Tin đọc nhiều

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Bất ổn đan xen

Th 2, 08/08/2022 | 14:02 CH

Tuần qua (1 - 7/8), bên cạnh đại dịch COVID-19, cộng đồng quốc tế tiếp tục phải đối mặt với những lo ngại do tác động của dịch bệnh đậu mùa khỉ; cùng với đó là những bất ổn xung quanh quan hệ Mỹ - Trung Quốc; căng thẳng chính trị tiếp tục leo thang tại Iraq hay Iran phản ứng với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ…

Mỹ tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế

Ống xét nghiệm chứa mẫu dương tính bệnh đậu mùa khỉ. (Ảnh: Reuters)

Ngày 5/8, Mỹ tuyên bố dịch đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, trong bối cảnh nước này ghi nhận hơn 6.600 người mắc.

Tuyên bố do Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Xavier Becerra đưa ra trong buổi họp báo cùng các quan chức y tế hàng đầu khác. Động thái này sẽ kích hoạt những khoản ngân sách mới, công tác hỗ trợ thu thập dữ liệu và cho phép triển khai nhân lực bổ sung cho cuộc chiến chống lại dịch bệnh đậu mùa khỉ.

"Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để phản ứng ở cấp độ tiếp theo trong nỗ lực giải quyết loại virus này. Chúng tôi kêu gọi người Mỹ cẩn trọng với bệnh đậu mùa khỉ và góp sức đối phó với mầm bệnh", ông Becerra cho biết.

Sau thông điệp liên bang này, thành phố New York và San Francisco, cùng hai bang California và Illinois - cũng tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp, cho phép giải phóng kinh phí và nguồn lực để ứng phó dịch bệnh. 

Đây là lần thứ 5 Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia kể từ năm 2001. Lần gần nhất là đối với COVID-19 khi bệnh này mới xuất hiện hơn hai năm trước. Thời điểm cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp quốc gia, số ca nhiễm là hơn 2.400, trong đó 50 người đã tử vong.

Trước đó, ngày 24/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kích hoạt mức cảnh báo cao nhất. Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của mối quan tâm quốc tế (USPPI), để tăng cường cuộc chiến chống lại bệnh đậu khỉ, còn được gọi là bệnh đậu mùa ở khỉ. Hiện tại, WHO nhấn mạnh rằng không có vaccine cho tất cả mọi người và do đó khuyến nghị ưu tiên những nhóm dân số có nguy cơ cao nhất, những người bị bệnh và những người chăm sóc họ, cũng như những người làm nghiên cứu.

Hơn 23.300 trường hợp được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo tại hơn 75 quốc gia. Với hơn 15.000 trường hợp, bao gồm hơn 2.000 ca trong 7 ngày qua, châu Âu có hơn 65% các trường hợp được báo cáo trên toàn thế giới. Tiếp theo là châu Mỹ (7.800 trường hợp), khu vực châu Phi (349 trường hợp), khu vực Tây Thái Bình Dương (65 trường hợp), Đông Địa Trung Hải (28 trường hợp) và Đông Nam Á (6 trường hợp).

Trung Quốc tuyên bố ngừng hợp tác với Mỹ trong một số lĩnh vực

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan (trái) và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì (phải) tại cuộc hội đàm ở Zurich (Thụy Sĩ), ngày 6/10/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 5/8 ra tuyên bố ngừng hợp tác với Mỹ trong một số lĩnh vực, trong đó có đối thoại quân sự cấp cao.

Theo tuyên bố, Bắc Kinh cũng sẽ ngừng các cuộc đàm phán về khí hậu với Mỹ cũng như hoạt động hợp tác trong vấn đề ngăn chặn tội phạm xuyên biên giới và hồi hương người di cư bất hợp pháp.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra thông báo trên sau chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan (Trung Quốc), bất chấp sự phản đối của Chính phủ Trung ương nước này.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước này cũng quyết định "áp đặt trừng phạt đối với bà Pelosi và gia đình bà," nhưng không nêu chi tiết về lệnh trừng phạt.

