TÀI LIỆU TỌA ĐÀM

Xem với cỡ chữ Tương phản

Những nét riêng, độc đáo, sáng tạo trong quá trình xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (1930 - 2020)

Th 2, 03/02/2020 | 14:31 CH

NHỮNG NÉT RIÊNG, ĐỘC ĐÁO, SÁNG TẠO TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG

VÀ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH QUẢNG NGÃI (1930 - 2020)*

---

Hôm nay, hòa trong niềm hân hoan, phấn khởi của những ngày đầu Xuân Canh Tý (2020), Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức buổi tọa đàm kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh nói chung và Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nói riêng (tháng 3/1930- tháng 3/2020). Nhân dịp đầu xuân năm mới, tôi xin gửi đến tất cả đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và các đại biểu dự tọa đàm lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc, chúc hội nghị thành công tốt đẹp.

Tham dự buổi Tọa đàm “Tự hào 90 năm truyền thống vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi”, tôi xin trình bày tham luận có tính gợi mở, với chủ đề“Những nét riêng, độc đáo, sáng tạo trong quá trình xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (1930 - 2020)”.

Kính thưa các đồng chí!

Từ thế kỷ thứ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn đã có nhận xét về đất và người Quảng Ngãi đại ý, rằng: Quảng Ngãi là vùng đất bạc, dân chăm, tính tằn tiện, người quân tử thích việc nghĩa; địa thế tuy hẹp nhưng khí mạch tốt, học trò chăm chỉ nên đời nào cũng có người làm quan to… Ngẫm lại sự đúc kết đó trong suốt gần 1 thế kỷ xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ và Nhân dân Quảng Ngãi có thể tự hào đã kế tục xứng đáng truyền thống vẻ vang của vùng đất và con người Quảng Ngãi trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

 Như đã đề cập từ trước, tham luận này chỉ mang tính gợi mở để các đại biểu tham dự cuộc tọa đàm này tiếp tục bổ túc thêm ý kiến về tính độc đáo, riêng có của quá trình 90 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh từ khi thành lập (tháng 3/1930) đến nay.

Như một sự trùng phùng lịch sử, cũng ngày này các đây đúng 100 năm, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã đọc được sơ thảo Luận cương của Lê-nin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Từ đây đã mở ra bước ngoặt lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình sau 10 năm tìm tòi thử nghiệm để nhận biết chân lý: Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới thoát khỏi ách nô lệ.

Đồng chí Võ Văn Hào, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh trình bày tham luận tại buổi Tọa đàm

