Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Thận trọng trước diễn biến khó lường của đại dịch

Th 2, 18/04/2022 | 07:36 SA

WHO tiếp tục cảnh báo về đại dịch COVID-19, các thể chế tài chính lớn dự báo về hệ lụy của cuộc xung đột Ukraine đối với kinh tế thế giới, Ấn Độ - Mỹ cam kết thúc đẩy ổn định khu vực, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen cùng bước vào vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2022... là một số sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần qua (11-17/4).

COVID-19 vẫn chưa thể trở thành bệnh đặc hữu

Người dân tới địa điểm vui chơi nổi tiếng ở Hongdae, phía Tây thủ đô Seoul của Hàn Quốc, ngày 16/4/2022. (Ảnh: Yonhap)

Trong tuần qua, nhiều nước trên thế giới tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt do số liệu thống kê các ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, việc bới lỏng các biện pháp phòng dịch cần được thực hiện một cách thận trọng trước những diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 14/4 cảnh báo vẫn chưa thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và hiện vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát những đợt dịch lớn trên toàn cầu. Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan nhận định rằng sẽ là sai lầm nếu cho rằng khi đại dịch COVID-19 dần hạ nhiệt và trở thành bệnh đặc hữu, mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Theo ông Ryan, COVID-19 chưa hề thuyên giảm hay trở thành căn bệnh theo mùa mà dịch bệnh này "vẫn gây biến động và có khả năng dẫn đến các đợt dịch lớn". 

Ông Ryan cũng nhấn mạnh bệnh đặc hữu không đồng nghĩa với việc mọi thách thức sẽ chấm dứt, đồng thời đưa dẫn chứng bệnh lao và sốt rét là những căn bệnh đặc hữu vẫn khiến hàng triệu người tử vong mỗi năm. Tuần trước, WHO cũng đã ghi nhận số ca tử vong liên quan bệnh COVID-19 xuống mức thấp nhất kể từ đầu dịch. Tuy nhiên, ông Ryan nhận định con số tử vong này vẫn tương đối cao, do đó ông kêu gọi các nước tiếp tục nâng cao cảnh giác sẵn sàng ứng phó với nguy cơ làn sóng dịch mới khi các biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục xuất hiện.

Trước đó, ngày 11/4, WHO thông báo cơ quan này đã bổ sung BA.4 và BA.5, biến thể "cùng lứa" với của biến thể phụ gốc BA.1 của Omicron vào danh sách các biến thể cần theo dõi. Theo lập luận của WHO, tất cả các loại virus thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, chỉ có một số biến thể tác động tới khả năng lây lan hoặc lẩn trốn được khả năng miễn dịch có được nhờ tiêm phòng hoặc sau khi mắc bệnh, hay mức độ nghiêm trọng của bệnh do các biến thể phụ này gây ra.

Cảnh báo tác động từ cuộc xung đột Ukraine tới nền kinh tế thế giới 

 Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong bài phát biểu ngày 14/4 trước thềm các hội nghị mùa Xuân thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nêu rõ cuộc xung đột ở Ukraine đã làm giảm tốc độ phục hồi sau đại dịch COVID-19, làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế tại hầu hết các nước trên thế giới. Bà cho biết các gia đình vốn đã chật vật với giá lương thực và năng lượng tăng cao hơn, cuộc xung đột này khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn nhiều. Theo Tổng Giám đốc IMF, cuộc xung đột ở Ukraine đã phơi bày những rạn nứt trong hệ thống quốc tế vào thời điểm mà sự hợp tác toàn cầu được coi là giải pháp duy nhất. 

Cùng ngày, WB cảnh báo cuộc xung đột ở Ukraine đã "làm tăng gấp nhiều lần rủi ro" cho các nước nghèo ở Trung Đông và Bắc Phi vì làm giá lương thực và năng lượng tăng cao, tiềm ẩn gây ra bất ổn xã hội tại khu vực này.

Trong khi đó, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) ngày 11/4 cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine có thể làm giảm một nửa tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm nay và kéo lùi tăng trưởng GDP của thế giới.

