Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Khơi nguồn hy vọng

CN, 30/05/2021 | 08:21 SA

Sau thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hamas, cộng đồng quốc tế tiếp tục thúc đẩy nỗ lực hòa giải và tái thiết Dải Gaza; đàm phán hạt nhân Iran đạt tiến triển; EU cam kết đẩy nhanh chia sẻ vaccine ngừa Covid-19…, là những thông tin tích cực mở ra hy vọng và giải pháp cho nhiều vấn đề hóc búa hiện nay.

1. Dải Gaza yên bình trở lại

Dải Gaza đang yên bình trở lại sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas có hiệu lực vào ngày 21-5 sau 11 ngày giao tranh căng thẳng. Theo ghi nhận của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc ngày 24-5, nhịp sống thường nhật đang được khôi phục trên khắp Dải Gaza. Một số tuyến đường chính đã được mở lại và nhà chức trách đang nỗ lực sửa chữa các đường dây điện, mạng lưới cung cấp nước và xử lý nước thải bị hư hại.

 

Thế giới tuần qua: Khơi nguồn hy vọng

Trẻ em Palestine vui chơi trên phố tại Dải Gaza, ngày 24-5-2021. Ảnh: THX/TTXVN 

Hiện các nhà trung gian hòa giải đang thúc đẩy đàm phán với các bên xung đột nhằm kéo dài thỏa thuận ngừng bắn và tạo điều kiện cho các nỗ lực tái thiết.

Ai Cập đã mời thủ lĩnh chính trị của lực lượng này Ismail Haniyeh tham gia hội đàm tại Cairo về việc thực thi lệnh ngừng bắn với Israel ở Dải Gaza. Các quan chức an ninh cấp cao của Ai Cập cũng đã hội đàm với các nhà lãnh đạo Hamas ở Dải Gaza, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở thành phố Ramallah (ở Bờ Tây) và các quan chức Israel ở Tel Aviv về việc thực thi lệnh ngừng bắn nói trên.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Jordan Ayman al-Safadi đã tới Ramallah và có cuộc gặp với Tổng thống Chính quyền Palestine (PA) Mahmoud Abbas. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng có chuyến công du tới Trung Đông để củng cố lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza. Phát biểu trước thềm chuyến công du tới Trung Đông, ông Antony Blinken tái khẳng định quan điểm của Washington ủng hộ giải pháp hai nhà nước và coi đây là phương án duy nhất mang lại hy vọng cho người dân Israel và Palestine được sống trong môi trường bình đẳng về điều kiện an ninh, hòa bình và phẩm giá. 

Ngày 25-5, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng tới Trung Đông và gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, trong đó ông kêu gọi chấm dứt "vòng xoáy bạo lực" thông qua một giải pháp hai nhà nước. Tổng thống Palestine Abbas kêu gọi thiết lập lộ trình hòa bình do quốc tế bảo trợ.

Một số nước đã đưa ra tuyên bố hỗ trợ tài chính cho việc tái thiết Dải Gaza. Ai Cập và Quatar mỗi nước đã cam kết hỗ trợ 500 triệu USD, trong khi LHQ đã giải ngân 18,5 triệu USD cho viện trợ nhân đạo tại khu vực này. Tuy nhiên, Hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Dải Gaza gặp nhiều khó khăn do các cửa khẩu bị đóng.

Xung đột giữa Israel và Palestine leo thang từ ngày 10-5 vừa qua, đẩy hai bên vào vòng xoáy bạo lực tồi tệ nhất trong vài năm trở lại đây. Theo cơ quan y tế Gaza, 254 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó có 66 trẻ em và hơn 1.900 người bị thương. Về phía Israel, 12 người đã thiệt mạng, trong đó có một trẻ em, và khoảng 357 người bị thương trong cuộc xung đột này. Các cuộc không kích của Israel cũng phá hủy nhiều tòa nhà, cơ sở hạ tầng ở Gaza, làm ít nhất 6.000 người mất nhà ở. Ước tính hiện có tới 800.000 người không có nước sạch tại Gaza.

2. EU cam kết đẩy nhanh chia sẻ vaccine ngừa Covid-19

Lãnh đạo 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp Hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô Brussels của Bỉ trong hai ngày 24 và 25-5, thảo luận nhiều vấn đề nóng như đại dịch Covid-19 và tình hình Trung Đông cũng như quan hệ với Nga.

