Tin tức sự kiện

Xem với cỡ chữ Tương phản

Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấu

CN, 14/01/2024 | 09:09 SA

Sáng 13/01, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Lễ dâng hương và Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (1904-2024).

Tham dự Lễ có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Ngọc Dũng; Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Lương Kim Sơn; nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đình Khối; đại diện lãnh đạo: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; lãnh đạo huyện Bình Sơn, Thị trấn Châu Ổ, xã Bình Dương; gia đình đồng chí Huỳnh Tấu; đoàn viên thanh niên, học sinh trường THCS xã Bình Dương, cán bộ và đại diện các tầng lớp nhân dân xã Bình Dương, huyện Bình Sơn…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy và nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đình Khối dâng hương tưởng nhớ đồng chí Huỳnh Tấu

Lễ dâng hương được tổ chức tại nơi thờ tự đồng chí Huỳnh Tấu, Khu dân cư số 2, tổ dân phố An Châu, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn. Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấu được tổ chức tại xã Bình Dương (huyện Bình Sơn) - quê hương của đồng chí Huỳnh Tấu.

Gia đình đồng chí Huỳnh Tấu dâng hương

Thay mặt Lãnh đạo tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy  đã có bài Diễn văn tại Lễ kỷ niệm, ôn lại thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Huỳnh Tấu.

Đồng chí Huỳnh Tấu hay thường được gọi là thầy Đẩu, sinh năm 1904 trong một gia đình nông dân nghèo, hiếu học tại làng Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Trong quá trình đi học, đồng chí Huỳnh Tấu chịu nhiều ảnh hưởng của Cụ Trần Kỳ Phong nên đồng chí đã sớm nhận thức được nỗi đau của người dân bị mất nước sớm nung nấu ý chí đấu tranh chống áp bức, bất công, giành độc lập dân tộc.

Quang cảnh Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấu

Từ những năm 20 của thế kỷ XX, đồng chí Huỳnh Tấu đã tham gia các phong trào yêu nước ở địa phương, là hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên huyện Bình Sơn. Năm 1929, trong khi đang tích cực chuẩn bị cho việc thành lập chi bộ cộng sản ở Quảng Ngãi, đồng chí Huỳnh Tấu cùng 19 đồng chí khác bị địch bắt và kết án 01 năm tù giam. Năm 1930, ngay trong tù của địch, đồng chí Huỳnh Tấu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi mãn hạn tù, địch đưa đồng chí về quản thúc tại địa phương nhưng đồng chí vẫn tìm mọi cách để liên lạc với tổ chức, tham gia hoạt động cách mạng.

Đầu năm 1931, đồng chí Huỳnh Tấu bị địch bắt lần thứ 2. Mặc dù bị địch tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn không khuất phục trước kẻ thù, buộc địch phải trả tự do cho đồng chí. Trở về địa phương, một lần nữa đồng chí tìm mọi cách liên hệ với những đảng viên khác cùng hoạt động, kiên trì bám cơ sở, giáo dục, phát động quần chúng đấu tranh tố cáo những hành động dã man của địch. Hoạt động cách mạng tích cực của đồng chí đã bị địch theo dõi và bắt giam đồng chí lần thứ 3 vào cuối năm 1931.

Đại biểu dự Lễ

Năm 1932, sau khi ra tù, đồng chí Huỳnh Tấu đã bắt liên lạc với tổ chức Đảng, tích cực hoạt động cách mạng tại huyện Bình Sơn, tham gia móc nối cơ sở, tuyên truyền phát triển đảng viên, khôi phục các cơ sở Đảng bị thực dân Pháp đàn áp sau cao trào 1930 - 1931 và được cử làm Bí thư Huyện ủy Bình Sơn. Trên cương vị Bí thư Huyện ủy, đồng chí đã để lại nhiều dấu ấn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát triển lực lượng cách mạng của huyện Bình Sơn. Với những hoạt động tích cực của mình, vào năm 1934, đồng chí Huỳnh Tấu được cử làm Tỉnh ủy viên. Trong thời gian này, đồng chí còn được Ban Địa phương Chấp ủy Trung Trung Kỳ cử ra huyện Núi Thành và Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), giúp đỡ tỉnh Quảng Nam xây dựng lại chi bộ Đảng ở Tam Kỳ, tạo cơ sở cho sự tái lập Tỉnh ủy Quảng Nam vào năm 1933.