Cùng thời điểm lịch sử này, ở Quảng Ngãi cũng như cả nước, trước khi Đảng bộ thành lập, phong trào yêu nước, chống thực dân Pháp cũng đang nằm trong sự “thử nghiệm” lịch sử, khi thì theo chủ nghĩa phong kiến, lúc thì theo những quan điểm dân chủ tư sản. Mỗi phong trào trong từng giai đoạn tuy có khác nhau về màu sắc, quan điểm tư tưởng, đường lối và chủ trương chính trị, phương pháp đấu tranh, nhưng các phong trào sau đều có sự học hỏi, chọn lọc và kế thừa những thành công cũng như rút ra được những bài học từ các phong trào đi trước, đều thể hiện cùng một ý chí, tinh thần, bản chất lòng yêu nước, sự căm thù quân cướp nước và bè lũ bán nước cao độ, ý chí quyết tâm giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Chính vì vậy, khi bắt gặp những tư tưởng cứu nước tiến bộ của Nguyễn Ái Quốc, những thanh niên yêu nước ở Quảng Ngãi lúc bấy giờ đã nhanh chóng tiếp thu và truyền bá rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Không phải ngẫu nhiên mà từ những năm đầu thập kỷ 20 của thế kỷ XX, tư tưởng yêu nước theo con đường cách mạng vô sản của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã được người thanh niên yêu nước Trần Kỳ Phong truyền bá, thức tỉnh tầng lớp thanh niên yêu nước ở Quảng Ngãi. Và khi tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Quảng Châu (Trung Quốc) năm 1925, thì không lâu sau đó tổ chức này đã sớm ra đời ở tỉnh Quảng Ngãi. Sự ra đời của Tỉnh hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Ngãi đã đánh dấu sự chuyển hướng hoàn toàn con đường cách mạng dân tộc, dân chủ theo chủ nghĩa Mác - Lênin của tầng lớp thanh niên trí thức yêu nước, dưới sự chỉ đạo của Quốc tế cộng sản, mà trực tiếp là đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Đặc biệt, từ tháng 7/1928, tư tưởng chuyển tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thành tổ chức Cộng sản bắt đầu xuất hiện và được tranh luận trong hội nghị đại biểu của Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Trung Kỳ họp tại Đà Nẵng, nhưng vẫn không đưa được ý kiến thống nhất cuối cùng, dẫn đến phân hóa trong tổ chức Hội. Sau Đại hội lần thứ nhất của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ Quảng Châu trở về, đồng chí Trương Quang Trọng, Bí thư Tỉnh hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Ngãi báo cáo tình hình và bày tỏ chính kiến của mình về việc thành lập các tổ chức cộng sản trong nước và cho rằng: Tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, không còn phù hợp để tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh đang phát triển mạnh mẽ theo khuynh hướng vô sản, đặt ra yêu cầu bức thiết phải có một tổ chức mới. Sau đó, các đồng chí Trương Quang Trọng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Sĩ Sách, Nguyễn Thiệu họp bàn nhiều lần, thống nhất nhận định phải giải tán tổ chức Hội và thành lập tổ chức "Dự bị cộng sản". Tháng 7/1929, tại núi Xương Rồng (Đức Phổ) dưới sự chủ trì của đồng chí Trương Quang Trọng, hội nghị Tỉnh bộ đã nhất trí tuyên bố tất cả cán bộ và hội viên của Tỉnh bộ phải hoạt động theo tinh thần của một tổ chức cộng sản, đồng thời tuyên bố thành lập  tổ chức “Dự bị cộng sản”. Các đồng chí Nguyễn Nghiêm và Phạm Viết My được giao nhiệm vụ chuẩn bị mọi điều kiện để xúc tiến xây dựng Đảng bộ Cộng sản ở Quảng Ngãi. Chấp hành Nghị quyết của hội nghị “Núi Xương Rồng”, cán bộ và hội viên của Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đã tích cực hoạt động, xây dựng tổ chức, thúc đẩy phong trào. Các chi bộ “Dự bị cộng sản” đã được thành lập ở các phủ, huyện.

Như vậy, từ chủ nghĩa yêu nước, chống áp bức, bóc lột của thực dân phong kiến, các thanh niên có tư tưởng tiến bộ ở Quảng Ngãi đã sớm tiếp thu và tuyên truyền, phổ biến trong các tầng lớp nhân dân, sớm thành lập Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và khi chưa đủ điều kiện thành lập Đảng bộ đã chủ trương thành lập tổ chức “Dự bị cộng sản” làm nhiệm vụ chuẩn bị thành lập các chi bộ cộng sản. Đây cũng chính là sự sáng tạo, tỏ rõ lập trường, quan điểm của những người cộng sản chân chính ở Quảng Ngãi từ thời kỳ đầu dựng Đảng, mà không nơi nào có. Các tổ chức Dự bị Cộng sản chính là tổ chức tiền thân, quá độ để chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho sự ra đời chi bộ cộng sản ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, thời điểm tương đối sớm so với nhiều nơi trong nước, đánh dấu bước ngoặt lịch sử cực kỳ quan trọng trong đời sống chính trị của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhất là nhân dân lao động và lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương.

Nét độc đáo, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi càng được thể hiện rõ nét trong quá trình lãnh đạo cách mạng tỉnh nhà đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cũng như trong việc vận dụng những chỉ đạo của Trung ương vào tình hình thực tế của địa phương trong từng thời kỳ các mạng.

Sau khi thành lập vào tháng 3/1930, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã phát động, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh trong toàn tỉnh, gây tiếng vang và đem lại niềm tin to lớn cho quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, của Tỉnh ủy. Một số thắng lợi tiêu biểu, đồng thời là minh chứng rõ nét, sinh động cho sự chủ động, sáng tạo, độc đáo của Đảng bộ tỉnh trong lãnh đạo đấu tranh giải phóng tỉnh Quảng Ngãi phải kể đến thắng lợi của cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ ngày 8/10/1930, cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ ngày 11/3/1945, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi tháng 8/1959.