WTO nhận định: “Cuộc khủng hoảng có thể cắt giảm từ 0,7% đến 1,3% tăng trưởng GDP, xuống còn mức 3,1-3,75 trong năm 2022. Mô hình (mô phỏng kinh tế) cũng dự báo rằng tăng trưởng thương mại toàn cầu năm nay có thể giảm gần một nửa từ mức dự báo 4,7% hồi tháng 10 năm ngoái xuống còn khoảng 2,4-3%.”

Ấn Độ-Mỹ tái khẳng định cam kết thúc đẩy ổn định khu vực

Ảnh minh họa. (Nguồn: news.cgtn.com) 

Ngày 11/4, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong đối thoại cấp bộ trưởng theo hình thức "2+2", Ấn Độ và Mỹ tái khẳng định cam kết thúc đẩy ổn định khu vực, pháp quyền và giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau đối thoại, ông Blinken khẳng định hai bên đang sát cánh cùng nhau thực hiện cam kết chung về việc duy trì một trật tự quốc tế tự do và dựa trên luật lệ nhằm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Blinken cũng thông báo Ấn Độ và Mỹ đang hợp tác chặt chẽ trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19. Các nhà khoa học và các tổ chức tại mỗi nước đang cùng phát triển và sản xuất vaccine phòng bệnh an toàn và hiệu quả.

Ấn Độ và Mỹ đang hợp tác thông qua quan hệ đối tác vaccine trong khuôn khổ đối thoại an ninh Bộ tứ (QUAD) cùng với Australia và Nhật Bản để cung cấp vaccine ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo Ngoại trưởng Mỹ, hai bên cũng thảo luận về các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện của mỗi nước và trên toàn khu vực. Hai bên mong muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại bằng cách tái khởi động Đối thoại thương mại Ấn Độ - Mỹ và diễn đàn CEO Ấn Độ-Mỹ vào cuối năm nay.

Bầu cử Tổng thống Pháp 2022: Châu Âu hồi hộp chờ đợi “màn so găng” năm 2017 tái diễn

 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen. Ảnh: Reuters

Kết quả chính thức của vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2022 do Bộ Nội vụ Pháp công bố tối 11/4 (giờ Việt Nam) cho thấy ứng cử viên Emmanuel Macron đã dẫn trước đối thủ, cũng là người sẽ cùng ông quyết đấu trong vòng hai, bà Marine Le Pen, với khoảng cách chênh lệch khá lớn.

Kết quả vòng một không tạo ra bất ngờ, nhưng bộc lộ rõ nước Pháp đang bị chia rẽ. Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron đã giành được 27,85% số phiếu bầu trong khi nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen nhận được  23,15% và sẽ cùng nhau bước tiếp vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp dự kiến diễn ra vào ngày 24/4 tới.

Theo lịch trình, hai ứng cử viên Macron và Le Pen sẽ có hai tuần để cho các cử tri thấy rõ ai là người xứng đáng cho vị trí tổng thống Pháp. Trong giai đoạn tiếp theo kéo dài đến ngày 20/4, thời điểm quan trọng nhất sẽ là khi hai ứng cử viên tham gia cuộc tranh luận truyền hình được phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia.

Tương lai của nước Pháp và phần nào tương lai của EU phụ thuộc rất nhiều vào kết quả vòng hai, sẽ diễn ra trong hai tuần tới. Với việc chia nhau 2 vị trí dẫn đầu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen sẽ gặp nhau trong vòng bỏ phiếu thứ hai trong một diễn biến được cho là màn tái hiện cuộc so găng năm 2017. Tuy nhiên, “cuộc so găng” năm nay được dự báo là sẽ khó đoán hơn nhiều và được ví như “cuộc đụng độ trực diện gay gắt về tầm nhìn”, với ảnh hưởng quốc tế rộng rãi. Để giành chiến thắng ở vòng hai, những ngày tới sẽ rất bận rộn với cả đội ngũ của ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen khi họ phải tìm cách lôi kéo lá phiếu của những cử tri ủng hộ 10 ứng cử viên tổng thống bị đánh bại trong vòng 1. Dù hầu hết các ứng cử viên đã công khai thể hiện sự phản đối đối với ứng cử viên cực hữu, song mức độ quyết liệt đến đâu lại là điều không ai có thể đoán trước./.

PV (tổng hợp)/dangcongsan.vn