Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Dịch bệnh, xung đột và những hệ lụy

Th 2, 21/03/2022 | 07:40 SA

Tuần qua (14 – 20/3), trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng cao tại khu vực Á – Âu, thế giới còn phải tiếp tục “nín thở” theo dõi những diễn biến mới xung quanh chiến sự Nga – Ukraine, cùng với biến động giảm mạnh của giá vàng, quyết định tăng lãi suất của Fed hay trận động đất 7,4 độ richer xảy ra ở Nhật Bản.

Số ca mắc COVID-19 tăng cao tại khu vực Á – Âu

 Sinh viên đeo khẩu trang tại Muenster (Đức) tháng 10/2021. (Ảnh: AP)

Châu Âu đã cố gắng loại bỏ đại dịch COVID-19, nhưng việc nới lỏng các hạn chế phòng dịch cùng với sự lây lan của biến thể Omicron tàng hình đã khiến đại dịch bùng phát trở lại khu vực này với số ca mắc bệnh tăng cao kỷ lục.

Đức tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm kỉ lục theo ngày, với hơn 250.000 ca mắc mới/ngày. Pháp, Thụy Sỹ, Hà Lan và Italy cũng ghi nhận xu hướng lây nhiễm tăng trở lại, do các nước nới lỏng quy định giãn cách, phòng dịch cùng với đó là sự lây lan của biến thể phụ Omicron.

Số ca nhập viện cũng tăng ở nhiều nước châu Âu trong vài tuần gần đây. Nhưng tỉ lệ tử vong vẫn giữ ở mức thấp so với các đỉnh dịch trước đây nhờ tỉ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở mức cao.

Giới chức y tế và các nhà khoa học đang theo dõi chặt BA.2, vốn được mô tả là “biến thể tàng hình”, bởi chúng có đột biến gien khiến việc phân biệt với biến thể Delta khó khăn hơn khi sử dụng phương pháp xét nghiệm PCR. Với tốc độ lây lan nhanh, Omicron vượt Delta để trở thành biến thể trội trên toàn cầu. Nhưng các nhà khoa học Đan Mạch cho rằng BA.2 thậm chí có tốc độ lây lan nhanh hơn 1,5 lần so với BA.1. Biến thể phụ Omicron này hiện chiếm hơn 50% số ca nhiễm tại Đức.

Theo các chuyên gia y tế, nếu người dân không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên, giãn cách xã hội thì "biến thể tàng hình" có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng.

Tại châu Á, Trung Quốc đang đối diện với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mạnh nhất trong vòng hai năm trở lại đây. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 17/3 tuyên bố nước này sẽ gắn bó với chiến lược “zero COVID” - mục tiêu đưa số ca nhiễm mới về con số 0. Tuy nhiên, ngày 19/3 Trung Quốc ghi nhận hai trường hợp tử vong vì COVID-19 tại tỉnh Cát Lâm. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021 nước này có trường hợp tử vong vì COVID-19. Cũng trong ngày 19/3, Trung Quốc ghi nhận 2.157 ca mắc mới COVID-19 lây truyền trong cộng đồng, chủ yếu tại Cát Lâm.

Hàn Quốc cũng ghi nhận kỷ lục 600.000 ca mắc mới COVID-19 vào hôm 17/3. Mặc dù đang có số ca mắc COVID-19 mới/ngày thuộc nhóm cao nhất thế giới, thì tỷ lệ tử vong giảm đã khiến Chính phủ Hàn Quốc cân nhắc nới lỏng thêm các hạn chế liên quan đến dịch COVID-19. Hàn Quốc chỉ ghi nhận tỷ lệ tử vong 0,14%, bằng 1/10 so với Mỹ và Anh, và giảm so với mức 0,88% của 2 tháng trước, mặc dù cùng thời điểm số ca mắc mới tăng đến 8 lần.

Theo trang thống kê worldometers.info, đến ngày 20/3, thế giới có tổng số 470.109.823 ca nhiễm và 6.098.258 ca tử vong vì dịch COVID-19.  

Đàm phán giữa Nga và Ukraine dần hé mở để giải quyết xung đột

 Vòng đàm phán Nga - Ukraine thứ ba diễn ra ở miền Tây Belarus. (Ảnh: Deutsche Welle)

Sau 3 tuần giao tranh dữ dội, hiện các nhà ngoại giao Nga và Ukraine đang nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình với hy vọng nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột khiến nhiều người dân Ukraine và binh sỹ của cả hai phía thiệt mạng. Những tín hiệu tích cực đã phát đi từ cả phía Nga lẫn Ukraine cho thấy tiến trình đàm phán của hai nước đang có những chuyển biến rõ rệt và đi vào trọng tâm. Tia hy vọng vẫn được nhen nhóm bất chấp Moscow tiếp tục thực hiện chiến dịch quân sự và Kiev kiên quyết chống trả, cùng với đó là cuộc khẩu chiến giữa Nga và Mỹ. Hiện dư luận quốc tế đang hồi hộp theo dõi các cuộc đàm phán Nga - Ukraine và đưa ra đánh giá về các điều khoản có thể xuất hiện trong một thỏa thuận hòa bình tiềm năng.

