TIN NỔI BẬT

Xem với cỡ chữ Tương phản

Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Quảng Ngãi

Th 3, 28/05/2019 | 08:51 SA

Nhằm thông tin, tuyên truyền nhân kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Quảng Ngãi, ngày 27/5/2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Quảng Ngãi (01/7/1989-01/7/2019), Cổng TTĐT xin trân trọng giới thiệu toàn văn Đề cương.

Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Quảng Ngãi

(01/7/1989 - 01/7/2019)

-----

I. KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Quảng Ngãi xưa vốn là Cổ Lũy động, đến thời Hồ Hán Thương, năm 1402, Cổ Lũy động chia thành châu Tư và châu Nghĩa trực thuộc Thăng Hoa nước Đại Ngu. Năm Hồng Đức thứ hai (1471), vua Lê Thánh Tông thu phục và hợp nhất hai châu thành phủ Tư Nghĩa.

Năm Nhâm Dần (1602) đời Lê Kính Tông, Nguyễn Hoàng đổi phủ Tư Nghĩa thành phủ Quảng Nghĩa. Năm 1776, nhà Tây Sơn đổi thành phủ Hòa Nghĩa. Năm 1805, vua Gia Long đổi phủ Hòa Nghĩa thành phủ Tư Nghĩa, đồng thời đặt ra dinh Quảng Nghĩa, đến năm 1808 lại đổi thành trấn Quảng Nghĩa. Năm 1832, vua Minh Mệnh đổi trấn thành tỉnh Quảng Nghĩa. Trong thời thuộc Pháp, tỉnh có tên gọi là Quảng Ngãi. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến trước ngày bầu cử Quốc hội khóa I (06/01/1946), tỉnh có tên gọi Lê Trung Đình, sau đó trở lại tên tỉnh Quảng Ngãi. Đến cuối năm 1975, tỉnh Quảng Ngãi hợp nhất với tỉnh Bình Định, lấy tên là tỉnh Nghĩa Bình.

Ngày 30/6/1989, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII ra Nghị quyết chia tỉnh Nghĩa Bình để tái lập tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Như vậy, sau 14 năm hợp nhất, tỉnh Quảng Ngãi chính thức tái lập từ ngày 01/7/1989. Việc hợp nhất Quảng Ngãi với Bình Định cũng như việc tái lập tỉnh cũ là do yêu cầu khách quan của lịch sử và là chủ trương chung của Đảng, Chính phủ trong phạm vi toàn quốc.

Thời điểm tái lập, Quảng Ngãi có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm  Thị xã Quảng Ngãi và các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long và Ba Tơ, với tổng số 164 xã, phường, thị trấn. Diện tích tự nhiên 5.155,78 km². Chiều dài của tỉnh theo hướng Bắc – Nam khoảng 100km, chiều rộng theo hướng Đông – Tây khoảng hơn 60km. Bờ biển Quảng Ngãi dài gần 130km. Năm 1989, dân số tỉnh Quảng Ngãi có 1.041.900 người, gồm các dân tộc Kinh, Hre, Cor, Cadong.

Sau 30 năm tái lập, tỉnh Quảng Ngãi có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có 01 thành phố, 06 huyện đồng bằng, 06 huyện miền núi và 01 huyện đảo. Có 03 đơn vị hành chính được thành lập mới là: Lý Sơn, Sơn Tây và Tây Trà. Toàn tỉnh hiện có 184 xã, phường, thị trấn. Dân số tỉnh Quảng Ngãi năm 2018 là 1.272.800 người.

Tỉnh Quảng Ngãi sau khi tái lập có những thuận lợi cơ bản. Chủ trương tái lập tỉnh phù hợp với nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh; khắc phục đáng kể tình trạng khó khăn trong quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền do địa bàn quá rộng trong thời kỳ tỉnh Nghĩa Bình; tạo sự hồ hởi, phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo điều kiện phát huy những tiềm năng, thế mạnh để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

          Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, thử thách. Khi mới tái lập, Quảng Ngãi là tỉnh thuần nông, là một trong những tỉnh nghèo của cả nước, đất sản xuất phần lớn bạc màu, địa hình phức tạp, đồi núi hiểm trở, thiên tai thường xuyên xảy ra; cơ sở hạ tầng thấp kém, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu; diện tích, năng suất và sản lượng nông, lâm nghiệp thấp và chưa ổn định. Công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp nhỏ lẻ. Nguồn ngân sách tài chính của tỉnh hạn hẹp và mất cân đối, việc đầu tư phát triển còn hạn chế; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trụ sở làm việc, nhà ở cho cán bộ, công nhân viên hết sức thiếu thốn, tạm bợ; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật thiếu hụt... Bên cạnh đó, trên phạm vi cả nước, cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra gay gắt, sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Trong khi đó, lợi dụng sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Liên Xô và Đông Âu, các thế lực thù địch trong và ngoài nước tăng cường chống phá cách mạng nước ta, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập… Những khó khăn nêu trên đã tác động nhiều chiều, phức tạp, ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, đầu tư khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế, đưa tỉnh nhà liên tục phát triển.

Sau 30 năm tái lập, tỉnh Quảng Ngãi đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, tiềm lực kinh tế - xã hội được tăng cường, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Trải qua các kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh đề ra nhiều chủ trương, giải pháp toàn diện, trong đó, có những chủ trương mang tính đột phá, mở đường cho kinh tế - xã hội phát triển, đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh nghèo, thuần nông với cơ cấu nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng 55,68%, công nghiệp - xây dựng chiếm 16,52% và dịch vụ chiếm 27,8%, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, thu nhập bình quân đầu người thấp,… trở thành tỉnh cơ bản thoát ra khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển, GRDP bình quân đầu người tỉnh Quảng Ngãi năm 2019 ước đạt 2.710 USD; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa: công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng 53,44%; dịch vụ 30,34%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 16,22%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.

          II. NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT CỦA TỈNH QUẢNG NGÃI SAU 30 NĂM TÁI LẬP

1. Kinh tế tăng trưởng nhanh và chuyển dịch đúng hướng

a. Kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ

Sau 30 năm tái lập, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Quy mô và cơ cấu kinh tế có sự thay đổi lớn. Tăng trưởng kinh tế liên tục giữ mức cao, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn năm 2019 ước đạt 54.906 tỷ đồng, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 8.905 tỷ đồng, khu vực công nghiệp – xây dựng đạt 29.339 tỷ đồng, khu vực dịch vụ đạt 16.661 tỷ đồng.

So với năm 1989, GRDP tăng gấp 19,5 lần, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản gấp 5,02 lần, công nghiệp - xây dựng gấp 132,85 lần, dịch vụ tăng gấp hơn 21,97 lần. Tăng trưởng GRDP bình quân 10,49%/năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 17,7%/năm; dịch vụ tăng 10,85%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,53%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1989 ước đạt 601 tỷ đồng, đến năm 2019, ước đạt 124.870 tỷ đồng, gấp gần 207 lần so với năm đầu tái lập tỉnh; tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,5%/năm.

Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các thời kỳ, đạt nhiều kết quả vượt bậc, nhất là từ khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động. Năm 1989, thu ngân sách chỉ đạt 16,3 tỷ đồng, chủ yếu từ các doanh nghiệp quốc doanh và thuế sử dụng đất nông nghiệp, đến năm 2019, thu ngân sách ước đạt 20.000 tỷ đồng, gấp 1.227 lần so với năm 1989.

Thu nhập bình quân đầu người tăng rõ rệt qua các năm, từ mức 909 ngàn đồng/tháng/người năm 2010, tăng lên 2,8 triệu đồng/tháng/người năm 2018.

Hiện tại, tỉnh Quảng Ngãi là địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, giao thông tương đối thuận lợi với hệ thống đường sắt, đường cao tốc, quốc lộ 1A, sân bay, cảng biển… có thể kết nối với các tỉnh trong khu vực, cả nước và thế giới.

b) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

          Nhận thức được vai trò quan trọng của đầu tư phát triển, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khơi dậy, phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để huy động vốn cho đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

          Với xuất phát điểm thấp về kết cấu hạ tầng lúc mới được tái lập, đến nay, Quảng Ngãi đã có bước phát triển vượt bậc về kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện,... Nhiều công trình giao thông quan trọng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Mở rộng quốc lộ 1A; Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh; đường Mỹ Trà - Mỹ Khê, đường bờ Nam sông Trà Khúc; Cầu Trà Khúc 2; Cầu Thạch Bích; Cầu Trà Bồng, Cảng Bến Đình; chợ Trung tâm thành phố Quảng Ngãi; Dự án điện cáp ngầm cho huyện Lý Sơn;… Tỉnh bố trí vốn ngân sách và huy động nhân dân đóng góp đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn đạt kết quả cao. Đến nay, tất cả các xã đều có đường giao thông đến trung tâm xã. Toàn tỉnh hiện có 717 công trình thủy lợi, gồm 122 hồ chứa nước, 459 đập dâng, 6 đập ngăn mặn và 130 trạm bơm phục vụ sản xuất. Trong đó, có nhiều công trình thủy lợi kết hợp thủy điện quan trong như Thạch Nham, Nước Trong, Đakđrinh, Núi Ngang… Hệ thống lưới điện nông thôn phát triển mạnh. Kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư xây dựng, nâng cấp...

          Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (theo giá hiện hành) qua các năm luôn đạt mức cao như sau: Năm 2005 đạt tỷ lệ 90,55% (giai đoạn đầu tư Nhà máy lọc dầu Dung Quất với tổng mức đầu tư 3,0 tỷ USD); năm 2010 đạt 52,88%; năm 2015 đạt 25,63%; năm 2016 đạt 29,25%; năm 2017 đạt 33,62%; năm 2018 ước đạt 40,20%. Như vậy, vốn đầu tư luôn chiếm tỷ lệ cao so với GRDP, nhất là trong những năm tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, trong đó tập trung hoàn thành vượt tiến độ Dự án cầu Cửa Đại. Đồng thời, tập trung khởi công mới 6 dự án giao thông lớn gồm: Đập dâng sông Trà Khúc; đường Quảng Ngãi - Chợ Chùa, nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ 623B (giai đoạn 2 cầu Bàu Tré - Thạch Nham); dự án Tỉnh lộ 624B Quán Lát - Đá Chát; dự án Quốc lộ 24B - Tịnh Phong; đường Quảng Ngãi - Thu Xà và đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 2b, từ Nghĩa Phú - Phổ An.

    c. Ngành công nghiệp có nhiều đột phá và phát triển vượt bậc

Những năm 1990, sản phẩm công nghiệp của tỉnh chủ yếu là các sản phẩm truyền thống, sản lượng nhỏ, giá trị thấp[1]. Đến nay, đã hình thành các nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm công nghiệp có công suất lớn, giá trị gia tăng cao, đáp ứng không chỉ nhu cầu trong tỉnh mà còn cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Giá trị sản sản xuất công nghiệp năm 1989 ước đạt 601 tỷ đồng, đến năm 2019, ước đạt 124.870 tỷ đồng, gấp gần 207 lần so với năm đầu tái lập tỉnh; tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,5%/năm. Năm 2009, khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, đã tạo bước đột phá và giữ vai trò chủ lực trong ngành công nghiệp của tỉnh, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách và tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong 30 năm, số cơ sở sản xuất công nghiệp của tỉnh đã tăng lên đáng kể, từ 43 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh với quy mô nhỏ và hơn 7.700 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp (năm 1989), đến nay, toàn tỉnh có gần 500 dự án, nhà máy, tổ hợp sản xuất công nghiệp với quy mô, công suất lớn. Khu Kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp VSIP, Tịnh Phong, Quảng Phú và 18 cụm công nghiệp ở các địa phương đã tạo ra bước tăng trưởng nhảy vọt về giá trị sản xuất công nghiệp và thu ngân sách trên địa bàn.

