Tin tức sự kiện

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Còn những khác biệt

CN, 06/06/2021 | 08:07 SA

Câu chuyện phân phối vaccine ngừa Covid-19 công bằng chưa được giải quyết hiệu quả. Trong khi đó, những diễn biến mới trong căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hay triển vọng về “hồi sinh” hạt nhân Iran vẫn có nhiều khúc mắc.

1. Chênh lệch lớn về tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19

Hơn 2 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 đã được tiêm cho người dân trên toàn thế giới sau 6 tháng kể từ khi thế giới bắt đầu quá trình tiêm chủng. Đây là một cột mốc quan trọng trong công cuộc chiến đấu chống lại đại dịch Covid-19 toàn cầu.

Thế giới tuần qua: Còn những khác biệt

Tỷ lệ người dân tiêm vaccine ngừa Covid-19 chênh lệch nhiều giữa các nước. Ảnh: Euro News. 

Israel, quốc gia dẫn đầu “cuộc đua tiêm vaccine” ngay từ khi cả thế giới bước vào giai đoạn tiêm chủng, vẫn là nước dẫn đầu với tỷ lệ 6/10 người dân đã được tiêm ngừa đầy đủ. Quốc gia đứng thứ hai là Canada, với 59% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, tiếp theo là Anh với 58,3%, sau đó là Chile (56,6%), rồi đến Mỹ (51%). Ngoài việc đã thực hiện được việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng, các nước phát triển còn ký thoả thuận mua thêm hàng tỷ liều vaccine trong 2 năm tới.

Tuy nhiên, trái ngược với tình trạng dư thừa vaccine của nhiều quốc gia giàu có, rất nhiều quốc gia khác từ châu Á, châu Phi hay Mỹ Latin… vẫn đang trong “cơn khát” vaccine và kỳ vọng dựa vào vaccine để thoát khỏi đại dịch, quay trở lại cuộc sống bình thường.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện hàng chục quốc gia chỉ mới bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 với số lượng hạn chế, hàng chục quốc gia khác, đặc biệt là tại châu Phi, thậm chí còn chưa được tiếp cận vaccine Covid-19. Theo số liệu từ Đại học Oxford của Anh, khu vực châu Phi đến nay chỉ 1% người dân đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19. Ở châu Á, con số này mới gần 5%. Trước thực trạng này, nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia trên thế giới đã kêu gọi phân phối vaccine công bằng và mở rộng năng lực sản xuất vaccine.

2. Mỹ - Trung đứng trước vòng xoáy đối đầu mới

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 3-6 đã ký lệnh hành pháp cấm các thực thể Mỹ đầu tư vào 28 công ty của Trung Quốc, bị cáo buộc có quan hệ với các lĩnh vực công nghệ giám sát hoặc quốc phòng.

Quyết định mới này của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kéo dài thêm danh sách các công ty Trung Quốc bị Chính phủ Mỹ áp đặt trừng phạt lên 59; đồng thời được dự báo sẽ đẩy quan hệ Mỹ - Trung vào vòng xoáy đối đầu mới.

Thế giới tuần qua: Còn những khác biệt

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung lại có nguy cơ bùng phát. Ảnh: The Straits Times. 

Theo sắc lệnh mới nói trên, công dân Mỹ sẽ không được đầu tư vào các công ty bị trừng phạt, thời gian ân hạn là 60 ngày (tới ngày 2-8), trước khi các đòn trừng phạt có hiệu lực. Bên cạnh đó, sắc lệnh cũng quy định thời hạn 1 năm để các nhà đầu tư Mỹ đã đầu tư vào các công ty Trung Quốc tiến hành thoái vốn. Theo một tuyên bố của Nhà Trắng, lệnh trừng phạt này nhằm ngăn những khoản đầu tư từ Mỹ vào tổ hợp công nghiệp-quân sự của Trung Quốc cũng như các chương trình nghiên cứu và phát triển quân sự của nước này.

Phản ứng sau tuyên bố của Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng lệnh trừng phạt của Mỹ đã “vi phạm luật thị trường” và kêu gọi Mỹ “công bằng và không phân biệt đối xử” với các công ty Trung Quốc. Nhà ngoại giao Trung Quốc đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẽ có các biện pháp cần thiết để bảo vệ các công ty trong nước.

Sắc lệnh sửa đổi của chính quyền Tổng thống Biden chủ yếu là sự tiếp nối chính sách do cựu Tổng thống Donald Trump ban hành, và được đưa ra trong bối cảnh các quan chức cấp cao phụ trách kinh tế, thương mại của Mỹ và Trung Quốc thời gian gần đây đã tăng cường trao đổi trực tuyến để tìm tiếng nói chung trong các vấn đề kinh tế-thương mại.

3. Iran hối thúc khôi phục thỏa thuận hạt nhân

Iran và các nước tham gia thoả thuận hạt nhân vừa kết thúc vòng đàm phán thứ 5 và dự kiến sẽ nối lại vòng đàm phán tiếp theo tại Vienna (Áo) trong tuần sau để chính thức ký kết văn kiện khôi phục thoả thuận hạt nhân đã bị tê liệt suốt hơn 2 năm qua.

