Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Bức tranh ảm đạm

CN, 21/02/2021 | 09:07 SA

Bức tranh toàn cảnh thế giới tuần qua vẫn là những gam màu ảm đạm bởi sự xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều lần so với chủng gốc; dịch bệnh Ebola tái bùng phát tại Tây Phi; khủng hoảng chính trị tại Myanmar….

1. Bầu không khí ảm đạm do đại dịch Covid-19 bao trùm nhiều nước

Bầu không khí ảm đạm do đại dịch Covid-19 đang bao trùm ở nhiều nước trên thế giới. Mặc dù số ca mắc Covid-19 ở một số điểm nóng đang có chiều hướng giảm nhưng sự xuất hiện của một loạt biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều lần so với chủng gốc, thậm chí một số biến thể chứa đột biến được cho có thể kháng các loại vaccine đang lưu hành, đã buộc một loạt quốc gia áp đặt lệnh hạn chế đi lại.  

 

Thế giới tuần qua: Bức tranh ảm đạm

 Ảnh minh họa: Thailandmedical   

Trong bối cảnh đó, cộng đồng người châu Á đón Tết Nguyên đán 2021 trong một không khí trầm lặng hơn, thay vào đó tinh thần chống dịch được nâng lên. “Đang ở đâu ăn Tết ở đó” là thông điệp xuất hiện ở Việt Nam, Trung Quốc… năm nay. "Xuân vận" - hoạt động "di cư" thường niên lớn nhất thế giới ở Trung Quốc dịp Tết Nguyên đán - có lượng hành khách di chuyển giảm đáng kể. Hàn Quốc đã quyết định duy trì các quy định giãn cách xã hội cho đến hết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Không chỉ khuyến khích người dân sử dụng các cuộc gọi video để giảm gặp mặt trực tiếp, Thái Lan yêu cầu cách ly 2 tuần đối với người nước ngoài tại các khách sạn được chỉ định, với mức giá 1.000 USD trở lên.

Trong khi đó, tại Mỹ, các trường đại học đã phải hủy bỏ kỳ nghỉ Xuân nhằm hạn chế sinh viên đi lại. Tổng thống Joe Biden, sau quyết định bắt buộc đeo khẩu trang tại một số địa điểm công cộng, đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại đối với hành khách đến từ hơn 20 nước châu Âu, Nam Phi và Brazil. Việc di chuyển đến các nước trong Liên minh châu Âu (EU) cũng bị hạn chế khi EU siết chặt quy định nhập cảnh đối với du khách ngoài khối.

Các chiến dịch tiêm chủng cũng đang được đẩy nhanh trên toàn cầu. Israel dẫn đầu thế giới về tỷ lệ người dân được tiêm vaccine với hơn 40% dân số, trong đó có khoảng 2,3 triệu người đã tiêm xong cả 2 mũi. Tuy nhiên, vấn đề cung cấp vaccine công bằng vẫn được xem là thách thức, trong bối cảnh các nước giàu ở Bắc bán cầu đang được nhận vaccine trước tiên trong khi các nước ở Nam bán cầu đang trong cảnh không có vaccine. Các nước giàu trên thế giới đang dự trữ lượng vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 nhiều hơn 1 tỷ liều so với nhu cầu thực tế. 

2. Khủng hoảng chính trị tại Myanmar vẫn diễn biến phức tạp

Quân đội Myanmar ngày 16-2 đã cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực, đồng thời phủ nhận việc tiến hành đảo chính, cũng như cáo buộc làn sóng biểu tình trong nước hiện nay có hành vi bạo lực.

 

Thế giới tuần qua: Bức tranh ảm đạm

Biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Mandalay, Myanmar vào ngày 16-2-2021. Ảnh: AP

Tại cuộc họp báo đầu tiên từ ngày 1-2 khi quyền lực nhà nước tại Myanmar được chuyển giao cho Hội đồng Hành chính Nhà nước do Tư lệnh Lực lượng vũ trang, Tướng Min Aung Hlaing làm Chủ tịch, người phát ngôn Hội đồng Hành chính Nhà nước cho biết quân đội sẽ không nắm quyền lâu và mục tiêu là tổ chức bầu cử để chuyển giao quyền lực cho bên chiến thắng. Trong thời gian đó, chính sách đối ngoại của Myanmar không thay đổi. Myanmar vẫn duy trì cởi mở với doanh nghiệp và tuân thủ các thỏa thuận quốc tế. Tuy nhiên, đến nay thời điểm tổ chức bầu cử vẫn chưa được công bố. 