Năm 1934, tại Hội nghị đại biểu các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa tổ chức ở thôn Hà Trung, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, đồng chí Huỳnh Tấu được bầu làm Ủy viên Thường vụ Ban Địa phương Chấp ủy Trung Trung Kỳ.

Bà con nhân dân xã Bình Dương, huyện Bình Sơn tham dự Lễ

Nhân ngày Quốc tế Lao động 01/5/1935, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo lập kế hoạch và huy động quần chúng tiến hành biểu dương lực lượng ở khắp các địa phương trong tỉnh thì bị địch truy lùng, bắt bớ đảng viên. Đồng chí Huỳnh Tấu và hầu hết các đồng chí trong Tỉnh ủy, một số huyện ủy, chi ủy bị thực dân Pháp và chính quyền tay sai bắt giam tại Nhà lao Quảng Ngãi.

Ngày 12/7/1935, địch mở phiên tòa tại tỉnh lỵ Quảng Ngãi, xét xử 44 đồng chí trong Vụ án mà chúng gọi là “Tái tổ Đảng Cộng sản Đông Dương”. Trước tòa, đồng chí Huỳnh Tấu đã cùng với đồng chí Phạm Xuân Hòa và một số đồng chí khác vạch trần sự tàn ác, man rợ của kẻ thù, nêu cao phẩm chất, khí tiết cách mạng của người cộng sản, gây ảnh hưởng tích cực đối với Nhân dân trong tỉnh, làm cho kẻ thù khiếp sợ. Đồng chí Huỳnh Tấu bị địch bắt lần thứ 4 và kết án 15 năm tù, 20 năm quản thúc, tịch thu toàn bộ tài sản, ruộng đất và đưa đi đày ở Nhà lao Lao Bảo rồi chuyển Nhà lao Buôn Ma Thuột.

Đầu năm 1942, đồng chí Huỳnh Tấu cùng một số đồng chí khác bị địch đưa về quản thúc tại Căng an trí Ba Tơ. Tại đây, đồng chí đã bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Đôn, thành lập Chi bộ Đảng làm nhiệm vụ của Tỉnh ủy lâm thời và lấy danh nghĩa là Ủy ban Vận động cứu quốc Quảng Ngãi để hoạt động trong toàn tỉnh. Đồng chí Huỳnh Tấu được cử làm Bí thư chi bộ. Chi bộ đã tìm cách bắt liên lạc với cơ sở, với các tỉnh bạn và cấp trên. Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, với tầm nhìn rộng, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn địa phương, đồng chí Huỳnh Tấu đã chỉ đạo phát triển lực lượng cách mạng bằng cách tuyên truyền, kết nạp hội viên vào Mặt trận Việt Minh nhằm xây dựng lực lượng, mở một số lớp huấn luyện cấp tốc ngắn ngày, bồi dưỡng chủ trương, chính sách, phương pháp công tác cho một số cán bộ chủ chốt các huyện; đồng thời, sử dụng cơ quan ấn loát lưu động đặt tại sông Liên, huyện Ba Tơ và sau đó tiến hành lập cơ quan ấn loát mới tại Suối Bùn, huyện Nghĩa Hành, in các tài liệu của Mặt trận Việt Minh, Chương trình hành động của Tỉnh ủy lâm thời, gửi đến các tổ chức Đảng trong tỉnh.

Học sinh Trường THCS xã Bình Dương tham dự Lễ

Cuối tháng 6/1943, đồng chí Huỳnh Tấu chủ trì Hội nghị cán bộ mở rộng tại Bằng Chay, Tân Long, xã Ba Động, huyện Ba Tơ, quyết định mở đợt hoạt động với những hình thức rải truyền đơn, treo cờ đỏ sao vàng, kêu gọi quần chúng đánh đuổi thực dân Pháp. Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, cùng với những tài liệu được tuyên truyền rộng rãi, đã động viên, cổ vũ các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh tham gia Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc để đánh đuổi Pháp, Nhật.