Trong cuộc biểu tình đánh chiếm huyện đường Đức Phổ vào tối ngày 7, rạng sáng ngày 8/10/1930, trên cơ sở phân tích tình hình, so sánh lực lượng giữa ta và địch, nhất là lúc địch đang tăng cường kiểm soát và đàn áp sau Xô viết Nghệ -Tĩnh, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đánh giá lúc này không thể đặt vấn đề đánh đổ sự thống trị của chế độ thực dân, phong kiến, dựng lên chính quyền xô viết như ở Nghệ Tĩnh mà chỉ có thể tiến hành cuộc biểu tình với mục tiêu là đập tan uy thế chính trị của chính quyền thực dân và phong kiến tay sai, qua đó nêu cao đường lối đấu tranh của Đảng và khí thế chính trị của quần chúng. Mục tiêu của cuộc biểu tình là qua đấu tranh để rèn luyện quần chúng, cán bộ, đảng viên tinh thần cách mạng, ý thức dân tộc và giác ngộ giai cấp. Trên cơ sở mục tiêu của cuộc biểu tình, Tỉnh ủy đề ra hình thức và biện pháp đấu tranh là biểu tình quần chúng, tiến công chính trị vào Huyện đường. Hình thức đấu tranh chính trị đó đã tránh được những hành động bột phát, trấn áp, tước đoạt như phong trào ở một số nơi, và tập trung lực lượng để đạt được một số yêu cầu chủ yếu.

Một trong những vấn đề hàng đầu của một cuộc đấu tranh là đảm bảo an toàn tính mạng của quần chúng. Xuất phát từ tình hình so sánh lực lượng hai bên và xác định lực lượng quân sự của địch nằm bên ngoài huyện, Tỉnh ủy chủ trương phải vô hiệu hóa lực lượng quân sự của địch bằng cách làm chậm thời điểm chúng có mặt tại huyện và tranh thủ kết thúc cuộc đấu tranh trước khi chúng từ thị xã vào đến huyện Đức Phổ. Cùng thời gian quần chúng tấn công và làm chủ Huyện đường Đức Phổ, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Huyện ủy Mộ Đức và Ba Tơ cũng tập hợp và phát động quần chúng đấu tranh để “chia lửa” với huyện Đức Phổ. Các đội tự vệ được thành lập để giữ trật tự, động viên tinh thần đấu tranh, xử lý các trường hợp nhụt ý chí; lập đội phản gián để trấn áp hoặc bắt những tên nguy hiểm trà trộn trong đoàn biểu tình; nhiều cây cối dọc tuyến Quốc lộ 1 và tuyến Thạch Trụ - Ba Tơ đã bị triệt hạ làm chướng ngại vật chặn quân tiếp viện từ Quảng Ngãi và các nơi khác về Đức Phổ đàn áp phong trào cách mạng. 7 giờ sáng thì đoàn biểu tình đã giải tán, nhưng đến tận 10 giờ địch mới đến được Huyện đường. Đó là biểu hiện của nghệ thuật quân sự trong chỉ đạo tiến hành và kết thúc cuộc biểu tình một cách sáng tạo của Tỉnh ủy. Thành công của cuộc biểu tình cho thấy sự sáng suốt trong nhận định tình hình, sự mưu lược trong chủ trương, biện pháp và sự khéo léo trong công tác tổ chức và chỉ đạo của một Đảng bộ tỉnh vừa mới ra đời. Thực tiễn sinh động của cuộc đấu tranh do Tỉnh ủy lãnh đạo đã minh chứng đường lối đúng đắn của Trung ương Đảng, được Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đánh giá: “Rồi tới Quảng Ngãi, tuy phong trào chưa bằng Nghệ Tĩnh, nhưng nó vẫn là mạnh nhất trong phía Nam Trung Kỳ”.

Cũng vào cuối năm 1930, sau Hội nghị mở rộng của Xứ ủy Trung Kỳ đã ban hành Nghị quyết Hội nghị, trong đó có nội dung thanh lọc các đảng viên xuất thân từ thành phần giai cấp bóc lột theo phương châm: "Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ". Nhận được chỉ đạo này của Xứ uỷ, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã họp bàn, thảo luận và nhận thấy nghị quyết không sát hợp với tình hình cụ thể của địa phương nên Đảng bộ tỉnh đề nghị hoãn thi hành và xin thêm ý kiến của Xứ ủy. Nghị quyết này sau đó đã được Trung ương uốn nắn và đình chỉ thi hành. Việc Đảng bộ tỉnh đề nghị hoãn thi hành nghị quyết cho thấy sự nhạy bén, quyết đoán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, không rập khuôn, máy móc theo sự chỉ đạo chung của Trung ương, tránh được tình trạng đẩy tầng lớp trí thức và những người không thuộc giai cấp công - nông ra khỏi phong trào đấu tranh chung của quần chúng nhân dân, làm phân hóa và suy yếu đội ngũ cách mạng.

