TIN NỔI BẬT

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Ẩn họa khó lường

CN, 08/09/2019 | 11:04 SA

Các cuộc thương lượng bất thành đang đẩy nhiều vấn đề đi vào ngõ cụt. Trong khi đó, những ẩn họa về an ninh, bất ổn chính trị ngày càng lớn, đòi hỏi thiện chí của các bên với những giải pháp kịp thời, tránh khủng hoảng leo thang vượt ngoài tầm kiểm soát.

1. Iran tuyên bố dỡ bỏ mọi hạn chế về nghiên cứu và phát triển hạt nhân

Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố từ ngày 6-9 nước này sẽ mở rộng nghiên cứu và phát triển hạt nhân. Đây là bước đi thứ ba của Iran thu hẹp các cam kết hạt nhân của Tehran trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Nhóm P5+1.

 

Thế giới tuần qua: Ẩn họa khó lường

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Tổng thống Iran Rouhani. Ảnh: Daily Star

Theo đó, Tổng thống Rouhani đã chỉ thị Tổ chức năng lượng nguyên tử của Iran khởi động ngay lập tức việc nghiên cứu và phát triển, đồng thời từ bỏ tất cả các cam kết về nghiên cứu và phát triển trong thỏa thuận hạt nhân. Ông nêu rõ bước đi tiếp theo của Iran sẽ là nghiên cứu và phát triển các máy ly tâm nhằm đẩy nhanh làm giàu urani. 

Hồi tháng 7, Iran đã bỏ qua hai cam kết hạt nhân trong thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), theo đó, tăng giới hạn làm giàu urani vượt mức 3,67% và lượng urani làm giàu cấp độ thấp vượt ngưỡng 300 kg.

Về phía Mỹ, trong khi để ngỏ khả năng gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani, chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục bổ sung danh sách trừng phạt các cá nhân và tổ chức liên quan tới Tehran. Ngày 4-9, Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào mạng lưới các công ty, tàu biển và cá nhân mà Washington cho là do Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) điều hành để cung cấp cho Syria lượng dầu mỏ trị giá hàng triệu USD. Theo lệnh trừng phạt, mọi tài sản tại Mỹ của các thực thể trong danh sách đều bị phong tỏa và mọi công dân hay công ty Mỹ bị cấm làm ăn với các thực thể này.

2. Đối đầu thương mại Mỹ, Trung Quốc tiếp tục leo thang  

Mặc dù đã phát đi tín hiệu nối lại đàm phán nhưng Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục áp thuế bổ sung đối với hàng hóa của nhau từ ngày 1-9.

Theo đó, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu áp thế 15% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tổng trị giá 125 tỷ USD, gồm loa thông minh, tai nghe hồng ngoại Bluetooth và nhiều loại giày dép. Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh bắt đầu áp các mức thuế bổ sung 5% và 10% đối với 1.717 mặt hàng của Mỹ. Trung Quốc cũng áp thuế 5% đối với dầu thô của Mỹ. Đây là lần đầu tiên mặt hàng dầu của Mỹ trở thành mục tiêu bị áp thuế kể từ khi xảy ra tranh cãi thương mại giữa hai nước hơn một năm trước đây.

Thế giới tuần qua: Ẩn họa khó lường

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều dấu hiệu suy thoái. Ảnh: Reuters

 

Tháng trước, Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ tăng thêm 5% đối với các mức thuế hiện tại và các mức thuế dự kiến áp với 550 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh thông báo các mức thuế đáp trả đối với hàng hóa Mỹ. Theo dự kiến, mức thuế 15% đối với các mặt hàng còn lại của Trung Quốc như điện thoại di động, máy tính xách tay, đồ chơi và quần áo sẽ có hiệu lực từ ngày 15-12. Về phía Trung Quốc, từ ngày 15-12 Bắc Kinh cũng sẽ áp thuế bổ sung với những mặt hàng còn lại trong danh sách hàng hóa của Mỹ tổng trị giá 75 tỷ USD.

Đây được xem là “cơn bão” thuế quan mới giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới kể từ sau đợt “đình chiến thương mại” hồi cuối tháng 6. Các chuyên gia nhận định mức độ gay gắt và trực diện của đợt áp thuế lần này có thể tiếp tục châm ngòi cho những biện pháp “ăn miếng trả miếng” quyết liệt hơn nữa, khiến xung đột thương mại dai dẳng suốt một năm qua giữa hai nước càng đi vào ngõ hẹp.

3. Brexit vẫn trong vòng bế tắc

Tiến trình Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) – Brexit, vốn đã được gia hạn 2 lần nhưng vẫn tiếp tục bế tắc bởi quan điểm không nhượng bộ từ cả hai phía, đồng thời khiến nội bộ nước Anh bị chia rẽ sâu sắc giữa “Ở lại” và “Ra đi”; “Ra đi” có thỏa thuận và “Ra đi” không thỏa thuận. 

Thế giới tuần qua: Ẩn họa khó lường

Thủ tướng Anh. Ảnh: Financial Times

 

Ngày 5-9, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố ông "thà chết" còn hơn phải trì hoãn kế hoạch đưa Anh rời EU dự kiến vào ngày 31-10 tới. Ông Johnson đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Hạ viện Anh vừa thông qua một dự luật có thể ngăn cản ông đưa Anh rời EU dù không đạt được thỏa thuận với Brussels, tiếp đó bác bỏ đề xuất của ông về việc tiến hành bầu cử trước thời hạn đề giải quyết bế tắc chính trị.     

