Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Cần giải pháp toàn cầu cho những vấn đề chung

CN, 15/08/2021 | 08:44 SA

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 3 đề xuất quan trọng tại cuộc họp chính thức riêng về chủ đề an ninh biển lần đầu tiên được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tổ chức, thu hút sự quan tâm và đánh giá cao của dư luận quốc tế. Bên cạnh đó, những cảnh báo về tình trạng nóng lên toàn cầu, bất ổn tại Afghanistan và biến thể mới của virus SARS-CoV-2… cũng là những chủ đề nóng của thời sự thế giới tuần qua.

1. HĐBA LHQ lần đầu tiên tổ chức cuộc họp chính thức riêng về chủ đề an ninh biển

Cuộc họp diễn ra tối 9-8, theo hình thức trực tuyến, do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì, trong đó đưa ra khuôn khổ năm điểm cho phiên thảo luận, bao gồm:

Thứ nhất là dỡ bỏ các rào cản đối với thương mại hàng hải. Trong bối cảnh này, nhà lãnh đạo Ấn Độ nhấn mạnh đến chính sách An ninh và tăng trưởng cho tất cả trong khu vực (SAGAR) - một khuôn khổ Ấn Độ công bố năm 2015 về an ninh hàng hải khu vực. Thứ hai, cần giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Điều này hết sức quan trọng để thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau cũng như bảo đảm hòa bình và ổn định toàn cầu. Thứ ba, các quốc gia cùng nhau giải quyết các mối đe dọa bắt nguồn từ các thực thể phi nhà nước và thảm họa thiên nhiên. Thứ tư, cần bảo tồn môi trường và các tài nguyên biển, đồng thời nêu bật tình trạng ô nhiễm do chất thải nhựa và tràn dầu. Cuối cùng, Thủ tướng Ấn Độ kêu gọi kết nối có trách nhiệm và cần phải có một cấu trúc để thúc đẩy thương mại biển, với việc xây dựng các quy tắc và tiêu chuẩn toàn cầu.

 

Thế giới tuần qua: Cần giải pháp toàn cầu cho những vấn đề chung

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của HĐBA vào tối 9-8. Nguồn: sggp.org.vn 

Tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu 3 đề xuất quan trọng để ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh biển, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Thứ nhất, cần có nhận thức toàn diện và đầy đủ về tầm quan trọng của biển và những nguy cơ đe dọa an ninh biển, đề cao trách nhiệm và quyết tâm chính trị, củng cố lòng tin, xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, khai thác bền vững nguồn lợi từ biển. Thứ hai, an ninh biển là vấn đề toàn cầu nên cần có giải pháp toàn cầu; tiếp cận một cách toàn diện, tổng thể trên cơ sở hợp tác đối thoại và luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác ở mọi cấp độ và khuôn khổ nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh biển. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất thiết lập một mạng lưới các cơ chế, sáng kiến về an ninh biển khu vực do Liên hợp quốc điều phối để tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hành động, kịp thời ứng phó với các thách thức chung.

Tại phiên thảo luận, HĐBA đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch với nội dung chính là kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực nhằm ứng phó với các thách thức an ninh, an toàn biển; ghi nhận ý nghĩa và tầm quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; khuyến khích Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ các quốc gia nâng cao năng lực và chia sẻ kinh nghiệm trong xử lý các nguy cơ về an ninh biển.

2. Mối đe dọa mới mang tên Lambda

Trong khi thế giới vẫn đang gồng mình đối phó với biến thể Delta, thì một loại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mang tên Lambda được cho là có khả năng lây nhiễm mạnh và kháng vaccine cao, sau thời gian hoành hành tại Nam Mỹ đang có chiều hướng lan ra các châu lục khác.  

 

Thế giới tuần qua: Cần giải pháp toàn cầu cho những vấn đề chung

Ảnh minh họa: Reuters     

Biến thể Lambda được phát hiện lần đầu tiên tại Peru cuối năm ngoái với tên ban đầu là C.37. Đến cuối tháng 6, biến thể Lambda xuất hiện ở gần 30 nước. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn, Lambda đã nhanh chóng trở thành biến thể chủ đạo tại các quốc gia Mỹ Latinh.

Theo một nghiên cứu sơ bộ của các nhà khoa học Nhật Bản, so với chủng gốc, biến thể Lambda mang 7 đột biến, trong đó có những đột biến liên quan đến việc tăng khả năng truyền nhiễm hoặc tăng khả năng chống lại các kháng thể trung hòa, trong khi “sự kết hợp bất thường” của các đột biến có thể làm cho biến thể Lambda lây nhiễm mạnh hơn so với chủng gốc SARS-CoV-2 và có khả năng kháng vaccine cao hơn.  

