Tin tức sự kiện

Xem với cỡ chữ Tương phản

Công tác phòng chống bệnh phong giai đoạn 2021 - 2025

Th 6, 30/04/2021 | 07:44 SA

Chương trình Phòng chống bệnh phong tỉnh Quảng Ngãi, đã được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ vật lực, tài lực của Trung ương; Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân tỉnh Quảng Ngãi, cũng như các cấp chính quyền ở địa phương. Sự quan tâm giúp đỡ tận tình, đầy trách nhiệm của Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Phong - Da liễu TW Quy Hòa và các tổ chức phi chính phủ. Các cán bộ chuyên trách từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở trực tiếp tham gia công tác Phòng chống Phong với tinh thần cố gắng, nổ lực, nhiệt tình, không quản ngại khó khăn, gian khổ trong việc phát hiện bệnh phong, tuyên truyền giáo dục sức khoẻ, khám tiếp xúc, chăm sóc tàn tật cho bệnh nhân Phong. Chính vì vậy, trong những năm qua, tình hình dịch tễ phong trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tương đối ổn định, tỷ lệ lưu hành, tỷ lệ phát hiện đã giảm đến mức thấp nhất. Đến cuối năm 2020 tổng số bệnh nhân đang quản lý là 90, săn sóc tàn tật sau giám là 82 người và 8 bệnh nhân trong giai đoạn giám sát, không có bệnh nhân đang đa hóa trị liệu. Tất cả 13 huyện, thành phố đã đạt các tiêu chuẩn và được kiểm tra công nhận Loại trừ bệnh phong Quy mô cấp huyện theo Thông tư 17/2013 của Bộ Y tế. Tuy nhiên quí I/2021 đã phát hiện thêm 2 bệnh nhân phong mới và đang đa hóa trị liệu.

Để đạt được kết quả Loại trừ bệnh phong Quy mô cấp huyện giai đoạn 2016 - 2020 cùng với công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, Ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp về thực hiện chương trình phòng chống bệnh Phong. Trong đó, tổ chức khám phát hiện với nhiều hình thức như: khám tiếp xúc,  khám cụm, khám nhóm, khám có hình ảnh lâm sàng và lồng ghép đa khoa. Tuyên truyền giáo dục sức khỏe, Phòng chống tàn tật cho bệnh nhân phong và phục hồi chức năng tại cộng đồng, những bệnh nhân phong có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ theo chế độ đã góp phần được cải thiện cuộc sống người bệnh…

Bác sĩ Phạm Thị Tiết - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Tuy nhiên, ở một số vùng núi, vùng sâu vùng xa, do người bệnh có tư tưởng mặc cảm, dấu bệnh, cho nên có những trường hợp phát hiện bệnh phong thì bệnh nhân đã bị tàn tật nặng. Do đó, cần phát hiện ngay từ những dấu hiệu sớm của bệnh phong để điều trị kịp thời tránh tàn tật cho người là vấn đề mà trong giai đoạn tới cần có giải pháp phù hợp và duy trì kết quả này trên toàn tỉnh.

Bệnh Phong thường bắt đầu với những đám da thay đổi màu sắc kèm theo mất cảm giác, nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm và làm tổn thương các dây thần kinh ngoại biên. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì những tổn thương thần kinh này sẽ dẫn đến tàn tật vĩnh viễn ở mắt, bàn tay và bàn chân của bệnh nhân, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày cho dù họ có được điều trị khỏi bệnh. Những tàn tật này có thể ngăn ngừa và tránh được nếu bệnh nhân được điều trị sớm. Tuy nhiên, giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn sau loại trừ phong cấp huyện có nhiều khó khăn: đầu tư nguồn lực và tài chính cho chương trình phòng chống phong giảm nhiều; số lượng người bệnh phong trong cộng đồng ngày càng giảm, sự lơ là chủ quan của cán bộ y tế, các cấp chính quyền cơ sở; phần lớn số bệnh nhân đang quản lý là đối tượng đang chăm sóc tàn tật, vẫn còn là một gánh nặng cần được quan tâm, chăm sóc.

Bác sĩ Phạm Thị Tiết đang khám để phát hiện bệnh nhân phong mới tại cộng đồng

Bác sĩ Phạm Thị Tiết - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh: chú trọng thực hiện công tác phòng chống tàn tật, phục hồi chức năng cho người bệnh Phong, nhất là những bệnh nhân tàn tật nặng, giúp người bệnh cũ tái hòa nhập cộng đồng. Hướng dẫn, tuyên truyền cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân biết cách tự chăm sóc tàn tật cho người bệnh nhân phong tại nhà không cần phải vào các cơ sở y tế. Tiếp tục duy trì công tác khám phát hiện bệnh nhân phong mới ở các cụm dân cư và các vùng trọng điểm, để phát hiện sớm những trường hợp bệnh nhân mới ngay từ đầu, điều trị sớm, tránh tàn tật cho người bệnh. Đặc biệt, công tác phòng chống Phong trong giai đoạn tới phải lồng ghép vào cái mạng lưới đa khoa từ cơ sở, cho đến tuyến huyện, tuyến tỉnh, để qua đó nhằm phát hiện sớm bệnh nhân phong mới ở cộng đồng, qua việc khám hàng năm tại cơ sở y khoa.

Từ  nay đến 2025 theo kế hoạch tiếp tục khám phát hiện bệnh nhân phong mới ở các cụm dân cư và các vùng trọng điểm, ít nhất mỗi năm 50.000 lượt ở những vùng dịch tễ cao, bệnh nhân thể nhiều khuẩn; đồng thời tập trung vào công tác tuyên truyền cho cộng đồng và cán bộ y tế sẽ nắm vững những kiến thức về bệnh phong nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh phong, tránh tình trạng mặc cảm, dấu bệnh, kỳ thị với người bệnh phong và gia đình người bệnh, giúp cho bệnh nhân phong tự phát hiện và đến cơ sở y tế điều trị kịp thời, tránh bị tàn tật./.

MINH HIỀN