Đến nay, ngành công nghiệp của tỉnh đã hình thành một số sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ cao như: các sản phẩm xăng, dầu, hạt nhựa của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các sản phẩm siêu trường, siêu trọng như lò hơi, thiết bị nâng hạ, hệ thống khử nước mặn của Công ty Doosan Vina, các thiết bị điện của GE, sản phẩm điện tử… ngoài việc cung cấp cho thị trường trong nước, còn xuất khẩu đi gần 20 nước trên thế giới. Bên cạnh đó, các sản phẩm công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến thực phẩm của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, các sản phẩm thủy sản chế biến, may mặc, tinh bột mì, dăm gỗ, vật liệu xây dựng, giày da, sợi bông,… đạt sản lượng ngày một tăng cao.

Từ một địa phương có nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, đến nay tỉnh Quảng Ngãi đã vươn lên có cơ cấu công nghiệp chiếm trên 53% trong GRDP và trở thành một trong những tỉnh có nguồn thu ngân sách cao trong cả nước. Hiện tại, tỉnh đang tích cực đẩy nhanh tiến độ đầu tư một số dự án công nghiệp trọng điểm như: Khu Công nghiệp - Đô thị Dung Quất; nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP và công tác quản lý, đầu tư xây dựng, vận hành các cảng biển; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát – Dung Quất với công suất 4,0 triệu tấn sản phẩm/năm[2]. Tỉnh cũng đã mời gọi và được các nhà đầu tư xây dựng hoàn thành, đưa vào vận hành, phát điện 03 dự án thủy điện có quy mô 215,5MW[3] và một số dự án thủy điện nhỏ; đưa vào hoạt động dự án điện mặt trời Mộ Đức với công suất 19,2MW.

Ngày 31/5/2018, tỉnh Quảng Ngãi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất; ưu tiên bố trí vốn đầu tư, từng bước hoàn thiện hạ tầng Khu Kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư…

Sản xuất công nghiệp phát triển nhanh đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại; giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

d. Hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch không ngừng được mở rộng

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực kinh tế, nhất là ngành công nghiệp đã góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ. Hàng hóa cung ứng trên thị trường ngày càng đa dạng, phong phú, mạng lưới phân phối được mở rộng và phủ khắp nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh hệ thống chợ được củng cố, phát triển, hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng phát triển mạnh mẽ, chất lượng hàng hoá ngày càng đảm bảo, giá cả được niêm yết, tạo thuận tiện, sự yên tâm cho người tiêu dùng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 144 chợ, 07 siêu thị và trung tâm thương mại Vincom; hiện đang triển khai đầu tư 01 dự án Trung tâm Thương mại và Siêu thị Hùng Cường Big C của tập đoàn Vina Group. Năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 55.947 tỷ đồng, gấp 492 lần so với năm 1989.

Với hệ thống giao thông ngày càng thuận lợi, hoạt động vận tải không ngừng đổi mới phương thức kinh doanh, phục vụ để nâng cao chất lượng; khối lượng luân chuyển hành khách, hàng hóa không ngừng tăng cao. Hình thành các tuyến xe buýt dọc theo tuyến quốc lộ 1A đến các khu công nghiệp, khu kinh tế Dung Quất và đến trung tâm các huyện miền núi, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân. Dịch vụ vận tải biển tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn từng bước phát triển, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch Lý Sơn[4]. Dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin[5] được phủ khắp. Hoạt động của hệ thống ngân hàng đa dạng các loại hình dịch vụ, ổn định, đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, dân cư để đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn huy động năm 2018 đạt 46.500 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đạt 43.000 tỷ đồng.

Năm 1989, khi mới tái lập tỉnh, du lịch Quảng Ngãi gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng du lịch yếu kém, nhân lực hạn chế, xúc tiến quảng bá chưa được chú trọng, chưa hình thành các tuyến du lịch... Toàn tỉnh chỉ có 07 cơ sở lưu trú chủ yếu là nhà khách, nhà nghỉ chỉ với 160 buồng, doanh thu khoảng 3,2 tỷ đồng với 14.000 lượt khách, phần lớn phục vụ khách công vụ đến làm việc. Đến nay, hoạt động du lịch có nhiều chuyển biến tích cực; cơ sở hạ tầng du lịch được tập trung đầu tư, phát triển nhiều điểm, khu du lịch mới; đã thu hút 26 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đăng ký 3.137 tỷ đồng, riêng giai đoạn 2016 – 2018 thu hút 10 dự án với tổng vốn 1.624 tỷ đồng. Các điểm tham quan, du lịch ngày càng được mở rộng, ngoài các khu điểm du lịch đã cơ bản hình thành như Mỹ Khê, Sa Huỳnh, đến nay, đã và đang đầu tư, hình thành các khu điểm du lịch mới như: Suối nước nóng Nghĩa Thuận, Thác Trắng, khu du lịch Bãi Dừa, Suối Chí... Đặc biệt, Lý Sơn là một trong những địa điểm du lịch có tốc độ phát triển nhanh và thu hút một lượng lớn du khách khi đến Quảng Ngãi. Đến năm 2019, có 25 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành[6]; khoảng 300 cơ sở lưu trú với hơn 4.000 buồng, phòng với tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao; đã đón 01 triệu lượt du khách[7], gấp hơn 70 lần so với năm 1989; doanh thu đạt 950 tỷ đồng, gấp 300 lần. Trong đó, riêng Lý Sơn đón tiếp hơn 230.000 lượt du khách.

Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, trong đó, tăng tỷ trọng sản phẩm công nghiệp chế biến cả về sản lượng và chủng loại. Từ mức kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 3,92 triệu USD năm 1989, đã tăng lên 271 triệu USD năm 2010 và đến năm 2019 ước đạt 560 triệu USD, tăng gấp 150 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đạt kim ngạch cao, gồm: cơ khí, thiết bị máy móc công nghiệp nặng ước đạt 100 triệu USD, dầu FO đạt 75 triệu USD, dăm gỗ 110 triệu USD, tinh bột mì 80 triệu USD, xơ sợi dệt 81 triệu USD, giày dép 42 triệu USD. Thị trường xuất khẩu ngày càng đa dạng, mở rộng đến 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Đan Mạch, UAE, Saudi Arabi và các quốc gia trong khối ASEAN.

           e. Nông, lâm nghiệp và thủy sản có bước phát triển ổn định; xây dựng nông thôn mới góp phần phát triển hạ tầng khu vực nông thôn, miền núi

           Nông nghiệp tăng trưởng ổn định, đảm bảo nhu cầu lương thực, từng bước hình thành vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến; nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nông dân được nâng lên. Giá trị sản xuất nông, lâm và thuỷ sản năm 2019 ước đạt 15.904 tỷ đồng, gấp 5,02 lần so với năm 1989, bình quân hàng năm tăng 5,5%. Cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng lâm nghiệp và thủy sản.

  Đến năm 1997, Quảng Ngãi cơ bản hoàn thành việc xây dựng công trình thuỷ lợi Thạch Nham. Sau Thạch Nham, những công trình như Núi Ngang, Nước Trong và hàng loạt hồ, đập lớn nhỏ được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đặt nền móng cho sự ổn định và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Nhờ nguồn nước Thạch Nham, cuộc “cách mạng xanh” đã trải rộng khắp làng mạc, ruộng đồng Quảng Ngãi, diện tích gieo trồng cây lương thực, thực phẩm tăng dần qua từng năm, năng suất cây trồng tăng lên đáng kể.

  Nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống mới, quy trình kỹ thuật tiên tiến được áp dụng vào sản xuất cây trồng, vật nuôi góp phần tăng năng suất và chất lượng. Chuyển đổi diện tích lúa không chủ động nguồn nước, có năng suất thấp sang cây trồng khác. Tỉnh đã có chủ trương và chỉ đạo thực hiện thành công việc chuyển đổi sản xuất lúa 3 vụ bấp bênh sang sản xuất 2 vụ ăn chắc, sản xuất theo mô hình 3 tăng, 3 giảm trong sản xuất lúa. Nhờ đó, năng suất, sản lượng lúa tăng nhanh, từ 26,4 tạ/ha giai đoạn 1989 – 1990, đến nay đã lên trên 58,9 tạ/ha; sản lượng lương thực có hạt ước đạt 497,8 ngàn tấn, gấp hơn 2,1 lần. Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tăng khá, nhất là khâu làm đất, thu hoạch và vận chuyển. Từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn. Năm 2018, đã chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác ước đạt 770 ha; triển khai 103 cánh đồng lớn sản xuất lúa, mì với tổng diện tích 2.009 ha; năng xuất lúa bình quân đạt 67,7 tạ/ha, mía đạt 669 tạ/ha, cao hơn 15% so với sản xuất đại trà. Đã thực hiện dồn diền đổi thửa khoảng 2.147 ha. Bước đầu thu hút đầu tư một số mô hình sản xuất rau an toàn, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.

Chăn nuôi gia súc và gia cầm có nhiều phát triển, góp phần cải thiện đời sống nông dân, giúp nhiều hộ nông dân xóa đói giảm nghèo, từng bước hình thành mô hình trang trại chăn nuôi có quy mô công nghiệp, thay thế dần chăn nuôi tận dụng, nhỏ lẻ ở hộ gia đình.

