TÀI LIỆU TỌA ĐÀM

Xem với cỡ chữ Tương phản

Những bài học kinh nghiệm trong 90 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi

Th 2, 03/02/2020 | 14:32 CH

NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRONG 90 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH QUẢNG NGÃI (*)

---

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược của thực dân phương Tây đối với Việt Nam. Trước sự xâm lược của ngoại bang, phong trào đấu tranh của nhân dân trên cả nước dấy lên mạnh mẽ, theo nhiều khuynh hướng khác nhau. Tuy nhiên, do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên các phong trào đó lần lượt thất bại. Trong bối cảnh chung của cả nước, tại Quảng Ngãi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX phong trào yêu nước chống Pháp cũng diễn ra sổi nổi, tiêu biểu như phong trào hưởng ứng chiếu Cần Vương do cử nhân Lê Trung Đình, tú tài Nguyễn Tự Tân, Nguyễn Bá Loan, v,v; phong trào Duy Tân do ông Lê Đình Cẩn,v,v…lãnh đạo. Các phong trào đấu tranh này đã thể hiện được tinh thần và truyền thống yêu nước bất khuất, kiên cường chống ngoại xâm của nhân dân Quảng Ngãi, nhưng cũng đều bị thất bại, con đường cách mạng cả nước nói chung và của Quảng Ngãi nói riêng lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo. Nhiệm vụ lịch sử đặt ra là phải tìm một con đường cách mạng mới đúng đắn và một giai cấp, một tổ chức, có đủ sức, uy tín, năng lực và có đường lối đúng đắn để lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Giữa lúc dân tộc rơi vào tình cảnh bế tắc, khủng hoảng về đường lối giải phóng đất nước, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh) đã quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước theo phương hướng mới. Trải qua nhiều năm bôn ba khắp năm châu, bất chấp mọi nguy hiểm, gian khổ, tháng 7/1920, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê nin và từng bước truyền bá con đường cách mạng vô sản vào Việt Nam. Tư tưởng cách mạng vô sản của Người đã tác động lớn đến tư tưởng của nhiều thanh niên yêu nước tiến bộ ở Quảng Ngãi lúc bấy giờ, tiêu biểu như: Trương Quang Trọng, Nguyễn Thiệu, Phạm Văn Đồng, v,v…. Năm 1926, đồng chí Trương Quang Trọng đã thành lập tổ chức Phục Việt (Tân Việt) ở Quảng Ngãi[1]. Giữa năm 1927, đồng chí Nguyễn Thiệu, Trương Quang Trọng chuyển toàn bộ tổ chức của Tân Việt trong tỉnh thành Tỉnh Hội VNCMTN Quảng Ngãi do đồng chí Trương Quang Trọng làm Bí thư Tỉnh hội, từ đây bắt đầu hình thành nên một tổ chức cách mạng theo xu hướng cộng sản ở Quảng Ngãi (Đây là tiền thân của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi). Tháng 7/1929, đồng chí Trương Quang Trọng đã triệu tập các hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Quảng Ngãi họp tại núi Xương Rồng, huyện Đức Phổ thành lập tổ chức “dự bị cộng sản”.

Sau Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 3/1930 đồng chí Nguyễn Nghiêm đã triệu tập hội nghị tại làng Tân Hội, huyện Đức Phổ để phổ biến Nghị quyết hợp nhất Đảng trong toàn quốc, đồng thời thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Cộng sản Quảng Ngãi, chuyển tổ chức “dự bị Cộng sản” thành chi bộ cộng sản chính thức ở Quảng Ngãi, Hội nghị bầu Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Nguyễn Nghiêm làm Bí thư. Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi là sự kiện chính trị đánh dấu bước chuyển biến rất cơ bản của phong trào cách mạng ở các địa phương trong tỉnh, là kết quả tất yếu quá trình đấu tranh cách mạng bền bỉ, tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân và các chiến sĩ cộng sản tỉnh Quảng Ngãi. Mở ra thời kỳ mới của phong trào cách mạng toàn tỉnh, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo cách mạng. Từ đây, cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân Quảng Ngãi đều có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của một tổ chức cách mạng tiên phong đó là Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi.

Ngay từ khi mới được thành lập, Đảng bộ đã trực tiếp lãnh đạo, phát động quần chúng đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp và tay sai giành được những thắng lợi quan trọng. Trong giai đoạn 1930 - 1945, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực; xóa bỏ bất công áp bức, bóc lột; giành chính quyền về tay nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi giành được nhiều thắng lợi quan trọng không chỉ có ý nghĩa đối với Quảng Ngãi mà còn tác động rất lớn đến khu vực và cách mạng cả nước.

Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, nhân dân đã dồn sức khắc phục những hậu quả do chiến tranh để lại, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh... Nhờ đó diện mạo của tỉnh từ thành phố đến các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo ngày càng đổi thay, khởi sắc. Gần 45 năm giải phóng, Đảng bộ, quân và dân Quảng Ngãi đã đoàn kết nhất trí, tập trung và nỗ lực vượt qua bao khó khăn, thử thách, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, tiếp tục đóng góp cùng nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đến nay, kinh tế của tỉnh đã có bước phát triển và tăng trưởng khá cao, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được cải thiện đáng kể, cơ cấu kinh tế tiếp tục được chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá và từng bước hiện đại hoá; văn hoá xã hội ngày càng phát triển; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được giữ vững, các lĩnh vực khác đều có bước phát triển vượt bậc. Công tác xây dựng Đảng tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Vai trò lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng được nâng lên, sự đoàn kết thống nhất trong toàn đảng bộ, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được duy trì và phát huy. Hoạt động của các cơ quan nhà nước, mặt trận và các đoàn thể nhân dân từng bước được đổi mới và phát huy hiệu quả.

Đồng chí Trần Đình Cảm, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh trình bày tham luận tại buổi Tọa đàm

Trải qua 90 năm đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã lãnh đạo giành được nhiều thành quả quan trọng góp phần cho công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đưa tỉnh Quảng Ngãi thoát đói, giảm nghèo từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và hiện đại. Từ những hoạt động thực tiễn lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương đã để lại, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng bộ. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Luôn quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng bộ về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống tư tưởng cơ hội, hữu khuynh, quan liêu, xa rời quần chúng. Không ngừng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức lãnh đạo, quản lý và công tác vận động quần chúng. Trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ phải thống nhất trong tư tưởng cũng như trong hành động, giữ vững các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ.

Thứ hai, phải nắm vững và vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp mình phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Bám sát thực tiễn của tỉnh, sự phát triển của đất nước, tăng cường phân tích, dự báo để thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng, Nhà nước; bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển; kiên trì, sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện; xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ trong các Nghị quyết đại hội của các cấp. Trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, phải xác định những nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu trong từng giai đoạn, đề ra những chủ trương, biện pháp, giải pháp đúng để thực hiện, đồng thời phải bám sát công việc để chỉ đạo quyết liệt, kịp thời giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Phát huy tối đa nội lực, nhạy bén, kịp thời chớp thời cơ để lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thứ ba, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh. Tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng; chú trọng lựa chọn đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh đủ sức quản lý, điều hành, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương. Chú trọng đến công tác xây dựng chính quyền, thường xuyên đổi mới hoạt động lãnh đạo, quản lý theo thần “Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”; “Xây dựng chính quyền kiến tạo - linh hoạt”. Lựa chọn những cán bộ có đủ năng lực phẩm chất, bố trí các chức danh chủ chốt, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ năng lực và phẩm chất để hoàn thành chức trách được giao.

Thứ tư, coi trọng vai trò Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, xây dựng khối đoàn kết toàn dân, huy động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị. Quán triệt quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Thông qua các đoàn thể để giác ngộ các tầng lớp nhân dân, làm cho quần chúng hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn cách mạng. Tập trung chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết, phát huy dân chủ ở cơ sở, gần dân, sâu sát cơ sở để lắng nghe và nắm bắt kịp thời những tâm tư nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.

Thứ năm, tập trung chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ năng lực và uy tín, đây là khâu quyết định thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm huyết, ý thức trách nhiệm trước Đảng, tinh thần phục vụ nhân dân, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo quản lý và điều hành, nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có uy tín trước nhân dân, tinh thần đoàn kết nội bộ, đoàn kết trong Đảng.

Thứ sáu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm. Gắn kết chặt chẽ và đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; quốc phòng-an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Trong xây dựng, phát triển kinh tế phải gắn kết chặt chẽ với giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là bảo đảm an sinh xã hội; kịp thời phát hiện và chủ động giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc, bảo đảm quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị - xã hội. Tăng cường quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phấn đấu sớm đưa tỉnh Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

---

Tham luận của đồng chí Trần Đình Cảm, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh tại buổi Tọa đàm “Tự hào 90 năm truyền thống vẻ vang của Đảng bộ Quảng Ngãi” và tổng kết Cuộc thi viết “Tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 1930 - 2020” được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức vào sáng ngày 31/01/2020.

 

[1]. Tháng 9 năm 1926 đổi thành Việt Nam Cách mạng Đảng (Đảng Tân Việt).