Bà Pelosi tới Đài Loan tối ngày 2/8, gặp nhà lãnh đạo Thái Anh Văn sáng ngày 3/8 rồi rời đi trong chiều cùng ngày. Chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã gây ra sóng gió mới cho quan hệ song phương Mỹ - Trung chỉ chưa đầy một tuần sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Phản ứng với chuyến đi của bà Pelosi, Bắc Kinh đã công bố 4 ngày diễn tập quân sự bắn đạn thật ở các vùng biển quanh Đài Loan nhằm ngăn chặn tàu và máy bay đi qua những vùng biển và không phận rộng lớn quanh đảo.

Đáp lại, trong tuyên bố sau khi rời Đài Loan, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nói rằng Trung Quốc có thể ngăn Đài Loan tham gia các diễn đàn toàn cầu, nhưng không thể ngăn các lãnh đạo thế giới đến đây.

Căng thẳng chính trị tiếp tục leo thang tại Iraq

 Người biểu tình ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Moqtada al-Sadr xông vào tòa nhà Quốc hội Iraq ở thủ đô Baghdad ngày 30/7/2022. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngày 3/8, Giáo sĩ Moqtada al-Sadr, lãnh đạo khối Shi’ite giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội Iraq hồi tháng 10/2021 đã yêu cầu giải tán cơ quan lập pháp và tổ chức bầu cử lại, đồng thời kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục biểu tình ngồi cho đến khi các yêu cầu được đáp ứng.

Trong một tuyên bố, Giáo sĩ al-Sadr kêu gọi cải cách, thực thi “tiến trình cách mạng”, giải tán Quốc hội và sớm tổ chức bầu cử lại.

Giáo sĩ al-Sadr là người nổi tiếng vì từng lãnh đạo các phong trào dân quân chống Mỹ có hàng triệu tín đồ trung thành. Những người ủng hộ ông đã biểu tình ngồi trước tòa nhà Quốc hội từ ngày 30/7, bác bỏ đề cử ông Mohammed Shia al-Sudani làm Thủ tướng của nước này.

Các cuộc biểu tình hiện nay là thách thức mới nhất đối với quốc gia giàu dầu mỏ, vốn vẫn đang chìm trong khủng hoảng chính trị và kinh tế - xã hội dù giá năng lượng toàn cầu tăng vọt. Trong cuộc bầu cử hồi tháng 10/2021, chính đảng của ông al-Sadr đã giành được nhiều ghế nhất, với 73/329 ghế tại Quốc hội Iraq. Căng thẳng tiếp diễn giữa các chính đảng Shi’ite trong thời gian qua đã khiến Iraq không thể thành lập Chính phủ mới, do Quốc hội không thể bầu Tổng thống mới với đa số 2/3 số phiếu cần thiết theo Hiến pháp. Toàn bộ các nghị sĩ thuộc đảng của ông al-Sadr đã rút khỏi Quốc hội.

Nếu được bầu, Tổng thống mới sẽ chỉ định Thủ tướng được liên minh lớn nhất trong Quốc hội đề cử để thành lập một Chính phủ mới trong nhiệm kỳ 4 năm tới.

Iran phản ứng với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ

 Một cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark, ngoài khơi Vùng Vịnh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 2/8, chính quyền Iran đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt Mỹ mới đưa ra nhằm vào 6 công ty dầu mỏ, đồng thời tuyên bố sẽ có động thái đáp trả.

Trong thông báo đưa ra cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani nêu rõ chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã “không ngăn chặn hành động vô ích và mang tính hủy diệt này vào thời điểm các bên nỗ lực nối lại đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran”.

Thông báo của Bộ trên cho biết Tehran sẽ “có phản ứng mạnh mẽ và ngay lập tức” đối với động thái trên của Mỹ và sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để hạn chế những tác động đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước này.

Một ngày trước đó, Chính phủ Mỹ đã đưa vào “danh sách đen” 6 công ty bị cáo buộc hỗ trợ Iran tránh các biện pháp cấm vận để xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ sang châu Á. Những công ty này gồm 3 công ty có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), 1 công ty ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và số còn lại ở Singapore.