Chỉ trong 4 ngày (từ ngày 14 đến ngày 17/7/1943), dưới dự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, đứng đầu là đồng chí Huỳnh Tấu, truyền đơn của Việt Minh được rải dọc đường Quốc lộ 1, từ huyện Bình Sơn đến huyện Tư Nghĩa và một số nơi khác trong và ngoài tỉnh. Truyền đơn cờ đỏ sao vàng cũng xuất hiện ở Cầu Cát thuộc địa phận La Hà, huyện Tư Nghĩa và dọc đường xe lửa đến Bình Định, Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), gây tiếng vang lớn trong quần chúng Nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy phát biểu tại buổi lễ

Khi phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi đang trên đà phát triển, ảnh hưởng của Đảng Cộng sản và Việt Minh được lan rộng, vào tháng 8/1943, đồng chí Huỳnh Tấu bị thực dân Pháp bắt lần thứ 5 và giam cầm tại Nhà lao Quảng Ngãi. Biết đồng chí Huỳnh Tấu là Bí thư Tỉnh ủy, thực dân Pháp đã sử dụng nhiều chiêu bài từ mua chuộc, dụ dỗ đến những đòn tra tấn dã man nhất để khuất phục đồng chí. Nhưng với tinh thần trung kiên với Đảng và dân tộc, đồng chí đã tỏ rõ khí phách hiên ngang của người cộng sản, bảo vệ bí mật của Đảng, bảo vệ đồng chí, đồng đội. Tháng 01/1944, đồng chí Huỳnh Tấu đã anh dũng hy sinh tại Nhà lao Ba Tơ.

Trong những năm tháng hoạt động cách mạng của đồng chí Huỳnh Tấu diễn ra trong giai đoạn khó khăn nhất của Đảng ta, với muôn vàng hiểm nguy, gian khổ, nếm mật, nằm gai, hoạt động bí mật trong vòng vây truy lùng của địch. Vượt lên những khó khăn, hiểm nguy rình rập, đồng chí Huỳnh Tấu đã để lại nhiều dấu ấn, thành tích to lớn đối với Phong trào cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi. Nét nổi bật nhất ở đồng chí Huỳnh Tấu là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh quyết liệt với mục tiêu giải phóng dân tộc, không khuất phục trước kẻ thù. Điều này được thể hiện rõ trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, đồng chí bị 05 lần địch bắt, tù đày, tra tấn dã man nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng chí vẫn luôn suy nghĩ, tìm ra những cách thức để hoạt động, khôi phục và phát triển phong trào cách mạng tỉnh nhà.

Đại biểu tham dự Lễ chụp ảnh cùng gia đình đồng chí Huỳnh Tấu

Tấm gương hy sinh anh dũng trong lao tù thực dân Pháp của đồng chí Huỳnh Tấu khi ở tuổi 40 là tấm gương sáng để Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi kính trọng, biết ơn vô hạn và noi theo.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy nhấn mạnh, kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấu là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và công lao to lớn của liệt sĩ Huỳnh Tấu, chúng ta càng thêm tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh đã luyện rèn nên người chiến sĩ Cộng sản kiên trung; tự hào về quê hương Bình Dương, Bình Sơn, Quảng Ngãi, nơi sinh ra những người con ưu tú, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi luôn ý thức sâu sắc rằng, có được những thành quả như ngày hôm nay là từ những sự hy sinh xương máu và công sức to lớn của các bậc lão thành cách mạng, các thế hệ cha anh đi trước, trong đó có liệt sĩ Huỳnh Tấu. Sự hy sinh cao cả của đồng chí và các anh hùng liệt sĩ đã góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta giành nhiều thắng lợi to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Những thành quả cách mạng trong suốt chiều dài đấu tranh kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và thành quả trong công cuộc xây dựng, phát triển tỉnh nhà sau ngày giải phóng đến nay là tiền đề, tài sản to lớn cho các thế hệ chúng ta hôm nay tiếp nối, tiếp tục giữ gìn, phát triển, phát huy để xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy trao quà cho gia đình đồng chí Huỳnh Tấu

Học tập và noi gương đồng chí Huỳnh Tấu và các bậc tiền bối tiêu biểu, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi nguyện mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng và phát huy tối đa nguồn lực, sức sáng tạo, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân, xây dựng quê hương Quảng Ngãi ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.

Đình Nhất