Tin tức sự kiện

Xem với cỡ chữ Tương phản

Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị

Th 2, 27/06/2022 | 18:00 CH

Sáng 27/6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 (Nghị quyết 39) và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (Kết luận 25). 

Đại biểu dự Hội nghị

Các đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Tổng kết Nghị quyết số 39; Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. 

Tham dự hội nghị có lãnh đạo của Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các đồng chí trong Tổ Biên tập xây dựng Đề án Tổng kết Nghị quyết số 39; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy; Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thị Hồng Minh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh…

Các đồng chí chủ trì Hội nghị

Theo báo cáo tổng kết, trong giai đoạn 2005 - 2021, kinh tế tỉnh Quảng Ngãi có bước phát triển đạt những kết quả quan trọng; từ một tỉnh nghèo, thuần nông, kinh tế xuất phát điểm thấp, ngân sách phụ thuộc sự hỗ trợ của Trung ương; cơ cấu kinh tế, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn; công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu. Đến nay kinh tế đã phát triển khá, GRDP năm 2021 đạt 52.925 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005 - 2021 là 10,92%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 3.360 USD (khoảng 78,28 triệu đồng/người); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa; thu ngân sách nhà nước tăng dần qua các thời kỳ (năm 2021 đạt 31.616 tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2005 - 2021 tăng 20,1%/năm); tỷ lệ trợ cấp cân đối từ ngân sách Trung ương cho tỉnh giảm dần qua các năm; từ năm 2011 đến nay, ngân sách tỉnh đã tự cân đối 100%; chi ngân sách cũng tăng dần qua các năm, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, chất lượng cuộc sống người dân từng bước cải thiện. Khu kinh tế Dung Quất trở thành một trong những khu kinh tế, khu công nghiệp thành công trong cả nước, giữ vai trò là hạt nhân tăng trưởng và động lực phát triển của tỉnh.

Công tác quản lý văn hoá được chú trọng, thường xuyên trùng tu, tôn tạo di tích, bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội. Công tác thể dục, thể thao có những khởi sắc. Chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước được củng cố và có bước phát triển vững chắc, toàn diện hơn. Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng lên. Hạ tầng kỹ thuật và nhân lực công nghệ thông tin, truyền thông được quan tâm đầu tư, phát triển. Công tác dân tộc, tôn giáo được chú trọng…

Quang cảnh Hội nghị

Chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện; hoạt động của Mặt trận, đoàn thể được đổi mới. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ và công tác kiểm tra, giám sát đạt một số kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững…

Tuy nhiên, tỉnh cũng còn một số hạn chế như: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước còn phụ thuộc nhiều vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với trung bình của cả nước. Sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp mới không nhiều. Nông nghiệp phát triển chưa bền vững, hiệu quả chưa cao, cơ cấu chuyển dịch chậm, chưa rõ nét; sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa chưa nhiều, quy mô nhỏ. Quy mô nuôi trồng thủy sản nhỏ. Ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, xây dựng thương hiệu chưa nhiều. Liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản theo chuỗi giá trị còn ít, phần lớn sản phẩm bán ra thị trường ở dạng thô, chưa qua chế biến sâu. Quy hoạch, đầu tư phát triển dịch vụ chưa đồng bộ, thiếu liên kết. Hạ tầng du lịch còn yếu; chưa có khu, điểm du lịch, vui chơi, giải trí quy mô lớn. Hạ tầng giao thông, đô thị chưa đồng bộ. Phát triển đô thị chưa bền vững. Hạ tầng văn hóa - xã hội, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Quản lý, sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản còn nhiều thiếu sót. Phát triển văn hóa, xã hội chưa đồng bộ với phát triển kinh tế. Một số di tích lịch sử, văn hóa xuống cấp, chưa được trùng tu, sửa chữa, nâng cấp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng khám, chữa bệnh tuy có cải thiện nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Thiếu y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao ở tuyến huyện, xã. Chất lượng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế; chưa phát huy tốt vai trò giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có đổi mới nhưng chưa rõ nét. Trách nhiệm nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên, người đứng đầu chưa tốt… 

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành đã phát biểu tham luận về giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiếp tục tạo động lực chính cho tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030; xây dựng và phát triển KKT Dung Quất thành KKT chuyên biệt, xanh thông minh, phát triển bền vững;… Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương đã phân tích những tồn tại, hạn chế; đồng thời đề xuất các giải pháp để tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 39 và Kết luận 25 trong thời gian tới.  

Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Quảng Ngãi đạt được trong gần 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 39 và Kết luận số 25 của Bộ Chính trị. Tỉnh đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 39 và Kết luận số 25; vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; cụ thể hóa nội dung Nghị quyết thành các kế hoạch, chương trình, đề án và đã hoàn thành được phần lớn các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra. Những thành tựu đạt được cho thấy Nghị quyết 39 đã đi vào cuộc sống và sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết, diện mạo của Quảng Ngãi thay đổi rõ nét, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân ngày càng được nâng cao…

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị

Trong thời gian tới, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị tỉnh cần sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh theo hướng phát triển mạnh công nghiệp để tỉnh Quảng Ngãi sẽ trở thành trung tâm công nghiệp nặng, quy mô lớn của vùng với hạt nhân là Khu Kinh tế Dung Quất và lợi thế cảng nước sâu Dung Quất. Nâng cao hiệu quả của các ngành công nghiệp lọc - hóa dầu, sau hóa dầu, cơ khí chế tạo luyện kim, công nghiệp phục vụ kinh tế biển,… Tỉnh cần quan tâm đề ra các giải pháp đột phá cho phát triển đô thị để quá trình đô thị hóa cùng với công nghiệp hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ thực sự trở thành động lực tăng trưởng và thúc đẩy phát triển bền vững tỉnh Quảng Ngãi, mang lại diện mạo mới và đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân ngày càng cao hơn nữa. 

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để môi trường đầu tư kinh doanh thực sự cởi mở, thân thiện, kiến tạo, minh bạch để thu hút được các tập đoàn, nhà đầu tư lớn, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước… và phải coi đây là nhiệm vụ ưu tiên trọng tâm và có tính xuyên suốt.  

Đồng thời, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi chú trọng hơn nữa về liên kết vùng, phát huy vị thế, tiềm năng của tỉnh Quảng Ngãi trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vai trò cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên và khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam; tuyến hành lang kinh tế đông tây và các liên kết khu vực của Nam Quảng Ngãi, Bắc Bình Định cũng như của Quảng Ngãi với Tây Nguyên. Tập trung liên kết đầu tư cơ sở hạ tầng vùng biển, ven biển, hạ tầng kết nối vùng và liên vùng, liên kết phát triển hệ thống logistic vùng, liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực, liên kết trong du lịch, trong phát huy khai thác các tiềm năng về du lịch văn hóa, du lịch sinh thái… Tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng trong đối phó, ứng phó với mực nước biển dâng và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Đồng chí Trần Tuấn Anh, cũng đề nghị tỉnh cần tiếp thu ý kiến tham gia, thảo luận tại hội nghị của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo tổng kết Nghị quyết 39 trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra./.

D.N