Các biện pháp trừng phạt của Washington bao gồm đóng băng tài sản tại Mỹ của các công ty trên, đồng thời cấm người Mỹ giao dịch với họ. 

Các bên nối lại đàm phán hạt nhân Iran tại Vienna (Áo)

Ông Ali Bagheri Kani, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran. (Ảnh: Xinhua) 

Ngày 4/8, các nhà đàm phán đã khởi động vòng thương lượng thứ 8 tại khách sạn hạng sang Palais Coburg ở thủ đô Vienna (Áo) nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân hạt nhân Iran có tên gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015.

Đây là cuộc gặp đầu tiên kể từ tháng 3 vừa qua. Cuối tháng 6, Qatar đã tổ chức cuộc đàm phán gián tiếp giữa Tehran và Washington với hy vọng đưa tiến trình đàm phán trở lại đúng đường, song nỗ lực này vẫn chưa giúp đem lại bước đột phá.

Tháng 7 vừa qua, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell đã trình một dự thảo thỏa thuận và kêu gọi các bên chấp nhận văn kiện này nhằm tránh "cuộc khủng hoảng hạt nhân nguy hiểm".

Ông Borrell cho biết văn bản này bao gồm "các thỏa thuận mà các bên đã rất khó mới đạt được" và "nêu một cách chi tiết việc dỡ bỏ trừng phạt cũng như các bước đi hạt nhân cần thiết để khôi phục thỏa thuận năm 2015".

Sau tiến trình đàm phán dài hơi, vào tháng 7/2015, Iran và nhóm P5+1 (gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đã ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử hay còn được biết đến với gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện. Theo tinh thần của bản thỏa thuận, Iran đồng ý hạn chế các hoạt động phát triển hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây. Tuy nhiên, vào năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút thỏa thuận và tái áp đặt biện pháp trừng phạt hà khắc nhằm vào Tehran, khiến nước này từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận.

Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA đã được khởi động từ tháng 4/2021 tại thủ đô Vienna của Áo song bị đình trệ từ tháng 3/2022 do những khác biệt chưa thể thu hẹp giữa Iran và Mỹ.

OPEC có Tổng Thư ký mới

Ông Haitham Al-Ghais vừa trở thành Tổng Thư ký mới của OPEC . (Ảnh: premiumtimesng.com) 

Ngày 1/8, ông Haitham Al-Ghais, một cựu cố vấn dầu mỏ kỳ cựu của Kuwait, đã chính thức trở thành Tổng Thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), thay cho người tiền nhiệm Mohammad Barkindo, qua đời vào đầu tháng 7 và chỉ vài tuần trước khi nhiệm kỳ 6 năm của ông kết thúc.

Ông Al-Ghais đã được chỉ định giữ chức Tổng Thư ký OPEC trong một cuộc họp đặc biệt của OPEC diễn ra ngày 3/1. Dự kiến nhiệm kỳ của ông sẽ kéo dài trong 3 năm.

Trong lời phát biểu khi được bổ nhiệm, ông Al-Ghais bày tỏ: “Thật vinh dự cho tôi khi được lãnh đạo một tổ chức đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nguồn cung dầu ổn định và bền vững cho thế giới trong hơn 61 năm… Trong suốt lịch sử của mình, OPEC luôn đi đầu trong việc thúc đẩy đối thoại, hợp tác và đối tác để đạt được sứ mệnh của mình. Hôm nay, tôi mong muốn được hợp tác với tất cả các quốc gia thành viên và nhiều đối tác của chúng tôi trên khắp thế giới để đảm bảo một tương lai năng lượng bền vững và toàn diện, không bỏ lại ai phía sau”.

Tuyên bố của OPEC ca ngợi ông Al-Ghais là một nhà lãnh đạo đáng kính trong lĩnh vực dầu mỏ và là nhân vật nổi tiếng của OPEC, hội tụ nhiều kinh nghiệm từ ngoại giao cho đến lĩnh vực năng lượng và dầu mỏ của Kuwait – thành viên sáng lập OPEC  và cộng đồng quốc tế./.

PV (tổng hợp)/dangcongsan.vn