Trong cao trào cách mạng 1939 - 1945, Đảng bộ tỉnh đã tích cực nghiên cứu, học tập, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng. Vào cuối năm 1944, đầu năm 1945, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đã bước vào giai đoạn cuối, thời cơ giành chính quyền đang đến gần. Nhưng giành chính quyền bằng cách nào, trong điều kiện nào là một câu hỏi lớn. Không được may mắn như các đồng chí ở Bắc Bộ có sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng, phần lớn các đồng chí ở Trung - Nam Bộ đều chưa liên lạc được với Trung ương, đang rất lúng túng trong việc làm gì và làm thế nào để chớp thời cơ giành chính quyền về tay nhân dân. Cơ hội ngàn năm có một đã đến. Để đối phó với phong trào cách mạng đang lên, thực dân Pháp tập trung tất cả những người yêu nước Quảng Ngãi từ khắp các nhà tù về căng an trí Ba Tơ. Nhưng chúng không ngờ đó lại cách tốt nhất để những người yêu nước Quảng Ngãi đoàn kết lại, đánh đổ chúng. Vì vậy mà chỉ 2 ngày sau khi Nhật đảo chính Pháp, mặc dù chưa nhận được Chỉ thị của Trung ương, các đồng chí ở căng an trí Ba Tơ đã kịp thời phát động cuộc đấu tranh vũ trang chiếm đồn Ba Tơ, tiến hành cuộc khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi (11/3/1945) và xây dựng Đội du kích Ba Tơ làm nòng cốt hỗ trợ cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Đó là một nét độc đáo, riêng có, sáng tạo ở Quảng Ngãi.

Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra và thắng lợi là một sự sáng tạo, khắc phục được những điểm yếu của các cuộc khởi nghĩa nổ ra trước đó, như Bắc Sơn, Đô Lương.  Đó là, tấn công cục bộ, khởi nghĩa từng phần, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị; là tư tưởng cách mạng tiến công, phát huy sức mạnh toàn dân, khai thác triệt để sự suy yếu của kẻ thù; là giành quyền làm chủ ở cơ sở, tiến lên giành toàn bộ chính quyền; là xây dựng lực lượng vũ trang từ nhỏ đến lớn, có lực lượng cơ động, có lực lượng tại chỗ (dân quân, du kích), xây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng ngày càng vững mạnh, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và công tác binh vận. Vì vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, cuộc khởi nghĩa Ba Tơ biến thành cao trào cách mạng, lật đổ chính quyền tay sai của Nhật ở cơ sở, mở rộng vùng làm chủ của nhân dân; phát triển lực lượng vũ trang và bán vũ trang, phát triển Đảng, liên lạc với Trung ương và hỗ trợ các tỉnh lân cận, chuẩn bị các tiền đề cần thiết để tiến hành tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến.

Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi và đặc biệt là Đội du kích Ba Tơ ra đời, tiến về đồng bằng xây dựng lực lượng, huấn luyện đấu tranh vũ trang, hỗ trợ phong trào quần chúng nổi dậy giành chính quyền trong toàn tỉnh. Chính vì vậy, cuộc tổng khởi nghĩa trong cách mạng Tháng Tám, năm 1945 ở Quảng Ngãi nổ ra sớm và giành thắng lợi. Trong điều kiện chưa nhận được chỉ thị của Trung ương, nhưng nhận được tin Nhật đầu hàng Đồng minh, dựa trên cơ sở chuẩn bị chu đáo, dự lường trước chính xác về thời cơ và lực lượng khởi nghĩa theo đúng tinh thần của Đảng, Đảng bộ tỉnh nhanh chóng chớp thời cơ, phát huy cao độ tinh thần chủ động, sáng tạo, đề ra các chủ trương đúng đắn, sử dụng linh hoạt các phương pháp cách mạng, phát động khởi nghĩa giành chính quyền từ ngày 14/8/1945. Và chỉ 2 ngày sau đó, tức là ngày 16/8/1945, cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi. Quảng Ngãi trở thành một trong những tỉnh  giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.