 Trong khi đó, ngày 18-2, hàng nghìn người dân Myanmar đã tiếp tục đổ xuống đường biểu tình tại Yangon để phản đối cuộc đảo chính. Trên các nền tảng mạng xã hội, người biểu tình đã đưa ra nhiều lời kêu gọi về việc bày tỏ phản đối quân đội. Nhiều nước kêu gọi quân đội Myanmar bảo đảm tình hình an ninh. 

Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) ngày 1-2. Trước đó, quân đội Myanmar đã yêu cầu hoãn phiên họp đầu tiên của Quốc hội sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11-2020, trong đó NLD giành đa số ghế ở cả hai viện Quốc hội. Quân đội Myanmar cho rằng có nhiều gian lận trong cuộc bầu cử này, song Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar bác bỏ cáo buộc này.  

3. NATO và Mỹ xây dựng lại lòng tin   

Trong hai ngày 17 và 18-2, các bộ trưởng quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bắt đầu cuộc họp trực tuyến hai ngày thảo luận về các vấn đề an ninh quan trọng như sự thích ứng của liên minh thông qua sáng kiến NATO 2030, tiến tới chia sẻ gánh nặng công bằng hơn và tăng cường khả năng răn đe cũng như phòng thủ.

 

Thế giới tuần qua: Bức tranh ảm đạm

Toàn cảnh phiên họp các Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels, Bỉ ngày 18-2-2021. Ảnh: THX/TTXVN 

Phát biểu tại cuộc họp báo sau ngày làm việc đầu tiên, Tổng Thư ký (TTK) NATO Jens Stoltenberg cho biết đây là cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên của liên minh quân sự này với chính quyền mới của Mỹ. Ông đánh giá NATO có cơ hội để mở ra một chương mới trong quan hệ giữa châu Âu và Bắc Mỹ, đồng thời khẳng định NATO phải đối mặt với những thách thức toàn cầu mà không quốc gia và châu lục nào có thể tự mình giải quyết. Đây cũng là lý do TTK Stoltenberg đưa ra sáng kiến NATO 2030, với mục đích làm cho liên minh xuyên Đại Tây Dương này thích ứng phù hợp với tương lai. Một số đề xuất đầy tham vọng đã được đưa ra để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh với các lĩnh vực chính như tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ, hỗ trợ đồng minh phát huy năng lực và bảo đảm chia sẻ chi tiêu công bằng hơn.

TTK NATO cũng đề xuất thúc đẩy hợp tác xuyên Đại Tây dương về đổi mới quốc phòng, giữ vững lợi thế về công nghệ, đóng góp vào sự ổn định trong khu vực lân cận và chống lại chủ nghĩa khủng bố. Ông Stoltenberg nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác chính trị với các nước đối tác để bảo vệ trật tự dựa trên các quy định.  

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hứa hẹn rằng với sự thay đổi quyền lực trong Nhà Trắng, những ngày hành động đơn phương của Mỹ sẽ sớm kết thúc. Ông tái khẳng định thông điệp của Tổng thống Biden rằng Washington dự định khôi phục mối quan hệ với NATO và cam kết trong vấn đề phòng thủ tập thể theo Điều 5 Hiến chương NATO vẫn còn nguyên giá trị. Điều đó đồng nghĩa với việc Tổng thống Biden nhiều khả năng sẽ xem xét lại quyết định của chính quyền tiền nhiệm về việc rút quân Mỹ khỏi Đức, điều vốn khiến các nước châu Âu lo ngại rằng Washington sẽ "bỏ mặc" các đồng minh NATO.

Tại hội nghị lần này, NATO chưa đưa ra quyết định về việc rút khỏi Afghanistan. Về vấn đề Iraq, các Bộ trưởng quốc phòng đã đồng ý hỗ trợ một sứ mệnh huấn luyện của NATO nhằm tăng cường sức mạnh cho quân đội nước này nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của nhóm Nhà nước Hồi giáo. Các hoạt động đào tạo giờ đây sẽ bao gồm nhiều tổ chức an ninh Iraq hơn và các khu vực ngoài Baghdad.

