Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Các nước nghèo chật vật sở hữu vaccine phòng Covid-19

Th 7, 19/12/2020 | 17:58 CH

Chủ nghĩa dân tộc về vaccine phòng Covid-19 đang "lan truyền với tốc độ tối đa", đó là nhận định của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, trong bối cảnh nhiều nước, nhất là những nước nghèo vừa phải gồng mình ngăn chặn đại dịch Covid-19, vừa phải chật vật để sở hữu vaccine phòng ngừa căn bệnh này.

1. Sở hữu vaccine phòng Covid-19: Các nước nghèo đang bị bỏ lại phía sau

Liên minh Vaccine cho mọi người (People’s Vaccines Alliance) – một khuôn khổ hợp tác gồm nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế, vừa đưa ra cảnh báo có tới 90% người dân ở hàng chục quốc gia nghèo có thể không được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 do các nước giàu đang dự trữ một lượng vaccine lớn hơn nhiều so với nhu cầu.

 

Thế giới tuần qua: Các nước nghèo chật vật sở hữu vaccine phòng Covid-19

Ảnh minh họa: Reuters    

Theo liên minh này, mặc dù chỉ chiếm 14% dân số toàn cầu, các nước giàu hiện đã mua tới 53% tổng số vaccine tiềm năng nhất, đẩy hơn 70 quốc gia thu nhập thấp và trung bình đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Hơn nữa, các nước giàu được cho là đã mua phần lớn các loại vaccine có hiệu quả cao nhất do Moderna và Pfizer/BioNTech phát triển.

Bên cạnh đó, mặc dù hãng dược phẩm AstraZeneca cùng với Đại học Oxford đã cam kết cung cấp 64% lượng vaccine sản xuất được cho các nước đang phát triển, song con số này chỉ đáp ứng được khoảng 18% dân số thế giới trong năm tới. 

Tiến sỹ Mohga Kamal Yanni, trưởng nhóm chuyên gia y tế tại People’s Vaccines Alliance, cho biết hiện các nước giàu trên thế giới đã mua gom một lượng vaccine đủ để tiêm 3 lần cho người dân nước họ, trong khi tại các nước nghèo, vaccine còn chưa đủ cho cả những đối tượng cần ưu tiên như bác sỹ tuyến đầu hay người già yếu.

Vấn đề nghiêm trọng tới mức Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 9-12 đã thừa nhận rằng chủ nghĩa dân tộc về vaccine phòng COVID-19 đang "lan truyền với tốc độ tối đa". Còn Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật châu Phi (CDC Africa) John Nkengasong đã chua chát nói rằng 1,3 tỷ người dân châu Phi gần như chưa có gì trong tay, đồng thời gọi đây là một vấn đề liên quan đến "phạm trù đạo đức", do đó yêu cầu các nước phát triển khẩn trương phối hợp cũng như thể hiện tinh thần đoàn kết trên quy mô toàn cầu.

2. Chiến thắng khó đảo ngược của ông Joe Biden 

Chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 một lần nữa được củng cố vững chắc và khó có thể đảo ngược khi ngày 15-12, cử tri đoàn đã bỏ phiếu xác nhận ông vượt qua đương kim Tổng thống Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Đây là sự kiện có tính chất bước ngoặt bởi đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump không thừa nhận thất bại có các hành động pháp lý với cáo buộc có gian lận trong bỏ phiếu tại một số bang chiến địa.

 

Thế giới tuần qua: Các nước nghèo chật vật sở hữu vaccine phòng Covid-19

Ông Joe Biden phát biểu ở Wilmington sau khi cuộc bỏ phiếu của đại cử tri xác nhận ông giành chiến thắng. (Nguồn: Getty)

Theo kết quả các cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn, ông Joe Biden đã giành được chiến thắng với 306 phiếu đại cử tri tại 24 bang, trong đó có nhiều bang chiến địa quan trọng gây tranh cãi như Michigan, Pennsylvania, Georgia và Wisconsin, trong khi đó Tổng thống Trump giành được 232 phiếu đại cử tri. Kết quả này sẽ được gửi tới Quốc hội, nơi lưỡng viện sẽ nhóm họp vào ngày 6-1 tới để kiểm phiếu và công bố chính thức ai sẽ trở thành tổng thống mới của nước Mỹ.  

