Tin tức sự kiện

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Mong ước phục hồi và hàn gắn

CN, 14/02/2021 | 09:05 SA

Các nước châu Á đón Tết Tân Sửu 2021 trong bối cảnh đặc biệt, Trung-Ấn nỗ lực giảm căng thẳng ở biên giới, Mỹ có thể đóng cửa nhà tù quân sự ở Cuba là những tin nổi bật trong tuần. 

1. Thế giới đón năm mới Tân Sửu 2021

Với nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, ngày Tết Âm lịch Tân Sửu 2021 mang những ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Ngay từ sớm, đường phố tại nhiều nước như: Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Campuchia... đã được trang hoàng lộng lẫy.

Châu Á năm nay đón năm mới âm lịch trong bối cảnh nhiều nước đang trải qua đợt bùng phát Covid-19 mới, dẫn tới các biện pháp hạn chế nhằm ngăn đà lây nhiễm dịch bệnh.  

Thế giới tuần qua: Mong ước phục hồi và hàn gắn

Khẩu trang là vật bất ly thân của người dân khi đến những nơi đông người trong dịp Tết 2021. Ảnh: EPA.

Các cuộc tụ tập bị hạn chế, nhiều sự kiện đón năm mới bị hủy, không ít người không thể về nhà để sum họp, trong khi khẩu trang là vật không thể thiếu với tất cả người dân, trái ngược với hình ảnh cách đây một năm.

Dù đã có tín hiệu kiểm soát được đại dịch Covid-19 và bước vào giai đoạn 3 mở cửa trở lại nền kinh tế, nhưng Singapore vẫn quyết định duy trì nhiều biện pháp hạn chế tụ tập trong dịp Tết Nguyên đán. Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát khi người dân di chuyển và tụ tập nhiều hơn, Hàn Quốc vẫn yêu cầu người dân thực hiện các quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội. Trong khi đó, Chính quyền Trung Quốc kêu gọi người dân tránh những chuyến đi "không cần thiết" trong dịp Tết để ngăn ngừa lây nhiễm virus.

Năm 2020 qua đi để lại những mất mát không đếm xuể, dịch bệnh thiên tai hoành hành khiến cuộc sống của người dân toàn cầu lao đao. Năm mới này, mọi người cùng hy vọng dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, nền kinh tế thế giới sớm phục hồi, người dân muôn nơi sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đủ đầy.

2. Ấn Độ, Trung Quốc nhất trí rút quân ở khu vực biên giới tranh chấp

Ấn Độ và Trung Quốc đã nhất trí rút quân khỏi khu vực hồ tranh chấp ở phía Tây dãy Himalaya, sau vài vòng đàm phán giữa các tướng lĩnh quân đội cũng như các nhà ngoại giao hai bên.

Thế giới tuần qua: Mong ước phục hồi và hàn gắn

Xe quân sự của Ấn Độ tại khu vực biên giới gần Đông Ladakh. Ảnh: AP.

Đây được coi là một bước đột phá sau nhiều đối đầu căng thẳng giữa hai bên tại khu vực biên giới. “Các cuộc đàm phán liên tục của chúng tôi với Trung Quốc đã giúp tạo ra một thỏa thuận về việc rút quân ở bờ Bắc và bờ Nam hồ Pangong”, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho biết ngày 12-2.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng thông báo các lực lượng hai nước tại các vị trí trên đã bắt đầu “rút quân một cách đồng bộ và có tổ chức”, phù hợp với thỏa thuận đạt được giữa các tư lệnh quân đoàn khi họ gặp nhau lần gần nhất vào ngày 24-1.

Động thái này dường như báo hiệu bước đột phá quan trọng đầu tiên trong các cuộc đàm phán nhằm giải quyết tình trạng bế tắc quân sự kéo dài 9 tháng qua dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Đông Ladakh.

Căng thẳng biên giới giữa New Delhi và Bắc Kinh đã leo thang trở lại hồi đầu tháng 5 năm ngoái trong bối cảnh hai bên đã tăng cường thêm hàng nghìn binh sĩ và nhiều vũ khí hạng nặng tại biên giới.

3. Mỹ cân nhắc đóng cửa nhà tù quân sự ở Cuba

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã chính thức khởi động chương trình đánh giá lại tương lai của nhà tù quân sự Mỹ ở Vịnh Guantanamo, Cuba với mục tiêu đóng cửa cơ sở gây tranh cãi này.