Nhờ công tác cải tạo giống đàn bò theo hướng “Zebu” hóa, sind hóa cho ra đời hàng ngàn bê lai có trọng lượng lớn hơn nhiều so với giống cũ[8]. Từ năm 1995 - 1998, toàn tỉnh đã lai tạo được 63.000 con bò lai Sind, chiếm 27,6% so với tổng đàn, trở thành tỉnh có tỷ lệ bò lai cao nhất miền Trung. Đến nay với tỷ lệ đàn bò lai các giống bò thịt chất lượng cao như Limousine, Cholorai, 3B… đạt trên 70% so với tổng đàn. Tiến hành cải tạo đàn lợn cỏ trong dân bằng giống móng cái, thay dần đàn lợn cỏ thoái hóa, năng suất thấp và tiến hành lai tạo ra lợn lai F1 có năng suất cao hơn, mang lại hiệu quả lớn, giúp nhiều hộ nông dân xóa đói giảm nghèo; thay đổi tập quán chăn nuôi quảng canh chuyển sang thâm canh và nuôi nái sinh sản. Một số công thức lai 2, 3 và 4 máu giữa lợn nội và lợn ngoại cũng đã áp dụng trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả cao.

Về lâm nghiệp: nhờ những biện pháp tích cực về phát triển rừng, độ che phủ của rừng năm sau đều tăng lên so với năm trước. Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế lâm nghiệp đúng hướng đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân cũng như góp phần bảo vệ, phát triển diện tích rừng trồng hiệu quả, nhất là ở các huyện miền núi.

Nhiều chương trình, dự án như Chương trình Phát triển trung du và miền núi, Chương trình 327 (phủ xanh đất trống, đồi núi trọc), Chương trình 661 (phát triển 5 triệu hécta rừng), Dự án PAM (vốn nước ngoài tài trợ để trồng rừng ven biển), Chương trình 135 và các dự án trồng rừng do nước ngoài tài trợ như dự án trồng rừng phòng hộ JBIC, WB3, dự án KFW6 đã góp phần phục hồi diện tích đất rừng, diện tích rừng trồng mới hàng năm tăng nhanh. Năm 2019, diện tích có rừng ước đạt 334.278 ha, gấp 2,79 lần so với năm 1989; độ che phủ rừng tăng từ 19% lên 51,9%; sản lượng gỗ rừng trồng khai thác ước đạt 1.265.500 m3, gấp 85 lần.

Ngành thuỷ sản có tốc độ tăng trưởng cao. Sản lượng thủy sản đánh bắt năm 2019 ước đạt 209.000 tấn, gấp hơn 8,5 lần so với năm 1989. Hoạt động nuôi trồng thủy sản tăng trưởng khá; từ năm 1987, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản - nuôi tôm sú xuất khẩu bắt đầu hình thành, phát triển, năm 2019, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 6.500 tấn, gấp 21,7 lần so với năm 1989.

Đã xây dựng 03 khu neo đậu trú bão tàu cá và 03 cảng cá với năng lực neo đậu thiết kế thấp nhất 350 tàu có công suất đến 250CV, bước đầu phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu neo trú và bốc dỡ sản phẩm thủy sản. Các chính sách hỗ trợ ngư dân ra khơi bám biển và các chính sách theo Nghị định số 67/NĐ-CP đã được tập trung chỉ đạo thực hiện.

Số lượng tàu cá không ngừng tăng lên, nhất là tàu có công suất lớn phục vụ đánh bắt xa bờ, trang bị phương tiện hiện đại; phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, phát triển đội tàu vỏ thép, vỏ composit và vỏ vật liệu mới. Những năm 1990, số lượng tàu thuyền khai thác thủy sản chỉ khoảng 2.052 chiếc, tổng công suất khoảng 35.300 CV, công suất bình quân 17,2CV/chiếc, đến nay đã có 5.138 chiếc[9], tổng công suất 1,33 triệu CV, tăng 2,5 lần số lượng tàu và công suất gấp 37 lần so với năm 1989; công suất bình quân 258CV/chiếc.

Chương trình xây dựng nông thôn mới: Sau gần 10 năm triển khai, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ngãi đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đến thời điểm hiện tại đã có 58/164 xã đạt tiêu chí theo nhóm 1 (đạt 19/19 tiêu chí); số tiêu chí bình quân/xã đạt 13,7. Dự kiến đến cuối năm 2019 có 80 xã đạt chuẩn; chỉ tiêu đến năm 2020 có 98 xã, 06 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới.

g. Phát triển kinh tế biển, đảo

Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế biển, đảo giai đoạn 2016 – 2020. Sau 02 năm thực hiện nghị quyết, kinh tế biển, đảo tiếp tục phát triển và chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của tỉnh (trên 80%, tính cả Khu kinh tế Dung Quất). Diện mạo nông thôn và đô thị ven biển khởi sắc, đời sống dân cư được cải thiện; chú trọng gắn kết phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Lực lượng tàu thuyền và sản lượng khai thác thủy sản tăng; du lịch, dịch vụ có bước khởi sắc, kinh tế huyện đảo Lý Sơn tăng trưởng khá.

Hạ tầng vùng biển, đảo và hạ tầng kết nối được chú trọng đầu tư, nhất là hạ tầng trong khu kinh tế, các khu đô thị và huyện đảo Lý Sơn; hệ thống cảng biển, giao thông, hạ tầng nghề cá, du lịch và hạ tầng xã hội… được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về biển, đảo được đẩy mạnh. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn được chú trọng. Hệ thống chính quyền cơ sở được củng cố; quốc phòng, an ninh trên biển được tăng cường; đời sống nhân dân vùng biển, đảo được cải thiện đáng kể, an sinh xã hội cơ bản bảo đảm.

h. Hoạt động giao thông vận tải - Bưu chính viễn thông

Hoạt động vận tải có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng phục vụ. Các doanh nghiệp vận tải không ngừng đổi mới phương thức kinh doanh, phục vụ để nâng cao chất lượng vận chuyển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Nhờ vậy, khối lượng luân chuyển hành khách, hàng hoá liên tục tăng lên qua từng năm. Về vận tải hành khách, từ 305 nghìn lượt hành khách (năm 1989) tăng lên 6,5 triệu lượt hành khách (năm 2019), tăng bình quân 11,2%/năm; khối lượng vận tải tăng từ 221 nghìn tấn lên 12,8 triệu tấn, tăng bình quân 11,4%/năm.

Mạng lưới bưu chính viễn thông được củng cố, đầu tư nâng cao năng lực và dung lượng nhằm mở rộng diện phục vụ đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, đáp ứng nhu cầu thông tin và giao lưu văn hoá của nhân dân giữa các vùng, miền. Đến cuối năm 2018, số thuê bao điện thoại toàn tỉnh đạt 1.058.223 thuê bao, đạt tỷ lệ 83,7 thuê bao/100 dân.

i. Kinh tế - xã hội miền núi có bước tiến đáng kể

Tỉnh đã tập trung chỉ đạo ưu tiên các nguồn vốn cho phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao dân trí, phục vụ mục tiêu giảm nghèo bền vững; rà soát việc giao đất, giao rừng cho dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép; xây dựng một số mô hình sản xuất; đưa một số mặt hàng đặc sản, đặc trưng của các huyện miền núi vào các hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối trong và ngoài tỉnh.

Chỉ đạo xây dựng và thực hiện thí điểm chính sách khuyến khích hộ nghèo tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị để tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững; ban hành chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh là người dân tộc thiểu số. Công tác dân tộc được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng... Nhờ đó, kinh tế, văn hóa, xã hội các huyện miền núi có bước tiến bộ đáng kể, đã có 01 huyện thoát nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

k. Công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính

Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Đề án, kế hoạch cải cách thủ tục hành chính (TTHC); thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh[10] Trung tâm hành chính công thành phố Quảng Ngãi, huyện Sơn Hà, Đức Phổ; công bố chuẩn hóa lại TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và quản lý của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã[11]; phê duyệt danh mục TTHC rút ngắn thời gian giải quyết từ 30 – 60% so với quy định pháp luật đối với 195 TTHC thuộc 16 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của 06 cơ quan, đơn vị[12]. Toàn tỉnh có 13/14 huyện, thành phố và 182/184 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, cơ chế một cửa theo hướng hiện đại[13]; chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục và kiểm soát thủ tục hành chính hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện chức trách nhiệm vụ.

l. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện

          Những năm đầu tái lập tỉnh cũng là thời điểm Luật Đầu tư nước ngoài mới được ban hành (1987). Dù còn nhiều khó khăn, song Quảng Ngãi không ngừng quảng bá tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, lợi thế cảng biển nước sâu, nguồn lao động dồi dào và những chính sách ưu đãi của tỉnh… để thu hút các nhà đầu tư, nhất là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, cùng với những nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Quảng Ngãi đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cùng với quảng bá, kêu gọi đầu tư, những năm qua, Quảng Ngãi đã tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp của tỉnh với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong đó, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi hoàn thành trong năm 2018 đã rút ngắn thời gian đi lại, tạo thuận lợi mới trong việc thu hút đầu tư của tỉnh.

Thông qua hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT), tỉnh đã chủ động mở rộng quan hệ, tăng cường kết nối các tổ chức XTĐT, cơ quan ngoại giao, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trong, ngoài nước để kêu gọi đầu tư vào Quảng Ngãi. Đẩy mạnh các hoạt động XTĐT tại chỗ thông qua việc thực hiện tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư, các doanh nghiệp đã và đang đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Tập trung giải quyết nhanh các thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh; kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Triển khai quyết liệt nhiều biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; xúc tiến đầu tư; phát triển doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh dành thời gian đi kiểm tra, tổ chức gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư qua hình thức “cà phê doanh nhân” và đối thoại doanh nhân hằng quý để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chỉ đạo rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động khởi sự doanh nghiệp, ươm mầm khởi nghiệp và nhiều chương trình, hội nghị xúc tiến, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Thực hiện nhiệm vụ đột phá về phát triển công nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, hiện tại, tỉnh Quảng Ngãi đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư; hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc về sản xuất, kinh doanh, về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án triển khai thực hiện...

Trong giai đoạn 1990-1999 ở Quảng Ngãi mới chỉ có 68 doanh nghiệp được thành lập; đến nay, toàn tỉnh có 7.619 doanh nghiệp được thành lập, gấp 177 lần so với năm 1989; hiện có 5.096 doanh nghiệp đang hoạt động.