 

Thế giới tuần qua: Khơi nguồn hy vọng

Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ, ngày 24-5-2021. Ảnh: AFP/TTXVN 

Về tình hình Trung Đông, EU khẳng định ủng hộ việc tìm kiếm một giải pháp lâu dài dựa trên giải pháp hai nhà nước, nhấn mạnh rằng những nỗ lực của chính quyền Israel nhằm trục xuất người Palestine ra khỏi nhà của họ tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, bao gồm cả Jerusalem, là không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Liên quan tới đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo EU bày tỏ lạc quan về tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu cải thiện, với các chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh được đẩy mạnh trên diện rộng ở các nước châu Âu. Đặc biệt, EU kêu gọi đảm bảo quyền tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 công bằng, cam kết đẩy nhanh việc chia sẻ vaccine với mục tiêu quyên góp ít nhất 100 triệu liều vaccine cho các nước nghèo hơn vào cuối năm 2021. Các đại biểu tham dự đã hoan nghênh sự ra đời và ứng dụng chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19 trên toàn khối. Giới chức các nước cũng nhất trí cần tiếp tục các biện pháp hạn chế cho đến mùa du lịch Hè này. 

Trong quan hệ với Nga, các nhà lãnh đạo dự kiến trao đổi về cơ quan chức năng Nga bắt giữ nhân vật đối lập nhiều tai tiếng Alexei Navalny. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã tái khẳng định cam kết với 5 nguyên tắc chi phối chính sách của EU đối với Nga đã thông qua vào năm 2016, quy định các nước thành viên phải tuân thủ khi tương tác với Moscow.

Trong quan hệ với Anh, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen chia sẻ rằng, căng thẳng giữa Brussels với London không phải là do vấn đề Bắc Ireland mà xuất phát từ chính việc Anh rời khỏi khối (hay còn gọi là Brexit).

EU đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nóng, tuy nhiên, mục tiêu mà các nhà lãnh đạo 27 quốc gia hướng tới trong hai ngày họp này là thúc đẩy các giải pháp xây dựng lại một liên minh mạnh mẽ với Mỹ trước khi Tổng thống Joe Biden sẽ đến thăm châu Âu, dự kiến vào tháng 6 tới, để tạo động lực cho hòa giải thương mại.

3. Tín hiệu tích cực từ đàm phán hạt nhân Iran

Ngày 24-5, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Iran đã nhất trí gia hạn thỏa thuận giám sát các hoạt động hạt nhân của Tehran thêm 1 tháng, sau khi thỏa thuận kéo dài 3 tháng này đã hết hiệu lực vào ngày 22-5.

 

Thế giới tuần qua: Khơi nguồn hy vọng

Các máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Natanz, Iran. Ảnh: AFP/TTXVN 

Theo thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, các thanh sát viên của IAEA có quyền tiếp cận một cách hạn chế các cơ sở phi hạt nhân của Iran, bao gồm cả các địa điểm quân sự, trong trường hợp nghi ngờ có các hoạt động hạt nhân bất hợp pháp. Tuy nhiên, tháng 12-2020, Quốc hội Iran đã thông qua đạo luật chấm dứt quyền thanh sát của IAEA kể từ ngày 21-2-2021, trừ khi Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt. Mặc dù vậy, hai bên sau đó đã đạt thỏa thuận tạm thời về việc nối lại các cuộc thanh sát của IAEA kể từ ngày 23-2.

Trước đó, ngày 19-5, các nhà đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran cho biết một thỏa thuận "đang được định hình" để đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) với Iran.

Các nhà ngoại giao cấp cao của Anh, Pháp và Đức cho biết: "Cả về khía cạnh hạt nhân và khía cạnh các lệnh trừng phạt, chúng tôi đang bắt đầu nhìn thấy đường nét của cái gọi là thỏa thuận cuối cùng trông như thế nào. Tuy nhiên, thành công vẫn chưa được bảo đảm. Vẫn còn những vấn đề rất khó khăn phía trước. Chúng tôi không được phép đánh giá thấp những thách thức đặt ra phía trước".

Trong khi đó, Iran cũng thông báo quá trình đàm phán đang diễn ra đúng lộ trình. Hãng thông tấn chính thức của Iran (IRNA) dẫn lời Tổng thống Rouhani cho biết Iran đã “đạt được những bước tiến vĩ đại” trong quá trình đàm phán những ngày qua.