Thế giới tuần qua: Còn những khác biệt

Hồ sơ hạt nhân Iran được kỳ vọng sẽ được giải quyết sớm. Ảnh: AFP. 

Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei ngày 4-6 tuyên bố, Iran muốn hành động cụ thể, chứ không phải cam kết từ các quốc gia, để khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân, được gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Lời kêu gọi của Đại giáo chủ Iran đưa ra khi các bên đều bày tỏ lạc quan sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ 5. Theo phía Iran, các văn bản liên quan đến những phần khác nhau của tiến trình đàm phán đã được soạn thảo, song các bên vẫn chưa thống nhất được một số vấn đề then chốt.

Các bên đều hy vọng vòng đàm phán thứ 6 có thể là vòng đàm phán cuối cùng để các bên tiến tới thỏa thuận. Tuy vậy, hiện cũng có nhiều rào cản khiến các nước khó đạt được đồng thuận. Trước hết là các vòng đàm phán diễn ra theo hình thức gián tiếp vì Iran từ chối các cuộc thảo luận trực tiếp với Mỹ và thảo luận về các vấn đề phức tạp. Ngoài ra, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, vẫn còn sự ngờ vực giữa các bên. Mỹ cùng với các đối tác đang cố gắng giải quyết những bất đồng này.

4. Phe đối lập Israel đạt thỏa thuận thành lập chính phủ

Rạng sáng 3-6, giờ Hà Nội, Chủ tịch Đảng Yesh Atid kiêm lãnh đạo phe đối lập tại Quốc hội Israel Yair Lapid chính thức thông báo với Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội nước này về việc đạt được thỏa thuận với các đảng phái liên minh để thành lập chính phủ mới.

Thế giới tuần qua: Còn những khác biệt

Chủ tịch Đảng Yesh Atid, ông Yair Lapid. Ảnh: The Times of Israel.

Đối tác chính của ông Lapid là ông Naftali Bennett - người có thể đảm nhận cương vị thủ tướng trước theo thỏa thuận luân phiên giữa hai người. Ông Lapid sẽ đảm nhận cương vị thủ tướng trong 2 năm tiếp theo.

Chính phủ liên minh sẽ phải thỏa hiệp với các đảng vừa và nhỏ trên chính trường Israel, trong đó lần đầu tiên trong lịch sử bao gồm một đảng đại diện cho 21% người Arab thiểu số ở Israel là đảng United Arab List. Chính phủ mới dự kiến sẽ tuyên thệ trong khoảng 10-12 ngày tới sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong quốc hội.

Với thế đa số mong manh của liên minh mới trong quốc hội, ông Netanyahu vẫn có cơ hội lật ngược thế cờ bằng cách lôi kéo sự ủng hộ của các nghị sĩ đối lập về phe mình và bỏ phiếu phản đối chính phủ liên minh mới.

Trong tuyên bố mới nhất, Thủ tướng Netanyahu đã lên tiếng kêu gọi tất cả các nghị sĩ được bầu bằng lá phiếu của cánh hữu phải phản đối chính phủ cánh tả nguy hiểm. Động thái của ông Netanyahu báo hiệu rằng ông sẽ tiếp tục gây áp lực lên các đảng từng là đồng minh nay lại quay lưng bắt tay với phe đối lập của ông Lapid.

5. EU bắt đầu triển khai kế hoạch phục hồi sau đại dịch Covid-19

Hội đồng châu Âu (EC) ngày 31-5 cho biết, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch phục hồi sau đại dịch Covid-19 trị giá 750 tỷ euro vào tháng 6 này sau khi tất cả 27 quốc gia thành viên đã thông qua chương trình.

Thế giới tuần qua: Còn những khác biệt

Các nước EU đang tập trung phục hồi kinh tế hậu đại dịch. Ảnh: France 24. 

Chủ tịch luân phiên EC, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cho rằng, EU sẽ có được nguồn tài trợ cần thiết để phục hồi kinh tế và xã hội khi mà Ủy ban châu Âu có thể tiếp cận các thị trường vốn và vay tiền để chi cho kế hoạch phục hồi trên danh nghĩa các nước thành viên EU. 

Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune cho biết, EU lên kế hoạch khởi động gói phục hồi trên bằng đợt phát hành trái phiếu ban đầu trị giá 10 tỷ euro. Theo ông, số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu này sẽ được giải ngân từ tháng 7 tới và dự kiến đến cuối năm nay, EU sẽ “bơm” hơn 100 tỷ euro vào nền kinh tế để hỗ trợ công tác phục hồi cho các nước thành viên.

Quỹ phục hồi kinh tế của EU được cho là mang tính bước ngoặt khi tạo ra một khoản nợ chung giữa các quốc gia thành viên nhằm giúp giảm chi phí đi vay cho các nước thành viên yếu hơn.

Theo NGÂN ANH/QĐND