Năm 1995, dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên vào tỉnh với quy mô rất nhỏ, vốn đầu tư là 0,42 triệu USD, đến đầu năm 2019, đã thu hút được 63 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 1,77 tỷ USD, trong đó, có 31/63 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với các dự án đầu tư trong nước, trong năm đầu tái lập tỉnh, chỉ có các xí nghiệp, nhà máy quốc doanh như: Nhà máy đường Quảng Ngãi, Nhà máy cơ khí An Ngãi, Xí nghiệp đá Mỹ Trang, Xí nghiệp đông lạnh và một số xí nghiệp sản xuất nông, ngư cụ... Đến đầu năm 2019, có 518 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 231.686 tỷ đồng, đầu tư vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực, với quy mô lớn như: Dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất (3 tỷ USD); dự án Polypropylene Dung Quất (232 triệu USD), Thủy điện Đakdrinh (5.800 tỷ đồng) và gần đây nhất là dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát – Dung Quất (60.000 tỷ đồng), cùng nhiều dự án lớn đã triển khai và đi vào hoạt động.

2. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm

a. Đầu tư, phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; phổ cập giáo dục có chuyển biến tích cực

Trong những năm đầu tái lập tỉnh, ngành giáo dục, đào tạo gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cơ sở vật chất giai đoạn 1989 – 1993 rất tạm bợ, xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều nơi học sinh phải học ca ba. Đời sống giáo viên rất khó khăn. Nhiều giáo viên xin nghỉ việc vì thu nhập thấp. Học sinh bỏ học ngày càng cao và tỷ lệ tốt nghiệp qua các kỳ thi đạt thấp...

Đến nay, hệ thống giáo dục từng bước hoàn thiện, đội ngũ cán bộ, giáo viên được đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ; cơ sở vật chất từng bước được đầu tư khang trang; chất lượng giáo dục được củng cố, phát triển toàn diện, các hoạt động giáo dục phối hợp được triển khai và đạt kết quả tốt; chất lượng giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo được quan tâm[14]. Công tác xã hội hóa giáo dục được chú trọng, phương thức đào tạo ngày càng được mở rộng, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Thiết lập và mở rộng quan hệ với đại học quốc gia và các trường đại học uy tín trên nhiều lĩnh vực[15].

Chất lượng giáo dục các ngành học, cấp học tiếp tục có chiều hướng chuyển biến tích cực; số lượng, tỷ lệ học sinh tham gia dự thi, trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo nghề ngày càng tăng so với những năm trước. Nếu như năm 1989, tỷ lệ học sinh thi đậu các trường đại học, cao đẳng chỉ đạt 13%, thì đến năm 2018 đã tăng lên 48,5%. Năm 2016, Quảng Ngãi được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi[16] và tiếp tục được duy trì đến nay.

Đến năm 2018, toàn tỉnh có 82/214 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 38,32%). Duy trì 100% xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,6%; có 153/215 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 71,16%). Có 14/14 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; có 118/167 trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia (70,66%); 21/38 trường phổ thông trung học đạt chuẩn quốc gia (55,26%).

Các cơ sở giáo dục tư thục phát triển về chất lượng, số lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 62 cơ sở giáo dục, trung tâm ngoại ngữ, tin học[17] với hàng ngàn học sinh, học viên đang theo học. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục từng bước được chuẩn hóa về chuyên môn; hệ thống trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng; phương thức đào tạo được mở rộng, đa dạng; chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên; xã hội hoá giáo dục - đào tạo đạt một số kết quả bước đầu; công tác khuyến học, khuyến tài đạt nhiều kết quả thiết thực.

b. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng

Những năm đầu tái lập, cả tỉnh chỉ có Bệnh viện đa khoa tỉnh, một số trung tâm y tế huyện và gần 100 trạm xá xã với quy mô nhỏ, xuống cấp. đội ngũ y bác sĩ thiếu cả về số lượng và trình độ còn hạn chế; bác sĩ/1 vạn dân chỉ đạt tỷ lệ 1,86; tuổi thọ trung bình chỉ khoảng 64,5 tuổi.

Đến nay, công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được cải thiện, hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở đã được củng cố, hoàn thiện, hầu hết các cơ sở y tế đã được đầu tư xây dựng mới, trong đó, thành lập và xây dựng mới các bệnh viện chuyên khoa: Bệnh viện lao và phổi, Bệnh viện Tâm thần tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi. Tổng số giường bệnh 3.615 giường, đạt 27,3 giường/vạn dân, tăng 3,06 lần; số bác sĩ/vạn dân đạt 7,2 tăng 3,87 lần so với năm 1989. Ở tuyến xã, 100% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc (có 183/184 xã có trạm y tế); 100% thôn có nhân viên y tế hoạt động. Có 84,4% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế (năm 2010 là 10,4%). Diện bao phủ bảo hiểm y tế được mở rộng, năm 2019 ước đạt 90,7%.

Đội ngũ cán bộ y tế cơ sở và y tế huyện được tăng cường, trình độ được nâng lên cả về chuyên môn nghiệp vụ và quản lý. Công tác khám chữa bệnh đã được tăng cường đầu tư về cơ sở, giường bệnh, trang thiết bị và nhân lực. Dịch vụ khám chữa bệnh được mở rộng và tăng cường về số lượng và chất lượng. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế phát triển mạnh mẽ, đã và đang hình thành một số phòng khám, bệnh viện tư nhân, như Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao, Bệnh viện đa khoa Phúc Hưng. Đang triển khai đầu tư xây dựng Khu dịch vụ kỹ thuật cao – Bệnh viện đa khoa tỉnh. Từ tuyến tỉnh đến cơ sở, nhiều trạm (nay là trung tâm) chuyên khoa tuyến tỉnh được thành lập mới, củng cố và hoàn thiện.

Công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân; thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm. Công tác y tế dự phòng, phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai chủ động, tích cực và có hiệu quả cao[18]; nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế và đẩy lùi như: dịch tả, dịch hạch, sốt rét…; tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Số trẻ em dưới 12 tháng tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt tỷ lệ từ 98 - 98,95%. Đến cuối năm 2019, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm chỉ còn 14,3% so với mức 56% năm 1989. Tuổi thọ trung bình đạt 74 tuổi (năm 2018).

          c. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội

Công tác giải quyết việc làm được tỉnh đặc biệt quan tâm và đạt kết quả cao. Trong thời gian đầu tái lập, qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, công tác điều động lao động công ích, di dân, tái định cư, xây dựng vùng kinh tế mới; sắp xếp, điều chỉnh lực lượng lao động và triển khai các chính sách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước đã góp phần phân bổ lại lực lượng lao động, định hình và đề ra các chủ trương giải quyết việc làm cho nhân dân.

Nội dung, phương thức đào tạo nghề có nhiều đổi mới, chương trình đào tạo nghề đã gắn với nhu cầu của thị trường lao động, sự tham gia của doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2018 đạt 51%. Tỷ lệ lao động tham gia hoạt động kinh tế có chiều hướng tăng cao, từ mức 45% năm 1996 lên mức 67,1% năm 2018. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng lao động ngành công nghiệp và dịch vụ. Tỷ trọng lao động ngành công nghiệp – xây dựng từ mức 6,75% năm 1996 lên mức 32% năm 2019; tỷ trọng lao động ngành dịch vụ từ mức 17,1% lên 27% và tỷ trọng lao động ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm mạnh từ 76,15% xuống còn 41%. Tỷ lệ lao động thất nghiệp giảm dần qua các năm; đến năm 2019, ước tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm còn 3,5%.

Các hình thức giao dịch việc làm được phát triển đa dạng[19]. Chủ động, tích cực kết nối và cung ứng lao động cho các nhà đầu tư tại các Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế Dung Quất. Nhiều cơ chế, chính sách được ban hành để khuyến khích xuất khẩu lao động[20], góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, nhất là lao động vùng nông thôn, miền núi. Đến nay, đã có hơn 16.400 người đi xuất khẩu lao động[21].

Công tác giảm nghèo có nhiều tiến bộ: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo được triển khai đồng bộ và đạt kết quả tích cực, đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Trong năm đầu tái lập tỉnh, tỷ lệ đói nghèo của tỉnh ở mức rất cao, chiếm tỷ lệ đến 47,4%. Năm 2001, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn khoảng 23,77%, trong đó, khu vực miền núi khoảng 59,9% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2001 – 2005), đến năm 2019, ước tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 7,79%, trong đó, miền núi giảm còn 25,96% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 – 2020).

Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành Kết luận về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở 6 huyện miền núi giai đoạn 2016 – 2020. Chỉ đạo tập trung các nguồn vốn cho phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao dân trí; rà soát việc giao đất, giao rừng cho dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng một số mô hình sản xuất[22]; đưa một số mặt hàng đặc sản, đặc trưng của các huyện miền núi vào các hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối trong và ngoài tỉnh[23]. Chỉ đạo xây dựng và thực hiện thí điểm chính sách khuyến khích hộ nghèo tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị để tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững tại 02 huyện Tây Trà và Sơn Tây; chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh là người dân tộc thiểu số[24]... Nhờ đó, kinh tế, văn hóa, xã hội các huyện miền núi có tiến bộ đáng kể; giảm được 8.325 hộ nghèo, bình quân 03 năm giảm 5,08%/năm.

          Các chính sách về giảm nghèo được thực hiện toàn diện, đa dạng theo nhiều hướng tiếp cận, nhằm giải quyết các nguyên nhân của nghèo đói, các nhu cầu thiết yếu của người nghèo, vùng nghèo như: hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, cung cấp dịch vụ trợ giá, trợ cước và hỗ trợ trực tiếp, các chính sách hỗ trợ phát triển theo vùng và theo nhóm đối tượng, chính sách đặc thù. Hầu hết các hộ nghèo đều được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách giảm nghèo của Nhà nước, nhất là có cơ hội nhiều hơn để tiếp cận các dịch vụ sản xuất, tăng thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản. Năm 2018, huyện Sơn Hà đã trở thành một trong 06 huyện nghèo của tỉnh thoát nghèo.

