viên trong giai đoạn 2021-2025 trong việc thực thi kế hoạch đưa ASEAN trở thành cộng đồng kỹ thuật số và khối kinh tế kỹ thuật số hàng đầu với sự hỗ trợ của các dịch vụ chuyển đổi số, công nghệ và hệ sinh thái và đảm bảo an ninh mạng để thúc đẩy không gian kỹ thuật số đáng tin cậy.

 

Thế giới tuần qua: Nỗ lực hàn gắn

 Ảnh minh họa: TTXVN

ADM2025 đã vạch ra 8 nội dung chính, gồm Ưu tiên đẩy mạnh sự phục hồi của các nước thành viên ASEAN sau đại dịch COVID-19; Tăng cường chất lượng và độ bao phủ của hạ tầng băng thông rộng cố định và di động; Cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số đáng tin cậy và ngăn chặn thiệt hại đến người tiêu dùng; Thiết lập thị trường cạnh tranh và ổn định cho việc cung ứng dịch vụ kỹ thuật số; Tăng cường chất lượng và sử dụng dịch vụ chính phủ điện tử; Dịch vụ kỹ thuật số kết nối doanh nghiệp và thiết lập cơ sở hạ tầng cho thương mại xuyên biên giới; Nâng cao khả năng cho doanh nghiệp và người dân tham gia nền kinh tế kỹ thuật số và một xã hội kỹ thuật số hài hòa trong ASEAN.

Hội nghị lần này cũng đã thông qua Tuyên bố Putrajaya “ASEAN: Một cộng đồng kết nối kỹ thuật số”, đồng thời nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị ADGMIN lần thứ hai và các cuộc họp với các đối tác đối thoại và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) tại Myanmar vào cuối năm nay.

Theo Thanh Sơn/QĐND