Quá trình tiến hành khởi nghĩa, Tỉnh ủy đã lãnh đạo phong trào đấu tranh bằng một loạt các chỉ thị kịp thời, nội dung ngắn gọn và kiên quyết, bắt đầu từ các Chỉ thị số 7 (ngày 9/8/1945), số 8, số 9 (ngày 14/8/1945) về nội dung, hình thức, lực lượng và thời gian khởi nghĩa. Ngay sau đó, khi vừa giành được chính quyền lại lập tức ban hành Chỉ thị số 10 (ngày 15/8/1945) về việc thành lập chính quyền cách mạng và quy định hoạt động của các cấp chính quyền trên phạm vi toàn tỉnh. Điều này trên toàn quốc, rất ít địa phương có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, chu đáo và bài bản như vậy. Cuộc khởi nghĩa nổ ra, giành thắng lợi nhanh chóng, trọn vẹn phải kể đến lực lượng vũ trang là Đội du kích Ba Tơ làm nòng cốt, trong khi đó hầu như các địa phương khác không có điều kiện này.

Kính thưa tất cả các đồng chí.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một trong những thắng lợi vẻ vang, có tính chất quyết định đến phong trào cách mạng chung cả nước và của tỉnh nhà, đó chính là cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, một mốc son lịch sử vẻ vang, thể hiện rõ nét sự chủ động, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh.

Ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ kịp thời đề ra những chủ trương phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bền bỉ đấu tranh bảo tồn thực lực cách mạng, sớm xây dựng các đơn vị lực lượng vũ trang, sử dụng linh hoạt các hình thức đấu tranh, xây dựng và mở rộng căn cứ cách mạng ở miền núi, chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa lớn có tính chất làm thay đổi tình thế cách mạng. Xuất phát từ tình hình, đặc điểm miền núi của tỉnh, đồng thời phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc thiểu số, từ sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã tiến hành các bước chuẩn bị cho đấu tranh vũ trang, trong điều kiện Trung ương chủ trương chỉ đấu tranh chính trị đơn thuần, chờ thời cơ, chờ có chủ trương mới, sự chỉ đạo của trên để lãnh đạo nhân dân tiến hành khởi nghĩa. Điều đó đã được thể hiện qua các hội nghị Tỉnh ủy, các cuộc hội nghị cán bộ. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị Gò Rô ở Trà Bồng (7/7/1958). Đây là hội nghị được xem là đại hội đoàn kết các dân tộc miền Tây Quảng Ngãi quyết tâm đánh Mỹ - Diệm; là Hội nghị Diên Hồng của nhân dân Quảng Ngãi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi nổ ra và thắng lợi, trở thành cuộc khỏi nghĩa vũ trang đầu tiên, mở đầu phong trào Đồng Khởi ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thắng lợi của Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi là thắng lợi của việc nghiêm chỉnh tiếp thu và vận dụng linh hoạt sáng tạo những nội dung cơ bản trong "Đề cương cách mạng miền Nam" của Trung ương Cục, Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng và các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Ngãi từ năm 1954 đến năm 1959. Cuộc khởi nghĩa là điểm nút chuyển từ hình thái đấu tranh chính trị đơn thuần sang kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đạp đổ chính quyền địch, xây dựng chính quyền cách mạng, tạo ra một bước ngoặt quan trọng cho phong trào cách mạng trong tỉnh. Đây cũng là thắng lợi trong việc thực hiện nhuần nhuyễn chính sách dân tộc của Đảng, xây dựng được khối đoàn kết nhân dân các dân tộc ở Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, tạo nên sức mạnh to lớn của phong trào cách mạng ngay những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Tác động của cuộc khởi nghĩa lan rộng ra bên ngoài ranh giới của tỉnh Quảng Ngãi, cổ vũ phong trào cách mạng các tỉnh Liên khu V, làm đau đầu chính quyền Sài Gòn. Đồng chí Võ Chí Công (lúc bấy giờ là Bí thư Liên khu ủy V) đã kết luận: “Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi đã nổ ra kịp thời, có chuẩn bị, có lãnh đạo và chỉ huy chặt chẽ, đi đúng đường lối cách mạng Việt Nam, thực hiện đúng Nghị quyết 15, đóng góp những kinh nghiệm quý báu cho việc thực hiện Nghị quyết 15 ở miền Nam Trung bộ… Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi đã mở đầu trang sử đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang song song, đó là đỉnh cao nhất trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Ngãi trong thời kỳ lúc bấy giờ. Nó là thắng lợi đầu lòng và đột xuất, cổ vũ phong trào chung trong tỉnh, trong khu phát triển mạnh mẽ”.

Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, Tỉnh ủy Quảng Ngãi tiếp tục chỉ đạo giành nhiều thắng lợi có tính bước ngoặt không chỉ cho phong trào cách mạng trong tỉnh mà toàn khu, toàn miền. Trong các thắng lợi đó, không thể không kể đến các chiến thắng Ba Gia (tháng 5/1965), Vạn Tường (8/1965) và đỉnh cao là cuộc tổng tiến công giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Ngãi mùa xuân 1975.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng năm 1975, nhận thức sâu sắc những bất lợi của điều kiện tự nhiên với thiên nhiên khắc nghiệt, thường xuyên bị thiên tai tàn phá nặng nề, Đảng bộ tỉnh đã dày công nghiên cứu, tìm tòi  hướng phát triển mới của tỉnh. Nông nghiệp, nông thôn, đời sống người nông dân luôn luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư phát triển. Dù trong hoàn cảnh nào, tỉnh hết sức quan tâm tập trung ngân sách đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi. Công trình thủy lợi Thạch Nham, công trình trọng điểm cấp Nhà nước, được khởi công xây dựng năm 1985, đúng vào thời điểm tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh cũng như cả nước gặp khó khăn nhất. Sau 13 năm xây dựng, năm 1997, công trình thủy lợi Thạch Nham hoàn thành, thực sự đã tạo ra bước phát triển đột phá đối với nông nghiệp và đời sống người dân Quảng Ngãi. Đây là công trình kinh tế - xã hội tiêu biểu, điểm nổi bật của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi trong thời kỳ đầu xây dựng quê hương, là sự tiếp nối, phát huy đến đỉnh cao truyền thống lao động cần cù, thông minh, sáng tạo của người Quảng Ngãi, góp phần giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm những năm 80 của thế kỷ XX, không những đã tự cân đối được lương thực, giải quyết được nhu cầu lương thực cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh mà còn chi viện cho các tỉnh bạn và làm nghĩa vụ đôi với Nhà nước, cùng đất nước vượt qua nạn thiếu đói lương thực gay gắt.

Tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, Đảng bộ Quảng Ngãi khai thác tối đa thế mạnh của tỉnh, của khối đoàn kết toàn dân, chủ động lãnh đạo nắm bắt thời cơ, tranh thủ các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, vừa chống tư tưởng trông chờ, thụ động hoặc nôn nóng, chủ quan, duy ý chí. Khu kinh tế, các khu công nghiệp, khu đô thị mới được xây dựng, các công trình, các dự án lớn của các nhà đầu tư chiến lược đã và đang là biểu tượng của tư duy kinh tế năng động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Kính thưa các đồng chí!

Thực tiễn 90 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh đã chứng minh rằng cách mạng là sáng tạo. Chỉ có sự chủ động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt chủ trương, chính sách của Đảng phù hợp với thực tiễn địa phương thì Đảng bộ tỉnh mới có thể đưa cách mạng tỉnh nhà đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trên đây là một số nét khái quát, có tính gợi mở về những nét riêng, độc đáo, sáng tạo trong quá trình xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhân dịp Đảng bộ tỉnh tổ chức các hoạt động kỷ niệm 90 năm ngày thành lập. Có thể có những điều chưa sâu sắc, thỏa đáng, kính mong các đại biểu dự tọa đàm lượng thứ, trao đổi ý kiến, góp phần cho buổi tọa đàm đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.

Chúc buổi tọa đàm và tổng kết Cuộc thi viết “Tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ tỉnh, giai đoạn 1930 - 2020” thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!

----

Tham luận của  đồng chí Võ Văn Hào, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh tại buổi Tọa đàm “Tự hào 90 năm truyền thống vẻ vang của Đảng bộ Quảng Ngãi” và tổng kết Cuộc thi viết “Tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 1930 - 2020” được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức vào sáng ngày 31/01/2020.