Bảo đảm an sinh xã hội: Chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao, nhất là đối tượng thuộc chính sách bảo trợ xã hội; diện đối tượng trợ giúp xã hội được mở rộng, đảm bảo các đối tượng yếu thế, diện khó khăn được trợ cấp, trợ giúp; hầu hết các hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đều được tiếp cận và thụ hưởng chính sách của Nhà nước, nhất là có cơ hội nhiều hơn để tiếp cận các dịch vụ sản xuất, tăng thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản khác.

           d. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ban hành các quy định, chính sách về công tác cán bộ, về tuyển chọn, thu hút, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm[25]. Xét, chọn học sinh cử đi đào tạo đại học tại nước ngoài; ban hành chính sách thu hút nhân tài về công tác tại tỉnh; cử bác sĩ đi đào tạo chuyên sâu; mở nhiều lớp đào tạo về khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã; cử cán bộ tham dự bồi dưỡng cập nhật kiến thức dành cho Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng và đối tượng 02; cử cán bộ đi bồi dưỡng ngắn hạn, trung hạn theo Đề án 165; cử cán bộ đi bồi dưỡng kiến thức năng lực lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát, công tác tổ chức xây dựng Đảng; cử cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cho cán bộ quản lý, giáo viên các cấp;...

 

 

e. Quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường

Hoàn thành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; quy hoạch quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. Việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản được tiến hành thận trọng, chặt chẽ. Công tác cấp quyền sử dụng đất lần đầu cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đạt kết quả. Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đạt được một số kết quả bước đầu. Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; cập nhật, chỉnh lý biến động để đảm bảo tính chính xác, phục vụ công tác quản lý, tra cứu thông tin đất đai. Đẩy mạnh cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá. Tăng cường quản lý đất công ích và các loại đất nông nghiệp do UBND xã quản lý, sử dụng.

Công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về môi trường được tăng cường. Đẩy mạnh xã hội hóa việc thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh[26]. Đến cuối năm 2018, có 88% dân cư đô thị dùng nước sạch; 91% dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; 50% chất thải nguy hại và 80% chất thải y tế được xử lý đạt chuẩn. Triển khai đầu tư hạ tầng hệ thống tiếp nhận số liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục để tiếp nhận số liệu từ các trạm quan trắc nước thải, khí thải của các nhà máy có lưu lượng xả thải lớn…

           g. Văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao

 Các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ ngày càng đa dạng, phong phú. Việc hưởng ứng thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá có bước chuyển biến tích cực. Hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; chú trọng khôi phục, phát huy các di sản, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Hiện nay, trên 52% số xã, phường, thị trấn có Nhà văn hóa; có 88,6% thôn, tổ dân phố, 88% gia đình, 91% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Phong trào sinh hoạt văn hóa văn nghệ ở cơ sở diễn ra sôi nổi, nhiều hội thi, hội diễn nghệ thuật được các huyện, thành phố tổ chức phục vụ nhân dân và góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương. Công tác phòng, chống các sản phẩm phi văn hóa, hoạt động mê tín, dị đoan, tệ nạn xã hội được tăng cường. Công tác quản lý, bảo tồn giá trị di sản văn hóa được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng; văn hóa các dân tộc thiểu số từng bước được bảo tồn và phát huy[27]. Nhiều di tích sau khi được đầu tư, tu bổ, tôn tạo đã phát huy được giá trị lịch sử - văn hóa, bồi đắp, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ trẻ, trở thành điểm tham quan du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước[28].

Văn học, nghệ thuật có bước phát triển. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật phản ánh tương đối toàn diện sự nghiệp đổi mới, khơi dậy và phát huy được các giá trị lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương, con người Quảng Ngãi. Báo chí, phát thanh - truyền hình, công nghệ thông tin phát triển nhanh. Các loại hình, ấn phẩm báo chí cơ bản phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, chú trọng đầu tư hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật và nâng cao chất lượng thông tin, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển rộng khắp; tổ chức thành công nhiều giải thể thao khu vực, toàn quốc; một số vận động viên đạt thành tích cao tại các giải quốc gia và quốc tế.

3. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể

a. Quán triệt, thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương

Tỉnh ủy tổ chức quán triệt và chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương sát với tình hình thực tế của tỉnh; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, nhất là về những vấn đề mới. Ban hành nhiều chỉ thị, kết luận, nghị quyết chuyên đề để cụ thể hóa thực hiện các nhiệm vụ đột phá, nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh. Chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách để cụ thể hóa chủ trương của Đảng và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả.

2. Công tác chính trị, tư tưởng được tăng cường; thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Coi trọng giáo dục, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, kỷ luật, kỷ cương, chống các hành vi quan liêu, nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm, cửa quyền, hách dịch trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tăng cường định hướng dư luận và đấu tranh phòng, chống chiến lược "diễn biến hòa bình", luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX[29]; Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 (khóa XII). Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh. Hoàn thành việc chỉnh biên tập sách "Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi 1930 – 1975”; "Đội Du kích Ba Tơ - Kỷ yếu và biên niên sự kiện".

Nghiêm túc thực hiện và chỉ đạo thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh[30]; tổ chức thành công 02 Hội thảo khoa học cấp Quốc gia "Xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay", “Đồng chí Trương Quang Trọng - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường của quê hương Núi Ấn – Sông Trà”; 02 Hội nghị biểu dương, khen thưởng "Những tấm gương bình dị mà cao quý” trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh[31]... tạo hiệu ứng lan tỏa tốt về học tập và làm theo Bác.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghiêm túc kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể, cá nhân về thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm và nhận diện những biểu hiện suy thoái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII[32]; việc kiểm điểm được thực hiện với tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, cởi mở, chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân, qua đó chia sẻ và thấu hiểu nhau hơn; nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về những biểu hiện của sự suy thoái; thể hiện rõ quyết tâm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; cam kết đổi mới tác phong, lề lối, phương pháp làm việc, điều hành, nêu gương, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy.

c. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy và cán bộ

Kịp thời kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan Đảng và hệ thống chính trị. Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ có chuyển biến tốt, đi vào thực chất hơn, khắc phục dần tình trạng nể nang, xuê xoa. Thực hiện công tác lấy phiếu tín nhiệm cán bộ theo quy định; ban hành Bộ tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý. Công tác quy hoạch, rà soát bổ sung quy hoạch cán bộ từng bước được đổi mới, mở rộng, dân chủ, công khai, đúng quy trình. Công tác cán bộ được thực hiện kịp thời, đúng quy định, gắn điều động, luân chuyển với việc sắp xếp, bố trí cán bộ và chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp; việc bổ nhiệm cán bộ đã đưa ra nhiều phương án để lựa chọn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đạt nhiều kết quả tích cực. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên cả về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị.

Năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy rà soát, bổ sung, ban hành mới một số quy định về cán bộ và công tác cán bộ theo quy định của Trung ương, phù hợp tình hình thực tế của tỉnh[33]. Xây dựng và phê duyệt Quy hoạch bổ sung cấp ủy, lãnh đạo các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ và nhiệm kỳ 2020 - 2025[34]. Việc nhận xét, đánh giá, điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện kịp thời, dân chủ, công khai, gắn điều động, luân chuyển với sắp xếp, bố trí cán bộ sau Đại hội và sau bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Kịp thời củng cố, kiện toàn cấp ủy, ban thường vụ, thường trực cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp[35]. Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý giữ vị trí trên 8 năm (cả cấp trưởng và cấp phó), cán bộ có biểu hiện trì trệ, bảo thủ, ngại va chạm, ý thức tránh trách nhiệm không cao[36]. Ban hành Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tổ chức ký cam kết thực hiện Quy định; kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện.

Ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, về quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đến nay, việc thực hiện sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đạt một số kết quả (giảm được 52 đơn vị[37]). Thực hiện chức danh Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đồng thời Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; trưởng ban dân vận đồng thời chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc cấp huyện ở 12/14 đơn vị[38]; trưởng ban tuyên giáo đồng thời giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện ở 12/14 đơn vị[39]; trưởng ban tổ chức đồng thời trưởng phòng nội vụ cấp huyện ở 06/14[40]; chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đồng thời chánh thanh tra cấp huyện ở 03/14 đơn vị[41]. Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo khắc phục tình trạng thôn trưởng, tổ trưởng dân phố không phải là đảng viên ở 04/14 đơn vị[42]. Phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị huyện Lý Sơn; Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức các cơ quan trong hệ thống chính trị cấp tỉnh, huyện.

Công tác quản lý biên chế ngày càng chặt chẽ hơn. Việc thi tuyển, tuyển dụng công chức, viên chức được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm quy định, gắn với lộ trình tinh giản 10% trong tổng số biên chế được giao và bảo đảm 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc; từ 2015 – 2018, toàn tỉnh đã tinh giản 1.508 người. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được cơ cấu, chuẩn hóa theo ngạch, chức danh, nghề nghiệp, vị trí việc làm và trình độ đào tạo.

Chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương tự kiểm tra, rà soát việc thực hiện công tác cán bộ. Ban hành kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với Bí thư, các phó bí thư và Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIX (nhiệm kỳ 2015 - 2020). Cử hàng ngàn lượt cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quốc phòng, an ninh; thẩm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị phục vụ tốt công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ và kết nạp đảng viên. Đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên ngày càng đi vào thực chất[43]. Việc xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng được chú trọng; quán triệt thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư, Hướng dẫn 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương và ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

d. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng

Công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục được cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra các cấp triển khai thực hiện đạt kết quả toàn diện. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được nâng lên. Việc xem xét, xử lý kỷ luật đảng cơ bản thực hiện đúng phương châm, nguyên tắc, thủ tục.

Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp kịp thời xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện. Tập trung kiểm tra, giám sát các kết luận, nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy; việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, có dấu hiệu vi phạm. Chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ giữa kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra, giám sát của chính quyền và của Mặt trận, các đoàn thể.