Động thái của hạ viện được xem là nỗ lực nhằm ngăn chặn Brexit không thỏa thuận, bởi từ khi nhậm chức Thủ tướng Anh 6 tuần trước, ông Boris Johnson đã nhiều lần tuyên bố kiên quyết đưa nước Anh ra khỏi EU vào ngày 31-10-2019 dù có thỏa thuận hay không. Thủ tướng Johnson gọi dự luật này là “dự luật đầu hàng” khi đã “trói tay” ông, trao cho EU nhiều lợi thế trong đàm phán thỏa thuận Brexit. Ông Johnson đã đe dọa sẽ trục xuất ra khỏi đảng tất cả các nghị sỹ Bảo thủ “nổi loạn” bỏ phiếu ủng hộ đề nghị của phe đối lập.

Về phía EU, tổ chức này đã nhiều lần khẳng định sẽ không đàm phán lại thỏa thuận đã đạt được với cựu Thủ tướng Anh Theresa May hồi tháng 11-2018. EU cũng thừa nhận khả năng cao về việc London ra đi vào ngày 31-10 tới mà không có thỏa thuận nào.

4. Mỹ và ASEAN tiến hành tập trận chung

Ngày 2-9, cuộc tập trận chung trên biển đầu tiên giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (AUMX)  đã khai mạc tại căn cứ hải quân Sattahip, Thái Lan.

Thế giới tuần qua: Ẩn họa khó lường

Quang cảnh buổi lễ khai mạc. Ảnh: TTXVN

 

Cuộc tập trận này diễn ra trong 5 ngày tại khu vực biển Vịnh Thái Lan và ngoài khơi mũi Cà Mau, Việt Nam, với chủ đề “Tăng cường hiểu biết lẫn nhau và năng lực tác chiến hàng hải hỗn hợp” nhằm thúc đẩy an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải hàng không và các hoạt động thương mại không bị ngăn trở theo các nguyên tắc được quốc tế công nhận.

Tất cả các nước thành viên ASEAN đều cử lực lượng tham gia. Phía Mỹ cử liên đội tàu khu trục 7 thuộc Hạm đội 7 tham gia diễn tập, trong đó nổi bật nhất là tàu tuần duyên USS Montgomery, được hạ thuỷ vào năm 2016 và là một trong những tàu tuần duyên hiện đại nhất của hải quân Mỹ.

Các quan chức hải quân kỳ vọng cuộc tập trận sẽ giúp tăng cường hợp tác hàng hải giữa Mỹ và ASEAN, trong đó có trao đổi thông tin nhằm bảo vệ khu vực Đông Nam Á tránh khỏi các mối đe dọa trên biển. Tập trận hàng hải đầu tiên giữa ASEAN và Mỹ diễn ra khoảng một năm sau khi các nước thành viên ASEAN lần đầu tiến hành tập trận trên biển với Trung Quốc.

5. Afghanistan tiến gần tới thỏa thận hòa bình

Mỹ và Taliban đang tiến gần tới một thỏa thuận, qua đó giảm tình trạng bạo lực và mở đường cho người Afghanistan tổ chức hòa đàm với nhau. Thông tin này được đưa ra sau vòng đàm phán thứ 9 giữa Đặc phái viên Khalilzad và đại diện Taliban tại thủ đô Doha của Qatar diễn ra từ ngày 22 đên 31-8 nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 18 năm qua tại Afghanistan.

Thế giới tuần qua: Ẩn họa khó lường

Lực lượng Taliban tại tỉnh Nangarhar, Afghanistan năm 2018. Ảnh: Reuters

 

Theo một dự thảo thỏa thuận, Mỹ có kế hoạch rút 5.000 binh sĩ khỏi Afghanistan và đóng cửa 5 căn cứ quân sự trong vòng 135 ngày. Đổi lại việc Mỹ rút quân, Taliban sẽ cam kết không cho phép các tổ chức khủng bố như mạng lưới quốc tế al-Qaeda hoặc tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng lợi dụng Afghanistan làm "bàn đạp" để tiến hành các vụ tấn công vào Mỹ và những nước đồng minh.

Mỹ và lực lượng Taliban đã tiến hành các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hòa bình gồm 4 vấn đề chính: Taliban đảm bảo sẽ không để cho các nhóm khủng bố và thánh chiến sử dụng Afghanistan làm nơi ẩn náu để tiến hành các vụ tấn công; các lực lượng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan; đối thoại giữa các bên tại Afghanistan và thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn. Theo giới phân tích, hiện hai bên vẫn đang gặp vướng mắc trong việc giải quyết một số vấn đề trong đó có chia sẻ quyền lực và tương lai của chính quyền hiện nay tại Afghanistan.

Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Afghanistan Zalmay Khalilzad cho biết, mục tiêu của dự thảo thỏa thuận trên là giảm bạo lực, hướng tới chấm dứt cuộc chiến đẫm máu tại Afghanistan, song chưa có thỏa thuận ngừng bắn chính thức. Ông Khalilzad cho biết điều này tùy thuộc vào các cuộc đàm phán giữa các phe phái Afghanistan, nhiều khả năng sẽ diễn ra tại Na Uy. Cho đến nay, Taliban vẫn từ chối đối thoại trực tiếp với chính quyền trung ương Kabul. Trong bối cảnh đó, các cuộc tấn công bạo lực vẫn diễn ra tại Afghanistan khiến nhiều dân thường bị thiệt mạng.

Theo QĐND