Theo đó, các cố vấn tham gia vào tiến trình thảo luận nội bộ đang cân nhắc khả năng đưa ra sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Biden ký trong vài tuần hoặc vài tháng tới, qua đó phát đi tín hiệu về nỗ lực đóng cửa nhà tù quân sự Guantanamo.

Thế giới tuần qua: Mong ước phục hồi và hàn gắn

Bên ngoài trung tâm giam giữ của Mỹ tại Vịnh Guantanamo, Cuba. Ảnh: AFP. 

Động thái kể trên báo hiệu một nỗ lực mới nhằm loại bỏ điều mà các nhóm nhân quyền từ lâu đã chỉ trích là một “vết nhơ” trong hình ảnh toàn cầu của Mỹ.

Được biết, căn cứ hải quân Gitmo nằm trên bờ vịnh Guantanamo, phía đông nam Cuba, là căn cứ quân sự lâu đời nhất của Mỹ ở nước ngoài. Địa điểm này được Mỹ dùng làm nhà tù giam cầm hàng trăm nghi phạm được coi là nguy hiểm khắp nơi trên thế giới, bao gồm những phần tử khủng bố bị nghi ngờ liên quan tới vụ tấn công tòa tháp đôi của Mỹ ngày 11-9-2001.

Không chỉ bị chỉ trích vì tiêu tốn quá nhiều kinh phí, kể từ khi được thành lập vào năm 2002, nhà tù vịnh Guantanamo đã bị các nhà hoạt động nhân quyền và nhiều tổ chức quốc tế, chính phủ trên thế giới lên án vì các phương pháp thẩm vấn gây tranh cãi, hay việc giam giữ tù nhân vô thời hạn mà không tuyên án họ có tội hay không.

4. Các giả thuyết về nguồn gốc Covid-19 vẫn đang bỏ ngỏ

Tại một cuộc họp báo ở Geneva, Thuỵ Sĩ, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố tất cả giả thuyết về nguồn gốc Covid-19 vẫn đang bỏ ngỏ.

Thế giới tuần qua: Mong ước phục hồi và hàn gắn

Ảnh minh họa. Nguồn: IRU. 

Theo ông Ghebreyesus, các giả thuyết cần được phân tích và nghiên cứu thêm. Một số thứ có thể nằm ngoài giới hạn và phạm vi mà phái đoàn WHO vừa hoàn thành chuyến đi tới Vũ Hán, Trung Quốc điều tra nguồn gốc Covid-19.

Ông Ghebreyesus lưu ý nhiệm vụ lần này sẽ không tìm ra tất cả câu trả lời nhưng nó giúp bổ sung thông tin quan trọng để hiểu rõ hơn về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19.

Nhóm điều tra WHO trước đó công bố giả thuyết virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ dơi. Những kịch bản được xem xét về cách virus lây lan sang người, trong đó có khả năng virus lây lan từ dơi sang một loài động vật khác.

5. Nga-EU căng thẳng vì các lệnh trừng phạt

Quan hệ Nga - Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục leo thang căng thẳng khi gần đây, hai bên đưa ra những tuyên bố cứng rắn, thậm chí phía Nga không loại trừ khả năng cắt đứt quan hệ với EU.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov không loại trừ khả năng cắt đứt quan hệ với EU trong trường hợp EU tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nước này.

Thế giới tuần qua: Mong ước phục hồi và hàn gắn

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: TASS. 

Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, Nga đã quen với các biện pháp hạn chế đơn phương của EU mà không có cơ sở chính đáng, đồng thời nhấn mạnh, Nga đang xây dựng cuộc sống của mình xuất phát từ thực tế Liên minh châu Âu là một đối tác không đáng tin cậy, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Phát biểu của ông Lavrov được đưa ra không lâu sau chuyến thăm Nga của người đứng đầu cơ quan ngoại giao châu Âu Josep Borrell. Chuyến thăm của ông Josep Borrell đã không mang lại kết quả đáng kể nào trong việc cải thiện quan hệ giữa hai bên, thậm chí có dấu hiệu cho thấy căng thẳng đã đẩy lên mức độ cao hơn.

Về phía EU, sau chuyến thăm Nga vào tuần trước, ông Josep Borrell cho biết, EU có thể bắt đầu các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga. Vấn đề này sẽ được xem xét tại cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao các nước EU vào ngày 22-2 tới đây và sau đó được xem xét tại Hội nghị thượng đỉnh của khối này vào tháng 3.

Theo Ngân Anh/QĐND