Từ năm 2015 đến năm 2018, các cấp ủy, tổ chức đảng đã kiểm tra 1.782 đảng viên (550 cấp ủy viên) và 1.549 tổ chức đảng; giám sát 1.895 đảng viên (608 cấp ủy viên) và 1.384 tổ chức đảng; Uỷ ban kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 254 đảng viên (130 cấp ủy viên) và 107 tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; qua kiểm tra đã xem xét, xử lý và đề nghị xử lý kỷ luật đối với 72 đảng viên và 02 tổ chức đảng vi phạm. Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp các cấp và chi bộ thi hành kỷ luật đối với 589 đảng viên (khiển trách 384, cảnh cáo 142, cách chức 20 và khai trừ 43) và 08 tổ chức đảng bằng hình thức khiển trách. Trong đó, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành thi hành kỷ luật 05 đảng viên (03 Tỉnh ủy viên) (03 khiển trách và 02 khai trừ); Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy thi hành kỷ luật 18 đảng viên (15 cấp ủy viên) (khiển trách 10 và cảnh cáo 08). Cấp uỷ, ban thường vụ cấp ủy, uỷ ban kiểm tra cấp các cấp đã xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với 01 tổ chức đảng và 15 đảng viên.

 e. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền chuyển biến tích cực

 Tỉnh ủy thường xuyên theo dõi, kịp thời cho ý kiến để Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách và thực hiện việc quản lý, điều hành các mặt của đời sống xã hội, vừa bảo đảm vai trò lãnh đạo của cấp ủy, vừa bảo đảm thực hiện quyền quyết định theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục phát huy dân chủ, tinh thần trách nhiệm trong thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng của tỉnh[44]; chất lượng chất vấn, trả lời chất vấn được nâng lên, nội dung có trọng tâm, trọng điểm; chất lượng thẩm tra, giám sát, khảo sát chuyên sâu một số lĩnh vực có tăng lên. Chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác và việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cấp, các ngành; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối, tác phong làm việc, xây dựng chính quyền kiến tạo, hành động, phục vụ. Thanh tra công vụ, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra được tăng cường và đi vào nề nếp; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra.

g. Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội có chuyển biến tích cực

Công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo đạt kết quả tốt, bảo đảm giữ vững ổn định xã hội. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tăng cường giám sát, phản biện xã hội; từng bước khắc phục hành chính hóa; tích cực vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện có kết quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhất là tham gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; xây dựng, củng cố, phát huy vai trò người có uy tín và nòng cốt, cốt cán trong đồng bào có đạo và đồng bào các dân tộc. Việc thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ nghèo[45]; công tác phát triển và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên đạt được kết quả tích cực[46]. Việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa bí thư các cấp ủy đảng trong tỉnh với nhân dân tiếp tục được duy trì và đạt nhiều kết quả, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân [47].

h. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng được đổi mới

Các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã kịp thời ban hành và thực hiện chương trình công tác toàn khoá, kế hoạch, chương trình, quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ các thành viên của cấp uỷ; cụ thể hoá các chủ trương của Trung ương và nghị quyết đại hội của cấp mình để tổ chức chỉ đạo thực hiện, bảo đảm vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức trong hệ thống chính trị và người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ.

Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015 – 2020), hàng năm, Tỉnh ủy xác định chủ đề để tập trung chỉ đạo, cụ thể: Năm 2016 là“Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư"; năm 2017 là “Đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và khởi nghiệp”; năm 2018 là “Tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; huy động nguồn lực xã hội; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp”; năm 2019 là “Tiếp tục tinh gọn bộ máy, biên chế; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; ưu tiên phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội bức xúc”; theo đó ban hành các chương trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân thực hiện. Thường xuyên kiểm tra, tổ chức làm việc với các ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; sau làm việc, kiểm tra có kết luận chỉ rõ việc cần làm, thời gian hoàn thành, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Hằng quý rà soát, đối chiếu kết quả thực hiện với nội dung kết luận để tiếp tục thúc đẩy công việc; động viên tập thể, cá nhân hoàn thành tốt; nhắc nhở tập thể, cá nhân thực hiện chậm, hiệu quả thấp. Từng bước đổi mới việc cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng theo hướng ngắn gọn, thiết thực. Những nghị quyết của Tỉnh ủy khóa trước, xét thấy nội dung còn phù hợp thì không ban hành nghị quyết mới, chỉ tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện và ban hành kết luận bổ sung chủ trương, giải pháp thực hiện.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, thể hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu và trách nhiệm của từng cá nhân trong bàn và ban hành các quyết định lãnh đạo, chỉ đạo. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phức tạp đều coi trọng từ khâu nghiên cứu, tranh thủ ý kiến chỉ đạo của cấp trên, trưng cầu ý kiến của các địa phương, đơn vị, lắng nghe ý kiến của các cơ quan tham mưu, dành thời gian thảo luận kỹ để đi đến thống nhất và quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Tổ chức các Hội nghị Tỉnh ủy, hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy và nhiều cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy để chỉ đạo, cho ý kiến, quyết định về công tác cán bộ, cơ chế, chính sách, kinh tế - xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đúng thẩm quyền.

Chú trọng chỉ đạo đổi mới việc xây dựng các cơ chế, chính sách theo hướng thông thoáng, bảo đảm hành lang pháp lý. Mở rộng quan hệ đối ngoại; tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư; tập trung chỉ đạo chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công vụ…

4. Công tác quốc phòng, an ninh, nội chính, đối ngoại

Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tuyển quân hàng năm đạt 100% chỉ tiêu; huy động lực lượng dự bị động viên đạt trên 95%; xây dựng lực lượng công an xã, phường, thị trấn vững mạnh; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ổn định, đạt 1,5% dân số; 100% xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng, an ninh tổ chức tiểu đội dân quân thường trực hoạt động có hiệu quả[48]. Tai nạn giao thông cơ bản được kiềm chế. Công tác phòng, chống cháy, nổ được tăng cường. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải cách tư pháp được chú trọng; hoạt động tư pháp, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được thực hiện theo đúng quy định; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đi vào nền nếp; tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt 93,6%. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật được duy trì thường xuyên.

Hoạt động đối ngoại chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng về ngoại giao chính trị, kinh tế và văn hóa, từng bước làm cầu nối, xúc tiến và thúc đẩy hợp tác quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác tổ chức và quản lý đoàn ra, đoàn vào được thực hiện chặt chẽ[49]. Các sự kiện đối ngoại, hội nghị, hội thảo quốc tế do tỉnh Quảng Ngãi chủ trì tổ chức chu đáo, trọng thị, mang lại kết quả thiết thực. Kịp thời bảo hộ ngư dân và tàu thuyền của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ; chủ động phối hợp Cục Lãnh sự và Đại Sứ quán Việt Nam ở nước ngoài đấu tranh, can thiệp đưa hàng trăm ngư dân địa phương bị bắt giữ về nước an toàn. Tàu thuyền và ngư dân của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản giảm đáng kể[50].

Công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình" và chống phá của thế lực thù địch được chú trọng. Trong thời gian qua, đã chủ động nắm chắc tình hình thực tế của địa phương, kịp thời đề ra các biện pháp nhằm đấu tranh có hiệu quả với hoạt động “diễn biến hòa bình” và chống phá của các thế lực thù địch; không để xảy ra điểm nóng, đột xuất, bất ngờ về an ninh trật tự. Công tác xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện được triển khai đồng bộ, đặc biệt trên các địa bàn chiến lược. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được duy trì. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được tăng cường. Chất lượng huấn luyện dân quân tự vệ, dự bị động viên và công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng được nâng cao. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển quân hàng năm. Tham gia tích cực, có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai.

Nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được giữ vững; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân mà nền tảng là khu vực phòng thủ ngày càng đi vào chiều sâu. Đảm bảo an ninh vùng chiến lược, vùng trọng điểm trên địa bàn tỉnh; giữ vững an ninh tuyến núi, tuyến biển, hải đảo. Lực lượng vũ trang được xây dựng đủ số lượng, ngày càng vững mạnh toàn diện, chủ động sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Các lực lượng chuyên trách giữ gìn an ninh, trật tự được bổ sung, tăng cường cả về lượng và chất; năng lực hoạt động của cơ quan điều tra các cấp từng bước được nâng cao. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và thế trận an ninh nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự được xây dựng, củng cố và phát triển sâu rộng.

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại có nhiều bước chuyển biến tích cực. Công tác xúc tiến vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ nước ngoài; quản lý đoàn ra, đoàn vào, bảo hộ tàu thuyền và ngư dân, giải quyết các vấn đề có yếu tố nước ngoài được thực hiện tốt. Thường xuyên duy trì mối quan hệ giữa Quảng Ngãi và các tỉnh phía Nam của nước bạn Lào; mở rộng giao thương với địa phương các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Philipin...

Nhìn lại chặng đường 30 năm tái lập, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt và không ngừng nâng cao; tiềm lực kinh tế - xã hội ngày một phát triển, quốc phòng, an ninh được đảm bảo; công tác quản lý điều hành ngày một hiệu quả hơn. Thành tựu trên là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ, sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương; là kết quả của quá trình phấn đấu nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh; sự đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, hội, đoàn thể các cấp; sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện chủ trương của Trung ương và nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp trong tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Quảng Ngãi vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Quy mô kinh tế của tỉnh còn hạn chế; năng lực cạnh tranh thấp; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm; giá trị sản xuất công nghiệp, thu ngân sách nhà nước còn phụ thuộc nhiều vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất; cơ cấu lại nông nghiệp chậm, chưa có nhiều mô hình hiệu quả; chưa có giải pháp hữu hiệu để gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ; nguồn lực xây dựng nông thôn mới hạn hẹp; dịch vụ, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; kinh tế miền núi còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, giảm nghèo chưa bền vững; kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội còn yếu kém, thiếu đồng bộ; chất lượng giáo dục, y tế cải thiện chưa nhiều; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo chậm đổi mới; xã hội hóa lĩnh vực giáo dục và các hoạt động văn hóa, thể thao vẫn còn những trở ngại, hạn chế.

Công tác tuyên truyền, vận động ở một số nơi thiếu chiều sâu, chưa sinh động; định hướng thông tin dư luận có lúc, có việc chưa kịp thời; một số nơi năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng yếu; chưa có sự chuyển biến thực chất, đồng bộ giữa các ngành, các cấp; những nhân tố tích cực, tiến bộ chưa được nhân rộng. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận và các đoàn thể có mặt còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu lao động có tay nghề; cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính chưa đạt yêu cầu; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh còn ở mức thấp. Kỷ luật, kỷ cương, năng lực, phẩm chất, ý thức trách nhiệm chưa thật sự chuyển biến; một bộ phận cán bộ ngại đổi mới, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, cứng nhắc trong đề xuất cơ chế chính sách, trong tổ chức thực hiện; tình trạng vi phạm pháp luật, tranh chấp, khiếu kiện liên quan vấn đề đất đai, môi trường còn diễn biến phức tạp; công tác phối hợp xử lý tình hình an ninh trật tự có lúc, có nơi còn bị động; phát hiện tham nhũng còn hạn chế.

III. MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện qua 30 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

- Tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng; chú trọng lựa chọn đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.  

- Bám sát tình hình thực tiễn của tỉnh, của đất nước, tăng cường phân tích, dự báo để thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng, Nhà nước; bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển; kiên trì, sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đồng thời quyết liệt hơn trong kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ; nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy trong huy động và sử dụng nguồn lực cho đầu tư phát triển.

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm. Đối với những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, cần phát huy dân chủ rộng rãi nhằm quy tụ chính kiến và quyết tâm thực hiện. Trong chỉ đạo thực hiện, phải kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm giấy tờ hành chính, hội họp, tăng chỉ đạo trực tiếp.