4. Cuộc chiến truyền thông giữa Facebook - Australia

Ngày 17-2, Facebook thông báo sẽ hạn chế chia sẻ các nội dung tin tức ở Australia. Chỉ trong một đêm, Facebook đã xóa toàn bộ nguồn cung cấp dữ liệu của hàng chục trang thông tin truyền thông của Australia, động thái được xem là phản ứng với kế hoạch của Chính phủ Australia dự kiến thông qua dự luật buộc các nền tảng số phải trả phí cho những nội dung thông tin. Một số dịch vụ khẩn cấp của Australia ngày 18-2 thông báo bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau lệnh cấm của Facebook.

 

Thế giới tuần qua: Bức tranh ảm đạm

Facebook quyết định chặn mọi nội dung tin tức tại Australia. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, các trang chia sẻ nội dung về các dịch vụ về cứu hỏa, y tế và khí tượng của Australia cũng gặp khó khăn trên nền tảng Facebook. Đến chiều cùng ngày, Facebook đã khôi phục các trang dịch vụ của chính phủ, song vẫn còn các nhóm cộng đồng, doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng.  

Lý giải về động thái này, đại diện Facebook cho biết động thái này là nhằm phản đối việc Quốc hội Australia đang xem xét thông qua dự thảo Bộ quy tắc thương lượng truyền thông, trong đó yêu cầu Google và Facebook phải trả tiền cho các cơ quan báo chí Australia khi tin tức được chia sẻ trên các nền tảng công nghệ này. 

Australia đã có phản ứng mạnh trước việc làm trên của Facebook. Thủ tướng Morrison mô tả động thái của Facebook ngăn người dùng tại Australia truy cập và chia sẻ tin tức là một mối đe dọa và làm "leo thang cuộc chiến". Nhiều công ty, tổ chức từ thiện và nhà cung cấp thông tin tại Australia đã tỏ ra bất bình trước động thái của Facebook, đồng thời hối thúc mạng xã hội này khôi phục lại các trang của họ. 

Bộ trường Ngân khố Australia Josh Frydenberg đã chỉ trích rằng Facebook "sai lầm" và tuyên bố nước này sẽ không lùi bước trước Facebook.

Nhiều nước đã chỉ trích mạnh mẽ quyết định trên của Facebook tại Australia. Chủ tịch Hiệp hội truyền thông tin tức của Anh, ông Henry Faure Walker, cho rằng động thái của Facebook cho thấy tại sao các nước trên thế giới cần có những quy định mạnh mẽ để ngăn chặn những hành động như vậy của các "gã khổng lồ công nghệ". Ông Walker cho rằng việc Facebook đưa ra động thái trên trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là một ví dụ điển hình cho thấy một thế lực độc quyền muốn bảo vệ sự thống trị của mình mà không cần bận tâm tới người dân và khách hàng.

5. Dịch bệnh Ebola tái bùng phát tại Tây Phi  

Trong khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu, thì dịch bệnh Ebola dường như đã quay trở lại Tây Phi khi bùng phát những ổ dịch mới tại Guinea và CHDC Congo.

 

Thế giới tuần qua: Bức tranh ảm đạm

3 trường hợp tử vong do Ebola đã được ghi nhận tại Đông Nam Guinea. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại họp báo ngày 16-2 ở Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn WHO, bà Margaret Harris cho biết cơ quan y tế đã xác định gần 300 trường hợp tiếp xúc gần với các ca nhiễm Ebola tại CHDC Congo và 125 trường hợp tại Guinea. Theo thông tin cập nhật, Guinea đã ghi nhận 5 ca tử vong và Congo ghi nhận 3 ca trong đợt bùng phát mới này.

Hiện việc phân tích mẫu gene của virus phát hiện tại cả Congo và Guinea đang được tiến hành để hiểu rõ hơn nguồn gốc của các ổ dịch mới cũng như xác định chủng virus đang hoành hành hiện nay. Theo bà Harris, hiện chưa rõ đây là chủng Ebola đã tồn tại trên người hay đơn giản là chủng Ebola lây từ động vật. Một số nước khu vực như Sierra Leone, Mali và Cote d’ Ivoire đã áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới để ngăn chặn virus lây lan.

Theo số liệu thống kê, đợt dịch bệnh tồi tệ xuất hiện từ 2013-2016 đã giết chết hơn 11.300 người, chủ yếu ở 3 quốc gia gồm Guinea, Sierra Leone và Liberia. Trong đó, Guinea đã ghi nhận hơn 2.500 người chết trong đợt dịch bệnh này.

Theo Thanh Sơn/QĐND