Kể từ đầu tháng 4 vừa qua, các phái viên của Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh và Iran đã tổ chức nhiều vòng đàm phán ở Vienna nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran và đưa Mỹ trở lại tuân thủ thỏa thuận. Các bên đã thành lập nhiều nhóm làm việc cấp chuyên gia có nhiệm vụ làm sáng tỏ những vấn đề quan trọng nhất đồng thời thảo ra các giải pháp cho vấn đề hạt nhân này.

4. COVAX cần thêm 2 tỷ USD để hỗ trợ các nước thu nhập thấp

Ngày 27-5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh vaccine toàn cầu Gavi, đại diện các tổ chức khởi xướng Cơ chế COVAX, ra tuyên bố nêu rõ cần huy động thêm 2 tỷ USD nhằm tăng mức độ bao phủ của các chương trình tiêm chủng lên gần 30%. Tuyên bố cho biết COVAX cần số tiền trên trước ngày 2-6 để chốt nguồn cung nhằm đảm bảo có thể bàn giao vaccine ngừa Covid-19 trong năm nay và đầu năm 2022.  

 

Thế giới tuần qua: Khơi nguồn hy vọng

Lô vaccine ngừa Covid-19 thuộc chương trình COVAX được chuyển tới Accra, Ghana, ngày 24-2-2021. Ảnh: AFP/TTXVN 

Tuyên bố nhấn mạnh với sự hợp tác của các nhà lãnh đạo trên thế giới, COVAX có thể thực hiện tốt các mục tiêu đề ra ban đầu gồm cung cấp 2 tỷ liều vaccine trên toàn thế giới trong năm 2021 và 1,8 tỷ liều cho 92 nền kinh tế có thu nhập thấp hơn vào đầu năm 2022. Nỗ lực này đòi hỏi các chính phủ và lĩnh vực tư nhân khẩn trương “mở khóa” các nguồn cung vaccine mới, tiến hành chuyển giao từ tháng 6 tới cũng như tài trợ cho công tác phân phối của COVAX.

COVAX cho biết đến nay họ đã cung cấp 70 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho 126 quốc gia, song đang thiếu 190 triệu liều vào cuối tháng 6 tới do tốc độ lây lan dịch Covid-19 gia tăng ở Ấn Độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung của cơ chế này trong quý II năm nay.  

Các nhà tổ chức cảnh báo mặc dù COVAX sẽ tiếp nhận thêm vaccine vào cuối năm nay thông qua các hợp đồng đã ký kết với một số nhà sản xuất, nhưng nếu không giải quyết tình trạng thiếu hụt khẩn cấp hiện tại, “hậu quả có thể rất thảm khốc".

5. “Bầu trời mở” trước nguy cơ khép lại

Được đánh giá là một nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy tính công khai và minh bạch của các lực lượng vũ trang và hoạt động quân sự, tuy nhiên, Hiệp ước Bầu trời mở (OST) đang bị phủ bóng đen khi hai thành viên chủ chốt của hiệp ước tuyên bố không tham gia trở lại.  

 

Thế giới tuần qua: Khơi nguồn hy vọng

Ảnh minh họa: Reuters 

Mới đây nhất, ngày 27-5, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này quyết định không tham gia trở lại OST, sau khi rút khỏi hiệp ước này hồi năm ngoái, đồng thời cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước mặc dù Moscow đã phủ nhận.  

Nga đã gọi quyết định của Mỹ khi không tham gia vào OST là một “sai lầm chính trị” và đánh dấu một "nốt trầm" trong quan hệ hai bên trước thềm Thượng đỉnh Nga - Mỹ. Trước đó, ngày 19-5, Hạ viện Nga đã thông qua dự luật chính thức rút khỏi OST. Lý do cho quyết định này được Nga đưa ra là cảm thấy không công bằng khi Mỹ vẫn có thể nhận được thông tin từ các đồng minh NATO trong hiệp ước.

Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002, cho phép 35 quốc gia thành viên, trong đó có Nga và Mỹ, thực hiện các chuyến bay giám sát trong không phận của nhau, công khai thu thập thông tin về các lực lượng và hoạt động quân sự của nhau theo các hạn ngạch bay đã được thống nhất từ trước. Tuy nhiên, cả Moskva và Washington thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận.   

Theo: THANH SƠN/QĐND