- Gắn kết chặt chẽ và đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; tăng cường quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng, an ninh, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; tạo đồng thuận xã hội.

- Trong xây dựng, phát triển kinh tế phải gắn kết chặt chẽ với giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là bảo đảm an sinh xã hội; kịp thời phát hiện và chủ động giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc, bảo đảm quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị - xã hội.

IV. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, TIẾP TỤC XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG QUẢNG NGÃI NGÀY CÀNG VĂN MINH, GIÀU ĐẸP

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định  mục tiêu tổng quát là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp vững mạnh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, chăm lo phát triển sự nghiệp văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; bảo vệ tài nguyên, môi trường, tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội; tạo nền tảng để đến năm 2020 Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, các Kết luận, Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, các cấp, các ngành tập trung khắc phục các hạn chế, yếu kém đã chỉ ra, nhất là khâu tổ chức thực hiện; kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện toàn diện, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, cụ thể:

- Tổ chức thực hiện tốt 17 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn và chủ đề của năm 2019: “Tiếp tục tinh gọn bộ máy, biên chế; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; ưu tiên phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội bức xúc”.

- Tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và các Kết luận, Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy.

- Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, cần đặc biệt quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo vệ môi trường; chăm lo đời sống người có công với cách mạng; đổi mới đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; tạo chuyển biến thực chất trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi; phát huy nhân tố con người làm động lực chủ yếu cho sự phát triển bền vững; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, công dân điện tử… Thường xuyên đối thoại, tiếp công dân; kịp thời giải quyết các đơn thư khiếu nại tố cáo, những vấn đề bức xúc của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

- Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy đảng; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể, trọng tâm là:

(1) Kiên quyết, kiên trì thực hiện 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; nêu cao tính tiên phong, gương mẫu gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; giảm hội họp, giấy tờ, tăng cường đi cơ sở, kiểm tra, đôn đốc giải quyết kịp thời các yêu cầu, kiến nghị chính đáng của nhân dân, doanh nghiệp. (2) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ…; thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc xây dựng chính quyền kiến tạo, hành động, phục vụ. Thực hiện cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; cải thiện chỉ số cải cách hành chính, chỉ số quản trị và hành chính công; đưa phần lớn các thủ tục hành chính vào thực hiện tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh với mục tiêu “Công khai - Minh bạch - Chất lượng - Đúng hẹn”. (3) Thực hiện đầy đủ, có chất lượng việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. (4) Thực hiện việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập. (5) Củng cố, kiện toàn cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp gắn với điều động, luân chuyển cán bộ để đào tạo, rèn luyện, thử thách qua thực tiễn, chuẩn bị nguồn nhân sự kế cận các chức danh lãnh đạo, quản lý cho nhiệm kỳ 2020 – 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

- Kiên quyết không để xảy ra tệ chạy chức, chạy chỗ, chạy quy hoạch, bố trí, đề bạt cán bộ vì thân quen, gia đình, dòng họ, cục bộ địa phương và các tiêu cực khác trong công tác cán bộ; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; tiếp tục rà soát, điều động cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo trên 8 năm, cán bộ có biểu hiện trì trệ, bảo thủ, né tránh, ngại va chạm; miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho từ chức, thôi việc hoặc thay thế kịp thời đối với cán bộ năng lực yếu, phẩm chất đạo đức kém, không hoàn thành nhiệm vụ, tín nhiệm thấp; phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ. Việc bố trí, sử dụng cán bộ phải thực chất hơn; bằng cấp là cần thiết, nhưng không phải chỉ căn cứ vào bằng cấp để đề bạt, bố trí cán bộ; lấy đạo đức, tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công việc để đánh giá, sử dụng cán bộ.

          Kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Quảng Ngãi (01/07/1989 - 01/07/2019) là dịp để chúng ta nhìn lại, phấn khởi và tự hào với những thành quả của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã đạt được, đồng thời tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, rèn luyện bản lĩnh, nâng cao trí tuệ, chung sức đồng lòng phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát triển toàn diện và đồng bộ kinh tế - xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại./.

 

NGUỒN BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY

 

[1] Đường, phân bón, gạch nung, nước mắm…

[2] Kế hoạch năm 2019, nhà máy đi vào sản xuất và cho ra sản phẩm 1.000.000 tấn thép.

[3] Nhà máy thủy điện Đakđrinh, công suất lắp đặt 125 MW; Thủy điện Hà Nang, Nước Trong, Sông Riềng với tổng công suất lắp đặt là 30,5 MW; Nhà máy thủy điện Sơn Trà 1, công suất lắp đặt 60 MW.

[4] Tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn hiện có 14 chiếc tàu cao tốc phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa từ đất liền ra đảo và ngược lại. Năng lực vận tải bình quân 160 khách/phương tiện/chuyến.

[5] Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 155 điểm bưu điện văn hóa xã, tạo nên mạng lưới điểm phục vụ bưu chính, viễn thông; có 06 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông: VNPT, Viettel, Mobifone, Vinaphone, FPT, SCTV cung cấp đầy đủ các dịch vụ viễn thông, internet.

[6] Trong đó, có 01 doanh nghiệp và 03 chi nhánh kinh doanh lữ hành quốc tế.

[7] Trong đó, có 86.000 lượt khách quốc tế, gấp 100 lần so với năm 1989.

[8] Trước năm 1990, hầu hết đàn bò tỉnh là giống địa phương có tầm vóc nhỏ, chậm lớn, nuôi theo phương thức quảng canh, hiệu quả kinh tế thấp.

[9] Trong đó, tàu có công suất dưới 20CV là 1.038 chiếc, chiếm 21%.

[10] Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động đã tiếp nhận 9.789 hồ sơ, giải quyết 8.868 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ trả kết quả giải quyết đúng hạn trung bình đạt 95,5%; tiếp nhận 300 hồ sơ, giải quyết và trả kết quả 272 hồ sơ TTHC liên thông thuộc thẩm quyền quyết định UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết gần 840 TTHC của 08 sở (KH và ĐT; Xây dựng; Y tế; Tư pháp; TN và MT; NN và PTNT; VH - TT và DL; TT và TT).

[11] Công bố 1.867 TTHC.

[12] 06 sở: Thông tin và Truyền thông, Công thương, Xây dựng, Y tế, NN và PTNT, GTVT (Báo chí và truyền hình, xuất bản và hoạt động in, thông tin điện tử, bưu chính, chuyển phát, điện, xúc tiến thương mại, xây dưng, dược phẩm, nông nghiệp và nông thôn, đường bộ, đường thủy nội địa, thẩm định dự án, thiết kế dự toán liên quan đến giao thông, an toàn thực phẩm, vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ, kinh doanh khí).

[13] Hiện đã có 09/14 địa phương được UBND tỉnh phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế một cửa theo hướng hiện đại, trong đó: 08 địa phương đã chính thức đi vào hoạt động (UBND thành phố, UBND các huyện: Sơn Hà, Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Trà Bồng, Bình Sơn, Ba Tơ; Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương); UBND  huyện Nghĩa Hành đang trong giai đoạn đầu tư, hoàn thiện. Xã Trà Quân, Trà Lãnh huyện Tây Trà chưa thực hiện cơ chế một cửa.

[14] Đến nay, toàn tỉnh có 23/26 trường phổ thông dân tộc bán trú đi vào hoạt động và 06 trường trung học cơ sở dân tộc nội trú huyện, 01 trường trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh. Các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Minh Long, Ba Tơ, Sơn Hà đã tổ chức dạy ngôn ngữ giao tiếp tiếng dân tộc H’re cho cán bộ, giáo viên trên địa bàn; hoàn chỉnh tài liệu dạy và học tiếng Cor do UBND huyện Trà Bồng chủ trì biên soạn.

 

[15] Hợp tác với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Tôn Đức Thắng, Tổ chức VVOB trong đổi mới phương pháp dạy và học; phối hợp đào tạo học sinh Lào theo thỏa thuận giữa tỉnh Quảng Ngãi và các địa phương của nước bạn.

[16] Đến tháng 12/2018, có 14/14 huyện, thành phố duy trì đạt chuẩn PCGDMNTNT (100%); có 184/184 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn (100%).

[17] Trong đó, có 34 trung tâm ngoại ngữ, tin học; 03 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng sống; 21 trường mầm non; 01 trường mầm non – tiểu học; 02 trường THPT; 01 trường từ cấp mẫu giáo đến cấp THPT (Thành phố giáo dục quốc tế Quảng Ngãi).

[18] Dự án tiêm chủng mở rộng được triển khai từ năm 1981, đến năm 1989 có <80% số trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin; từ năm 1989 đến năm tỷ lệ này luôn ở mức 90 – 98%. Các dự án, chương trình như: Dự án phòng, chống sốt rét được triển khai từ năm 1992; phòng chống bướu cổ được triển khai từ 1990; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi; phòng, chống phong; phòng, chống lao; dự án an toàn thực phẩm; phòng, chống HIV/AIDS được triển khai từ 1996; phòng, chống mù, lòa…

[19] Mỗi năm tổ chức từ 18 – 24 phiên giao dịch việc làm, qua đó, giúp tìm việc làm, bổ sung thông tin thị trường lao động và dự báo, cung ứng lao động.

[20] Như chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo ngoại ngữ, giáo dục, chi phí khám sức khỏe...

[21] Giai đoạn 1995 - 2005 chỉ đưa được 812 người đi xuất khẩu lao động, thì giai đoạn 2006 – 2010 đưa được 3.392 người, giai đoạn 2011 – 2015 đưa 8.041 người và giai đoạn 2016 – 2018 đưa 4.170 người đi xuất khẩu lao động.

[22] Trồng thử nghiệm cây sa nhân tại Sơn Hà; cây thanh long ruột đỏ ở Trà Bồng; nuôi dê ở Sơn Tây, Tây Trà; trồng thử nghiệm cây mắc ca, cây măng tây, nuôi cá tầm ở Sơn Tây…

[23] 08 mặt hàng của Sơn Hà (Rượu sâm Cau, gà Kiến, rượu Cần, Rau rừng (rau Dớn, chuối rừng, rau Ngót rừng, rau Ranh), t Xiêm (ớt tươi, ớt muối, dầu phộng); 05 mặt hàng của Ba Tơ (rượu Cần, Mật ong rừng, Tiêu Ba Lế, thịt Trâu khô, gà H’Re); Quế Trà Bồng.

[24] Đến nay đã có 145 sinh viên đại học là người dân tộc thiểu số được hưởng chính sách này.