Bên cạnh đó, việc Tòa án Tối cao Mỹ trước đó đã bác bỏ vụ kiện do Tổng lý trưởng bang Texas dẫn đầu với sự tham gia của 17 tổng chưởng lý các bang và 126 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đòi hủy bỏ hàng triệu phiếu bầu ở 4 tiểu bang dao động Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, đồng nghĩa vụ việc đã kết thúc và ông Joe Biden cùng liên danh tranh cử Kamala Harris có thể “danh chính ngôn thuận” bước vào Nhà Trắng từ ngày 20-1-2021.

3. Những tác động lo ngại nhất do biến đổi khí hậu tại Đông Nam Á

Theo Báo cáo "Khảo sát Triển vọng Khí hậu Đông Nam Á 2020" của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) có trụ sở tại Singapore, lũ lụt, mất đa dạng sinh học và nước biển dâng đang là những mối lo ngại của người dân các nước Đông Nam Á.

 

Thế giới tuần qua: Các nước nghèo chật vật sở hữu vaccine phòng Covid-19

Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân khỏi vùng ngập lụt do bão Vamco tại Manila, Philippines. (Ảnh: THX/TTXVN)

Báo cáo công bố ngày 17-12, cho biết trong 3 tác động nghiêm trọng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu nói trên, lũ lụt là mối quan tâm lớn đối với hầu hết các quốc gia trong khu vực, ngoại trừ Campuchia và Singapore. Về mất đa dạng sinh học, các nước Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines và Việt Nam lo ngại hơn các nước ASEAN còn lại.

Trong khi đó, các nước lo ngại về tình trạng mực nước biển dâng ở nhiều mức khác nhau. Chỉ có 20% hoặc dưới 20% những người được hỏi ở các nước Campuchia, Myanmar và Lào (không giáp biển) bày tỏ lo ngại về vấn đề này. Trong khi đó, một tỷ lệ cao hơn những người được hỏi từ các quốc gia ven biển như Indonesia, Philippines, Singapore và Việt Nam cảm thấy điều này là nghiêm trọng.
Cũng theo báo cáo khảo sát, ngoài các tác động hàng đầu nói trên, người dân Đông Nam Á cũng đặc biệt lo ngại về tình trạng hạn hán, các đợt nắng nóng và sạt lở đất do mưa lớn kéo dài.  

Nhận xét về kết quả khảo sát, ông Choi Shing Kwok, Giám đốc ISEAS- Yusof Ishak, cho rằng cuộc khảo sát này cung cấp nhận thức của khu vực về tình trạng biến đổi khí hậu mà các nhà hoạch định chính sách cần biết và trên cơ sở đó có hành động phù hợp.  

4. Australia đưa tranh chấp thương mại với Trung Quốc ra WTO

Tranh chấp thương mại giữa Australia và Trung Quốc đã bị đẩy lên một nấc thang mới, khi ngày 16-12, Australia đã yêu cầu Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) điều tra các mức thuế mà Trung Quốc áp đặt đối với các sản phẩm lúa mạch của quốc gia châu Đại dương này. Australia hiện là nhà cung cấp lúa mạch lớn nhất cho Trung Quốc, xuất khẩu khoảng 1,5-2 tỷ AUD (800 triệu-1,3 tỷ USD) mỗi năm, chiếm hơn một nửa xuất khẩu của Australia.  

 

Thế giới tuần qua: Các nước nghèo chật vật sở hữu vaccine phòng Covid-19

Ảnh minh họa. Nguồn: ABC

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham tuyên bố mức thuế 80% mà Trung Quốc áp đặt đối với các sản phẩm lúa mạch nhập khẩu từ Australia là "thiếu cơ sở" và "không được củng cố bằng các sự thật và bằng chứng". Ông cho biết Australia đã "nhiều lần" bày tỏ quan ngại này với Trung Quốc song không đạt được giải pháp nào.

Phản ứng trước động thái trên của Australia, chiều 16-12, tại buổi họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, Australia nên nhìn nhận “nghiêm túc” đối với các vấn đề mà phía Trung Quốc quan tâm, đồng thời thay đổi cách đối xử kỳ thị với doanh nghiệp Trung Quốc.

Hồi tháng 5, Trung Quốc thông báo áp thuế nhập khẩu tổng cộng 80,5% đối với mặt hàng lúa mạch của Australia, gồm thuế chống bán phá giá 73,6% và thuế chống trợ giá 6,9%, áp dụng từ ngày 19-5 và có hiệu lực trong vòng 5 năm. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, việc áp thuế lên hàng hóa Australia là phù hợp với quy định quốc tế và pháp luật Trung Quốc, đồng thời là sự thể hiện trách nhiệm của các bộ ngành Trung Quốc đối với người tiêu dùng nước này. 

Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đã gia tăng căng thẳng trong năm nay. Ít nhất 13 ngành của Australia đã phải chịu thuế hoặc một số hình thức gián đoạn, gồm lúa mạch, thịt bò, than, đồng, bông, tôm hùm, đường, gỗ, du lịch, trường đại học, rượu, lúa mì và len. Ước tính xuất khẩu nông sản của Australia đã bị thiệt hại 3,5 tỷ AUD (2,45 tỷ USD) trong năm nay do căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang và tình trạng đóng cửa biên giới trên toàn cầu để ngăn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.

5. Anh và EU thu hẹp bất đồng trong đàm phán thỏa thuận hậu Brexit

Ngày 16-12, tại Brussels, đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được tiến bộ về nội dung giám sát cạnh tranh công bằng, một trong 3 vấn đề gây tranh cãi đang cản trở việc hai bên đạt được thỏa thuận hậu Brexit. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong các điều khoản về đánh bắt cá.  

 

Thế giới tuần qua: Các nước nghèo chật vật sở hữu vaccine phòng Covid-19

Ảnh minh họa: Reuters    

Từ London, Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu: “Vẫn còn cơ hội và hy vọng. Tôi, những người bạn và đối tác của chúng tôi đều cảm nhận được và sẽ ký được thỏa thuận”. Trong khi đó, bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, nước đang đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên EU, thừa nhận bước tích cực trong tiến trình đàm phán, nhưng cho rằng "chưa có đột phá”.  

Hiện cả EU và Anh đã nhất trí tiếp tục đàm phán cho đến khi hai bên có thể đạt được thỏa thuận, cho dù thời hạn chót đã trôi qua ngày 13-12 vừa qua. Trong dự thảo mới nhất đưa ra ngày 10-12, EU muốn hai bên tiếp tục vào đánh bắt cá trong vùng biển của nhau trong 12 tháng, bắt đầu từ ngày 1-1-2021 và duy trì dịch vụ đường không, đường bộ, vận chuyển hàng hóa trong vòng 6 tháng cũng từ thời hạn trên. Tuy nhiên, phía Anh đã không chấp nhận.

6. Tổng thống Nga Putin họp báo thường niên, đề cập nhiều vấn đề quốc tế

Vẫn giữ thông lệ như mọi năm, ngày 17-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành cuộc họp báo lớn thường niên năm 2020, trong đó đưa ra những quan điểm rõ ràng, thẳng thắn về nhiều  vấn đề quốc tế. 

 

Thế giới tuần qua: Các nước nghèo chật vật sở hữu vaccine phòng Covid-19

Ông Putin tổ chức cuộc họp báo thường niên lần thứ 16 theo hình thức trực tuyến. (Nguồn: AP)

Đề cập đến tình hình ở Donbass, miền Đông Ukraine và quan hệ với Kiev, Tổng thống Putin lưu ý rằng triển vọng quan hệ giữa LB Nga và Ukraine hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền Ukraine. 

Đề cập đến việc Mỹ cản trở hoàn thành tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2”, Tổng thống Putin khẳng định “Dòng chảy phương Bắc 2” rõ ràng có lợi cho kinh tế châu Âu nói chung và cho Đức nói riêng. Ông bày tỏ hy vọng Nga sẽ toàn tất lắp đặt tuyến đường ống, đồng thời chính quyền mới ở Mỹ sẽ tôn trọng các đối tác và quay trở lại cơ chế cạnh tranh công bằng.

Đề cập đến tình hình Belarus, Tổng thống Putin cho rằng cần để người dân Belarus tự giải quyết các vấn đề nội bộ, bởi can thiệp từ bên ngoài sẽ không đem đến điều gì tốt đẹp. Theo ông, cần kiên nhẫn và giúp tất cả các lực lượng chính trị không xung đột, mà đối thoại. 

Đề cập đến vấn đề Nagorny-Karabakh, Tổng thống Putin bày tỏ hy vọng tiếp theo lệnh ngừng bắn sẽ là việc bình thường hóa quan hệ trong khu vực. Về phần mình Nga sẵn sàng tiếp tục vai trò hòa giải.

Trả lời câu hỏi về khả năng cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”, Tổng thống Putin cho rằng “chính phương Tây mới không giữ lời”. Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tiến hành 2 đợt mở rộng về phía Đông. Mỹ, thành viên hàng đầu của NATO, cũng chính là nước rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và Hiệp ước Bầu trời mở. Theo ông Putin, ít nhất, Nga vẫn muốn gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START mới) thêm một năm và sau đó thương lượng tiếp.

Theo Thanh Sơn/QĐND