Vòng đàm phán thứ tư giữa Nga và Ukraine diễn ra hôm 14/3 theo hình thức trực tuyến, nhưng được tạm dừng để các nhóm phụ chuẩn bị thêm và làm rõ một số định nghĩa lập trường của mỗi bên. Tuy nhiên, hai bên đã quyết định tiếp tục đàm phán trong ngày 15/3. Đến ngày 16/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố đàm phán giữa Moscow và Kiev đạt tiến triển song khá khó khăn.

Đánh giá về tiến trình hòa đàm hiện nay, ông Vladimir Medinsky, trưởng đoàn đàm phán Nga cho biết các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine về quy chế trung lập của quốc gia Đông Âu này đang ghi nhận những tiến triển.

Theo các hãng tin của Nga, phát biểu ngày 18/3 tại Moskva, ông Medinsky nêu rõ vấn đề quy chế trung lập và việc Ukraine không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một trong những nội dung chính của cuộc hội đàm. Hiện hai bên đã đưa ra lập trường của mình tiệm cận nhau hơn. Ông Medinsky cho biết thêm các nhà đàm phán đã "nửa chặng đường" hướng tới một thỏa thuận về việc "phi quân sự hóa" Ukraine.

Trong khi đó, ông Mikhailo Podolyak, Cố vấn Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết Kiev bảo lưu lập trường về lệnh ngừng bắn và đảm bảo an ninh với các biện pháp cụ thể.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 18/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm kéo dài khoảng 10 phút. Theo Điện Kremlin, nhà lãnh đạo Nga khẳng định Moscow "làm tất cả mọi điều có thể" để tránh thương vong cho dân thường tại Ukraine, bao gồm mở các hành lang nhân đạo để sơ tán an toàn. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về tiến trình hòa đàm hiện nay giữa Moscow và Kiev.

Ngày 19/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các cuộc đàm phán hòa bình toàn diện với Nga. Trong một video được công bố đầu giờ ngày 19/3, Tổng thống Zelensky khẳng định hiện là thời điểm để hai bên tiến hành các cuộc đàm phán có ý nghĩa về hòa bình và an ninh.

Nga và Ukraine đã tổ chức nhiều vòng đàm phán kể từ khi bắt đầu xảy ra xung đột ngày 24/2. Các cuộc đàm phán vẫn chưa mang lại kết quả cụ thể nào, ngoại trừ việc Kiev và Moscow đồng ý về việc tổ chức các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường khỏi các khu vực giao tranh.

Giá vàng thế giới “lao dốc” nhanh nhất trong 4 tháng qua

Giá vàng thế giới “lao dốc” nhanh nhất trong 4 tháng qua. (Ảnh: TTXVN)

Giá vàng thế giới lại "lao dốc," ghi nhận mức giảm hằng tuần mạnh nhất kể từ tháng 11/2021. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 18/3, giá vàng kỳ hạn của Mỹ để mất 0,7% xuống 1.929,30 USD/ounce. Với mức giảm này, giá vàng thế giới đã mất 2,8% trong cả tuần qua, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2021 tới nay.

Giới phân tích cho rằng nguyên nhân khiến nhu cầu kim loại quý sụt giảm là do dư luận đang khá lạc quan về triển vọng đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, cùng tác động từ việc Mỹ tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018.

Cũng theo các nhà đầu tư, quyết định tăng lãi suất của Fed là trở ngại đối với vàng trong ngắn hạn, khi lạm phát tại châu Âu và Mỹ tăng tiếp tục hỗ trợ nhu cầu về kim loại quý này như một "hàng rào" chống lại lạm phát.

Fed tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018

 Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 16/3, Fed đã công bố tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 sau khi khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày. Động thái diễn ra trong bối cảnh lạm phát tăng vọt trên khắp nước Mỹ.

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Ngân hàng Trung ương Mỹ, cơ quan hoạch định của Fed, đã khởi động động thái thắt chặt chính sách tiền tệ với việc tăng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,25 điểm phần trăm, nâng biên độ lãi suất lên phạm vi 0,25 - 0,5%.