[25] Quy định về luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ trẻ; chính sách tuyển chọn học sinh, sinh viên cử đi đào tạo trong và ngoài nước; Chính sách thu hút, ưu đãi nguồn nhân lực chất lượng cao đến công tác, làm việc tại tỉnh; Chính sách hỗ trợ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh là người dân tộc thiểu số của tỉnh; Chính sách hỗ trợ cho bác sĩ được chọn, cử đi bồi dưỡng chuyên sâu về chuyên môn và quản lý bệnh viện trong và ngoài nước...; Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm (theo hướng nguồn lực nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động đào tạo gắn với sử dụng lao động sau đào tạo).

[26] Một số địa phương thực hiện dịch vụ môi trường đối với chất thải rắn theo hình thức xã hội hóa như: Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Đa Lộc tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại huyện Lý Sơn; Công ty CP Cơ - Điện - Môi trường Lilama tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại huyện Bình Sơn, Công ty TNHH TM và CNMT MD đưa nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Đức Phổ vào hoạt động…

[27] Trên địa bàn tỉnh có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia, 98 di tích cấp tỉnh. Đã có gần 70 di tích đã được tu bổ, tôn tạo qua các giai đoạn.

[28] Khu chứng tích Sơn Mỹ, Đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định, Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, núi Thiên Ấn và mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, di tích cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, khởi nghĩa Trà Bồng…

[29] Về học tập, quán triệt NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX: toàn tỉnh mở 512 lớp, có 78.187 người học, đạt tỷ lệ 94,17%, trong đó có 45.079 đảng viên, 33.187 quần chúng.

[30] Tổ chức 5 đợt sinh hoạt chuyên đề: Đợt sinh hoạt nhân kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng với chủ điểm “Thực hành phong cách làm việc Hồ Chí Minh”; đợt sinh hoạt nhân kỷ niệm 127 năm Ngày sinh nhật Bác với chủ điểm “Xây dựng Đảng về đạo đức”; đợt sinh hoạt nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh - liệt sĩ với chủ điểm “Thương bình, liệt sĩ trong tư tưởng và tình cảm của Bác Hồ” và đợt sinh hoạt nhân kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 với chủ điểm “Nhớ mãi ơn Người”; đợt sinh hoạt chuyên đề năm 2018: “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên”.

[31] Năm 2017: Toàn tỉnh có hơn 400 tập thể, cá nhân được biểu dương, trong đó tại Lễ biểu dương cấp tỉnh có 20 tập thể và 31 cá nhân được tôn vinh. Năm 2018: Toàn tỉnh có hơn 400 gương tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng các cấp. Cấp tỉnh đã xét chọn 28 tập thể và 25 cá nhân để biểu dương, khen thưởng, trong đó có 03 tập thể và 04 cá nhân được chọn báo cáo điển hình và nhận Thư khen của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Trong Cuộc thi viết Những tấm gương bình dị mà cao quý” trên Báo Quảng Ngãi 11 tác phẩm báo chí đạt giải (2 giải B, 3 giải C, 6 giải khuyến khích).

[32] Dự kiểm điểm năm 2017 có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và đại diện lãnh đạo các ban đảng Trung ương.

[33] Quy chế đánh giá, phân loại cán bộ thuộc diện BTVT quản lý; Quy định về luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ trẻ; Kế hoạch thực hiện thí điểm bố trí, sử dụng, tuyển dụng và quản lý công chức ngành Tổ chức xây dựng Đảng cấp tỉnh, cấp huyện gắn với vị trí việc làm; Quy chế thi tuyển để bổ nhiệm chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý diện BTVTU quản lý; Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử…

[34] Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt quy hoạch Ủy viên BCH Đảng bộ đối với 76 đồng chí, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh 04 đồng chí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh 06 đồng chí; thông báo quy hoạch cho 431 đồng chí ở các sở, ban, ngành cấp tỉnh (trong đó: cấp trưởng 124 trường hợp, cấp phó 307 trường hợp) và 725 đồng chí thuộc các chức danh ban thường vụ, bí thư, phó bí thư các cấp uỷ trực thuộc Tỉnh ủy; chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND các huyện, thành phố nhiệm kỳ 2021 – 2026. Trung ương phê duyệt quy hoạch: Ban Thường vụ Tỉnh ủy 15 đồng chí, Bí thư Tỉnh ủy 03 đồng chí, Phó bí thư Tỉnh ủy 04 đồng chí; Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh 03 đồng chí, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh 03 đồng chí; Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh 03 đồng chí.

[35] Đối với cấp tỉnh: bầu bổ sung và phân công công tác đối 02 Ủy viên BTVTU; chỉ định 35 trường hợp, điều động 44 trường hợp, luân chuyển 09 đồng chí, bổ nhiệm 12 trường hợp, bổ nhiệm lại 15 trường hợp, thỏa thuận bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 38 trường hợp, giới thiệu ứng cử 64 trường hợp. Đối với cấp huyện: chỉ định và bầu bổ sung 46 ủy viên ban chấp, 31 ủy viên ban thường vụ cấp ủy huyện và tương đương; 02 phó bí thư cấp ủy huyện; 02 chủ tịch và 01 phó chủ tịch UBND, 01 chủ tịch và 04 phó chủ tịch HĐND cấp huyện; kiện toàn chức danh Bí thư, Phó Bí thư Huyện ủy Sơn Tây, 01 Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh; cho 01 đồng chí thôi tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh.

[36] Điều động 18 cán bộ lãnh đạo, quản lý (03 cấp trưởng và 15 cấp phó), trong đó có 09 cấp phó giữ chức vụ trên 08 năm.

[37] Đầu năm 2018, giảm 15 đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện KH số 126-KH/TU của Tỉnh ủy, giảm 37 đơn vị sự nghiệp công lập (lĩnh vực y tế giảm 20 đơn vị, giáo dục giảm 16 đơn vị, sự nghiệp khác giảm 01 đơn vị).

[38] Lý sơn, Minh Long, Nghĩa Hành, Sơn Hà, Đức Phổ, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Sơn Tây, Bình Sơn, Huyện Ba Tơ và TP. Quảng Ngãi.

[39] Thành phố Quảng Ngãi, Sơn Tịnh, Minh Long, Sơn Hà, Tây Trà, Lý Sơn, Bình Sơn, Mộ Đức, Tư nghĩa, Đức Phổ, Trà Bồng, Sơn Tây.

[40] Trà Bồng, Sơn Tịnh, Đức Phổ, Thành phố Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, Sơn Tây.

[41] Đức Phổ, Trà Bồng, Sơn Tịnh.

[42] Minh Long, Bình Sơn, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh.

[43] Năm 2016: Về đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ): có 917 TCCSĐ (306 đảng bộ, 611 chi bộ), trong đó, có 912 TCCSĐ được đánh giá, phân loại chất lượng. Kết quả có 428 TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, chiếm 46,93%; 388 TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ, chiếm 42,54%; 90 TCCSĐ hoàn thành nhiệm vụ, chiếm 9,87%; 06 TCCSĐ yếu kém, chiếm 0,66%. Về đánh giá chất lượng đảng viên: có 49.459 đảng viên; trong đó có 44.882 đảng viên được đánh giá chất lượng. Kết quả: có 4.374 đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiếm 9,75%; 35.156 đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, chiếm 78,33%; 5.114 đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, chiếm 11,84%; 238 đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ, chiếm 0,53%.

 Năm 2017: Về đánh giá chất lượng TCCSĐ: có 924 TCCSĐ (309 đảng bộ, 615 chi bộ), trong đó, có 922 TCCSĐ được đánh giá, phân loại chất lượng. Kết quả có 439 TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, chiếm 47,61%; 397 TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ, chiếm 43,06%; 76 TCCSĐ hoàn thành nhiệm vụ, chiếm 8,24%; 10 TCCSĐ yếu kém, chiếm 1,08%. Về đánh giá chất lượng đảng viên: có 50.837 đảng viên, trong đó có 46.215 đảng viên được đánh giá chất lượng. Kết quả: có 4.606 đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiếm 9,97%; 36.102 đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, chiếm 78,12%; 5.294 đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, chiếm 11,46%; 213 đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ, chiếm 0,46%.

[44] Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 121 nghị quyết chuyên đề.

[45] Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh phối hợp: Chăm lo, hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo với tổng giá trị khoảng gần 187,5 tỷ đồng (Năm 2016: 10 tỷ đồng; 2017: 150 tỷ đồng; 2018: 27,5 tỷ đồng). Xây dựng mới và sửa chữa hơn 2.330  nhà, với tổng giá trị trên 52 tỷ đồng. Thăm hỏi, động viên 30 trường hợp tàu cá gặp nạn khi hành nghề trên biển với tổng giá trị hơn 300 triệu đồng; trao, tặng 2.000 lá cờ cho bà con ngư dân vươn khơi, bám biển. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tổ chức thăm, tặng 900 suất quà cho người có uy tín nhân dịp tết Nguyên đán hàng năm, với tổng giá trị gần 450 triệu đồng (300 suất quà/năm).

[46] Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các tổ chức chính trị - xã hội đã phát triển mới 55.327 đoàn viên, hội viên (năm 2016: 15.719; năm 2017: 18.808; năm 2018: 20.800 đoàn viên, hội viên).

[47] Trong 03 năm qua, Thường trực Tỉnh ủy đã tiếp xúc, đối thoại trực tiếp 05 lượt với Nhân dân tại một số địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh; cấp huyện có 14/14 bí thư cấp ủy đã tiếp xúc, đối thoại trực tiếp 124 lượt với Nhân dân tại 124 thôn, tổ dân phố, đơn vị; cấp xã có 184/184 bí thư đảng ủy tiếp xúc, đối thoại trực tiếp 754 lượt  với Nhân dân tại 817 thôn, tổ dân phố. Các cấp ủy đã ban hành 883 thông báo kết luận để giải quyết, chỉ đạo giải quyết các vấn đề, vụ việc sau tiếp xúc, đối thoại; đến nay kết quả giải quyết các vụ việc đạt khoảng 85%.

[48] Các chỉ tiêu này đều đạt so với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; 49/49 xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng, an ninh.

[49] Đã đón tiếp và làm việc với 15 đoàn khách ngoại giao; phối hợp hướng dẫn, quản lý 225 đoàn khách nước ngoài với 1.248 lượt người; hướng dẫn, quản lý 29 đoàn phóng viên nước ngoài, với 64 lượt phóng viên đến thăm và làm việc tại tỉnh; cử 94 đoàn gồm 347 lượt CB, CC, VC đi công tác nước ngoài.

[50] Năm 2018, không xảy ra trường hợp nào vi phạm.