Tin tức sự kiện

Xem với cỡ chữ Tương phản

Hành trình vĩ đại

Th 6, 04/06/2021 | 16:28 CH

Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ đi tìm đường cứu nước (05/6/1911- 05/6/2021)

---

Hành trình vĩ đại

Ngày 05/6/1911, có một thanh niên rời Tổ quốc tại Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước và suốt đời phấn đấu, hy sinh cho con đường cứu nước đã lựa chọn. Người trở thành lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất; biểu tượng, tấm gương sáng ngời, là niềm tự hào sâu sắc của các thế hệ người Việt Nam. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung) sinh ngày 19/5/1890 tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thân phụ của Người là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân mẫu là cụ Hoàng Thị Loan. Với tố chất thông minh, ham hiểu biết, lại được sinh ra và lớn lên trong một gia đình hiếu học ở vùng quê giàu truyền thống văn hóa, Hồ Chí Minh sớm tiếp thu những giá trị đặc trưng của xứ Nghệ, nhất là tinh thần yêu quê hương, đất nước và ý chí kiên cường.

Thực hiện hoài bão và khát vọng giành tự do cho đồng bào, độc lập cho đất nước, nhận thấy các khuynh hướng, phong trào cứu nước lúc bấy giờ không đáp ứng được yêu cầu lịch sử, ngày 05/6/1911, lấy tên là Văn Ba, Người lên tàu AmI-ran Latouche-Tréville, rời Bến cảng Nhà Rồng, Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) để đến nước Pháp, khởi đầu hành trình vĩ đại tìm đường cứu dân, cứu nước.

Từ năm 1911 đến năm1918, Người phải làm nhiều nghề để kiếm sống, thâm nhập thực tiễn xã hội Âu, Mỹ…, tìm hiểu nguồn gốc của sự nghèo đói, bất công trong xã hội loài người. Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại và ảnh hưởng sâu rộng đến phong trào công nhân lao động thế giới, trong đó có Việt Nam.

Năm 1919, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, thay mặt những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, Người gửi đến Hội nghị Véc-xây Bản yêu sách 8 điểm đòi quyền tự quyết của các dân tộc thuộc địa. Một năm sau, Nguyễn Ái Quốc đọc Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và Người xác định đây là “cái cẩm nang thần kỳ” của con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

Như vậy, qua 10 năm bôn ba, trải qua nhiều gian khổ, hiểm nguy; thâm nhập thực tiễn, làm nhiều công việc khác nhau ở nhiều nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm hiểu rất nhiều chủ thuyết và cuối cùng Người chấp nhận chủ nghĩa Mác - Lênin là cẩm nang để cứu nước, cứu dân. Qúa trình đó, Người thấu hiểu nguồn gốc những nỗi khổ đau của công nhân lao động là do quá trình áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản và đế quốc. Đồng thời, Người thấu suốt những vấn đề cơ bản, cần thiết của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Cuối năm 1920, Người tán thành Quốc tế cộng sản thứ ba và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Việt Nam đầu tiên là người cộng sản. Sau đó, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa. Năm 1922, Người sáng lập Báo Người cùng khổ (Lơ Pa-ri-a), vừa là chủ bút, vừa biên tập chính, vừa có nhiều bài viết và tích cực phát hành nhất, góp phần tố cáo tội ác của thực dân ở các nước thuộc địa, nhất là ở Đông Dương… Tháng 6/1923, Người sang Liên Xô, tham dự Đại hội quốc tế nông dân, thanh niên, phụ nữ… và là Ủy viên Ban Phương Đông của Quốc tế cộng sản, tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ tư tưởng của Lênin, học tập tại Đại học Phương Đông.

Tháng 11/1924, Người đến Quảng Châu, Trung Quốc để chuẩn bị các điều kiện truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.

Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của mình thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Cũng thời điểm này, Người xuất bản Tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường cách mệnh”, cùng với các bài viết  trên Báo Thanh Niên truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng vào Việt Nam, tạo được chuyển biến về chất trong phong trào yêu nước Việt Nam lúc bấy giờ.

Ngày 03/02/1930, được sự ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ tóm tắt do Người dự thảo là nền tảng cho đường lối, cương lĩnh của Cách mạng Việt Nam.

Sau khi Đảng ta ra đời cho đến năm 1941, tuy hoạt động ở nước ngoài, nhưng Người luôn theo dõi rất sát sao hoạt động của Đảng và phong trào cách mạng ở Việt Nam. Đầu năm 1933, sau khi được đế quốc Anh trả tự do, Người bắt lại liên lạc với Quốc tế cộng sản, học tại Đại học Lênin, tham dự Đại hội lần 7 của Quốc tế cộng sản. Đến cuối năm 1938, Người đến Trung Quốc để tìm cách về nước chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam.

Ngày 28/01/1941, sau 30 năm xa Tổ quốc, Người trở về Pắc Bó, Cao Bằng. Tháng 5/1941, Người triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, nhấn mạnh nhiệm vụ bức thiết hàng đầu là giải phóng dân tộc. Theo sáng kiến của Người, Mặt trận Việt Minh được thành lập nhằm tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngày 22/12/1944, Người ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Sự chuyển biến nhanh chóng của tình hình thế giới và phong trào trong nước đã xuất hiện thời cơ giành chính quyền,  tháng 8/1945, Người triệu tập Hội nghị cán bộ Đảng toàn quốc và Quốc dân Đại hội để lãnh đạo nhân dân cả nước chớp thời cơ, vùng dậy nhanh chóng giành chính quyền trọn vẹn về tay nhân dân từ tay phát-xít Nhật. Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ ra đời, thực dân Pháp quay trở lại gây chiến tranh, âm mưu xâm chiếm Việt Nam một lần nữa. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến thần thánh của Nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai (1946-1954) đã giành thắng lợi to lớn, kết thúc vẻ vang bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954.

Từ năm 1954 đến tháng 9/1969, Người cùng với Trung ương Đảng tiếp tục lãnh đạo Nhân dân Việt Nam thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Ngày 02/9/1969, Người vĩnh biệt chúng ta để về với Các Mác; Lênin - Thế giới của người hiền, kết thúc một hành trình cứu nước vĩ đại và mở ra một thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh cho dân tộc Việt Nam.

Tuấn Anh