Tin đọc nhiều

Xem với cỡ chữ Tương phản

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát của HĐND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đối với hoạt động tư pháp

Th 3, 28/06/2022 | 13:56 CH

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm thực hiện chức năng giám sát hoạt động tư pháp; phối hợp với chính quyền đôn đốc, xử lý dứt điểm nhiều vụ, việc phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đối với hoạt động tư pháp trong thời gian qua có lúc chất lượng, hiệu quả chưa cao. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp chưa chủ động tổ chức giám sát hoạt động tư pháp, chủ yếu tham gia phối hợp với các cơ quan khác trong thực hiện hoạt động giám sát.

Do vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đối với hoạt động tư pháp.

Chỉ thị yêu cầu các ban cán sự đảng, đảng đoàn; các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; ban thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

(1) Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác giám sát hoạt động tư pháp để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giám sát hoạt động tư pháp.

(2) Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; các chủ trương, nghị quyết, quy định của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác tư pháp, giám sát hoạt động tư pháp. Thực hiện tốt công tác này là góp phần xây dựng bộ máy chính quyền, các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

(3) Phối hợp nghiên cứu, tích hợp hệ thống các chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tư pháp thành hệ thống các tài liệu chuyên đề về công tác giám sát hoạt động tư pháp cho từng thành phần, đối tượng; trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của chủ thể giám sát, nội dung, hình thức, quy trình, thủ tục tiến hành giám sát; trách nhiệm của đơn vị chịu sự giám sát,… để các tổ chức, cá nhân liên quan có cơ sở thực hiện khi tiến hành hoạt động giám sát.

(4) Các cấp ủy đảng, các ban cán sự đảng, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân, Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh cần:

(4.1) Quan tâm chỉ đạo xây dựng nội dung giám sát hoạt động tư pháp, trọng tâm là nội dung giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp về việc ban hành, thực hiện quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp, gắn với việc xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát hằng năm của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ; kết hợp giữa giám sát chuyên đề, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp với giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp; lựa chọn nội dung, vấn đề, hình thức cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình nhiệm vụ tại địa phương, nhằm đưa công tác giám sát hoạt động tư pháp thực sự trở thành một nội dung thường xuyên trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp chủ trì và tham gia giám sát theo chức năng, nhiệm vụ. Qua đó, đánh giá đúng chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp nhằm tuyên truyền, nhân rộng mô hình mới, cách làm hay; khắc phục những hạn chế, yếu kém, rút kinh nghiệm hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý vi phạm, bảo đảm sau giám sát có chuyển biến tích cực trong hoạt động tư pháp.

(4.2) Nâng cao trách nhiệm của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, xem xét trách nhiệm cụ thể đối với trường hợp không thực hiện hoặc thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, khiếu nại, tố cáo của công dân.

(4.3) Tăng cường công tác tuyên truyền để đoàn viên, hội viên hiểu rõ chức năng và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát, nhất là giám sát hoạt động tư pháp thông qua hiệu quả của các hoạt động giám sát cụ thể. Nghiên cứu xây dựng giải pháp để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở nắm được các vụ việc, vụ án xảy ra tại địa phương, chủ động gặp gỡ để quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là những người bị hại, người yếu thế trong xã hội; theo dõi việc giải quyết của các cơ quan tư pháp đối với đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, đoàn viên, hội viên để tổ chức giám sát việc giải quyết của các cơ quan tư pháp khi cần thiết.

(4.4) Chỉ đạo Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm đề nghị cơ quan có thẩm quyền thuyên chuyển, điều động cán bộ, công chức là người có năng lực, kiến thức, trình độ pháp luật, nhất là từ các cơ quan tư pháp để bổ sung các bộ phận có chức năng tham mưu, thực hiện giám sát hoạt động tư pháp như: Các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Dân chủ Pháp luật cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh,… Xây dựng kế hoạch thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật; tập huấn chuyên sâu về kỹ năng thực hiện nhiệm vụ giám sát nói chung và giám sát hoạt động tư pháp nói riêng cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác kiểm tra, giám sát, nhất là coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng qua thực tiễn công tác. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc khối Nội chính trong giám sát hoạt động tư pháp.

Trong quá trình giám sát, chủ động phát hiện những vấn đề còn bất cập để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống các đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về giám sát hoạt động tư pháp; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong hoạt động tư pháp.

B NAM