Theo Chủ tịch Fed Pro Tempore Jerome Powell, nền kinh tế Mỹ đang rất mạnh mẽ và sẽ có thể chịu được chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, đồng thời Fed cần tập trung vào việc hạn chế tác động của việc tăng giá đối với các gia đình Mỹ.

Mức tăng 0,25 điểm phần trăm đã được Ngân hàng Trung ương xem xét kỹ lưỡng và cũng được ám chỉ nhiều lần trong vài tháng qua, đánh dấu lần đầu Fed tăng lãi suất từ tháng 12/2018, cũng là lần đầu tiên lãi suất di chuyển từ mức gần bằng 0 kể từ khi ngân hàng cắt giảm lãi suất gần 2 năm trước vào tháng 3/2020 do đại dịch COVID-19 xảy ra. Giá cả đã tăng vọt trong năm qua đẩy lạm phát lên cao hơn mục tiêu dài hạn của Fed là 2%.

Thêm vào đó, trong thông cáo mới, Fed cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát để có thêm các đợt nâng lãi suất nữa từ nay tới cuối năm bằng cách cắt bớt lượng trái phiếu nắm giữ khổng lồ của mình. Dự kiến lãi suất sẽ tăng lên mức khoảng 1,9% vào cuối năm nay và ở mức 2,8% vào năm 2023.

Cũng trong cuộc họp vừa qua, các Ngân hàng Trung ương đã điều chỉnh dự đoán lạm phát lên mức trung bình là 4,3% vào cuối năm 2022, so với mức 2,6% được dự đoán vào cuối năm ngoái.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế Mỹ được dự đoán sẽ giảm xuống mức trung bình 2,8% trong năm nay, thay vì mức 4% như dự kiến hồi tháng 12/2021.

Động đất 7,4 độ richer xảy ra ở Nhật Bản

 Một siêu thị ở Shiroishi, tỉnh Miyagi, Nhật Bản, sau trận động đất mạnh ngày 17/3. (Ảnh: AFP)

Cơ quan khí tượng Nhật Bản cho biết trận động đất xảy ra vào 23 giờ 36 phút (theo giờ Nhật Bản) ngày 16/3 với độ sâu tâm chấn 60km và độ lớn 7,3; sau đó đã điều chỉnh thông báo là độ sâu tâm chấn là 57km và độ lớn là 7,4.

Chiều cao sóng thần đo được tại khu vực cảng Ishinomaki là 30cm, cảng Sendai là 20cm (đều thuộc tỉnh Miyagi), và cảng Soma, tỉnh Fukushima là 20cm. Tuy nhiên, đến 5 giờ sáng 17/3, các cảnh báo sóng thần đã được dỡ bỏ. Cơ quan này cũng cho biết, người dân cần cảnh giác có thể sẽ có những đợt dư chấn khác trong vòng 1 tuần tới tại khu vực này.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào sáng 17/3 xác nhận đã mở điều tra về 4 trường hợp tử vong.

Theo Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno, không có bất thường nào tại Nhà máy điện hạt nhân Onagawa ở tỉnh Miyagi và Nhà máy điện hạt nhân Tokai số 2 thuộc tỉnh Ibaraki, trong khi Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 và số 2 đang được theo dõi sát tình hình.

Theo thông báo của các địa phương, trận động đất cũng gây mất điện cho khoảng 2 triệu hộ gia đình và gián đoạn tạm thời mạng điện thoại di động ở một số khu vực.

Về giao thông, tại thời điểm xảy ra động đất, tàu siêu tốc Tohoku Shinkansen đã bị trật bánh tại khu vực giữa ga Shiroishi và ga Fukushima và phải dừng khẩn cấp, tuy nhiên toàn bộ 75 hành khách và 3 nhân viên đều không ghi nhận trường hợp nào bị thương.

Sân bay quốc tế Haneda, thủ đô Tokyo và một số tuyến đường cao tốc Tohoku bị tạm dừng hoạt động trong một khoảng thời gian để xác nhận mức độ an toàn. Lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Miyagi đã ghi nhận một vết nứt dài khoảng 100m, rộng từ 30 - 50cm trên tuyến cao tốc Tohoku gần nút giao Shiroishi và hiện đang đình chỉ sử dụng tuyến đường này để khắc phục sự cố.

Phát biểu tại họp báo rạng sáng 17/3, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chính phủ nước này đang tập trung mọi nỗ lực cao nhất để nắm bắt thông tin và chỉ đạo triển khai hoạt động cứu hộ, khắc phục những ảnh hưởng của trận động đất./.

PV (Tổng hợp)/dangcongsan.vn