Mặc dù vẫn còn quá sớm để xác định liệu biến thể Lambda có dẫn đến nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong cao hơn, hay có thể trở thành biến thể chủ đạo hay không, tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng với tốc độ lây lan như hiện nay, nếu không được ngăn chặn, biến thể Lambda hoàn toàn có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng khác tương tự như cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ “cơn sóng thần” biến thể Delta.

3. Cảnh báo tình trạng nóng lên toàn cầu đang ở ngoài tầm kiểm soát

Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc vừa công bố báo cáo nhấn mạnh tình trạng nóng lên toàn cầu đang ở mức nguy hiểm ngoài tầm kiểm soát.  

Theo báo cáo, con người đã khiến Trái Đất nóng lên gần 1,1 độ C kể từ thế kỷ 19 cho đến nay, chủ yếu do các hoạt động đốt than, dầu mỏ và khí đốt để sản xuất năng lượng. Hậu quả là chỉ riêng trong mùa Hè 2021, các đợt sóng nhiệt đã khiến hàng trăm người ở Mỹ và Canada thiệt mạng, các trận lũ lụt lịch sử càn quét Trung Quốc và Đức, trong khi các vụ cháy rừng vẫn thiêu đốt Siberia, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp suốt thời gian qua. 

 

Thế giới tuần qua: Cần giải pháp toàn cầu cho những vấn đề chung

Cánh đồng khô cằn tại bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN 

Thập kỷ vừa qua là thập kỷ nóng nhất trên Trái Đất trong 125.000 năm. Các dòng sông băng đang tan chảy và suy giảm với tốc độ chưa từng thấy trong ít nhất 2.000 năm. Nồng độ khí CO2 trong bầu khí quyển đang ở mức cao nhất trong ít nhất 2 triệu năm. Mực nước biển tăng trung bình 0,2m trong thế kỷ qua, đặc biệt tốc độ nước biển dâng đã cao gấp đôi kể từ năm 2006. Các đợt sóng nhiệt cũng trở nên nóng hơn rất nhiều kể từ năm 1950, với thời gian kéo dài hơn trên toàn thế giới. Các hình thái thời tiết dễ dẫn đến cháy rừng cũng xuất hiện nhiều hơn tại nhiều nơi trên thế giới, tần suất xảy ra các đợt nóng nghiêm trọng trong lòng đại dương cũng tăng gấp đôi kể từ năm 1980.

Tuy nhiên, báo cáo mới của IPCC chỉ ra đây mới chỉ là sự bắt đầu. Kể cả khi các quốc gia bắt đầu cắt giảm mạnh khí thải ngay lập tức thì nhiệt độ Trái Đất vẫn sẽ ấm lên khoảng 1,5 độ C trong vòng 2 thập kỷ tới, một tương lai gần như chắc chắn.

Nếu Trái Đất ấm lên 1,5 độ C, trong thế kỷ này, nước biển sẽ dâng từ 30-61cm, nhấn chìm nhiều vùng duyên hải trong các trận lũ lụt. Gần 1 tỷ người trên thế giới sẽ phải sinh sống ở những nơi sẽ tiếp nhận ngày càng nhiều các đợt sóng nhiệt. Hàng trăm triệu người sẽ vật lộn vì thiếu nước. Một số loài động, thực vật sẽ biến mất…

Báo cáo được 195 chính phủ thông qua, dựa trên hơn 14.000 nghiên cứu và là bản đánh giá “khoa học vật lý” toàn điện nhất cho tới nay về biến đổi khí hậu. Báo cáo được kỳ vọng sẽ trở thành tâm điểm trong hội nghị khí hậu vào tháng 11 tới của LHQ COP26 tại Glasgow, Scotland (Anh).

4. Đông Nam Á nỗ lực tự chủ về vaccine

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine ngừa Covid-19, bên cạnh việc mua hoặc tranh thủ nguồn viện trợ từ bên ngoài, một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đang thúc đẩy nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước.

 

Thế giới tuần qua: Cần giải pháp toàn cầu cho những vấn đề chung

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang thăm và động viên tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax giai đoạn 3, ngày 10-6-2021. Ảnh: qdnd.vn 

Tại Việt Nam, ngoài việc chuyển giao công nghệ vaccine từ nước ngoài để sản xuất trong nước (vaccine ARCT-154 của Hoa Kỳ do Vingroup thực hiện); vaccine của Công ty Shionogi (Nhật) do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và VABIOTECH triển khai; vaccine Sputnik-V (Nga) do VABIOTECH và Công ty DS-Bio triển khai)…, chúng ta đang nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax do Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu, phát triển; vaccine COVIVAC do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế nghiên cứu, phát triển. Hai loại vaccine này đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2-3.  

Tại Thái Lan, 3 loại vaccine là Baiya SARS-CoV Vax 1, ChulaCov19 và NDV-HXP-S đang được nước này thử nghiệm và cho kết quả khả quan. Ngoài ra, Thái Lan cũng dự định cuối năm nay sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng 2 loại vaccine ngừa Covid-19 dạng xịt mũi mà nước này đang phát triển, sau khi các cuộc thử nghiệm ở chuột mang lại kết quả khả quan.  

Tại Indonesia, quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch với 3.804.943 ca (tính đến ngày 13-8), vaccine Merah Putih có thể hoàn tất thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay và bắt đầu sản xuất hàng loạt vào đầu năm 2022. Bên cạnh đó, kế hoạch thử nghiệm giai đoạn 2 loại vaccine nội địa thứ hai là Nusantara cũng đã được phê chuẩn.  

Bên cạnh giải pháp của từng nước, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 54 vừa diễn ra dưới hình thức trực tuyến, các nước Đông Nam Á đã đề cập tới việc thúc đẩy hợp tác khu vực để thực hiện mục tiêu bao phủ tiêm chủng đại trà.

5. Afghanistan lún sâu vào vòng xoáy bất ổn

Tình trạng bạo lực gia tăng đang đẩy Afghanistan lún sâu vào vòng xoáy bất ổn, gây nhiều thương vong cho dân thường, trong bối cảnh tiến trình đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban rơi vào bế tắc.

 

Thế giới tuần qua: Cần giải pháp toàn cầu cho những vấn đề chung

Người dân Afghanistan chạy khỏi các khu vực chiến sự ở tỉnh Kunduz và Takhar ngày 10-8-2021. Ảnh: AFP/TTXVN 

Taliban tuyên bố đã kiểm soát được hơn 80% lãnh thổ Afghanistan và mục tiêu của phong trào này là "biến Afghanistan trở lại thành tiểu vương quốc Hồi giáo" như giai đoạn 1996-2001. Đại diện thường trực của Afghanistan tại Liên hợp quốc Ghulam Isakzai cho biết kể từ giữa tháng 4, Taliban đã tổ chức hơn 5.500 cuộc tấn công tại 31/34 tỉnh của Afghanistan. Theo hãng tin AFP, hiện Taliban đã chiếm thủ phủ tỉnh Logar, chỉ cách thủ đô Kabul của Afghanistan 50km về phía Nam. Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết các tay súng Taliban có thể cô lập thủ đô Kabul của Afghanistan trong khoảng 30 ngày nữa. Nhiều nước như Mỹ, Anh, Đan Mạch, Ấn Độ, Đức, Pháp... đang gấp rút sơ tán công dân và nhân viên ngoại giao khỏi Afghanistan. 

Theo thống kê của Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA), số thương vong của dân thường 6 tháng đầu năm nay đã tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Số thương vong của dân thường trong tháng 5 và tháng 6 cao hơn 4 tháng đầu năm 2021 với 703 người thiệt mạng và 1.609 người bị thương. Afghanistan cũng đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, với hơn 18,4 triệu người (hơn 1/3 dân số) cần hỗ trợ, trong đó hàng chục nghìn người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Ngày 10-8, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Michelle Bachelet cho biết văn phòng của bà đã nhận được báo cáo về các tội ác chiến tranh có thể xảy ra. 

Mặc dù Taliban khẳng định sẵn sàng tham gia chính phủ chuyển tiếp và không có ý định lật đổ Tổng thống Ashraf Ghani, song trong bối cảnh hiện nay, giới chuyên gia có chung nhận định rằng chính phủ Kabul có thể bị lật đổ, Taliban có thể sớm trở lại nắm quyền ở nước này. Một mối lo ngại khác là sự trở lại của các phần tử khủng bố cực đoan IS, đe dọa an ninh không chỉ với Afghanistan, mà cả đối với các nước láng giềng.  

Theo THANH SƠN/QĐND